Du lịch Bali-Indonesia - Dân Làm Báo

Du lịch Bali-Indonesia

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Nhìn người lại nghĩ đến ta, nước CHXHVN có phải là đất nước của thần thánh? Mặc dù các đảng viên CS theo chủ nghĩa duy vật, vẫn ngăn cấm tự do tôn giáo, nhưng bản thân người CS rất thích thần thánh. Ông thánh cao cấp nhất nước có tên tuổi, râu tóc đàng hoàng là ông thánh “sếp sòng” hay thánh “Đại ca”. Ông thánh chết nhăn răng rồi nhưng người ta tốn bao nhiêu tiền để ướp xác, nơi giữ xác chết. Tượng ông thánh Đại ca được đặt ở mọi nơi, nhưng khác Bali, tượng Đại ca không được đặt ở nơi nghèo nàn, dơ bẩn. 

*

Indonesia là một đảo quốc lớn nhất thế giới với hơn 17000 đảo, dân số hơn 260 triệu với hơn 87% theo đạo hồi. Bali là một đảo nhỏ của Indonesia, diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 5700 Km2, dân số khoảng 4 triệu 3. Tuy vậy Bali nổi tiếng thế giới là nơi du lịch, mỗi năm đón hơn 6 triệu khách các nước ngoài. Du khách Tàu lục địa, chiếm khoảng 22%, thường đi theo đoàn, được tổ chức như một đại đội quân du lịch có chỉ huy trưởng. Du khách từ Úc, khoảng 19 % Ấn độ khoảng 7%,... Mỹ khoảng 5%,... thường đi riêng rẽ với phương tiện di chuyển được người trẻ tuổi ưa thích là xe gắn máy. 

Bali có nhiều bãi biển đẹp, những ngọn núi lửa hùng vĩ vẫn còn hoạt động. Du khách nước ngoài thường chọn đến các bãi biển phía Nam của đảo như khu Kuta ồn ào tấp nập cho người trẻ tuổi, khu Nusa Dua với các nơi nghỉ dưỡng sang trọng, vắng vẻ cho người đứng tuổi đi với gia đình. Nằm khoảng giữa đảo là cao nguyên Ubud với các hẻm vực núi rừng nhiệt đới, thác nước... thích hợp cho người thích phiêu lưu tìm cảm giác mạnh như đu giây, chạy xe quad bike bay qua dốc đất, qua suối... hay đi lên các ngọn núi, đương nhiên phải là núi lửa để về khoe bạn bè mới oai. Với cảnh trí thiên nhiên đa dạng, nhiều nơi đẹp một cách kỳ lạ, huyền hoặc như trong truyện thần thoại, Bali được gọi là đảo thiên đường, đảo tình yêu... 

Lướt trên mạng có vô số bài viết, hình ảnh về Bali, chủ yếu về cảnh đẹp thiên nhiên, khách sạn, ẩm thực, giải trí... Trong bài viết này chỉ xin chú trọng vài điều lạ về văn hóa, lịch sử, chính trị của Bali. 

1. Bali, đất nước Hindu trong một quốc gia Hồi giáo:

Hơn 80% dân Bali theo đạo Hindu, lại nằm trong lòng một quốc gia Hồi giáo lớn nhất trên thế giới, có phải là chuyện lạ?

Từ khoảng thế kỉ thứ 1 đến thế kỷ 10, là thời thịnh trị của các triều đại Hindu ở Indo với văn hóa, kiến trúc, chính trị bắt nguồn từ Ấn độ. Sau thế kỷ thứ 10, đạo Hồi bắt đầu truyền vào Indo. Đến thế kỷ thứ 13 vương quốc Hồi giáo hoàn toàn chinh phục được cả nước. Cả vua, triều đình, thần dân Hindu phải bỏ chạy sang Bali để còn tồn tại đến ngày nay. Câu hỏi “Tại sao đất nước Hindu như Bali có thể tồn tại hơn 800 năm qua trong đất nước Hồi giáo?”... Không có câu trả lời thỏa đáng! Có lẽ đạo Hồi ở Indo “hiền”quá chăng? Tại nể nang dù sao Hindu cũng là đạo tổ tiên mình? Tại chưa học tập chính sách "nhỏ cỏ phải nhổ tận rễ ”như các triều đại vua chúa bên Tàu? Chưa học cách “vừa đánh vừa đàm” rồi bắt kẻ thua trận đi “trại tập trung học tập cải tạo”?

2. Bali, đảo của thần thánh (island of Gods)

Khác với vài giáo phái Hindu ở Ấn độ chỉ thờ một vị thần, Bali có nhiều thần. Nhiều tượng thần thánh, linh vật, ông ác, ông thiện... ở khắp mọi nơi, từ nơi sang trọng đến một hốc hẻm lầy lội. Đền thờ thì vô số, từ đền thờ cho công chúng đến đền thờ tư nhân (người ta xây cất nhà ở mình như một đền thờ). Mỗi ngày trên vỉa hè trước nhà hoặc trên xe, người Bali thường đặt một cái đĩa bằng lá cây, trong đĩa có vài bông hoa, vài loại cây trái nhỏ chứng tỏ lòng thành kính. Đương nhiên không ai biết rõ tên tuổi, mặt mũi rõ ràng của thần thánh, nhưng về phương diện tâm linh, dáng vẻ của người trần thế có gì đáng quan tâm?

Nhìn người lại nghĩ đến ta, nước CHXHVN có phải là đất nước của thần thánh? Mặc dù các đảng viên CS theo chủ nghĩa duy vật, vẫn ngăn cấm tự do tôn giáo, nhưng bản thân người CS rất thích thần thánh. Ông thánh cao cấp nhất nước có tên tuổi, râu tóc đàng hoàng là ông thánh “sếp sòng” hay thánh “Đại ca”. Ông thánh chết nhăn răng rồi nhưng người ta tốn bao nhiêu tiền để ướp xác, nơi giữ xác chết. Tượng ông thánh Đại ca được đặt ở mọi nơi, nhưng khác Bali, tượng Đại ca không được đặt ở nơi nghèo nàn, dơ bẩn. 

Khi khu du lịch giải trí khổng lồ Đại Nam Tàu Phù của Dũng Lò Vôi ở Bình Dương khánh thành, nhiều đảng viên CS thắc mắc khi thăm đền thờ kiểu Tàu “Tại sao tương thánh Đại ca lại đặt dưới tượng Phật?”. Thế là người ta vội vàng chế biến đưa tượng thánh Đại ca lên ngang tượng Phật. Đương nhiên dưới tượng thánh Đại ca là các hình tượng thần đàn em. 

Đền thờ khu Đại nam nơi đảng CSVN nhào trộn tôn giáo và chính trị, cũng là nơi thể hiện lòng tham vô độ của kẻ thống trị. Khi sống thì duy vật muốn thâu tóm quyền lực, hà hiếp dân lành; đến khi sắp chết hay đang chết thì duy tâm muốn thành thánh thần được lên cõi tiên, được thờ cúng. 

3. Bali và puputan:

Tại Bali có tượng đài “”PUPUTAN””, để kỷ niệm cái chết người Hindu dưới thời thực dân Hà Lan. 

Puputan (chiến đấu đến chết, fight to the death) xẩy ra khi quân Hà Lan tiến chiếm Bali năm 1906 tại thủ đô Denpasar. Khoảng 1000 người Hindu dẫn đầu bởi một vị vua. Tất cả quấn ngang người vải trắng, tay cầm con dao nhỏ. Khi đối diện với quân Hà lan có trang bị đủ loại súng lớn, súng nhỏ, người Hindu dừng bước. Sau khi lâm râm cầu nguyện và qua một thủ tục tôn giáo, vị vua để lộ ngực trần ra và một giáo sĩ đâm con dao nhọn vào ngay tim. Trong đám đông có người đâm dao tự sát, nhiều người, kể cả các phụ nữ ôm con trước ngực, một tay cầm dao từ từ, lặng lẽ tiến đến quân xâm lược, và tiếng súng bắt đầu nổ... Theo lời viết lại của một bác sĩ Hà Lan, khung cảnh kỳ lạ khiến quân Hà Lan hoảng sợ và họ nổ súng bừa bãi, xác người chồng chất... Người Bali đã tự nguyện chọn cái chết thay vì được sống nhưng phải chịu sự nô lệ, áp bức. 

Puputan là nguồn cảm hứng cho các cuộc đấu tranh dành độc lập của người Indo. Nhiều kháng chiến quân đã chiến đấu đến người chỉ huy, đến người lính cuối cùng bị giết chết. 

Indo cũng như Việt Nam, trong thế chiến thứ hai, quân Hà Lan sau hơn 300 năm cai trị Indo bị quân Nhật đánh bại. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, quân Hà Lan trở lại Indo, y như quân Pháp trở lại Đông Dương. Sukarno, xem như dân Bali vì có mẹ là người Bali, được chọn là lãnh tụ Indo, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Hà Lan-Anh. Trong cuộc kháng chiến, dân Indo được sự hổ trợ của khoảng 3000 lính Nhật, thay vì đầu hàng, đã đầu quân vào hàng ngũ kháng chiến. Có lẽ lính Nhật thấy tinh thần Puputan cũng giông giống Kamikaze, hay tự sát bằng cách mổ bụng của võ sĩ đạo Nhật nên có cảm tình chăng?

Cuộc chiến dành độc lập dai dẳng, tốn kém và thời thực dân đã cáo chung nên năm 1949 Hà Lan phải đồng ý trao trả độc lập cho Indo. 

4. Bali và Indo sau khi dành độc lập:

Sukarno người có công lớn trong dành độc lập được bầu làm tổng thống của nước cộng hòa Indonesia. Tuy không phải lả người cộng sản nhưng chính sách của ông như đi hai hàng giữa khối tự do và khối cộng trong chiến tranh lạnh. Indo nhận nhiều viện trợ của Mỹ về kinh tế nhưng lại đi bắt tay Bắc King, Liên xô, rút Indo ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Trong nước ông cho đảng cộng sản Indo PKI hoạt động và ủng hộ lực lượng vũ trang nhân dân, cung cấp súng và huấn luyện quân sự cho công nhân, nông dân. Sau hơn hai thập niên nắm quyền, kể từ 1945 đến 1965, càng ngày Sukarno càng thiên tả, đưa ra nhiều chính sách gây bất mãn cho giới quân nhân và nhất là người Hồi giáo. 

Sau sự kiện 6 tướng lãnh quân đội bị giết chết, xác bị quăng xuống giếng nước, cùng lúc xẩy ra việc “cải cách 30 tháng 9" (30 September Movement) vào năm 1965, tướng Suharto lên nắm quyền quân đội. Suharto ra lệnh quân đội tái lập trật tự mới. Nhiều lãnh tụ đảng cộng sản Indo PKI bị giết. Toàn đất nước Indo rộ lên phong trào “diệt cộng”, Indo rơi vào cơn khủng hoảng. Khoảng 100. 000 đến hai triệu người bị giết chết trong giai đoạn này. Các làng xã người ta tự kết tội kẻ thân cộng, chặt đầu, treo trên ngọn giáo để diễu hành. Không cần đến tòa án đương nhiên có nhiều người bị giết oan. 

Toàn cõi Indo chỉ riêng ở Bali, quân đội đã can thiệp để tình hình không trở nên quá tồi tệ. 

Người hùng Sukarno, người được nhiều lãnh tụ thế giới ca ngợi là lãnh tụ duy nhất ở Á châu đã đoàn kết dân, hòa hợp mọi sắc dân các đảo của Indo để chiến thắng trong cuộc chiến dành độc lập từ thực dân, đã qua đời một cách lặng lẽ năm 1970 sau ba năm bị quản thúc. Đảng cộng sản Indo PKI cũng hoàn toàn bị triệt tiêu. Chính trị gia không phải là một ông thánh nên không phải tất cả hành động đều đúng. Sukarno có công trong việc dành độc lập và dân chủ cho Indo, nhưng việc nắm quyền quá lâu và không hiểu biết nhiều về chủ nghĩa độc tài thống trị của cộng sản, ông đã có những bước đi sai lầm. 

5. Vua Bali:

Indo và Bali là vương quốc đã truyền qua bao nhiêu đời nên đến hiện tại vẫn có nhiều Vua. Dù Indo đã trở thành nước cộng hòa, không công nhận tước hiệu Vua ở các vùng lãnh thổ, nhưng chính quyền vẫn không ngăn cấm và dân chúng cũng khoái có Vua mặc cho Vua không có tí quyền hành nào và tự kiếm sống. 

Bali có khoảng 10 ông Vua. Người Bali khen ông King ở Ubud tốt, làm ăn đàng hoàng, dân cảm mến. Trong khi ông King ở Denpasar bị dân chê là sống bê bối, cờ bạc, nợ lung tung, Vua nợ thì ráng mà chịu, "thần dân” chẳng một ai chịu cho vua tiền. 

Làm vua thế kỉ 21 này khổ lắm, ngay đến cả hoàng gia Anh lúc nào cũng bị truyền thông kìm kẹp, theo dõi chặt chẽ. Thời nay làm TBT đảng CSVN là sướng nhất, nói ra điều gì đúng sai mọi người đều phải tung hô, có làm gì bậy bạ thần dân ai dám thì thầm. Chỉ có một điều không bằng vua ở Bali là TBT không có ngai vàng để ngồi cho có hách hơn. Chính vì thế có chuyện một ông cựu TBT có ngai vàng dấu kín ở nhà để hưởng trọn vẹn mọi thứ vui sướng trên đời. Thật ra thần dân có ai dám hó hé gì đâu, cớ sao sống mà cố dấu diếm như một kẻ chuyên nghề trộm cắp, đạo chích như thế?

6. Bali và ngày bầu cử sắp diễn ra:

Ở Bali, ta có thể mướn xe cùng tài xế, mướn nửa ngày khoảng dưới 30 đô, nguyên ngày khoảng 50 đô. Anh tài xế Bali cho biết anh học tiếng Anh nhờ tiếp xúc với các du khách nước ngoài, một kiểu cách như Jack Ma ông chủ Alibaba. Anh cho biết “Tôi không thích nói đến chính trị vì đây là nguyên nhân hay đưa đến cãi vả trong gia đình”. Anh ta làm tôi nhớ thời ông Bush con làm Tổng thống Mỹ, có hai vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị vì một người ủng hộ Bush, một người chống. Đấy là chuyện xảy ra trong một nước dân chủ, tự do, mỗi người tùy hoàn cảnh, nhận thức riêng có chính kiến khác nhau, nhưng tất cả đều phải nằm trong khuôn khổ luật pháp dân chủ, không trở thành kẻ cuồng tín. 

Khi tôi hỏi về các lá cờ có màu vàng hay đỏ treo bên đường, anh tài xế quên mất là mình không thích nói đến chính trị, anh hăng hái giải thích cờ treo đấy là cờ các đảng chính trị. Thí dụ cờ màu đỏ có hinh đầu bò là cờ đảng “Đấu tranh dân chủ Indo PDI-P” của đương kiêm Tổng Thống Joko Widodo (Jokowi). Anh cho biết dân Bali đa số ủng hộ ông Jokowi nhiệm kỳ thứ hai trong bầu cử tới ngày 17/4/2019 vì ông này làm được việc tốt. Ông đã đưa ra nhiều sắc luật hợp lòng dân như bãi bỏ thuế đất cho nhà của dân. 

Anh chê bai Suharto và đảng của ông ta. Thay thế Sukarno nắm quyền Tổng Thống từ 1968 dến 1998, Suharto là quân nhân nắm trọn binh quyền. Để củng cố quyền hành trong hơn 30 năm dài, ông trở thành nhà độc tài và tham nhũng xảy ra tràn lan ở nhiều cấp. Riêng gia đình Suharto nắm bao nhiêu tài sản của Indo trị giá hàng tỉ tỉ đô la. Sau khi phải từ chức và sau nhiều vụ điều tra về tham nhũng cũng như có thời gian bị giam lỏng, bị vào bệnh viện trị bệnh (stress, stroke... ), Suharto qua đời năm 2008. Đến hiện tại, công và tội của Suharto đối với đất nước vẫn còn là vấn đề tranh cãi và một câu hỏi đặt ra: "Nếu không có Suharto, để đảng cộng sản PKI lớn mạnh nhờ bắt tay với Tàu, Indo liệu có được như ngày nay?"

Theo các thăm dò cuộc bầu cử 17/4 sẽ rất sít sao, không chắc Jokowi sẽ thắng. Anh tài xế người Bali hàng đêm cầu nguyện cho ông Jokowi và hồi hộp chờ đợi, Chuyện rất bình thường trên các nước trên thế giới. Chỉ riêng VN, không cần ai đi bầu, mọi người đều biết trước kết quả!

Indonesia có tổng số GDP đứng hàng thứ 16. Trong 10 năm tới có thể vào Top 10 các nước có nền kinh tế lớn, cũng tùy thuộc vào ai là Tổng Thống Indo? Đa đảng, dân chủ một tiến trình không thể đảo ngược trong một xã hội văn minh, Indo đi trước Việt nam khá xa, Indo chỉ cần tập trung sự cải cách kinh tế mạnh với sự trọng dụng mọi tài năng. Khuyết điểm của Indo là sự quấy rối của nhóm Hồi giáo cực đoan và là một đảo quốc nên sự phát triển các đảo nhỏ, ít dân, sẽ bị hạn chế. 

Tôi bước đi ở Bali, không khí ngột ngạt do nóng và ẩm, nhưng vẫn cảm thấy êm ấm của sự tự do, người dân Bali tự do thờ cúng, tự do bầu cử… ngay cả thánh thần cũng có tự do ở mọi nơi, không chỉ cần ở trong các đền thờ. Bali một đất nước kì lạ nhưng dễ mến, dễ thương. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo