Formosa, môi trường vẫn nhiễm bẩn - Dân Làm Báo

Formosa, môi trường vẫn nhiễm bẩn

Sơn Nghị (Danlambao) - Sự kiện tập đoàn Formosa xả chất thải nhiễm độc dọc theo bờ biển miền Trung từ năm 2016 đến nay vẫn còn là một sự kiện nóng bỏng. Nó vẫn sôi sục chỉ vì sự đền bù không được rõ ràng. Nó vẫn sùng sục như lò thuốc súng chỉ vì Formosa vẫn trắng trợn xả những chất độc hại ra bờ biển dưới sự bao che của nhà cầm quyền cộng sản. Cá vẫn nằm chết trắng xóa dọc theo chiều dài bờ biển. Những người tranh đấu cho quyền lợi của ngư dân vẫn bị bắt bớ và cầm tù một cách oan ức. Ngay chính những ngư dân chính thức cầm đơn kiện lên các tòa án Huyện, Tỉnh, vẫn bị bắt bớ và trù dập. 

Vậy làm thế nào để tìm công lý cho những nạn nhân Formosa đây?

Hội “Công lý cho Nạn nhân Formosa”, (Justice for Formosa Victims, JfFV) tập hợp một nhóm người ưu tư về sự đền bù cho các nạn nhân Formosa chưa được giải quyết thỏa đáng, kể cả vùng biển miền Trung vẫn bị ô nhiễm mà tập đoàn Formosa không hề một lần bàn thảo đúng đắn với nhà cầm quyền cộng sản VN, và những người lên tiếng bênh vực cho những nạn nhân Formosa bị bêu rếu và áp đặt một bản án tù giam vô lý, đã chính thức đứng ra đại diện cho các nạn nhân liên quan đến Formosa và đâm đơn kiện lên các tòa án tại Đài Loan, Nữu Ước (Hoa kỳ), và tuơng lai tại La Hague (Hòa lan). 

Vụ khiếu kiện được tiến hành từng bước với sự tham khảo về pháp lý của nhiều tổ hợp Luật sư tại Canada và Đài loan; trong đó có hai tổ hợp Luật sư là Quỹ Bảo Vệ Quyền Môi Trường (Environmental Rights Foundation - ERF) và Hội Luật Sư Bảo Vệ Môi Trường (Environmental Jurist Association) đặt trụ sở tại Đài Loan. 

Vào tháng 4/2016, Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Việt nam (FHS) bị phát hiện xả thải chất độc hại vào vùng biển dài 250km thuộc 4 tỉnh Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, và Thừa thiên - Huế thuộc miền Trung. Ngay sau đó, nhà cầm quyên CS Việt Nam chính thức cấm đánh bắt cá dọc theo bờ biển, và vùng biển cách xa bờ 20 hải lý. Số lượng cá chết và phải loại bỏ vì nhiễm độc lên đến 322 tấn trong 3 tháng từ 6/2016 đến 9/2016. Ngư nghiệp chiếm gần 20% tổng sản lượng quốc gia nên một khi hải sản bị loại bỏ từng ấy trọng lượng cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của Việt nam. Nhưng quan trọng nhất vẫn là đời sống kinh tế của hàng trăm nghìn ngư dân thuộc 4 tỉnh kể trên bị sa sút nghiêm trọng. Một số ngư phủ phải bỏ nghề đánh bắt cá, kiếm nghề khác - không có một chút tay nghề - để sinh tồn. Một số khác phải mượn nợ để giúp gia đình cầm hơi. Nhiều cảnh thương tâm như gia đình chị Trần Thị Hảo, nghề bán cá, hai đứa con phải bỏ học để giúp mẹ kiếm sống, vì cả nhà kiếm không đủ ăn. Gia đình anh Trần Đình Thái, chủ hãng nước nắm, đành phải bỏ nghề vì không còn cá để sản xuất nước mắm; chưa kể người dân quanh vùng cũng không dám dùng nước mắm chỉ vì cá bị ngộ độc. Và còn nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn chỉ vì thảm họa do nhà máy Formosa gây ra. 

Đúng ra, vào ngày 30/6/2016, công ty Formosa đã nhận lỗi xả thải và đền bù 500 triệu Mỹ kim qua nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Cho đến nay, số người được bồi thường quá ít, và số tiền bồi thường chẳng là bao so với tình trạng nợ nần từ vay mượn để nuôi sống gia đình trong những năm qua. Trường hợp điển hình, gia đình anh Paul Nguyễn Dương nhận được tiền bồi thường 50 triệu đồng ($2430 USD) chỉ vừa đủ trả nợ. Số tiền đền bù thật ra còn nhiều uẩn khúc. Uẩn khúc ở chỗ còn rất nhiều bí ẩn về số tiền 500 triệu Mỹ kim vì chưa ai thấy một chứng từ nào, từ tập đoàn Formosa hoặc phía nhà cầm quyền cộng sản, xác nhận số tiền này. Không ai biết tập đoàn Formosa có thật sự đền bù số tiền 500 triệu Mỹ kim, hoặc giả đây chỉ là một thỏa thuận ngầm giữa hai bên để trấn an dư luận, nhất là để xoa dịu sự phẫn nộ từ phía dân chúng. 

Theo nghiên cứu độc lập của Giáo sư Tiến sĩ Paul Jobin, người Pháp, thuộc Viện Xã hội học, Sinica Academics (Đài Loan), và Đại học Diderot (Ba-lê) được loan báo vào tháng 3/2018 vừa qua cho biết, một số cá nhỏ (nhẹ ký) đã quay trở lại vùng biển bị ô nhiễm. Một ngư dân cho ông biết tuy có một chút cá nhưng sản lượng đánh bắt giảm hẳn, từ 300-400kg hải sản, nay chỉ còn khoảng 60kg. Bán ra không đủ nuôi sống gia đình. Nhiều nhà phải chấp nhận ăn cá hàng ngày trong phập phồng lo sợ về sức khỏe của con cái về sau, vì lẽ họ không biết mức độ nhiễm độc nặng hay nhẹ, khi tin tức bị nhà cầm quyền bưng bít, hoặc loan tin bất nhất. Họ phải chấp nhận ăn cá độc chỉ vì không còn cách nào khác để cầm cự với cuộc sống ngày càng khó khăn. Riêng về khoản đền bù, giáo sư Jobin tiếp xúc kín đáo với người dân trong vùng và ông xác nhận một số rất ít gia đình nhận được tiền bồi thường. Tình trạng ngày càng bi đát thêm vì nhà máy Formosa vẫn tiếp tục xả thải chất độc vào biển. Khi cuộc sống trở nên vô vọng, và không nhận được sự hổ trợ kinh tế nào từ nhà cầm quyền để sống qua ngày, ngư dân bắt đầu biểu tình đòi hỏi công lý và điều làm giáo sư Jobin ngạc nhiên là nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp người dân một cách vô lý và dã man. 

Đài BBC loan tin, hôm 10/5/2019 vừa qua, xác cá chết trôi dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng kéo dài tới hơn 1 km, bốc mùi hôi thối, theo báo Người Lao Động. Vào tháng 4/2018, cũng tại bờ biển này, số cá chết lên tới 2 tấn. Hôm 11/5, cá heo trắng đầu đàn cùng cả đàn ngàn con dạt vào bờ biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, nơi gần nhà máy Formosa. Thông tin này được đăng tải trên báo Thanh Niên nhưng sau đó bị gỡ xuống. Vẫn tại Vũng Áng, tháng 4 năm ngoái, hàng trăm kilô cá, mực nằm chết la liệt trên bờ. Một sự thật không thể chối cãi là đến bây giờ, cá vẫn tiếp tục chết tại khu vực xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh và huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Người ta ước lượng chỉ riêng trong năm 2018, tại Quỳnh Lưu, số cá chết lên tới 1,500 tấn. BBC còn lên tiếng cảnh báo về 900,000 tấn chất thải độc hại đang tồn đọng, và chắc chắn dưới sự bao che của nhà cầm quyền cộng sản, Formosa sẽ thải dần dần ra biển. Môi trường biển miền Trung sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn trong một ngày không xa. 

Những sự kiện hiển nhiên như thế làm đau lòng những ai còn nghĩ đến tiền đồ của dân tộc và thế hệ con cháu mai sau. Họ là những người có cuộc sống bình thường như mọi người, nhưng có trái tim thật phi thường. Vì thế, họ thay mặt ngư dân và mẹ thiên nhiên lên tiếng báo động giới hữu trách trong và ngoài nước. Họ can đảm đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho ngư dân và đúng như họ dự đoán, nhà cầm quyền cộng sản kết án họ với những bản án nặng nề. Anh Hoàng Đức Bình bị bắt và bị nhốt chung (một cách cố ý) với những tay tội phạm hình sự, và bị chúng đánh đập tàn bạo trước khi nhận một bản án 14 năm tù chỉ vì đứng lên đòi hỏi sự đền bù chính đáng. Anh Nguyễn Nam Phong bị một bản án 2 năm tù vì (dám) khiếu kiện lên tòa án huyện. Blogger Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù vì đơn phương mở cuộc điều tra và tường trình lên trang blog cá nhân về sự xả thải chất độc vô trách nhiệm của nhà máy Formosa. Mẹ Nấm cũng bị kết án 10 năm tù chỉ vì lên tiếng báo động về môi trường biển bị ô nhiễm. Họ lên tiếng dùm các nạn nhân và bị trù dập một cách dã man. Tiếng kêu gào của các nạn nhân Formosa bị bóp nghẽn trong uất ức và bất công. Tiếng than van của mẹ thiên nhiên chìm lẫn trong luồng nước độc hại đang giết dần mòn vùng biển miền Trung. 

Hội “Công lý cho Nạn nhân Formosa” đang tìm mọi cách để tiếng gào của biển và tiếng than khóc của các nạn nhân Formosa được thế giới lưu tâm. Một trong những người lưu tâm đến hoạt động của Hội là Đức cha Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Vinh. Vũng Áng, nơi nhà máy Gang Thép của tập đoàn Formosa đang gieo rắc tai ương kinh hoàng cho hàng trăm nghìn ngư dân, thuộc địa phận ngài cai quản. 

Vào đầu tháng 8/2017, Đức cha Nguyễn Thái Hợp đã lặn lội đến Đài Loan để quan sát và tìm hiểu cách làm ăn của tập đoàn Formosa, cũng như gặp các viên chức quan tâm đến môi trường, kể cả các chức sắc của các quốc gia để kêu cứu thay cho các ngư dân. Ngài ráo riết vận động để thế giới hiểu được sự ô nhiễm trầm trọng đang xảy ra tại vùng biển miền Trung, và cuộc sống thoi thóp của cả triệu người dân trong khu vực nhiễm độc do tập đoàn Formosa gây ra. 

Và Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã ủy quyền cho Hội “Công lý cho Nạn nhân Formosa” (https://jffv.org/) đảm nhận sứ mệnh cao cả này. Hội tiếp nhận trọng trách này với 3 mục đích chính: 
Đòi hỏi sự đền bù xứng đáng cho các nạn nhân; 

Đòi hỏi làm sạch các vùng biển bị ô nhiễm; 

Đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản thả ngay các bloggers, nhà báo, ký giả, thường dân, giáo dân… đang bị bỏ tù oan ức chỉ vì lên tiếng về thảm họa Formosa. 

Từng bước nhỏ nhưng chắc chắn, Hội tiến lên và kêu lớn tiếng. Tiếng kêu đầu tiên đề đạt lên Ủy Ban Nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 27 tháng 5, 2019 vừa qua, Tổ hợp luật sư Larochelle Avocats tại Canada; thay mặt Hội đã đưa đơn khiếu nại lên Ủy Ban Nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc, yêu cầu thành lập những tiểu ban để điều tra những sai phạm về môi trường của tập đoàn Formosa. Đơn khiếu nại cũng đề nghị Ủy Ban yêu cầu Formosa phải đền bù xứng đáng cho gần mười nghìn ngư dân và giám sát việc làm sạch môi trường đã bị ô nhiễm trong những năm qua. 

Tiếng gào thứ hai mạnh mẽ hơn, gây được nhiều chú ý từ các giới hữu trách hơn. Ngày 11/6/2019 vừa qua, Hội chính thức khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh tại tòa án Đài Loan, Đài Bắc. Trong đơn kiện, Hội yêu cầu số tiền đền bù là $4,4 triệu đô cho 51 hồ sơ trong đợt cứu xét đầu tiên. Tùy theo mức độ hoàn chỉnh, Hội sẽ đệ trình khoảng 280 hồ sơ trong đợt 2; đợt 3 gồm trên 3,000 hồ sơ và những hồ sơ còn lại trong đợt cuối cùng. Tổng số tiền bồi thường cho 7,875 hồ sơ là trên $600 triệu đô la. Hội cũng tổ chức một cuộc họp báo quốc tế ngay trước Tòa án thành phố Đài Bắc để công khai đòi hỏi tập đoàn Formosa phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các ngư dân, đồng thời phải chịu trách nhiệm làm sạch môi trường biển miền Trung đã và đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Lúc 13:30 chiều cùng ngày, Hội tiến hành một cuộc biểu tình họp báo tại Trụ sở chính của tập đoàn Formosa, trong lúc công ty đang họp cổ đông hàng năm. 

Đơn kiện được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức phi chính phủ (NGO) tranh đấu cho môi trường tại Đài Loan như: Hiệp Hội Theo Dõi và Thực Thi Công Ước Liên Hiệp Quốc (Covenant Watch); Hiệp Hội Thúc Đẩy Nhân Quyền Đài Loan (Taiwan Association for Human Rights - TAHR); Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Di Dân Việt Nam (Vietnamese Migrants and Immigrants Office - VMWIO); Quỹ Bảo Vệ Quyền Môi Trường (Environmental Rights Foundation - ERF); Hội Luật Sư Bảo Vệ Môi Trường (Environmental Jurist Association - EJA). Ngoài ra, giáo sư Paul Jobin (đề cập trên) thuộc Sinica Academics cũng có mặt trong buổi kiện lịch sử này. 

Về phía tôn giáo, một phái đoàn từ Việt Nam hiện diện trong cuộc biểu tình, cổ võ nỗ lực của Hội đòi công lý cho nạn nhân Formosa, gồm Đức Cha Hoàng Đức Oanh và hai linh mục thuộc Giáo phận Vinh và Hà tĩnh, nơi ngư dân bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề nhất; và cũng chính nơi đây, môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, người đòi hỏi và tranh đấu quyền lợi cho các cô dâu Việt và các công nhân Việt lao động tại Đài Loan, hổ trợ phái đoàn khởi kiện từ những ngày đầu. 



Cần nói thêm về số người Việt hiện đang sinh sống và làm ăn tại Đài Loan. Số cô dâu lấy chồng Đài cả trăm nghìn, còn “xuất khẩu” lao động khoảng hai trăm nghìn. Riêng tại Đài Bắc, tổng cộng số cô dâu và công nhân chiếm khoảng một trăm nghìn. Phần lớn cô dâu bị ngược đãi, đối xử tàn tệ trong gia đình chồng. Còn công nhân Việt thường làm việc trong một điều kiện khắc nghiệt, nếu không nói là bị bóc lột. Họ làm việc khổ nhọc - thường 16 tiếng một ngày - để đủ tiền trả món nợ từ $7-10 nghìn qua môi giới (nộp cho nhà cầm quyền Việtnam), và dư dả chút đỉnh giúp gia đình. Khi biết Hội đến tận Đài Bắc để khiếu kiện tập đoàn Formosa, họ nghẹn ngào đến bật khóc. Theo chị Nancy Bùi, Phó Hội đặc trách Ngoại vụ, họ tâm sự: “bọn con cứ tưởng các bác, các cô chú có đời sống an vui ở hải ngoại rồi quên chúng con, không nhớ gì đến quê hương. Khi nghe tin Hội JfFV đâm đơn kiện Formosa, bọn con đến tiếp sức ngay, cho dù phải bỏ vài ngày làm việc.” Đối với những thành viên trong Hội, đây là một phần thưởng tinh thần cao quý nhất từ trước đến nay. 

Bước tiếp theo là tổ hợp luật sư của tổ chức Quốc Tế Quyền Môi Trường (Earth Rights International - ERI) tại New Jersey, Hoa Kỳ sẽ đại diện cho Hội và các nạn nhân Formosa nộp đơn kiện tại tòa án Liên Bang về môi trường tại tiểu bang New Jersey, nơi đặt bản doanh của Công ty Formosa USA. Đây là công ty có cổ phần lớn cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành Công Ty Hưng Nghiệp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh. 

Quỹ của Hội “Công lý cho Nạn nhân Formosa” hiện nay đủ trang trải án phí kiện tụng tại tòa án Đài Loan nhưng những bước kế tiếp Hội rất cần sự tiếp tay của tất cả đồng hương, các hội đoàn, các Mạnh Thường Quân, các thương gia, các nhà bảo trợ hầu thực hiện cho bằng được trọng trách này. 

Gần mười nghìn nạn nhân Fromosa đang cần chúng ta. Cả một môi trường biển dài 250km cần làm sạch đang cậy vào chúng ta. Thế hệ con cháu tương lai hy vọng từ việc làm của chúng ta hôm nay. 

Xin góp một bàn tay vào công việc cao cả này. 

20.06.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo