Chuyện dài Đinh La Thăng - Phát ngôn và hành... dân - Dân Làm Báo

Chuyện dài Đinh La Thăng - Phát ngôn và hành... dân

Bộ trưởng Thăng: 'Tôi đã làm phải quyết liệt'

"Mức phí giao thông đề xuất là hợp lý, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi tin, 600.000 người có xe ôtô sẽ tự hào vì tham gia đóng góp cho đất nước", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời báo chí, chiều 3/4.

- Trả lời VnExpress, cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, với chất lượng phương tiện công cộng hiện nay, thu phí xe cá nhân không thể làm người ta từ bỏ xe, không giảm ùn tắc. Ông nói gì về ý kiến trên? 

- Chúng tôi đang tiến hành đồng bộ các giải pháp, vừa phát triển vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân... Nếu đợi làm xong đường, phương tiện công cộng hoàn thiện mới cấm xe cá nhân thì không còn đường để đi nữa. Bộ Giao thông phải triển khai thực hiện thu phí theo chỉ đạo, chứ không phải thích làm hay không thích làm, không phải nóng vội hay không nóng vội. 

Song, tôi đã làm phải quyết liệt, nếu không mấy năm nữa sẽ có người chất vấn tại sao không thu phí sớm để tăng nhiều xe như thế này. Một số cá nhân có thể bị chịu tác động của chính sách, nhưng đa số người dân được hưởng lợi vì đi an toàn, đỡ ô nhiễm môi trường hơn... 

Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng: 
"Đóng góp phí giao thông cũng thể hiện sự yêu nước". Ảnh: Hoàng Hà

- Ông vừa nói là Bộ Giao thông đang tiến hành nhiều giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn, vậy tại sao ông lại chọn giải pháp "thu phí" là khâu đột phá? 

- Không có việc Bộ Giao thông chọn cái dễ để làm trước, Bộ đang làm nhiều đề án như nâng cao chất lượng, nâng tiến độ công trình; rà soát hàng loạt các giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn... Thu phí chỉ là một phần, không phải là tất cả để đột phá hạ tầng giao thông, mà phải huy động nhiều nguồn lực như BOT, ODA.... 

Quan điểm của Chính phủ, Bộ Giao thông là ai sử dụng nhiều hạ tầng người đó phải nộp tiền nhiều hơn, người đi ôtô phải nộp nhiều tiền hơn xe máy, xe máy phải nộp nhiều tiền hơn xe đạp. Bây giờ người đi ôtô đang được lợi. Thu phí giao thông, nhà nước có tiền đầu tư hạ tầng, khi phương tiện bớt đi chúng ta có khả năng tăng xe bus lên. 

Với việc thu phí hạn chế xe cá nhân, ban đầu khoảng 600.000 người có ôtô bị tác động, xe máy sẽ thu sau ôtô ít nhất nửa năm. Tuy nhiên, tôi khẳng định Bộ Giao thông Vận tải chưa trình lộ trình cũng như thời điểm thực hiện các loại phí. Chúng tôi đã tính toán là tình hình kinh tế đang khó khăn, do đó chỉ báo cáo Chính phủ và Quốc hội để Quốc hội bổ sung 2 loại phí trên vào Pháp lệnh phí và lệ phí. 

- Căn cứ nào để Bộ đưa ra mức phí hạn chế phương tiện cá nhân? 

- Mức thu phí hạn chế phương tiện chúng tôi có tính toán dựa trên đề án cụ thể. Chúng tôi giãn cách mức thu đối với dòng xe ôtô từ 10 đến 20 triệu đồng một năm. Với xe máy từ 100 phân khối trở xuống là 300.000 đồng một năm, và chỉ thu phí xe máy tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, không thu phí với người nghèo. 

Theo tôi, thuế và phí chỉ có vai trò trong quá trình lịch sử nhất định. Khi kinh tế phát triển, hạ tầng tốt lên thì không thể thu phí tiêu thị đặc biệt với ôtô hay thu phí hạn chế phương tiện cá nhân nữa. 

- Mức phí 20 triệu đồng một năm với ôtô được coi là quá cao so với thu nhập bình quân. Tại sao Bộ Giao thông không đề xuất mức phí khởi điểm thấp hơn? 

- Đánh giá mức phí cao hay thấp hết sức tương đối. Vùng nông thôn, miền núi, người dân đang phải đóng tiền làm đường, 60% kinh phí người dân đóng còn 40% là nhà nước, người ta cũng sẵn sàng. Nếu so sánh với những người miền núi phải hiến đất làm đường thì khoản đóng góp của những người đi ôtô không lớn. 

Không ai muốn nộp phí không ai muốn tự dưng bỏ ra một khoản tiền lẽ ra không phải nộp. Những người đi ôtô được Nhà nước lo nhiều hơn về hạ tầng vậy nên đóng góp cùng Nhà nước làm hạ tầng là hợp lý. Tôi tin, đa số người có ôtô sẽ ủng hộ, vì đóng phí thì họ được đi đường tốt hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, ùn tắc giảm... 

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm và cá nhân tôi chịu trách nhiệm về đề xuất mức phí. Trên cơ sở các đề án nghiên cứu, chúng tôi cho rằng mức phí đề xuất là hợp lý. Khi đã làm theo chủ trương, tôi sẵn sàng đề xuất vì mục đích chung, vì mục tiêu đa số người dân được hưởng, vì mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông tốt, không sợ lấy phiếu tín nhiệm cao hay thấp. 

- Thưa ông, không phải tất cả người đi ôtô đều giàu, có người vì nhà quá xa nơi làm việc hoặc hoàn cảnh nghề nghiệp bắt buộc? 

- Tôi không nói những người đi tô là giàu hết nhưng họ là những người đỡ nghèo hơn người không có ôtô. Có người nhắn tin cho tôi là ông thu phí thế thì chết, nhà tôi đang có 4 chiếc ôtô. Việc thu phí sẽ khiến người sử dụng tự quyết định phương tiện của mình cho hiệu quả. Nếu chỉ vì một số người phản đối mà không thu phí thì số phương tiện cá nhân sẽ tiếp tục tăng lên. 

Tất nhiên, mức phí đề xuất cũng chưa hoàn toàn khách quan và công bằng, nhưng 600.000 người có xe ôtô sẽ hoàn toàn tự hào, hạnh phúc vì tham gia đóng góp cho đất nước. Đóng góp phí giao thông cũng thể hiện sự yêu nước. 

- Trong thời gian tới, Quốc hội dự kiến sẽ bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Với những chính sách của mình trong một năm qua, ông dự đoán thế nào về kết quả tín nhiệm với mình? 

- Tôi sẵn sàng làm vì đất nước, vì mục tiêu chung, nếu Quốc hội tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm, còn nếu Quốc hội không tín nhiệm thì tôi phải chấp nhận và không có cơ hội làm nữa. 

Nhưng tôi nghĩ, khi ngày nào còn là vị trí bộ trưởng thì tôi sẽ cùng ngành làm hết mình, đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, hiện đại, mà muốn hiện đại thì hạ tầng phải đi trước một bước. Muốn đi trước thì phải đột phá trong kết cấu hạ tầng, toàn dân phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng hạ tầng, các loại phí phải có sửa đổi bổ sung cho phù hợp thực tiễn. 

Đoàn Loan ghi


*

Bộ trưởng Thăng: “Tôi không ngại phiếu tín nhiệm cao hay thấp vì đề xuất thu phí” 

(Dân trí) - “Bộ GTVT đề xuất thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội. Với những đề xuất này, Bộ GTVT và cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tôi làm mọi việc vì đại đa số người dân nên không ngại phiếu tín nhiệm cao hay thấp”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng về vấn đề liên quan đến các loại phí phương tiện giao thông đang gây nhiều phản ứng trong dư luận xã hội tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này diễn ra chiều tối 3/4. 

Mở đầu cuộc họp báo, vị “tư lệnh” của ngành giao thông đã gửi lời xin lỗi vì Bộ GTVT cung cấp thông tin chưa đầy đủ, chưa kịp thời và chưa rõ ràng về các loại phí được đề xuất nên người dân tiếp nhận thông tin cũng chưa đầy đủ, dẫn tới những phản ứng trong dư luận. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng: 
"Bộ GTVT và cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm về các đề xuất thu phí" 

Thưa Bộ trưởng, ông từng khẳng định việc thu phí bảo trì đường bộ, phí Hạn chế phương tiện cá nhân và phí đi vào trung tâm thành phố không phải là phát kiến mới của Bộ GTVT, vậy những đề xuất này xuất phát từ đâu? 

Phí bảo trì đường bộ được thực hiện theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 và có hiệu lực từ 1/7/2009. Theo Luật đã có quy định về xây dựng quỹ để bảo trì đường bộ và đáng lẽ loại phí này phải thu từ năm 2010, nhưng vì nhiều lí do nên các ngành liên quan và Bộ chưa làm kịp, vừa rồi mới xong để trình Chính phủ ký và Nghị định về Qũy bảo trì có hiệu lực từ 1/6 tới đây. 

Đối với phí Hạn chế phương tiện cá nhân và phí vào trung tâm thành phố, các căn cứ để đưa ra đề xuất thu phí dựa trên Nghị quyết 13 của Hội nghị TW4 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo đưa nước ta thành nước công nghiệp. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã tán thành với chủ trương, biện pháp của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông, trong đó có các biện pháp chống ùn tắc giao thông, tăng mức xử phạt các hành vivề vi phạm an toàn giao thông, thu phí... 

Trong Văn bản số 256 (ngày 25/11/2011) báo cáo Quốc hội về các giải pháp mạnh mẽ chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các thành phố lớn, Chính phủ cũng đã đề xuất rõ các giải pháp thu phí nói trên. Ngay cả Nghị quyết TW4 cũng khẳng định những người tham gia giao thông phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp kinh phí để góp phần có nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. 

Nhiều ý kiến cho rằng việc thu đồng loạt các loại phí nói trên là hình thức tận thu và gây khó khăn cho các đối tượng nộp phí, Bộ trưởng nghĩ gì về điều này? 

Bộ GTVT nhận thiếu sót về việc này. Thực tế, Bộ GTVT mới chỉ trình Chính phủ đề xuất thu phí Hạn chế phương tiện cá nhân và phí đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm để Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào Pháp lệnh phí và lệ phí, còn việc thu thế nào và thu lúc nào cần phải có lộ trình. 

600.000 người có ô tô sẽ chịu tác động đầu tiên 
của chính sách thu phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân 

Nhưng trong Pháp lệnh phí và lệ phí nêu rõ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ, vậy lợi ích của người nộp phí ở đây là gì thưa Bộ trưởng? 

Đúng, phí là người dùng dịch vụ trả tiền cho người cung cấp dịch vụ, nhưng phí này mang tính chất gián tiếp, tức là người đi ô tô sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi nộp phí và lợi ích mà người dân được hưởng là đỡ ô nhiễm môi trường hơn, an toàn giao thông được đảm bảo hơn, đi lại thuận tiện hơn... 

Hiện nay đường bộ ở Việt Nam có hơn 280.000 km, trong khi chỉ thu được khoảng 5.000km đường bộ qua các trạm mới đạt 0,7%, còn so sánh toàn quốc lộ và tỉnh lộ mới chỉ thu được 4%, trong khi việc xây dựng cơ sở hạ tầng lâu nay phần lớn do Nhà nước đầu tư mà chưa thu phí. Vì thế, quan điểm của Bộ GTVT là ai sử dụng hạ tầng thì phải trả tiền, ô tô sử dụng nhiều hơn nên phải trả nhiều hơn xe máy, xe máy trả nhiều hơn đi xe đạp là điều đương nhiên. 

Xe cá nhân gây ùn tắc là vấn đề ở các thành phố lớn nhưng tại sao Bộ GTVT lại để xuất thu phí Hạn chế phương tiện trên cả nước? 

Có 2 lí do Bộ GTVT đề xuất thu phí trên cả nước, đó là để hạn chế phương tiện cá nhân và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. 

Được biết, hiện Bộ GTVT đã có những điều chỉnh về mức phí Hạn chế phương tiện cá nhân so với đề xuất ban đầu, phải chăng Bộ GTVT đã có những tính toán chưa chuẩn và còn lúng túng? 

Với đề án thu phí Hạn chế phương tiện cá nhân, lúc đầu Bộ GTVT đề xuất mức thu ô tô là từ 20-50 triệu đồng/xe (tùy loại), tuy nhiên sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân thì Bộ đã chia nhỏ mức thu của loại xe 2.0, trong đó: thu 10 triệu đồng đối với xe ô tô dưới 1.0; từ 1.0 - 1.5 là 15 triệu đồng; từ 1.5 - 2.0 mức phí thu là 20 triệu đồng; từ 2.0 - 3.0 là 30 triệu đồng và từ 3.0 trở lên là 50 triệu đồng. 

Đối với xe máy, ngoài mức thu từ 500.000 đến 1 triệu đồng thì Bộ GTVT giãn mức thu theo các đối tượng như sau: xe dưới 100 phân khối là 300.000 đồng; xe từ 100 - 175 phân khối là 500.000 đồng và trên 175 phân khối là 1 triệu đồng. Ở đối tượng thu là xe máy, Bộ GTVT đề xuất không thu đối với người nghèo và thu thí điểm ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và chỉ thu ở nội đô. 

Mức thu dựa trên những tính toán toán, cơ sở cụ thể chứ không phải thích thu bao nhiêu thì thu, chúng tôi không lúng túng và cũng không thay đổi mà chỉ giãn mức thu giữa các đối tượng cụ thể. 

Các mức phí đã được giãn và chia nhỏ cho phù hợp với đối tượng cụ thể 

Bộ trưởng liên tục khẳng định Quốc hội đã thông qua 2 loại phí này, nhưng có vẻ như Bộ GTVT đã làm ngược quy trình khi chưa lấy ý kiến người dân (đối tượng chịu tác động) đã trình Chính phủ đề xuất thu phí? 

Tôi khẳng định là Quốc hội đã thông qua. Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua, tán thành chủ trương, biện pháp của Chính phủ và Bộ GTVT về chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Vì thế, Bộ GTVT chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội chứ không phải Bộ GTVT thích làm thì làm, không thích thì thôi. 

Tất nhiên, chính sách đưa ra có động chạm đến người dân, nhưng theo tôi với những giải pháp thu phí này thì 100% người dân được hưởng, đây là lợi ích chung của cả nước. Về tác động cụ thể của chính sách khi được thông qua đầu tiên chỉ có 600.000 người có ô tô, sau đó mới đến xe máy và chỉ đề xuất thu đối với xe máy ở 5 thành phố lớn, hiện chưa có lộ tình thu đối với ô tô thì cũng chưa thu đối với xe máy và xe máy sẽ thu sau ô tô ít nhất 6 tháng. 

Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận vì những quyết định táo báo nhưng được cho là hợp lòng dân, tuy nhiên hiện dư luận xã hội lại phản ứng gay gắt về các đề xuất thu phí của Bộ GTVT, Bộ trưởng có sợ bị mất tín nhiệm? 

Bộ GTVT đề xuất thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội. Với những đề xuất này, Bộ GTVT và cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tôi làm mọi việc vì đại đa số người dân nên không ngại phiếu tín nhiệm cao hay thấp. 

Mức tín nhiệm cao hay thấp là tùy các đồng chí đánh giá. Khi nào tôi còn làm Bộ trưởng thì tôi luôn cùng ngành giao thông để đất nước này phát triển, tôi luôn sẵn sàng làm mọi việc vì mục đích chung, vì mục tiêu chung của đại đa số người dân, vì lợi ích của đất nước. Nếu Quốc hội và nhân dân tín nhiệm thì tốt, còn trường hợp không được tín nhiệm nữa thì tôi cũng phải chấp nhận. 

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

Quỳnh Anh


*

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Đóng phí, người dân sẽ hưởng lợi” 

“QH đã đồng ý với các đề xuất của Chính phủ về bảo đảm ATGT, trong đó có phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí đi vào trung tâm TP giờ cao điểm”. 

Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, khẳng định tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ ngày 3-4. 

. Pháp Luật TP.HCM: Theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Vậy khi đóng phí hạn chế phương tiện, người dân sẽ được hưởng những dịch vụ gì, thưa Bộ trưởng? 

+ Hiện hệ thống đường bộ Việt Nam có hơn 280.000 km nhưng Nhà nước mới chỉ thực hiện thu được qua trạm thu phí khoảng 2.500 km. Do đó, phần lớn đường Nhà nước bỏ ra đầu tư nhưng chưa thu phí. Quan điểm của Bộ cũng như của Chính phủ là ai sử dụng nhiều hạ tầng thì phải nộp tiền, người đi ô tô phải nộp nhiều hơn xe máy, nhiều hơn người đi xe đạp, đi bộ. 

. Vnexpress.net: Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, mức phí như đề xuất của Bộ là ép dân. Bộ trưởng nghĩ sao? 

+ Khi đưa ra một chính sách đụng chạm tới nhiều đối tượng thì sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng tôi cho rằng đa số người dân sẽ được hưởng lợi từ việc thu phí. Đa số người có ô tô cũng sẽ ủng hộ vì khi họ nộp phí thì cơ sở hạ tầng sẽ tốt hơn, họ được hưởng lợi khi đi lại thuận tiện, chi phí xăng dầu giảm, thời gian đi lại giảm. 

. Tiền Phong: Việc ban hành các loại phí trên dựa vào căn cứ nào, thưa Bộ trưởng? 

+ Chúng tôi căn cứ vào các công văn, nghị quyết của Chính phủ để triển khai đồng bộ các giải pháp về ATGT, trong đó có giải pháp về kinh tế, hành chính trước mắt và lâu dài. Hơn nữa, tại kỳ họp thứ 2 QH khóa 13, theo yêu cầu của QH thì Chính phủ đã có báo cáo các giải pháp về bảo đảm ATGT. Sau đó, QH đã thông qua nghị quyết tán thành các chủ trương của Chính phủ ban hành các giải pháp về ATGT. Trong báo cáo của Chính phủ có nhiều giải pháp và có cả thu phí hạn chế xe cá nhân và phí đi vào trung tâm giờ cao điểm. Như thế, về chủ trương QH đã đồng ý với hai loại phí trên. 

. Pháp Luật TP.HCM: Đã có ý kiến đề nghị đưa vấn đề thu phí ra thảo luận trong kỳ họp QH tới, Bộ trưởng có đồng tình không? 

+ Việc này là do Ủy ban Thường vụ QH quyết định và quyết như thế nào thì tôi chấp hành. Tôi không có quyền thích hay không thích! 

THÀNH VĂN lược ghi


*

Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Thu phí xe máy sau ô tô ít nhất 6 tháng'

"Quan điểm của Bộ GTVT là sử dụng đường càng nhiều thì phải nộp phí nhiều, người đi ô tô phải nộp nhiều hơn đi xe máy. Đây là phí mang tính chất gián tiếp, giúp có thêm nguồn thu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng" - Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Chiều tối 3/4, sau cuộc họp thường kỳ tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dành cho báo chí hơn một giờ để nói rõ hơn về các loại phí mà cơ quan này đề xuất thu của người dân đi ô tô, xe máy. 

- Thưa bộ trưởng, trong buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm 1/4, ông có nói năm nay chưa thu phí. Vậy theo lộ trình thì bao giờ sẽ bắt đầu thu các loại phí do Bộ GTVT đề xuất? 

- Tôi xin khẳng định lại là phí bảo trì đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông Đường bộ 2008 và Nghị định 18/2012. Lẽ ra, sau khi Luật Giao thông Đường bộ 2008 ban hành, Quỹ Bảo trì đường bộ phải tiến hành thu ngay nhưng các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT, không thực hiện kịp. 

Đáng tiếc là đề xuất của chúng tôi thu vào thời điểm kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang khó khăn nên không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nếu bắt đầu thu từ năm 2010 thì chắc sẽ hợp lòng dân hơn. 

Về chủ trương, Quốc hội đã đồng ý với 2 loại phí này. Thiếu sót của chúng tôi là sau khi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành đã không đưa lộ trình thực hiện vào trong nội dung tờ trình vừa gửi Chính phủ. 

Đến nay, Chính phủ cũng chưa tiến hành họp bàn về vấn đề này. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin bổ sung hai loại phí này vào danh mục Pháp lệnh Phí và Lệ phí. 

- Theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Vậy người dân có quyền hỏi khi đóng phí hạn chế phương tiện xe cá nhân, họ được hưởng những dịch vụ gì? 

- Quan điểm của Bộ GTVT là sử dụng đường càng nhiều thì phải nộp phí nhiều, người đi ô tô phải nộp nhiều hơn đi xe máy… Đây là phí mang tính chất gián tiếp, giúp có thêm nguồn thu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Mọi sự so sánh đều khập khiễng và chúng ta không thể nói vì thu nhập của mình thấp mà hạ tầng của mình cũng phải thấp đi. Sau khi đưa ra các mức phí, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và có điều chỉnh theo hướng dãn ra cho phù hợp với từng loại xe. 

- Có ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, Bộ GTVT đang chịu áp lực về nguồn vốn để triển khai xây dựng hạ tầng giao thông nên mới chọn phương án dễ nhất là thu phí ? 

- Không có chuyện Bộ GTVT thích chọn phương án dễ. Chúng tôi đang xây dựng rất nhiều đề án, làm rất nhiều công trình một cách đồng bộ và đang phát huy hiệu quả. Điều cần nhất bây giờ là sự đồng thuận của người dân. 

- Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua có ý kiến đề nghị đưa vấn đề phí ra nghị trường để các đại biểu Quốc hội thảo luận. Bộ trưởng nghĩ sao về chuyện này? 

- Điều này là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Quyết như thế nào thì tôi chấp hành như vậy. 

- Đề xuất ban hành thêm một loại phí để người dân đóng góp luôn là một vấn đề nhạy cảm bởi nó đụng chạm nhiều đến người dân. Ông có lo rằng khi đề xuất nhiều phí như vậy, số phiếu ủng hộ cho ông sẽ giảm đi so với trước, nhất là tới đây Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm? 

- Có nhà báo từng hỏi tôi sao lại chỉ chăm chăm vào thu phí thôi. Tôi khẳng định không phải vậy, chúng tôi đang làm rất nhiều giải pháp đồng bộ. Không phải Bộ thích làm thì làm mà phải làm theo chỉ đạo của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng việc này 100% người dân được hưởng lợi. Đó là lợi ích chung của đất nước. Tác động ban đầu của việc thu phí sẽ chỉ đến với hơn 600.000 người đang sử dụng ô tô, xe máy sẽ thu sau ô tô ít nhất 6 tháng. 

Với nhiều người dân, việc thu phí ô tô, xe máy sẽ thêm gánh nặng đời sống. 

Đa số người đi ô tô hưởng lợi từ việc này vì họ sẽ có những con đường tốt để đi lại, vừa đỡ mất thời gian vừa giảm chi phí xăng dầu. Có thể nó chưa khách quan, công bằng nhưng tôi nghĩ rằng người dân phải thấy hạnh phúc, tự hào khi đóng phí. 

Tôi sẵn sàng làm việc này vì đất nước, vì mục tiêu chung. Quốc hội tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm, không tín nhiệm thì không còn cơ hội nữa. Nhưng nếu còn làm bộ trưởng thì tôi sẽ kiên quyết thực hiện các giải pháp để hạ tầng giao thông được tốt hơn.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo