Việt Nam nào khi đại bác trên Biển Đông khai hoả - Dân Làm Báo

Việt Nam nào khi đại bác trên Biển Đông khai hoả

Thành Đỗ (Danlambao) - Carrie Lam thứ hai tại Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội Việt Nam đang có chuyến công du tại Bắc Kinh đến hết ngày 12/07/2019. Mục đích chuyến công du của bà là gì?

Đại hội lần thứ XIII đảng CSVN gần kề, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng già nua bệnh hoạn, khó lòng tiếp tục đảm đương chức vụ nên cố ý nắm tay giới thiệu ông Trần Quốc Vượng như người kế vị. Nhưng bà Ngân xem ra mới là người được Bắc Kinh đánh giá cao nhất bởi bà đã “đạt” được những “thành tích” mà chưa một lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nào có thể làm được:

1. Thông qua quyền lưu hành đồng tiền nhân dân tệ trên 7 tỉnh biên giới phía bắc và cả các đặc khu bán chính thức đông người Trung Quốc sinh sống làm ăn như Nha Trang, Đà Nẵng, Cà Mau, Vân Đồn, Phú Quốc.

2. Luật an ninh mạng xem như một bản sao khá trung thành, đẹp ý Bắc Kinh.

3. Đường cao tốc chiến lược bắc nam được giao trắng cho các tập đoàn Trung Quốc để hoàn thành chiến thuật Nhất đới nhất lộ trên bộ của Tập Cận Bình.

4. Tiếng Trung đang được tạo điều kiện để thành ngôn ngữ thứ hai giảng dạy cho trẻ em Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thật sự lép vế trước Kim Ngân bởi các hành động đôi lúc ngớ ngẩn, ngủ gục trong bàn họp quốc tế, cầm lộn cờ Cambodia trước mặt ông Vương Nghị, người có thẩm quyền thứ hai tại Bắc Kinh sau ông Tập. Còn Trần Quốc Vượng thì lại không có thành tích nổi bật gì trong mắt Bắc Kinh.

Bà Ngân nay trở thành ứng viên sáng giá để Bắc Kinh đặt vào ghế tổng bí thư đảng nhằm đưa Việt Nam vào quỹ đạo của những Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, cùng nhau “tạo một thế giới đại đồng Trung Hoa, hòa bình và phát triển chung dưới sự dẫn dắt không sai lầm của đảng cộng sản Trung Quốc.”

Bà Ngân sẽ là Carie Lâm thứ hai tại khu tự trị Nam Việt, một người không thể thay thế được trong cuộc chạy đua quyền lực cho đại hội đảng lần thứ 13 sắp đến.

Nhưng cuộc chạy đua sắp đến, sẽ không phải là cuộc chạy đua giữa các đồng chí trong đảng với nhau mà sẽ là một cuộc chạy đua giữa đảng cộng sản và người dân Việt Nam.

Đảng và dân, ai thắng ai?

Người Việt, một lực lượng không tổ chức, ô hợp, dân trí không cao, hài lòng với các thành tựu nhỏ, thích tự sướng và thích nhậu, thích đánh nhau bể đầu và thích thọt gậy bánh xe hai đảng cộng sản anh em.

Sau các vụ biểu tình phản đối Formosa, rồi biểu tình chống Trung Quốc qua luật đặc khu ngày 10/06/2018 ý thức của người dân Việt phát triển đến đâu, họ sẽ làm gì thì rất khó đoán, nhưng chắc chắn họ sẽ chống lại khu tự trị Nam Việt và dành quyền tự quyết trong tay “đám con hoang phương Nam” (Lời của Vương Nghị, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc gọi đảng cầm quyền tại Việt Nam.) 
Sau hội nghị thượng đỉnh về an ninh châu Á Thái Bình Dương tại Shangri-La, Singapore vừa chấm dứt, giới thạo tin cho là một cuộc xung đột vũ trang trong tương lai gần giữa hai cường quốc sẽ khó có thể tránh khỏi.

Đã đến lúc hỏa tiễn tầm xa, tàu chiến chìm nổi, không kích tàng hình sẽ phải chuẩn bị lên tiếng để điều chỉnh lại sự tương quan lực lượng và tạo ra một trật tự mới cho châu Á - Thái Bình Dương và cũng là cho cả thế giới trong thế kỷ XXI.

Tất cả Á Châu đang chuẩn bị ráo riết cho sức mạnh quân sự và ráo riết tìm kiếm thêm đồng minh.
Đại khái, cả hai bên lực lượng tương quan, một bên là phe trục Kim Cương: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc, bên kia là Trung Quốc và vài đồng minh, họ đến Shangri-La, mượn hội trường thảo luận để cùng nhau câu giờ, sắp xếp quân cờ trên bàn cờ địa chính trị.

Cũng vì thế nên tại Shangri-La năm nay, không hề đạt được kết quả nào, dù rất nhỏ, dù với hơn 13 lần thượng đỉnh Mỹ - Trung.

Tất cả chỉ là chiến thuật câu giờ để chuẩn bị cho một cuộc xung đột “cần thiết”, hầu ổn định lại về an ninh cho vùng châu Á Thái Bình Dương. 

Phe được gọi là “thân Trung Quốc” trong đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong quân đội ắt hẳn phải bàn thảo và hoạch định tỉ mỉ chương trình hành động về thế đứng và về chiến lược phải chọn lựa cho Việt Nam một khi đại bác phải lên tiếng và nổ ra một cuộc chiến toàn diện trên biển đông và cả trên eo biển Đài Loan.

Hãy xem tuyên bố của Thiếu tướng giáo sư Bùi Phan Kỳ khi nói về sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu: “Nó diễn biến nhanh đến mức các lực lượng vũ trang không còn biết nghe ai và bắn vào đâu, như “đội An pha”, giữa đội trưởng và chính trị viên không nhất trí, đành... án binh bất động (!)”(1)

Ý tứ của ông Bùi Phan Kỳ quá rõ, ông lấy làm tiếc vì “các lực lượng vũ trang” lúc ấy, kể cả đội Alfa của Xô Viết đang đồn trú trên đất Đông Đức đã không xả súng vào rừng người Đông Đức ùn ùn chạy về phía Tây, bỏ lỡ một Thiên An Môn Châu Âu nhằm bảo vệ chế độ. Đây quả thật là một tuyên bố đầy tính sắt máu.

Trả lời một câu hỏi của thính giả ở Shangri-La, Singapore, bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hòa của Trung Quốc cũng phát biểu: “Vụ Thiên An Môn 1989 là sự hỗn loạn chính trị, và chính phủ trung ương lúc đó đã có biện pháp ngừng sự hỗn loạn, đó là chính sách đúng, 30 năm nay đã chứng tỏ Trung Quốc đi đúng qua các đổi thay to lớn. "Ông Ngụy Phượng Hòa khẳng định rằng nhờ hành động cứng rắn nên nay Trung Quốc “đã có ổn định và phát triển". (2)

Từ những phát biểu thượng dẫn, ta thấy được sự khác biệt về bản chất của nhà cầm quyền giữa khối cộng sản và phần còn lại của thế giới.

Phải chăng những người đang quan tâm đến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam đang đứng trước ba câu hỏi:

1- Liệu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày nay có thể hành xử như Trung Quốc vào tháng 06/1989?

2- Liệu họ dám giết dân bằng vũ khí chiến tranh, xe tăng, đại bác, súng máy để bảo vệ chế độ?

3- Liệu họ sẽ áp dụng phương án bắt nguội, giết nguội, không qua tòa án và luật pháp những người chống đối đảng?

Và phải chăng các nhân vật hiếu chiến, bằng mọi giá phải bảo vệ chế độ cộng sản trong quân đội nhân dân Việt Nam cũng đang nghĩ về ba câu hỏi này?

Con đường nào cho Việt Nam

A. Được sát nhập, ổn định và phát triển kinh tế theo phương thức “trại súc vật” mà trong đó, giới cầm quyền là những con vật bình đẳng hơn các con vật khác.

B. Hỗn loạn chính trị nhưng theo hướng dân chủ và tam quyền phân lập trong tự do và bảo vệ những quyền cơ bản nhất của xã hội loài người văn minh đã đạt được.

Khi đại bác lên tiếng trên biển Đông, người dân Việt phải chăng sẽ hành động để tỏ rõ ý chí chọn lựa con đường cho chính mình hay họ sẽ ngồi yên và bằng lòng với con đường mà đảng câm quyền chọn lựa và dẫn dắt họ? 

Liệu con đường dân chọn có trùng với con đường đảng chọn?

Paris ngày 08/07/2019


_________________________________

Nguồn dẫn:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo