Bó đũa uất hận - Dân Làm Báo

Bó đũa uất hận

Dư Hoa * Trần Quốc Việt (danlambao) dịch - Vào thời trẻ khi Mao Trạch Đông kích động cuộc cách mạng, ông nghĩ ra một cách hay để truyền đạt ý chính của ông đến quần chúng thất học: ông cầm chiếc đũa lên bẻ gãy làm hai. Rồi ông cầm bó đũa lên bẻ: bó đũa không gãy. Qua đó ông chỉ ra rằng chừng nào tất cả mọi người đều đồng lòng sát cánh bên nhau, không có sức mạnh nào có thể chống đỡ được dòng thác cách mạng. Nhờ tập hợp lại những chiếc đũa tản mác, phẫn nộ, Mao cuối cùng có thể bước lên lễ đài Thiên An Môn vào ngày 1 tháng Mười, 1949 để tuyên bố thành lập nước cộng hòa của ông.

Một lần nữa vấn đề hiện nay ở Trung Quốc là đũa nên là từng chiếc rời hay cả bó. Tuy nhiên, những kẻ kế thừa Mao làm ngược lại lời khuyên của ông, họ huy động nguồn tài chính khổng lồ để ngăn cản những chiếc đũa không thể tập hợp lại được. Chính quyền biết những chiếc đũa uất hận có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng chừng nào những chiếc đũa ấy còn phân tán, chính quyền tin họ có thể bẻ gãy đũa làm hai, bất kể số lượng đũa. 

Cho nên "duy trì ổn định" thật sự đã trở thành cụm từ rất quan trọng ở Trung Quốc đương thời. Chính quyền không công khai số tiền chi tiêu cho việc duy trì ổn định, nhưng nhiều người ước tính là lên đến 600 tỷ nhân dân tệ. Khi các cuộc biểu tình tập thể ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, con số ấy chỉ có thể tăng lên. 

Đa phần những vụ xảy ra đều bùng phát từ chuyện tương đối nhỏ. Cái chết khuất tất của một thiếu nữ trong năm 2008 ở huyện Úng An, tại tỉnh Quý Châu, khiến 160 tòa nhà chính quyền bị đốt cháy, 40 xe cộ bị phá huỷ và hơn 150 người bị thương. Khi một đầu bếp ở thị trấn Thạch Thủ, tại Hồ Bắc, bị phát hiện chết vào năm 2009, gia đình nạn nhân bác bỏ lời tuyên bố từ công an cho đây là vụ tự tử, họ không đồng ý cho xét nghiệm tử thi và đặt xác chết tại ngay tiền sảnh khách sạn, thu hút đám đông đến cả hàng ngàn người. Từ đấy đưa đến nhiều cuộc xung đột với công an, khách sạn bị đốt phá, các công an bị thương, và các xe chữa cháy và xe cảnh sát bị dân chúng lật nhào. Nhũng cuộc xung đột như thế báo hiệu những chiếc đũa tản mác của Trung Quốc đang tức giận. Đôi khi chỉ cần một vụ bất hoà trong gia đình hay cuộc cãi nhau qua lại giữa láng giềng cũng đủ khiến cho người dân trút sự phẫn nộ lên chính quyền. 

Chúng ta được nhắc nhở duy trì ổn định quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác. Chính quyền chúng ta thích nhấn mạnh pháp trị, nhưng khi ổn định cần phải duy trì, luật pháp hoàn toàn biến mất. Vì luật sư nhân quyền Trần Quang Thành và gia đình bị quản thúc tại gia ở làng họ, nên nhiều người lặn lội đến thăm họ để bày tỏ lòng ủng hộ. Nhưng ngay khi họ sắp đến được gần nhà ông, họ bị bọn côn đồ mai phục sẵn nhảy ra đánh đập họ và cướp ví họ. Trên mạng người ta hỏi nhau "Pháp trị ở đâu rồi?" Pháp trị chắc hẳn đang ngao du đâu đó trên trời, cao xa vời vợi quá nên không nghe thấu lời trần. 

Đôi khi duy trì ổn định đạt đến mức độ quả thật tức cười. Khi Cách mạng Hoa Nhài khuấy động Bắc Phi vào mùa xuân này,bản nhạc"Hoa Nhài" truyền thống đã bị cấm ở Trung Quốc. Bạn tôi xử dụng bản nhạc này cho chương trình truyền hình mới vừa hoàn tất xong bị yêu cầu phải lấy bản nhạc ra, và bản nhạc thay thế về hoa mẫu đơn cũng chính thức không được chấp nhận. Cuối cùng, anh biết không được phép dùng nhạc về bất kỳ loại hoa nào. 

Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ. Khi phong trào Chiếm Phố Wall bắt đầu ở Mỹ, truyền thông chính thức của chúng ta hoan hỉ tường thuật, tưởng là vớ được cây gậy để có thể dùng nó đánh vào xã hội Tây Phương. Nhưng khi các nhà hoạt động phong trào kêu gọi biểu tình trên khắp thế giới, một số người Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến chiếm ngân hàng trung ương và uỷ ban giám sát chứng khoán. Chính quyền cuối cùng nhận thức các phong trào phản kháng ở các nước dân chủ Tây Phương hoàn toàn có khả năng khích lệ nhiệt tình cách mạng ở những chiếc đũa như các phong trào phản kháng tại các nước độc tài. Cho nên, giống như "Hoa Nhài" trước đấy, Chiếm Phố Wall bị ngăn chặn trên mạng và trên các phương tiện truyền thông. 

Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn cảnh Moammar Kadafi bị bắn gục trên đường phố, cảnh Saddam Hussein bị giải lên đoạn đầu đài và cảnh Hosni Mubarak ra toà nằm trong lồng sắt - và khi họ thấy, sau khi những tên độc tài này mất quyền lực, gia đình của chúng cũng mất sạch tất cả - họ chắc hiểu, tôi nghĩ, họ không sợ chính dân chủ mà họ sợ cách mạng. Khi thân nhân của các quan chức cao cấp chúng ta càng giàu có hơn, họ di dân đến các nước dân chủ (không bao giờ đến các nước độc tài); họ biết khả năng cách mạng diễn ra ở Trung Quốc ngày càng tăng. Họ biết cách mạng không bao giờ chừng mực, cách mạng luôn luôn đẫm máu. 

Khi những chiếc đũa tự tập hợp lại thành bó đũa, cách mạng sẽ bùng nổ. Mặc dù các quan chức cao cấp chúng ta ghét dân chủ, nhưng dân chủ thực sự là chìa khoá giúp họ có thể giữ chặc được của cải và bảo vệ mạng sống của họ. Đó là vì trong một nước dân chủ đúng và sai không bao giờ hoàn toàn rõ ràng. Những người này có thừa tiền bạc, và trong một nước dân chủ họ có thể luôn luôn thuê được các luật sư khéo ăn nói để biện hộ cho vụ án của họ và giúp họ thoát tội. 

Vì thế theo tôi nghĩ, chỉ có hai con đường phía trước cho Trung Quốc: dân chủ hoá hay cách mạng. Con đường nào có lẽ cũng dài cả.Trong trường hợp đầu tiên, Đảng Cộng Sản nhất định sẽ không bao giờ từ bỏ đặc quyền của mình nhưng, dưới áp lực, sẽ từ bỏ chúng một cách nhỏ giọt. Trong trường hợp thứ hai, những chiếc đũa tản mác, bị cách ly thật chẳng dễ dàng gì kết hợp lại với nhau khi đối mặt với sự duy trì ổn định được tài trợ quá hào phóng. 

Vào ngày 1 tháng Bảy, 1921, 13 đại biểu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc lẻn ra khỏi Thượng Hải để tránh bị cảnh sát Quốc Dân Đảng bắt. Họ nhóm họp đại hội lần thứ nhất của đảng trên chiếc thuyền ở Nam Hồ tại thành phố Gia Hưng. Vào ngày 1 tháng Bảy năm nay, một cuộc mít tinh được tổ chức để mừng 90 năm ngày thành lập đảng, và Hồ Cẩm Đào đọc bài diễn văn quan trọng, liệt kê nhiều thành tựu lớn của đảng. Cùng lúc đó trên mạng bắt đầu lưu hành bài viết sau. 

"Ước gì tôi có thể đi ngược thời gian," Ai đấy nói, "Tôi muốn có mặt ở Nam Hồ tại Gia Hưng vào ngày 1 tháng Bảy , 1921." 

"Để làm gì?" người ta hỏi anh. 

"Để báo cảnh sát." 

*

Dư Hoa là nhà văn Trung Quốc nổi tiếng. Tác phẩm mới nhất của ông, "Trung Quốc trong Mười Chữ", vừa mới ra mắt vào cuối năm ngoái tại Hoa Kỳ. Bài viết này và tác phẩm đều không được in ở Trung Quốc. Bản dịch tiếng Anh của Allan Barr. 

Tựa đề của người dịch, tựa đề bản dịch tiếng Anh "Chinese Autumn is no Arab Spring", Los Angeles Times, Mỹ, số ra ngày 11/12/2011. 


Chuyển ngữ



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo