Cái cầu tiêu - Dân Làm Báo

Cái cầu tiêu

Đào Hữu Nghĩa Nhân Chẳng còn nhớ từ thuở nào cái cầu tiêu độc nhất vô nhị nhà nó được xây. Thời buổi đất chật người đông như nêm cối này, chuyện ba bốn đời hậu duệ nhà nó sinh ra, lớn lên cứ lúc nhúc chui vào chui ra căn từ đường có mỗi cái cầu tiêu. Luôn trở thành tiêu điểm bàn cãi mãi không thôi, bởi vì sao ngần ấy người, mà chuyện cái cầu tiêu độc nhất, độc quyền phục vụ cho cái nhu cầu tứ sướng thổ tả thế kia cho hàng đống người trong gia đình nó cứ mãi duy trì?

Nhà nó trước đây nằm thoi loi một mình trên cánh đồng vắng. Chu vi căn nhà được bao bọc bởi hàng dừa già soi trĩu quả bên bờ con rạch tằng tịu với vài nhánh nhỏ phụ lưu các dòng kênh. Cái thời mà mọi người có nhu cầu giải quyết chuyện đại sự vừa giản đơn vừa thi vị làm sao! Ai đó có chuyện tứ sướng cứ tự nhiên ra bờ sông, mảnh ruộng mùa nắng cháy, đất vỡ khô cằn chờ cơn mưa hạ đầu mùa gieo hạt. Đất cày khô khốc vừa "đi đồng" vừa đàm đạo với lũ giun dế trong lúc cô đơn tự sướng, vừa dỡ đất cày làm tờ giấy , vừa gãi cho đã ngứa cái lũ lải kim khốn kiếp mỗi lần đi đẻ cứ ngo ngoe ngứa ngáy bỏ sừ.

Cái thời tự do ấy rồi cũng chóng qua. Đất nông thôn dần dà cuốn theo làn sóng đô thị hóa, chẳng mấy chốc mảnh vườn, nương ruộng biến thành nhà máy, thành phố thị,... Nhà nó cũng chịu chung số phận. Đất đai dần chuyển nhượng sang bán mấy kỳ. Nay thì chỉ còn lại căn nhà bốn mét bề ngang, dài đâu cỡ 20 mét. Phần vì cả đời là nông dân nên việc học hành cũng chả tới đâu, nghèo đói thành cái nghiệp, đeo bám như đĩa trâu đói máu.

Việc từ nhà quê lên phố thị đối với đại gia đình nó là cả vấn đề lớn. Cái lớn nhất ở đây là việc giải quyết nguồn cơn của cái tứ sướng rồi sẽ ra sao!? May thay cụ cố nội nhà nó vốn có đầu óc học hỏi, Cụ bỏ công vài ngày lang thang phố xá, tìm hiểu xem xem người thành phố văn minh họ giải quyết chuyện ấy thể nào. Trở về cụ quyết định, từ nay sẽ xây cái cầu tiêu ngay trong nhà. Mới đầu cái ý kiến này bị phản đối ghê lắm. Cả nhà mình trước đây làm gì có chuyện đem cứt về gối đầu nằm như ý cụ cố, tức là ị rồi giữ rịt ngay trong nhà! Cả nhà cứ nhặng xị cả lên. Bố vốn tính nhu mì ai sao thì ông vậy. Chẳng phản đối hay đồng tình. Cụ cố bà có vẻ tởm lắm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mãi cũng chả tìm đâu ra chổ. Ị ngoài đường thì không ổn, sợ phú lít tó vì cái tội ô uế phố phường. Ị nhà hàng xóm, nghe chửi sao thấu? Thôi thì có cái chổ cho cả nhà tự do diễn đạt, dù có lạ lẫm còn hơn không! Cuối cùng thì mọi người cũng thông vì tính kiên định của cụ cố, tính ba phải của bố nó và cái dốt đám cháu chắt cả đời chẳng ai biết nó mô tê răng rứa cái cầu tiêu máy ra sao!?

Ngày trước nhà ít người, việc cả nhà chỉ có mỗi cái cầu tiêu cũng không thành vấn đề lớn. Thế rồi nhà sinh đẻ thêm, chú tư, cô năm,... lập gia đình, vì nghèo cứ chui rúc chung căn nhà. Nên nhiều khi phát sinh bao vấn đề rắc rối! Tệ hại nhứt là những khi vài ba người chung nhà có đồng hồ sinh học giống nhau. Rắc rối phát sinh từ đấy. Cả nhà kiến nghị cụ cố nội cho xây thêm một hai cái nữa dự phòng, làm cho cái nhu cầu bất khả di ấy có nơi có chốn nhưng cụ nhất quyết không nghe. Bởi cái nghĩ cố hữu, cụ kị cứ ám mãi trong đầu. Cái cụ thấy, cụ làm luôn là cái đúng nhất. 

Để giải tỏa căng thẳng, cụ ra nhà Dậu hàng xóm ôm về nguyên rổ chó. Công việc cũng đở bức xúc phần nào. Nhưng vấn đề khó là ở chổ lũ chó hay có tật liếm mặt. Ngặt nỗi nhiều khi vừa xơi xong đống phân của thằng Tửng. Gặp con Tủn đi học về, lũ chó cứ nhào lên con Tủn liếm lấy liếm để cái mặt nó. Mặt con tủn dính tí phân từ cái mồm của con Ki, con Tủn là oai oái, khóc bù lu bù loa như thể mất sổ gạo thuở nào. 

Chuyện cái cầu tiêu ngày càng tệ. Sáng nay nó lại dở chứng kẹt không cách chi làm cho trôi cái đống phân của thằng Dũng tồ vừa ị. Cả nhà nháo nhào lên. Càng đi càng làm đầy lên. Ba nó mới vào thưa với cụ cố xem coi có cách nào xây thêm hoặc thuê người tới hút. Cụ cố phần vì già, ăn uống ít, tứ sướng của cụ nhiều khi năm bảy ngày mới có một lượt lại chả đáng là bao! Có khi cụ "nhịn" cả tuần nửa tháng chả ăn thua gì! Thành ra đối vối cụ, cái cầu tiêu độc phục vụ chẳng là vấn đề gì với cụ. Hơn nữa trong nhà này rồi cũng có lúc chẳng ai mà thức cả, thời điểm này là giờ vàng của cụ!

Nghe bố trình bày sự cố, cụ mới xì hơi một tiếng rồi nói.

- Hút hầm cầu là chuyện đại sự. Thuê người tới không khác chi tố cáo nhà mình ăn lắm ỉa nhiều. Thôi thì việc ấy cứ từ từ mà giải. Còn nếu vì cái sự nghẹt ấy mà khiến cho chúng bây bí, sao không ra phố mua cho mỗi người một cái bô? Dốt thì cũng phải xem người khác tư duy ra sao mà học hỏi. Cứ ỡm ờ mãi biết bao giờ khá! 

- Chuyện chi nhà này tao nói một phát là đâu ra đó. Có mỗi cái chuyện ấy mà cũng phải vời đến ý kiến tao, rõ tệ!

Nghe cụ nói thế bố cáo lui ra khỏi phòng. Bố về hậm hực, chỉ thị mua bô chia đều cho cả nhà, mỗi người một cái, tha hồ mà tự do về giờ giấc, nơi chốn.

Từ dạo ấy nhà nó chổ nào cũng là chổ ỉa. Ba nó lớn nên ưu tiên gần bàn thờ tổ, nhà bếp là của má, phòng ngủ là con tủn. Nói chung chỗ nào có thể đặt bô ngồi chỗ ấy khắc trở thành cầu tiêu. Còn mỗi cái cầu tiêu máy của cụ cố thuở nào vì nghẹt nên trở thành nơi kiêng kị của cả nhà, riết rồi thành thiêng chẳng ai dám mở miệng nhắc? Trừ mỗi lần sinh nhật cụ cố, bao giờ bố cũng nhắc đến công lao trời biển xây cầu tiêu máy của cụ. 

Từ đấy về sao cả nhà nó xem chuyện ỉa bô và chỗ ỉa thế cũng hay. Thôi không còn ai nhắc chuyện cái cầu tiêu độc quyền của cụ nữa. Duy chỉ có điều, việc tự do giải quyết nhu cầu tứ sướng này mà nhà nó thối không còn ai muốn vào. Nhìn chỗ nào cũng thấy cả nhà nó ỉa bừa ra khắp! Chán.....!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo