Càng học bác, càng nhếch nhác - Dân Làm Báo

Càng học bác, càng nhếch nhác

Phạm Trần (Danlambao) - Đảng cầm quyền độc tài, độc đảng Cộng sản Việt Nam rất ồn ào về chuyện 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh (1969-2019), nhưng càng học Bác, cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền, càng nhếch nhác. 

Sau đây là những hậu quả nhãn tiền:

Trong Di chúc, ông Hồ viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Đảng trả lời: “Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Quy định, Điều lệ Đảng v.v... cho thấy, vẫn còn một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở, không thống nhất giữa nói và làm. Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ xuất hiện ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty...” (Tạp chí Tuyên giáo, ngày 10/4/2019)

Hết còn tin đảng

Trong khi đó, theo Nghị quyết Trung ương 4/Khóa đảng XII thì trong đảng đã có “Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị” như: 

1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. 

3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

4) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Ngoài ra còn: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.”

Và: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Tham vọng chức quyền v.v...”

Tình hình như thế mà Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại hồ hởi lạc quan: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.” (bài viết Nguyễn Phú Trọng, 31/01/2019.

Ngược lại, Trương Ngọc Nam (PGS, TS), Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại bảo rằng: “Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, Đảng cần phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái, biến chất, quan liêu, tham nhũng...” (Tạp chí Cộng sản, 02/04/2019).

Như thế là thế nào? Lãnh đạo nói một đàng, đảng viên làm một nẻo là tại ai? Ai nói thật và ai nói dối?

Từ phê bình đến liêm chính 

Thế rồi ông Hồ lại khuyên: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”

Nhưng tại sao ông Hồ chỉ muốn có “dân chủ trong Đảng” mà không cho toàn dân quyền có dân chủ? Vì ông độc tài và chỉ muốn đảng do ông lập ra giữ độc quyền lãnh đạo, như đã viết trong Cương lĩnh đảng, Điều lệ đảng và Hiến pháp quốc gia, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.

Do đó không lạ khi thấy “con cháu Bác” đã quay đầu không nghe Bác như Nghị quyết 4/XII tự khai: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.”

Như thế thì còn gì là “các cháu ngoan” hay “học trò của Bác”?, Cán bộ, đảng viên mà hư hỏng như thế thì làm gì có: “Đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”, như Điều lệ Đảng năm 2011 đã quy định?

Tình hình rệu rã, mất định hướng, chia năm xẻ bảy trong nội bộ còn được phản ảnh trong Nghị quyết Trung ương 4/Khóa đảng XII: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", “tự chuyển hoá”.” 

Nghị quyết còn cảnh giác rằng: “Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.”

Vậy, khi ông Hồ căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì đảng đã làm gì để hương linh ông được thảnh thơi?

Đảng chẳng làm gì cả mà còn tham nhũng ngập đầu từ trên xuống dưới. Mọi đẳng cấp tham nhũng. Lợi ích nhóm, tranh giành quyền lực, chạy chức chạy quyền, xài bằng giả không còn là điều hiếm thấy ở Việt Nam.

Đảng cũng ra lệnh cho cán bộ lãnh đạo, nhất là “cấp chiến lược” phải kê khai tài sản, nhưng khai xong lại trao cho cơ quan chủ qủan, hay cơ sở làm việc để chỉ công khai nội bộ, thay vì công bố cho dân biết thì khai cũng như không. 

Do đó, hành động chống tham nhũng mị dân này đã đưa đến kết luận “tình hình vẫn còn nghiêm trọng” từ năm này qua năm khác, kể từ khi có lệnh phòng, chống tham nhũng năm 2005.

Vẫn trơ như đá

Thế rồi, trước thềm Đại hội đảng địa phương để tiến đến Đại hội đảng tòan quốc Khóa XIII vào tháng Khóa/2021, đảng đã ra rả ngày đêm: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.” 

Nhưng vào ngày 16/07 (2019), trong kết luận “tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng” Ban Bí thư lại nói toạc móng heo thế này: “Qua nắm tình hình, ý kiến phản ánh của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục bộ", "thân quen", "lợi ích nhóm", mất dân chủ, thiếu gương mẫu, "nể nang, dễ dãi", "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau" trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... Bên cạnh đó, có nơi, cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ "mất phiếu", ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền...” 

Như vậy là các cấp đảng không còn coi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị ra gì nữa. Các cấp địa phương đã “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” với Trung ương, nên Ban Bí thư mới cảnh giác: “Những hạn chế, yếu kém trên đã gây khó khăn, làm mất nhiều công sức của cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng trong công tác cán bộ, tạo dư luận không tốt.” 

Tốt hay xấu, như đã thấy trước mắt, không còn được ai quan tâm nữa, ngay cả lời Di chúc của ông Hồ nói về Đoàn viên và Thanh niên Cộng sản. Ông bảo: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”

Thanh niên chán đảng

Nhưng thực tế đã chứng minh thanh niên, thiếu nữ của thời đại Internet thế kỷ 21 không còn u mê như cha anh họ của thời chiến tranh bị đảng xỏ mũi kéo vào chỗ chết.

Giới trẻ ngày nay đã tỉnh ngộ để nhìn ra lừa bịp của đảng sau 30 năm huynh đệ tương tàn. Rất nhiều người đã nhạt đảng, xa đoàn, không còn muốn gia nhập Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lớp dự bị của đảng.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, khi được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice Of Viiệt Nam) hỏi: “Từ năm 2011-2017, toàn Đảng kết nạp hơn 1,4 triệu đảng viên, nhưng trong giai đoạn này cũng có gần 51.000 đảng viên bị sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?”

Đáp: “Việc kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng là việc làm bình thường, thường xuyên của một Đảng chân chính. Những con số trên cho thấy, số quần chúng ưu tú được kết nạp trong 6 năm qua vẫn lớn hơn 23 lần so với số đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên hay khai trừ. 

Song, con số gần 51.000 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ trên tổng số gần 5 triệu đảng viên là con số quá lớn đối với một Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền mà con số bị xóa tên và kỷ luật nhiều như vậy là điều đáng buồn.”

H: Số lượng kết nạp đảng viên mới tăng nhanh, nhưng thực tế ở nhiều nơi, công tác phát triển đảng vẫn là một thách thức lớn, có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Lo ngại hơn là một bộ phận thanh niên ngại vào Đảng. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề trên do đâu?

Đ: “Có điều kiện đi một số địa phương trong cả nước, tôi thấy kết nạp đảng viên mới hiện nay là vấn đề khó khăn ở một số nơi, kể cả những địa phương là cái nôi của cách mạng Việt Nam, kể cả thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. 

Có mấy nguyên nhân quan trọng sau đây: Tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở nhận thức về vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng cũng còn chưa thực sự chú trọng. Nhiều tổ chức, cơ sở Đảng, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên, nên có những chi bộ mấy năm không kết nạp được đảng viên mới nào. 

Thực tế những năm qua, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức đảng cơ sở có những biểu hiện chưa tốt nên việc bồi dưỡng quần chúng kết nạp Đảng cũng chưa tốt. 

Về đảng viên, bên cạnh đại bộ phận đảng viên tốt, còn một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là đảng viên cấp cao không có sự nêu gương, nhiều đồng chí bị xử lý kỷ luật, xóa tên ra khỏi Đảng, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù. 

Nhiều thanh niên nhìn vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy thì vào Đảng làm gì.”

Ngay đến việc học về Chủ nghĩa Cộng sản Mac-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là môn bắt buộc, nếu muốn có bằng khi tốt nghiệp, sinh viên đã phải “ngậm đắng nuốt cay” bước qua cầu để quên đi mau chóng. Không ai muốn nhắc lại hay đeo vào thân làm gì.

Tình trạng tương tự cũng xẩy ra cho công tác “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sau 3 năm, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa XII).

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nêu ra những mặt hạn chế, yếu kém của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị như: “Chưa thực sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung đột phá để thực hiện Chỉ thị; những vấn đề bức xúc, nổi cộm chưa được quan tâm đúng mức; còn lúng túng, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện... Việc cảnh báo, phòng ngừa sai phạm thiếu kịp thời; chưa phát hiện sớm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, dẫn đến vi phạm kỷ luật đảng hoặc bị xử lý theo pháp luật.”

Như vậy thì nội bộ đảng CSVN đã nát chưa, hay mới mục thôi?

Nếu vẫn còn khỏe và anh hùng như vẫn tuyên truyền thì hà cớ chi chưa giám “truy tố” Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc hay Tòa Hòa giải Quốc tế về vụ đem Tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 và nhiều Tầu chiến hộ tống vào Bãi Tư Chính, bên trong thềm lục địa của Việt Nam, cách Vũng Tầu 370 cây số, từ ngày 03/07 (2019)?

Nên nhớ, trong Di chúc, ông Hồ còn căn dặn rằng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”

Vậy ông Nguyễn Phú Trọng và toàn đảng CSVN hãy đấm ngực xét mình xem đã làm được điều ông Hồ mong ước chưa? 

Nếu chưa thì hãy ngồi xuống cho dân đứng lên. 

21.08.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo