Yêu nước Việt để thương giống nòi Việt - Dân Làm Báo

Yêu nước Việt để thương giống nòi Việt

Lê Hữu Khóa (Danlambao) - Chúng ta yêu nước thương nòi không chỉ qua lời nói, vì nói chỉ là nói, chúng ta yêu thật đất nước, thương thật đồng bào, nên lời nói của chúng ta là một quá trình lấy yêu thương để lập hành trình cho nhân tính vì nhân nghĩa qua bốn giai đoạn: đề nghị-đối thoại-quyết định-hành động. 

Phần 1 

Yêu nước thương nòi chắc chắn không là môt lời nói suông, nhất là trong tình huống hiện nay, với giặc nội xâm là bạo quyền độc tài thong dong đi từ phản dân hại nước tới buôn dân bán nước, song hành cùng giặc ngoại xâm đi thư thái từ Tàu tặc cướp đất, biển, đảo của chúng ta, tới Tàu họa gây ô nhiễm môi trường để diệt môi sinh của Việt tộc, tới Tàu hoạn đưa chất độc vào thực phẩm hàng ngày của chúng ta. Yêu nước thương nòi hằng ngày đã đi từ nỗi lo đau đáu cho đồng bào Việt tới nỗi đau khôn xiết về số phận giống nòi Việt, tạo nên sự căng thẳng hàng giờ trong tư duy, lẳng lặng không nói được thành lời, nhưng như các đợt sống ngầm bị-và-được nuôi dưỡng bởi một lực đẩy vô song trong tâm hồn mỗi người Việt: một ý lực sống, vì chúng ta được quyền sống với đầy đủ nhân phẩm ngay trên quê hương chúng ta, vì chúng ta có trách nhiệm với tiền đồ của tổ tiên, vì chúng ta có bổn phận với con cháu chúng ta, vì chúng ta là người Việt, yêu nước Việt thương nòi Việt. 

Nhân vị Việt 

Khi chúng ta nghe một ca từ của nhạc sĩ Phạm Duy: "Tôi yêu nước tôi tự khi mới ra đời, người ơi", một hình tượng đã khắc sâu vào tâm khảm chúng ta, nó như một ý lực tới từ lý luận biến ý muốn yêu nước thương nòi thành ý định cụ thể là tìm mọi cách để bảo vệ đất nước Việt, giống nòi Việt. Và chúng ta vừa mong muốn vừa yêu cầu mọi lực lượng chính trị muốn lãnh đạo, muốn có quyền lực để phục vụ dân tộc Việt phải như chúng ta lấy yêu nước thương nòi là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách. Chúng ta từ chối và phải gạt bỏ bọn đầu nậu buôn nước bán dân, chúng ta loại ra và tống đi các loại lãnh đạo phản dân hại nước Việt, phản bội giống nòi Việt. Một người xa lạ có thể sống trên đất nước Việt nhưng không cần yêu nước thương nòi Việt, nhưng một người Việt bình thường dù sống trong nước hay ngoài nước biết quý yêu nhân vị Việt của mình thì không sao chấp nhận một lực lượng chính trị cầm quyền không xem chuyện yêu nước thương nòi Việt là con ngươi của mắt mình ; để nhìn ra mọi hiểm nguy đang vây bủa Việt tộc. 

Khi chúng ta ngâm một bài thơ của Nguyễn Bính, đọc một đoản văn của văn sĩ Võ Phiến, xem một họa phẩm của họa sư Nguyễn Gia Trí, nghe một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, cùng với nhiều tác giả làm nên nghệ thuật Việt với tình cảm yêu nước thương nòi của họ, thì biểu cảm nghệ thuật đã tạo cho ta một lý luận bền bỉ trong tư duy. Một tư duy không những yêu thương đồng bào, nâng niu đất nước, mà chúng ta còn yêu tất cả những gì đang sống, đang vui, đang khổ… trên mảnh đất Việt. Vì vậy, nên chúng ta yêu từ con trâu tới lũy tre, thương mọi sinh vật, động vật, thức vật đang dựa trên đất nước đó để sinh tồn, chúng ta còn có luôn sự sáng suốt trong tỉnh táo để yêu cả đất, đá, các vật bị xem là vô tri: “Làm sao em biết bia đá không đau?” (Diễm Xưa, Trịnh Công Sơn). Nên chúng ta bắt buột chính quyền và các lãnh đạo của chính quyền đó phải yêu thương và bảo vệ cho bằng được từ môi trường tới môi sinh, để mọi sự sống trên mảnh đất Việt được sống yên để yên sống, được sống vui để vui sống. Không có xúc cảm về nghệ thuật Việt chúng ta sẽ bị hụt hẫng ngay trong tâm linh Việt; không nghiêm túc trong tư duy Việt chúng ta sẽ bị què quặt ngay trong lý luận Việt; không có sự nghiêm cẩn trong chính trị Việt chúng ta sẽ bị chột điếc khi nhận định về chính quyền đang quản lý đất nước Việt

Sự thực Việt trong tình cảm Việt 

Sự thực Việt không hề mơ hồ, nó chính là thực cảnh hàng ngày của dân tộc Việt, có lắm dân đen không đủ cơm, không đủ áo từ thành phố tới các miền sâu, miền xa. Sự thực Việt không hề trừu tượng nó chính là thực trạng hiện nay của xã hội Việt, có lắm dân oan không nhà, không đất, ngay giữa lòng thành phố từ Thủ Thiêm tới Lộc Hưng của Sài Gòn, còn nữa Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… Sự thực Việt không hề lý thuyết, nó chính là thực tế hiện nay của nạn kiếp Việt, có trai tráng cúi đầu đi làm kiếp lao nô cho các nước láng giềng, có phụ nữ ngậm nước mắt chịu phận nô tỳ cho đám đàn ông lạ giống, xa lòng trong các châu lục xa xăm. 

Chúng ta đừng chối bỏ để “vờ quên” hệ thực (thực cảnh, thực trạng, thực tế) này để nhìn thẳng vào sự thực Việt rồi cùng đồng bào Việt đấu tranh để vượt thoát các nỗi khổ niềm đau này, để vượt thắng cái nhục kiếp hèn phận này, tới từ một tập đoàn độc tài nhưng bất tài, độc trị lại không biết quản trị, làm ra bao độc hại ngay trong tình cảm Việt. Cùng lúc chúng ta không quên sự thật Việt trong quá khứ Việt tộc là một dũng tộc biết yêu nước và biết giữ nước, không có bọn ngoại xâm nào có tuổi thọ bền ngay trên đất nước Việt. 

Chính cái thực làm nên cái thức, vì sự thực không trên trời rơi xuống, không dưới đất trồi lên, nó gắn chặt với số kiếp của đồng loại mình, nó gắn liền với số phận của đồng bào mình, nó tạo ra sức nội kết giữa hệ thực (thực cảnh, thực trạng, thực tế) và hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức) làm nên nhận thức

Yêu thật, thương thật 

Chúng ta yêu nước thương nòi không chỉ qua lời nói, vì nói chỉ là nói, chúng ta yêu thật đất nước, thương thật đồng bào, nên lời nói của chúng ta là một quá trình lấy yêu thương để lập hành trình cho nhân tính nhân nghĩa qua bốn giai đoạn: đề nghị-đối thoại-quyết định-hành động

Chúng ta đưa quá trình đề nghị-đối thoại-quyết định-hành động tới tất cả đảng phái, tất cả lãnh đạo, tất cả công dân lấy yêu nước thương nòi làm mẫu số chung để biết hòa hợp, hiểu hòa giải, thấu chuyện sống chung với nhau, không để ngoại xâm chia rẻ dân tộc. Sống chung để chung sức quản lý di sản của tổ tiên, tài sản của dân tộc, để biến thành công sản của đồng bào, đây chính là định nghĩa của cơ chế cộng hòa. Công sản ngược hẳn với cộng sản trên đầu môi chót lưỡi nhưng vụ lợi để vơ vét để tạo ra tư lợi như đám lãnh đạo ĐCSVN hiện nay; chúng ta cấm bọn tham quan muốn tham nhũng trên công sản, chúng không được bán tài nguyên của đất nước, chúng không được tham ô trên tiền tài của dân tộc. 

Chúng ta đưa quá trình đề nghị-đối thoại-quyết định-hành động tới tất cả chính quyền, tất cả chính phủ, tất cả chính sách phải lấy yêu nước thương nòi làm hằng số trong mọi quan hệ quốc tế. Chúng ta không chấp nhận một đảng cầm quyền là ĐCSVN đi đêm về tắt trên lưng, trên vai, trên đầu dân tộc qua mật nghị Thành Đô, 1991, với Tàu tặc. Lấy tà lý cứu đảng thay vì cứu nước, cứu dân, vẫn tiếp tục dấu diếm nội dung các điều khoản của mật nghị tự 1991 cho tới nay 2019, và đang nhắm mắt-cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước Tàu tặc đã và đang chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển của Việt tộc. Chúng ta không muốn mật nghị của ma quyền, chính ta chỉ muốn minh nghị của minh quyền

Chúng ta giữ cho vững quá trình đề nghị-đối thoại-quyết định-hành động bằng hệ luận: lý luận yêu nước làm nên lập luận thương nòi, giải luận yêu quê hương tạo ra diễn luận thương dân tộc, trong tỉnh táo và sáng suốt vì biết dựa trên hệ lương: lương tâm yêu nước làm nên lòng lương thiện thương dân, tạo nên lương tri biết giữ nước. Chưa đủ! Chính hệ thông: sự thông suốt về tình hình đất nước, tạo ra sự thông minh tìm mọi cách để cứu nước, dựa vào sự thông thái của văn hiến Việt có tổ tiên không những biết dựng nước mà còn biết rất rõ mọi phương pháp để giữ nước. Vẫn chưa hết! Chúng ta phải đưa hệ sáng vào quá trình đề nghị-đối thoại-quyết định-hành động, trong đó sáng kiến trong hiện tại tạo ra sáng tạo vì tương lai, với mọi vốn của sáng chế, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít đánh nhiều, lấy cái bền chí trong bền gan tự đoản kỳ đến trường kỳ bằng ý lực của quyết tâm: cứu nước để giữ nước

Như vậy, câu chuyện yêu nước thương nòi không mơ hồ cũng không trừu tượng, không viễn vông cũng không lý thuyết, vì câu chuyện yêu nước thương nòi này có chỗ dựa sâu xa vào từ: dễ; chúng ta dễ sống trên đất nước của mình, chúng ta dễ vui với đồng bào của mình. Vì chúng luôn ta thấy dễ chịu hơn là sống với bạo quyền nội xâm buôn dân bán nước; luôn thấy dễ thở hơn là sống với ngoại xâm Tàu tặc, tới xâm lược đất nước ta, để đè đầu, đè cổ chúng ta, làm chúng ta khó thở rồi ngộp thở. Chúng ta chọn dễ để tránh cái khốn của cái khó, và khi mất nước thì sau cái ngộp là cái tử! 

Phần 2 

Cái đẹp của yêu nước, cái cao của thương nòi 

Cái đẹp của yêu nước, cái cao của thương nòi nhiều khi hiện diện rất bình thường trong cái bị xem là quê mùa, đừng ngại bị chê là quê mùa, bị chọc là nhà quê, bạn à. Nếu cái quê là quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì nơi đó có cái trong của bản sắc Việt, có cái sáng của văn hóa Việt làm nên cái đẹp của tâm hồn Việt, tạo lên cái cao của tình cảm Việt. Vì gốc, rễ, cội, nguồn của cái quê làm nên cái chân quê, chân thật vì chân thành, đây là một chuyện hay bạn à: “Thầy me cùng với chúng mình chân quê” (Nguyễn Bính), chúng ta thấy cái chân thật nhập nội vào cái chân thành, làm nên một tình cảm chân chất - nó đẹp vì nó cao - nhờ tính nguyên chất của nó: “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa…”

Đây không phải chỉ là tình cảm trong thi ca về quê hương mà nó là con đường vô cùng sáng suốt mà triết học phân tích chính trị học nhận thức công nhận là con đường giúp ta tới với sự thật của đất nước, để đến với chân lý của dân tộc, giúp ta gặp và giữ được lẽ phải của tình cảm yêu nước thương nòi. Khi bạn quý trọng đất nước Việt, khi bạn kính yêu đồng bào Việt, thì sự thật của đất nước, chân lý của dân tộc, lẽ phải của tình cảm yêu nước thương nòi có sức liên kết vô song làm nên mãnh lực cứu nước để giữ nước mà không một bạo quyền độc tài nào, một tà quyền tham quan nào, một ma quyền xâm lược nào có thể bóp chết lòng yêu nước thương nòi của bạn. 

Cái đẹp của yêu nước, cái cao của thương nòi giúp chúng ta nhìn ra được đất nước, kề cận được quê cha đất mẹ để cảm nhận được những thăng trầm của một đất nước luôn phải gánh chịu những cuộc chiến. Trên mảnh đất này, đồng bào mình phải trả những cái giá khốc liệt nhất, chính đây là vốn Việt sử làm nên cái vốn cho tình cảm yêu nước thương nòi, khách quan và rõ ràng, ở đây chúng ta như chạm vào được sự thật của quê hương trong chiều sâu của nó. Hậu quả chiến tranh là một sự thật làm nên tâm hồn Việt của một dân tộc biết yêu quý hòa bình luôn muốn bảo vệ cho bằng được sự sống. Chuyện này, có trong thi ca Việt ở dạng hiện đại nhất trong thi ca của nhân loại, trong thơ của Thanh Tâm Tuyền chúng ta cảm nhận được không khí sinh ly của chiến tranh chực chờ để cướp đi sự sống; mặc dầu không có những hình ảnh sắc máu của chiến tranh, nhưng trong thơ của ông, ta nhận thấu được sự ngột ngạt của sự sống cứ phật phồng trong khắc khoái cạnh cái chết: “Bệnh viện công viên khuất nẻo, người nằm đợi chúng tôi”

Chính sự có mặt của nỗi buồn qua các mất mát do chiến tranh gây nên làm chúng luôn nhận thức là nỗi buồn nầy chính là nỗi niềm của dân tộc, hãy đặt tên cho nó là cái vốn của sự thật yêu nước thương nòi, luôn là những nỗi lo của mọi người Việt muốn thở cùng một nhịp thở với dân tộc, với đất nước. Nỗi buồn quá khứ-nỗi niềm hiện tại-nỗi lo cho tương lai làm nên cái đẹp của người yêu nước, làm nên cái cao của kẻ thương nòi. Còn nếu sống trên một mảnh đất Việt mà chỉ thấy chén cơm manh áo mà quên đi quá khứ, chỉ thấy giá áo túi cơm mà gạt đi hiện tại, chỉ có đói ăn khát uống theo bản năng, mà không có được sự nội kết nỗi buồn-nỗi niềm-nỗi lo thì sẽ bị Cụ Nguyễn Du phán cho một luận: “những phường giá áo túi cơm sá gì!”. Sự thật yêu nước thương nòi có gốc, rễ, cội, nguồn trong nội kết của nỗi buồn quá khứ-nỗi niệm hiện tại-nỗi lo cho tương lai chính là sự thật của mọi sự thật về lòng yêu nước trong mỗi người Việt, đây là chỉ báo chính xác nhất nhận ra nhân phẩm Việt. 

Yêu nước vô cùng, thương nòi vô hạn 

Lòng trằn trọc vì dân tộc, vì quê hương trước các hiểm họa diệt vong tới từ các tập đoàn buôn dân bán nước đang mở cửa cho bọn xâm lăng Tàu tặc, chúng đã tràn lan trên đất Việt: xâm chiếm đất, đảo, biển; xâm lăng kinh tế, thương mại; xâm lược chính trị, cơ chế… Các trạng từ giờ được chúng ta thêm vào: vô cùng, vô hạn, chính là nội công của ý lực của câu chuyện yêu nước vô cùng, thương nòi vô hạn, các trạng từ này không hề là sáo ngữ, không hề là loạn ngôn, nó là quyết tâm làm nên quyết đoán để dẫn tới quyết định chung của tất cả chúng ta là không để bị: mất nước! Và không làm kiếp nô lệ! 

Mang tâm cảm yêu nước vô cùng, có thâm cảm thương nòi vô hạn thì không bị giới hạn nào, tức là không lo sợ một bạo quyền độc tài nào muốn truy hiếp chúng ta; không lùi bước trước một tà quyền phản dân hại nước nào sát hại chúng ta; không cúi đầu trước bất cứ ma quyền xâm lược nào muốn đô hộ chúng ta. Yêu nước vô cùng là chuẩn bị chấp nhận những hy sinh vô biên, không rào cản; thương nòi vô hạn sẽ loại bỏ đi các con tính hữu hạn của ích kỷ trong mỗi cá nhân. Chúng ta ngày càng xa lạ với loại hoạn kịch của ai chết mặc ai, rồi bây chết mặc bây, đã làm nên cái vô cảm đang tràn lan trong xã hội Việt hiện nay, dưới sự lãnh đạo của một đảng độc tài trong bất tài về đạo lý, không có đề nghị được một đề nghị luân lý nào từ khi nó cướp được chính quyền, để có thể làm nên một giáo lý quốc gia mà đưa dân tộc tới văn minh. 

Tình cảm yêu nước vô cùng, thương nòi vô hạn là một sự thật có trong đời sống hằng ngày của chúng ta, dù bận bất cứ sinh hoạt nghề nghiệp nào, dù bị lôi cuốn vào bất cứ động cơ vật chất, tài chính, kinh tế nào, thì chúng ta luôn có thì giờ nhớ về quê hương, gởi tình thương của ta về đồng bào mình. Khi đó thâm tình yêu nước vô cùng, thương nòi vô hạn trỗi dậy như những đợt sóng, có khi những đợt sóng này tới lúc giữa khuya, có khi bắt đầu một ngày của phút đầu tiên một buổi sáng còn tinh sương. Những đợt sóng dạt dào này, lúc thì chỉ vài phút, lúc chúng ở lại với ta hằng giờ, có khi chúng ngự trị giữa nhân sinh quan của ta cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm một cách vừa hồn nhiên, vừa mãnh liệt. Những đợt sóng này trỗi lên giúp ta nhìn cuộc sống chung quanh bằng hùng lực của yêu vô cùng, thương vô hạn; đây là sự thật mà bạo quyền bán nước, tà quyền buôn dân, ma quyền xâm lược không sao hiểu thấu tới nơi tới chốn được tình cảm này. Những đợt sóng bền bỉ này hiện diện rồi lẳng lặng bồi đắp một công trình mà bạn sẽ từ từ khám ra, một công trình tuyệt diệu! Cụ thể là tình cảm này đang xây dựng một thế giới quan mới, đang chế tác ra một vũ trụ quan mới, để dâng hiến cho những ai yêu nước thương nòi. Những đợt sóng chung thủy này làm cho nhân phẩm của ta ngày càng cao, làm cho nhân nghĩa của ta ngày càng lớn. Đó là thế giới quan hiểu để thương tất cả các dân tộc biết yêu đất nước của họ, tức là vừa sống vừa bảo vệ quê hương họ, dân tộc họ. Đó là vũ trụ quan thấu để quý tất cả các dân tộc biết yêu và biết bảo vệ môi sinh của họ; cùng lúc biết tôn trọng tất cả môi trường trong và ngoài quốc gia của mình trên trái đất này; nơi mà muôn loài có cùng một dòng sinh mệnh.Từ đây, cụm từ lực yêu nước vô cùng, thương nòi vô hạn sẽ song hành cùng một bạn nối khố mới của mình là yêu trái đất vô cùng, thương muôn loài vô hạn, cả hai sẽ đi về cùng đi về một chân trời, nơi đó người ta sống để sống đẹp trong sống vui, chớ không phải sống để “bán đứng” nhau. 

Bạn ơi, yêu nước vô cùng, thương nòi vô hạn không chỉ là một tình cảm chủ quan, mà nó là một tư tưởng có lý luận qua thực tế của xã hội, có lập luận qua thực cảnh của dân tộc, có giải luận qua thực trạng của đồng bào mình. Cụ thể hơn nữa tư tưởng này giúp tất cả con dân yêu nước nhận ra sự thật tương lai của chính số phận của mình bằng phương pháp diễn luận của vô trương bất tín (thấy mới tin, không thấy không tin). Nên chúng ta thấy một cách rất sáng suốt là phản dân hại nước sẽ đưa tới buôn dân bán nước, khi tà quyền đi đêm với Tàu tặc qua các mật nghị mà dân tộc không biết, nhân dân không được quyền xem thì sự bất minh đã thành bất chính. Thí dụ rõ nhất là mật nghị Thành Đô, và hiện nay là những thỏa hiệp được giữ tuyệt mật của hai đảng, ĐCSTQ và ĐCSVN, được ký và kết bởi hai lãnh tụ Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng. Tại sao lại giấu? Người ta giấu vì người ta có tư lợi trong chuyện giấu diếm này, đây là bài học đầu tiên trong xã hội học quyền lực. Tại sao lại giấu? Người ta giấu vì người ta mà đưa ra cho nhân dân xem thì chính nhân dân cũng “không thể tin” vào con mắt của mình, vì sự thật bán nước ở ngoài mọi tưởng tượng của những người yêu nước vô cùng, thương nòi vô hạn, đây là bài học căn bản vỡ lòng của tâm lý học truyền thông. 

Thay đời, đổi kiếp để sống! 

Chuyện thay đời, đổi kiếpý muốn tạo ra ý định dựng nên ý nguyện muốn thay một cuộc sống xấu thành một cuộc đời tốt; muốn đổi một kiếp tồi thành một kiếp tốt, từ đây ý nguyện sẽ thành ý lực làm nên hành động cụ thể, để chống tà quyền bán nước, chống ma quyền xâm lược. Mà không cần phải qua bạo động sắc máu, không cần phải qua bạo lực sinh ra hệ lụy; mà bằng chính các vốn thông minh mà ta đang có từ khi ta biết yêu nước thương nòi: vốn tổ tiên biết dựng nước-giữ nước-cứu nước; vốn của nghệ thuật qua mọi thể loại nói lên sâu sắc lòng yêu nước; vốn của khoa học mang lại những khám phá làm thăng hoa nhân sinh; vốn của truyền thông nơi mà toàn cầu hóa sánh đôi cùng mạng xã hội không biên giới; vốn của giải luận thực tại làm nên lý luận đúng cho tương lai; vốn của dân chủ khi mà dân làm chủ thì nhân quyền là nền của nhân phẩm… Tất cả các vốn này là vốn tổng hợp làm nên tổng lực cho các công dân yêu nước thương nòi, và khi vốn đã thành lực thì ý nghĩa của hành động làm nên chính nghĩa của tuyên ngôn: yêu nước thương nòi là chính nghĩa của mọi chính nghĩa chính trị, đối với tất cả chính quyền muốn sống bền, sống vững; sống lâu với dân tộc, với đất nước. Có nghĩacó hậu, đây là chân lý lịch sử nói lên lẽ phải của hằng số yêu nước thương nòi. Một hằng số của yêu nước thương nòi luôn làm nổi theo hai hàm số -khi ẩn, khi hiện- mà con dân yêu nước thương nòi khi yêu cầu nó hiện diện, nó sẽ có mặt ngay tức khắc: 

Hàm số thứ nhất là chúng ta được quyền sống yên-sống vui-sống hoài trên đất nước yêu dấu của ta, với đồng bào yêu thương của ta, quyền được sống hàng ngày và vĩnh viễn trên quê hương vừa là nhân quyền, vừa là dân quyền; mà không có một bạo quyền lãnh đạo nào, một tà quyền tham quan nào, một ma quyền xâm lược nào buôn dân bán nước của chúng ta được. Bùi Giáng nói rất sâu xa về phương trình nhân quyền hàng ngày-dân quyền vĩnh viễn trên chính quê hương của mình: “Hỏi rằng người ở quê đâu? Thưa rằng, tôi ở rất lâu quê nhà!”. 

Hàm số thứ nhì là chúng ta được quyền sống đẹp-sống hay-sống cao trên chính quê hương của chúng ta, trong đó sống mà biết miếng ngon ngay trên quê hương mình là một hạnh phúc tới từ sự thông minh, thi sĩ Tô Thùy Yên biết làm sáng lên hàm số này: “Ta uống giếng thiêng, ăn trái lạ. Lòng ta rồi sẽ mới tinh khôi”. Sự thông minh được thể hiện qua sự tinh khôi của cây trái nuôi ta hàng ngày, làm nên sự tinh anh của tất cả những ai yêu nước thương nòi. Mỗi lần ta thiếu đất nước, ta mất quê hương, ta xa đồng bào, thì ta như người chết khát đang đứng giữa cơn hạn. Nhờ ta là người yêu nước thương nòi nên sự thông minh có trong ký ức, sự tinh khôi có trong kinh nghiệm làm nên sự tinh anh trong nhận thức về hiện tại, giúp chúng ta sẽ thoát cơn hạn, thắng cơn khát. Cũng Tô Thùy Yên đã làm ngời lên cái tinh hoa của đất nước cho những ai muốn hiểu sống đẹp-sống hay-sống cao là gì? Đó là cảm nhận của một tự tình dân tộc có sức mạnh xóa đi cơn hạn, dẹp đi chuyện chết khát vì thiếu quê hương, vì xa đồng bào: “Nước giếng quê nhà ngọt lắm thay!”

Câu chuyện thay đời, đổi kiếp không dính dáng gì tới các cuộc cách mạng sắc máu mà Việt tộc đã phải trả giá quá đắt, khi mà lực lượng lãnh đạo tự đặt tên cho mình là “cách mạng”, nhưng khi cướp được chính quyền rồi thì áp đặt hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc tôn, độc trị) để làm ra bao chuyện độc hại cho dân tộc, cho đất nước, để giờ đây đất nước đang đứng trước họa xâm lăng, để giờ đây dân tộc đang đứng trước họa diệt vong. Câu chuyện cụ thể của thay đời, đổi kiếp chỉ là một phương trình liêm chính nên rất dễ hiểu của ý muốn-ý định-ý nguyện-ý lực của nội chất yêu nước thương nòi, chỉ vì chúng ta mong muốn vỏn vẹn hai chuyện: sống yên-sống vui-sống hoài để sống đẹp-sống hay-sống cao trên đất nước yêu dấu của chúng ta, với đồng bào yêu thương của chúng ta. 

Phần 3 

Tổng thể của một 

Câu chuyện yêu nước thương nòi của chúng ta mang một tổng thể rất mạnh, rất cao vì rất đẹp, mà cũng rất lạ vì sao? Vì kẻ yêu nước thương nòi và tình cảm yêu nước thương nòi chỉ là một, một người và một đời, quấn quít bên nhau rồi quyện vào nhau như một tổng thể của một. Nó ngược lại với con tính của số học: 1+1 = 2, yêu nước thương nòi, mạnh và lạ, cao và đẹp vì nó chỉ có một cách tính tinh khôi là 1+1 = 1! Không những kẻ yêu nước thương nòi và tình cảm yêu nước thương nòi là một, mà khi kẻ yêu nước thương nòi này gặp kẻ yêu nước thương nòi kia, cả hai cũng chỉ là một, vì họ tâm giao trong đắc khí trong tình yêu đất nước thương đồng bào, họ đồng tâm làm nên cái đồng điệu của một. Chữ: đồng đây chính là biểu tượng thông thái của một, nhờ có đồng tâm, đồng điệu nên họ làm được chuyện đồng lòng, đó chính là nhất trí! Trong một ý chí duy nhất là giữ nước cứu dân yêu nước thương nòi

Tổng thể của một là hùng lực của phương trình đồng tâm-đồng điệu-đồng lòng làm nên nhất trí, một sự đoàn kết tuyệt đối của một, của nhất, của đồng: một sức mạnh vô song. Sức mạnh này sáng như hải đăng trong Việt sử của một dũng tộc, tên gọi là Việt tộc, đã thắng hơn 20 lần các cuộc xâm lược tới từ phương bắc, một dũng tộc mà cũng là một minh tộc, có đủ thông minh để hiểu rõ gốc, rễ, cội, nguồn của một, của nhất, của đồng. Mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết thành định đề: rễ sâu, gốc chắc! để dặn dò vua Trần Anh Tông là không lo, không sợ quân Nguyên trở lại, nếu chúng trở lại, thì ta lại sử dụng rễ sâu, gốc chắc! của lòng đoàn kết tuyệt đối của một, của nhất, của đồng để làm nên một sức mạnh vô song mà dẹp chúng. Vậy mà, vừa qua ngày 17 tháng 2 năm 2019 này, tà quyền độc đảng đã lén lút dời lư hương trước tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, mà Việt tộc kính yêu như Đức Thánh, chỉ vì chúng lo sợ là các con dân yêu nước thương nòi sẽ ra thắp hương, cúi đầu để tưởng niệm 40 năm, ngày các chiến sĩ và đồng bào đã tử vong sau ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Tàu tặc xua hơn sáu mươi vạn quân gây ra bao chiến họa trên sáu tỉnh biên giới. 

Tổng thể của một, của nhất, của đồng làm nên chủ thể dân yêu nước thương nòi, chủ thể không còn là những cá nhân đơn lẻ, cũng không còn là các công dân đơn độc, mà là chủ thể của toàn vẹn lãnh thổ, của độc lập dân tộc làm nên nhân phẩm Việt, bất khuất giữ nước-cứu nước cho bằng được. Hãy định nghĩa rõ ràng thế nào là chủ thể yêu nước thương nòi? Một chủ thể biết trách nhiệm, hiểu bổn phận công dân, và nhất là biết sử dụng các kinh nghiệm thắng giặc của tổ tiên; mà cũng biết tránh được các thất bại của cha ông trong lịch sử, để sáng tạo ra các chiến lược mới, các sách lược mới mà thắng kẻ xâm lược đang đứng trước mắt ta là ĐCSTQ-Đảng cộng sản Trung Quốc đang mượn “con đường cộng sản anh em” để thao túng, để giật dây, để gài bẫy ĐCSVN-Đảng cộng sản Việt Nam, để thực hiện hệ xâm: xâm lấn rồi xâm chiếm, xâm lược rồi xâm lăng Việt Nam. 

Câu chuyện chủ thể yêu nước thương nòi mang tầm tiên quyết trong quyết tâm cứu nước của mỗi chúng ta, vì chỉ chủ thể yêu nước thương nòi mới thật sự là chủ thể với đạo lý của trách nhiệm giữ nước, với luân lý của bổn phận cứu nước, vì bọn tà quyền phản dân hại nước không phải là chủ thể, vì bọn ma quyền buôn dân bán nước không phải là chủ thể, chúng chỉ là tiểu nhân, chúng đã mất nhân vị Việt vì chính vị kỷ của chúng! Chủ thể yêu nước thương nòi chính là chủ thể của toàn thể đất nước, vì chủ thể yêu nước thương nòi chỉ chấp nhận toàn vẹn lãnh thổ, bọn Tàu tặc phải trả lại đất dọc biên giới, từ Bản Giốc tới Ải Nam Quan, phải trả lại Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Việt tộc. Chủ thể yêu nước thương nòi sống thẳng lưng, nhìn thẳng bọn xâm lược với lương tri của chủ thể trên nguyên tắc luân lý của toàn vẹn lãnh thổ, và nếu đã là luân lý quốc gia, đạo lý quốc phòng thì không thể bàn cãi vì không thể đổi chác được. 

Chính lương tri của chủ thể yêu nước thương nòi làm rễ sâu, gốc chắc cho nhân phẩm Việt, để bảo đảm bản sắc Việt, để bảo trì văn hóa Việt, nơi mà nhân phẩm Việt của toàn vẹn lãnh thổ gạt ra được các tiểu nhân ích kỷ, lùa xa được các cá nhân vô cảm, xua đi được các bè phải vô luân chỉ muốn đi lại con đường bán nước của Trần Ích Tắc, Kiều Công Tiễn, Lê Chiêu Thống. 

Cơ duyên của yêu nước thương nòi 

Yêu nước thương nòi thực sự là một là một cơ duyên tạo nên thâm tình của một người Việt khắng khít với quê hương và đồng bào của mình quy luật toán học Việt: một duyên, hai nợ, ba tình, nơi mà chữ duyên là kết quả mầu nhiệm làm nên hạnh ngộ, nó không phải bị bắt buộc phải yêu nước, bị bó buộc phải thương nòi. Nơi mà người Việt yêu nước thương nòi sẽ có một hạnh phúc lớn khi đã có hạnh ngộ với đồng bào, với đất nước của mình. Cái duyên làm nên cái nợ muốn “trao thân gởi phận” nơi đất Việt, để được “ăn đời ở kiếp” nơi chốn Việt, vì “nhờ duyên ta biết quê mình nơi đây”, tự bao giờ đã làm nên cái tình của “tình sâu nghĩa nặng”. Người yêu nước thương nòi có tâm hồn luôn đẹp hơn kẻ vô tâm “ai chết mặc ai”, hơn kẻ vô cảm “bây chết mặc bây”; một tâm hồn đẹp vì biết kham đất nước, dân tộc, biết chia sẻ, tức là biết bồng, cõng, gánh, đội những thăng trầm mà đất nước đang phải chịu, những trầm luân mà đồng bào phải nhận. Động từ kham không hề là khổ luỵ, không phải là nhục hình, mà chỉ là chấp nhận có bổn phận với đồng bào, có trách nhiệm với tổ quốc. Kham để chia sẻ tới nơi tới chốn nỗi khổ của quê hương, niềm đau của dân tộc. 

Tâm hồn đẹp của người yêu nước thương nòi, tới từ nhân nghĩa Việt sâu trong “tình làng nghĩa nước”, tới từ nhân từ Việt rộng trong “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, tới từ nhân tâm Việt cao “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Tất cả tạo nên giá trị hay, đẹp, tốt, lành của tâm hồn Việt luôn yêu nước thương nòi, luôn có hai phẩm chất: chung chia, mà các cá thể của tà quyền bán nước, ma quyền buôn dân không sao có được. Biết bảo vệ các tài sản chung của tổ tiên để lại, biết bảo quản môi sinh chung, nâng niu môi trường chung vì đó là đất Mẹ. Bọn cầm quyền buôn dân, bọn lãnh đạo bán nước rồi thì chỉ có chạy theo chủ Tàu tặc xâm lược, hoặc cúi đầu trong lủi nhủi chạy qua phương Tây, với tiền của đã vơ vét của đồng bào, chúng không hề tính chuyện sống chung thì làm sao chúng biết chia. Ngược lại, tâm hồn của người yêu nước thương nòi, thì chung là để chia, mà chia là để tiếp tục chung

Không yêu nước thương nòi: có phải là một cái lỗi? 

Không yêu nước thương nòi, chắc chắn không phải là một cái tội, nhưng có phải là một cái lỗi không? Mỗi người Việt phải tự tìm câu trả lời cho chính mình, và không ai được “dạy đời” ai, để “ép duyên” kẻ khác, để trả lời câu hỏi này. Nhưng trên đường đi nẻo về của lòng yêu nước thương nòi, ta thấy lộ ra ít nhất là hai loại người Việt. Loại thứ nhất mong cầu để đòi được thỏa mãn tư lợi của mình, loại thứ hai yêu nước thương nòi vô điều kiện và dấn thân chỉ vì một tấm lòng yêu nước thương nòi, không trông chờ được thỏa mãn các tư lợi của mình. 

Không có câu trả lời dứt khoát cứng ngắt một chiều: yêu nước thương nòi? hay không yêu nước thương nòi? Nhưng cả hai loại người này có một chân trời chung, qua sự kết tinh tới từ nhân nghĩa Việt, nhân tâm Việt, nhân cách Việt biết chế tác ra quy luật chung-chia, và chúng ta hãy dùng sự thông cảm trong rộng lượng để tạo ra một quy luật mới chung-riêng. Nơi mà cái chung trong mọi hành động yêu nước thương nòi cũng biết bảo vệ cái riêng trong mọi chọn lựa của tự do cá nhân, khi cá nhân đó biết tôn trọng quyền sinh tồn của một dân tộc làm nên lực tự tồn trên chính quê hương của mình. 

Nếu bạn yêu nước thương nòi thì bạn cứ đi trọn con đường của bạn, vì nó rất đúng, có cái chung đẹp, có cái riêng hay, và đừng buột ai phải giống, phải theo bạn, vì Việt tộc đã ngán độc tài, đã chán toàn trị lắm rồi. Nếu bạn không yêu nước thương nòi, thì bạn cứ sống trong cỏi riêng của bạn, nhưng nếu một ngày kia bạn là nô lệ của Tàu họa, bạn là nô tỳ của Tàu nạn, bạn mất nhân phẩm vì Tàu hoạn, bạn mất nhân vị vì Tàu tặc, thì bạn phải nhận mọi hậu quả với một ý thức liêm sỉ nhất, cụ thể là bạn không được đổ lỗi cho bất cứ ai, và trước mắt là bạn đừng chặn đường các đứa con của Việt tộc vì yêu nước thương nòi mà dấn thân. 

Sự tôn trọng lẩn nhau bắt đầu bằng sự tôn trọng người đối diện khác mình, không giống mình ; đây là sự thông minh mà Nguyễn Công Trứ đã mô thức hóa được ở cung bậc cao giữa chung riêng: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng!”


Vài dòng về tác giả: Lê Hữu Khóa, Giáo sư Đại học* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu về Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa có thể xem và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (Trang Thầy Khóa).



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo