Hàng không mẫu hạm mới của Pháp quốc - Dân Làm Báo

Hàng không mẫu hạm mới của Pháp quốc

Thành Đỗ (Danlambao) - Tháng 10 năm 2018, bà Florence Parly, bộ trưởng quốc phòng Pháp, chính trị gia thuộc cánh của tổng thống Emmanuel Macron, đã đưa ra hội chợ Hải quân Âu châu Euronaval vài phác họa nghiên cứu sơ khởi về một hàng không mẫu hạm hạt nhân nhằm thay thế chiếc Charles De Gaulle sẽ nghỉ hưu vào 2035-2040.

Bà Parly nói: “Chúng tôi không giới hạn tầm nhìn và sự sáng tạo, nền tảng truyền thống của quân đội Pháp.” 

Lúc đó nhiều ý kiến cho là chân trời 2030 còn khá xa và rất khó để đáp ứng những tiến bộ kỹ thuật mà ngày nay không ai có thể đoán trước là phát triển thế nào. Kỹ thuật nào hay khả năng tác chiến nào sẽ cần thiết cho thập niên sắp đến, nhất là tất cả vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.

Nhưng ngày hôm qua, 09/06/2019, một tiết lộ trong nghiên cứu cụ thể dành riêng cho hội đồng quân sự quốc gia đã được phê chuẩn. Một vài chi tiết của “con quái vật” từ trong sương mù dự thảo đã dần lộ diện ra ánh sáng trước sự thán phục của cả những cường quốc về quân sự. 

Pháp là đất nước độc lập về sáng tạo, có những sáng tạo riêng biệt và thường mở ra con đường mới, trường phái mới, chiến thuật mới với tầm nhìn đi trước thời đại cho các sản phẩm được xem là kiệt tác của khoa học quân sự nước này. 

Với sự thán phục không hề nhỏ, cá nhân tôi cố gắng viết vài hàng về “con quái vật” này đến cộng đồng mạng Việt ngữ để giới thiệu những tiến bộ và sáng tạo khoa học của ngành nghiên cứu quân sự Pháp quốc.

Pháp ít hơn Việt Nam khá nhiều về dân số, nghèo hơn về tài nguyên, không có dầu hỏa hay than đá để đào lên đem bán lỗ, những cánh đồng lúa thì khiêm tốn vì núi non chiếm ½ đất đai trồng trọt, không có khí hậu nhiệt đới mưa thuận gió hòa như Việt Nam để gặt hái, để canh tác bởi khi mùa đông về cả đất nước chỉ còn lại một màu trắng tinh khiết của tuyết và giá lạnh. Nhưng nước Pháp có cái mà nhiều dân tộc khác như Việt Nam không có, đó là bộ óc sáng tạo và sự quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người để góp phần vào sự tự hào chung về đất nước Pháp.

Còn một yếu tố khác nữa cũng ảnh hưởng mạnh đến sự sáng tạo của quân đội Pháp là họ có các anh hàng xóm cũng sáng tạo không ngừng. Đức, Nga và Anh chính là những hàng xóm đôi khi khá hung hăng về quân sự nếu nước Pháp yếu đi. Thế đứng của Pháp có những điểm đồng dạng với thế đứng của Việt Nam sống cạnh anh khổng lồ Trung Hoa hung hăng và tham lam. 

Khi phải sống cạnh những người hàng xóm như thế, nước Pháp buộc phải mạnh mẽ để phát triển quốc gia, khác với Cộng sản Việt Nam chọn con đường thuần phục để được che chở. 

Hàng không mẫu hạm nước Pháp vừa quyết định khởi công thực hiện là loại hàng không mẫu hạm đầu tiên của thế giới không cần đến sự yểm trợ của các khu trục hạm hay tàu ngầm khi phải ra khơi và chiến đấu. Các drones xử dụng IA (Intelligent Artificiel) sẽ được phóng ra và thu hồi lại tuần tự chung quanh mẫu hạm để bảo vệ ngày đêm, dù thời tiết xấu hay khi lâm trận. Ngoài ra, Hàng không mẫu hạm mới này còn cho phép các chiến đấu cơ như Rafale M, hay các loại chiến đấu cơ của quân đội đồng minh xử dụng chung hệ thống phóng EMALS (Electromagnetic Aircraft Launch System) cất cánh và đáp cùng lúc, để nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Chương trình này có tên chung là New Generation Fighter (NGF) thuộc hệ thống không chiến (SCAF - Système combat aérien du future) mà uy lực nằm gọn trong sự độc lập toàn diện của hệ thống thông minh nhân tạo với chiến thuật “bầy đàn” cùng lúc chiến đấu trên không, trên đất và trên biển, được hệ thống vệ tinh quân đội điều khiển từ không gian. Cấu trúc thiết kế dành cho chiếc mẫu hạm này giống như toàn thể quân đội nước Pháp lưu động trên biển với toàn bộ hỏa lực của hải, lục, không quân và không gian, kể cả hạt nhân.

Mẫu hạm đời mới này sẽ hoàn toàn độc lập về năng lượng để hoạt động, hai lò phản ứng hạt nhân 700MW thay vì 2 lần 150MW mang tên K-15 như chiếc Charles de Gaulle hiện nay, hơn nữa, hai lò phản ứng 700MW cũng rất cần thiết cho hệ thống phóng điện từ EMALS, ngốn điện kinh khủng.

Chắc chắn sẽ không có chuyện phải tiếp trợ nhiên liệu mỗi 6 ngày bơi trên biển một lần như mẫu hạm 001 của Trung cộng, tạo nhiều khó khăn cho khâu tiếp trợ nhất là khi thời tiết xấu.

Ngoài ra, hệ thống phóng (Catapult), trang bị trên mẫu hạm mới này sẽ là hệ thống phóng của Pháp, khác với hệ thống phóng hơi nước Catapult C13-3 gốc Mỹ hiện đang xử dụng trên chiếc Charles De Gaulle. Thời điểm đóng chiếc Charles De Gaulle, Pháp chưa thể độc lập về hệ thống phóng hơi nước, ngoài ra Charles De Gaulle sẽ là hàng không mẫu hạm đồng minh, chấp nhận các chiến đấu cơ của Mỹ bay và đáp an toàn cho 100 lượt cất cánh mỗi ngày của F18C và D. 

Hệ thống phóng điện từ EMALS (Electromagnetic Aircraft Launch System) của chiếc mẫu hạm mới này sẽ gần giống như các mẫu hạm Mỹ class General Ford, cho phép phóng các chiến đấu cơ mang nhiều vũ khí hơn, mang cả bình xăng phụ để đạt đến tầm tác chiến ngoài 3000km như Rafale M(*) thế hệ cuối cùng, với đường băng tương đối ngắn giúp máy bay đạt được vận tốc cần thiết để cất cánh. 

Ngày 06/02/2019 tại tổng hành dinh của hãng Safran ở Genevilliers – Pháp quốc, bà Florence Parly, bộ trưởng quốc phòng Pháp và ông Ursula Von Der Leyen, bộ trưởng quốc phòng liên bang Đức đã cùng nhau ra lệnh khởi công chế tạo hàng không mẫu hạm mới sau một thời gian dài âm thầm thử nghiệm thành công chương trình SCAF (Système Combat Aérien du Future).

Các chuyến bay thử có kết quả ngoài mong đợi cho cả ba trục chính: Chiến đấu cơ Rafale, SCAF, Drone yểm trợ IA (intelligent artificiel) và hỏa tiển IA - satellite. Về chiến đấu cơ Rafale version SCAF, động cơ do Safran (Pháp) và MTU (Đức) hợp tác sản xuất, dự trù nâng tầm chịu nhiệt lượng động cơ của Rafale từ 1850°C lên hơn 2000°C cho phép chiến đấu cơ đạt vận tốc và leo lên một độ cao kỷ lục chiếm lợi thế trong việc di chuyển ở hai điểm cách nhau thật xa trên địa cầu.

Các Drone IA (Intelligent Artificiel) và hỏa tiễn IA yểm trợ bầy đàn, độc lập chọn mục tiêu và độc lập yểm trợ cho các chuyến cất cánh của Rafale hay SCAF trong cuộc không chiến, trên đất hoặc trên biển cũng như bảo vệ chung quanh hàng không mẫu hạm. Hệ thống phóng drone IA cũng như hỏa tiển IA yểm trợ đã được Pháp cải tiến để có khả năng thu hồi chúng trở về nạp nhiên liệu mới và tái sử dụng.

Dự trù các drone IA sẽ bay thử vào tháng 6/2019 với Rafale M cải tiến, vỏ ngoài Rafale nhưng mang bộ não IA (intelligent Artificiel). Đây là thành công riêng của quốc phòng Pháp mà quân đội Mỹ và không quân hoàng gia Anh đến nay vẫn chưa đạt được. 

“Con quái vật” hàng không mẫu hạm mới của Pháp, khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra một chiến địa mới, một thách thức mới cho các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh và Trung cộng. 

Việt Nam vì nhiều thế hệ lãnh đạo các cấp bận học tập và làm theo tư tưởng của ai đó, học cách thu thuế mà con vịt không kêu khóc, học cách tính tiền điện theo cấp số nhân, học cách chọn địa điểm lập BOT, học cách hốt trọn gói 500 tấn vàng của dân nên, ngoài ra, còn nhiều việc cấp bách như phải tập trung tổ chức thành công đại hội đảng, nỗ lực ra luật về phê và tự phê hay luật cấm chụp ảnh biệt phủ các quan đưa lên mạng nên sức mạnh quân sự vẫn phải ngưỡng mộ và dựa vào sự che chở của Trung cộng. 

Thế nhưng Trung cộng, quan thầy của đảng, so ra còn rất non và xanh về công nghệ quốc phòng kỹ thuật số và thông minh nhân tạo của thế giới văn minh.

(*) Tại sao phải là chiến đấu cơ Rafale M? Bởi Eurofighter có ưu điểm nhanh nhẹn ngăn chận các xâm nhập vùng trời của chiến đấu Nga vì đôi cánh tương đối thấp, nhưng khi được chuyển qua version không đối đất thì bộ khung của Eurofighter lộ ngay sự yếu kém không thể sử dụng. 

F-15 và SU-30 có ưu điểm hai động cơ thật khỏe nhưng không thể dùng trên hàng không mẫu hạm, còn F-16 và Grippen (Thụy Điển) thì chỉ có một động cơ kém hơn hẳn so với hai động cơ của Rafale M. 

Tóm lại, Rafale M cho đến hiện nay tuy là máy bay nhỏ dưới 10 tấn, nhưng là chiến đấu cơ duy nhất trên thế giới có thể cất cánh với trọng tải bằng 1,5 lần sức nặng của chính nó và là chiến đấu cơ đa năng duy nhất: Không chiến, không đối đất, police trên vùng trời, chiến đấu trên biển và mang cả bom hạt nhân. Rafale luôn nằm trong top 5 chiến đấu cơ được đưa vào chương trình lựa chọn trang bị không quân của nhiều nước. 

Điểm rất yếu của Rafale là giá thành đắt đỏ.

Paris, ngày 10 / 06 /2019

Thành Đỗ - Cựu kỹ sư Sagem - Safran, công nghệ quốc phòng Pháp


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo