Về một câu chuyện cũ - Dân Làm Báo

Về một câu chuyện cũ

Mẹ Nấm (Danlambao) - Câu chuyện này của Quỳnh, rồi sẽ cũ, như hàng trăm ngàn câu chuyện trong tù khác. Và Quỳnh viết lại, để những người như Phan Binh Dương, Đỗ Bảo Liêm. Lê Quang Anh Văn, Nguyễn Xuân Phong soi lại thứ “lý tưởng” của họ. Và đây cũng là câu trả lời cho riêng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm rằng chế độ trại giam ở Việt Nam không "sướng" như ông tuyên bố trên báo chí. Tiêu chuẩn “sướng” có lẽ chỉ nên gói gọn trong nhóm tù nhân tham nhũng, lũng đoạn kinh tế đất nước, và các tù nhân có nguồn gốc từ tập đoàn tội ác mang tên cộng sản mà thôi.

Hồi đó mẹ đi thăm Quỳnh mẹ viết như sau:

Chuyện lần thứ 14 về việc gửi thực phẩm cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngày 17-04-2017:

Như thường lệ cứ hai tuần tôi lại đi gửi thực phẩm cho con gái tôi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào thứ hai đầu tuần. Cũng như mọi lần khác tôi hoàn toàn không được gặp Quỳnh, không được biết tình trạng sức khỏe, tinh thần của con tôi ra sao.

Lần này tôi đã đưa cho công an để chuyển cho con tôi những thứ sau:

1. Tiền mặt 800.000
2. Ruốc thịt
3. Cá kho
4. Cá chiên
5. Chả lụa
6. Trứng luộc
7- Chanh tỏi ớt
8- Một ít thuốc vitamin sủi C.

Sau khi gửi xong tôi đi về và nghỉ rằng con tôi đã nhận toàn bộ những gì tôi gửi cho con như lời giải thích của an ninh điều tra thường hay nói với tôi. Nhưng khoảng 9h30' sáng ngày hôm sau, 18-04-2017, hai công an tỉnh Khánh Hòa đã đến nhà tôi yêu cầu tôi phải đến trại Tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa để nhận lại tất cả các thực phẩm mà tôi đã gửi cho Quỳnh ngày hôm qua.

Lý do của họ là: Con tôi không được phép nhận những viên vitamin sủi C vì đó là thuốc. Và con tôi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với họ rằng nếu đã cho gửi vào thì con tôi phải nhận đủ, nếu không thì con tôi từ chối nhận tất cả thực phẩm, kể cả tiền. Vì vậy họ đến nhà tôi để yêu cầu tôi đến trại giam của công an để nhận lại số thực phẩm, vitamin và tiền nói trên.

Tôi đã từ chối lời yêu cầu này vì những người đang bị giam giữ như con tôi được phép nhận viên sủi vitamin C thì tại sao con tôi không được phép. Tôi đề nghị sẽ thay một hộp viên sủi C mới chưa khui nhưng họ không đồng ý. Họ bảo nếu tôi không nhận lại họ sẽ làm biên bản tiêu hủy số thực phẩm trên. Tôi trả lời tùy họ.

Tôi có hỏi “những người đang bị giam giữ ở đây họ được phép nhận vitamin C sủi sao con tôi không được? sao con tôi bị phân biệt đối xử như thế này...?

Họ trả lời sẽ làm việc lại vói Trại giam về vấn đề này. Tôi thiết nghĩ Trại giam họ rất chú trọng vấn đề sức khỏe cho người bị giam giữ, đã cho thân nhân gửi Vitamin C cho người thân họ để bảo đảm sức khỏe. Nay vì vấn đề con tôi họ tác động đến Trại giam để ảnh hưởng đến những người khác thật là quá bất công và không minh bạch

Hai tuần nữa tôi mới được gửi thực phẩm tiếp theo cho con tôi. Nhưng lần kế tiếp lại rơi vào ngày nghỉ lễ 1-5, nên thành ra thời gian là 3 tuần tôi mới được gửi thực phẩm tiếp.


Tôi rất lo lắng cho tình trạng của con tôi vì đã hơn 6 tháng nay tôi không hề có một tin tức gì về con tôi. Nay con tôi như thế này, thì tôi rất bất an, không biết có phải đây là lần thứ hai con tôi tuyệt thực để phản đối những bất công của Công an Khánh Hòa đã đối xử với con tôi hay không!?”

Thực tế là:

Mẹ Quỳnh phải mang đồ thăm nuôi đến trại giam Sông Lô, sau đó, PA92 cử người đến nhận đem vô trại Cam Lâm cho Quỳnh.

Chính vì vậy có tình trạng đồ ăn sáng gửi, chiều mới nhận.

Tệ hơn là ngày hôm trước gửi, hôm sau mới nhận ví dụ: lần thăm nuôi ngày 6/2/2017, Lê Quang Anh Văn và Đỗ Bảo Liêm trực tiếp cầm vào cho Quỳnh khi hỏi cung. Quỳnh thắc mắc sao không thăm đúng ngày thì nói do “mẹ của đồng chí Phong (Phong “già”, nhà ở Nguyễn Thị Định) qua đời nên chúng tôi sắp xếp đi viếng rồi vào thăm chị”.

Quỳnh cứ im lặng, để coi vở kịch diễn ra tới đâu.

Trước đó, vài lần, toàn bộ thức ăn đình gửi đều bị công an ăn cắp hết hơn một nửa.

Đến lần thăm nuôi thứ 14 (ngày 17/4/2017) nói trên, khi công an đem đồ nhà gửi vào cho Quỳnh. Quỳnh đọc thấy trên giấy có hai ba món đồ ăn bị gạch, Quỳnh hỏi tại sao bị trả lại?! Công an nói:

- Ngoài kia trả lại tôi không biết!

Vậy là Quỳnh đưa nguyên túi đồ ra khỏi ô thông gió buồng giam:

- Vậy đem hết đồ ra đi, trả lời với người nhà tôi không nhận.

Công an trực ban đứng sững lại nhìn Quỳnh, sau đó xách túi đồ đi ra 

5 phút sau, công an Cao Văn Lâm - người trực tiếp trả đồ của Quỳnh đi vô. Lâm bắt đầu gằn giọng:

- Chị Quỳnh, để tôi giải thích cho chị, theo quy định của Bộ Công an, tiêu chuẩn thăm nuôi của mỗi người là 60 ngàn/lần, gấp 3 lần khẩu ăn thường ngày. Chúng tôi cho chị nhận vậy là quá quy định rồi. Chỉ trả lại mấy món, sao chị không nhận thực phẩm?! Đây là quyền lợi của chị....” Lâm nói dài lắm.

Quỳnh đợi Lâm nói xong thì trả lời:

- Cán bộ nói xong chưa? Nói xong rồi đến phiên tôi nói. Đây không phải lần đầu tiên đồ nhà tôi gửi bị trả lại vô lý, tôi không cần biết quy định gì hết, những đồ nhà tôi gửi hôm nay trước đây đều gửi được. Nếu không kiểm tra được thì không nhận ngay từ đầu, đồ tôi do điều tra mang vô chứ có phải người nhà tôi mang vô đâu sao vô đến đây rồi trả lại?! Tôi không nhận, cán bộ thích thì đem ra ăn hết đi. 

Lâm cầm túi đồ đi ra. Cả dãy nam khu A xôn xao.

Chừng 5 phút sau, Cao Văn Lâm và Trương Minh Loan, cùng 2 công an khác đi vô. 

Đến lượt công an Loan nói:

- Chị Quỳnh, theo tôi thì đây là quyền lợi của chị, sao chị không nhận đồ ăn. Không nhận lấy gì ăn.

Quỳnh im lặng. Lâm lại gầm lên:

- Chị không nhận tụi tui lập biên bản.

- Cán bộ thích thì cứ lập, nhớ viết cho đúng sự thật. Quỳnh trả lời.

Cả nhóm xách túi đồ đi ra, dãy A bên kia bắt đầu rì rầm rì rầm.

10 phút sau có tiếng thông báo:

- Chị Quỳnh ra ngoài làm việc với cán bộ. 

Cửa phòng giam mở, họ mang ghế vào tận cửa phòng ngồi ghi biên bản. “Biên bản về việc không nhận đồ thăm nuôi” được ghi sơ sài, không hề có lý do, trình tự gì. Để họ ghi xong, ký xong, Quỳnh nói:

- Ai lập biên bản thì tự ký, tự kêu người làm chứng, tôi không ký.

Công an Loan đã biết tính Quỳnh nên không nói gì lặng lẽ đi ra. Cao Văn Lâm đi vào, mặt mày hùng hổ:

- Tại sao chị không ký? Cán bộ lập biên bản chị phải ký.

Quỳnh cứ đứng đó cười, không trả lời. Thấy không ăn thua, Lâm quay qua người cùng phòng với Quỳnh nói:

- Chị Thiện ký đi, chị Quỳnh không ký thì chị ký làm chứng.

Bạn tù của Quỳnh trả lời:

- Chuyện của cán bộ với bà Quỳnh là chuyện của cán bộ với bả, tui có biết gì đâu mà kêu tui ký. Tui không ký đâu.

Quỳnh nhịn không được nên cười thành tiếng. Lâm tức tối hét to:

- Tự giác đâu, vô đây, vô đây ký làm chứng. 

Một người tù tự quản khác đi vô, đứng nhìn Quỳnh sững sỡ, công an nói ký chỗ nào họ ký chỗ đó không cần đọc, không cần biết chuyện gì xảy ra.

5 phút sau, cửa đóng, cửa khu trại giam cũng đóng. Bên ngoài thật im ắng.

Bên dãy nam bắt đầu lào xào:

- Sao vậy? Sao Quỳnh bị gì mà cán bộ nạt to vậy? 

Có bạn gọi cho Nai (lúc này bị kỷ luật giam trên lầu) thông báo:

- Nai ơi, Quỳnh nó bị gì á! Thấy cán bộ ra vô rồi cầm túi đồ của em nó đi ra. Hình như em nó không được thăm nuôi giống mày. 

Ai cũng thấy lo lắng và tội cho Quỳnh. 

Biết là không thể giải thích gì hơn, Quỳnh chỉ nói thật to cho các bạn yên tâm:

- Quỳnh không sao, không thích nhận thì không nhận đồ người nhà gửi thôi.

Có lẽ, sẽ không ai hiểu được, với những người tù, việc gia đình tiếp tế thực phẩm là rất quan trọng. Chính vì thế công an hay ăn cướp, ăn giựt, ăn chặn cả đồ ăn của tù nhân và ăn hối lộ cả từ phía người nhà.

Và Quỳnh cũng biết, khi Quỳnh trả lại toàn bộ đồ thăm nuôi, gia đình Quỳnh sẽ hiểu là đã có chuyện xảy ra và Quỳnh buộc phải phản kháng.

Câu chuyện Quỳnh trả lại đồ thăm nuôi sớm lan truyền khắp trại. Hai ngày sau khi đưa Quỳnh ra đi cung, công an Nguyễn Quang Tuyên hỏi:

- Sao vậy chị Quỳnh, tui nghe hôm trước chị trả đồ lại. Sao vậy? Quyền lợi của mình mà.

- Có sao đâu cán bộ, tôi thấy lạm quyền quá thì tôi phản đối thôi. Đây đâu phải lần đầu tiên tôi bị trả đồ vô lý đâu. Cán bộ Lâm cần học luật và cư xử cho đúng với tôi.

Tuyên im lặng.

Cao Văn Lâm, là công an đi nghĩa vụ ở trại giam CA tỉnh Khánh Hoà 2 năm, rồi học thêm chuyên ngành nên về làm tại trại giam CA huyện Cam Lâm. Lâm quê gốc ở Phan Rang, lấy vợ ở huyện Cam Đức. Vì có tý nghiệp vụ nên Lâm được giao phụ trách công việc căng tin cho tù nhân, và thực phẩm đồ dùng được bán với giá trên trời dưới đất, gấp hơn từ 3-7 lần so với giá thị trường. Cao Văn Lâm cũng là công an đánh người trong trại giam nhiều nhất.

Câu chuyện này của Quỳnh, rồi sẽ cũ, như hàng trăm ngàn câu chuyện trong tù khác. Và Quỳnh viết lại, để những người như Phan Binh Dương, Đỗ Bảo Liêm. Lê Quang Anh Văn, Nguyễn Xuân Phong soi lại thứ “lý tưởng” của họ.

Và đây cũng là câu trả lời cho riêng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm rằng chế độ trại giam ở Việt Nam không "sướng" như ông tuyên bố trên báo chí. Tiêu chuẩn “sướng” có lẽ chỉ nên gói gọn trong nhóm tù nhân tham nhũng, lũng đoạn kinh tế đất nước, và các tù nhân có nguồn gốc từ tập đoàn tội ác mang tên cộng sản mà thôi.

Ảnh giấy thăm nuôi ngày 6/2/2017, vì Lê Quang Anh Văn và Đỗ Bảo Liêm mang đồ vô trại Cam Lâm trễ một ngày, và do Mẹ hỏi Quỳnh đã nhận được Kinh Thánh và Thánh Ca chưa nên phải xài giấy photo

Ảnh giấy thăm nuôi ngày 6/2/2017, vì Lê Quang Anh Văn và Đỗ Bảo Liêm mang đồ vô trại Cam Lâm trễ một ngày, và do Mẹ hỏi Quỳnh đã nhận được Kinh Thánh và Thánh Ca chưa nên phải xài giấy photo.

Ảnh giấy thăm nuôi ngày 6/2/2017, vì Lê Quang Anh Văn và Đỗ Bảo Liêm mang đồ vô trại Cam Lâm trễ một ngày, và do Mẹ hỏi Quỳnh đã nhận được Kinh Thánh và Thánh Ca chưa nên phải xài giấy photo

20.04.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo