Thảm sát Huế - Dân Làm Báo

Thảm sát Huế

James Jones * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Dù đạt được bất kỳ điều gì chăng nữa, thảm sát Huế trên thực tế đã làm cho đại đa số người dân Nam Việt thù ghét cộng sản Bắc Việt. Bất kỳ ta đi đâu ở Nam Việt vào năm 1973 này, từ Cần Thơ ở vùng châu thổ đến Tây Ninh đến Kon Tum ở phía bắc, và tất nhiên ở Huế, ta đều nghe người ta vẫn còn nói về những cuộc thảm sát vào dịp Tết năm 1968.

Trong 24 ngày trong tháng Hai, 1968, quân Bắc Việt và Việt Cộng đã bắn chết, đập chết, hay chôn sống một cách cố ý và đúng bài bản khoảng 2.800 người dân Huế-nhân viên chính quyền, nhân viên hành chánh, học sinh sinh viên, thầy cô giáo, linh mục, nhân viên phát triển nông thôn, cảnh sát, nhóm bác sĩ ngoại quốc; bất kỳ ai và tất cả những ai liên quan đến việc dạy dỗ thanh thiếu niên, điều hành thành phố, hay giúp đỡ dân chúng bất luận việc gì.

Rõ ràng những vụ giết người này thuộc về một chiến dịch đã dự định trước. Những kế hoạch được soạn thảo một cách chi tiết được phân phát mà chia thành phố ra thành những khu vực mục tiêu và liệt kê tên những mục tiêu con người sống trên mỗi đường phố. Những mục tiêu này phải bị bắt, phải đưa ra khỏi thành phố và phải bị giết. Họ cố lấy lòng Phật tử và người Pháp, nhưng những thường dân ngoại quốc khác, đặc biệt người Mỹ, người Đức và người Phi, cũng bị bắt đi và "bị trừng phạt".

Những người lãnh đạo Bắc Việt và Việt Cộng hiển nhiên biết họ không thể nào hy vọng giữ được Huế rất lâu. Thật khó thấy chính xác họ hy vọng đạt được những gì từ các vụ thảm sát này. Điều họ thực sự đã đạt được chính là lòng căm thù khôn nguôi của hầu như mỗi người dân miền Nam mà trước đây biết đâu có lẽ lưỡng lự chấp nhận họ.

Chính chỉ sau khi các vụ thảm sát ở Huế mà chính quyền Nam Việt có thể ban hành lệnh tổng động viên và quân dịch, một điều mà trước đây chưa từng bao giờ thực hiện, nhờ đấy sức mạnh quân sự của chính quyền miền Nam tăng gần gấp đôi. Huế, mỉa mai thay, lại khiến cho chính quyền Nam Việt càng mạnh hơn bao giờ hết.

Chiến trận Huế thực sự được truyền thông ở Mỹ vào năm 1968 tường thuật rất nhiều, nhưng hậu quả của nó thì không được tường thuật nhiều bằng. Hậu quả ấy chậm đưa ra ánh sáng, phần vì trong một thời gian khá dài dân chúng sợ nói về điều này, phần vì phải mất thời gian dài mới tìm ra được tất cả những thi hài, trong số ấy có nhiều thi hài của những người bị giải đi đến, nói một cách hình ảnh, "lò sát sanh"-vào những nơi đèo núi xa xôi trước khi bị sát hại. Ở Mỹ một vài bài báo tường thuật chuyện này nhưng chúng biến mất nhanh chóng.

Mãi tới năm sau nhiều hố chôn tập thể mới được khám phá. Rồi chính mãi tới tháng Mười Một, 1969, lúc một bài diễn văn của Nixon dùng Huế để biện minh cho việc rút lui chậm chạp ra khỏi Việt Nam thì chủ đề thảm sát mới nhận được thêm nhiều quan tâm trên báo chí. Nhưng vào lúc ấy, ít phóng viên Mỹ nào còn thấy thích hợp để nhận trách nhiệm điều tra cuộc thảm sát. Chẳng ai cố gắng viết bài tố cáo nghiêm túc. Huế không còn là tin tức nữa. Tâm trạng phản chiến chống Mỹ dâng cao ở trong nước. Tại sao cứ chống lại tâm trạng ấy nhân danh sự nghiệp của những sự thật không hợp lòng dân? Tập trung vào sự thối nát của chính chúng ta ở Mỹ Lai thì tốt hơn rất nhiều. Ít ra về chuyện ấy chúng ta có thể làm được điều gì đấy.

Một số tác giả người Mỹ, trong họ ít nhất một người từng sống ở Huế và sau đấy trở lại thăm Huế, đã viết nhiều bài để làm cho các cuộc thảm sát giảm xuống đến mức tối thiểu và chứng minh rằng những vụ giết người tập thể này không phải là chủ trương của Bắc Việt - Việt Cộng, mà chỉ là những hành vi của những người lính tức giận trong cuộc giao chiến ác liệt. Mặc dù có nhiều luận điệu bác lại cuộc nghiên cứu này, nhưng các vụ giết người ở Huế được cho là dù gì đi nữa cũng là mưu toan chính trị của Nixon. Không như nước Mỹ tự do nghĩ, những vụ giết người tập thể này đã không thật sự xảy ra.

Nhưng cách lập luận ấy tưởng đúng nhưng thực ra giả dối: áp dụng đạo đức phim cao bồi Mỹ của chúng ta, chúng ta xác định rằng nếu như chúng ta là những kẻ xấu, thì phe bên kia ắt hẳn là những người tốt. Cộng sản đã giải quyết vụ này gần như hoàn hảo, nhưng câu trả lời suy ra từ đấy không nhất thiết là đúng.

Một trong những mồ tập thể cuối cùng tìm được ở Huế là một khe suối trong núi với nước chảy trong veo róc rách ở tận sâu hàng cây số trong vùng căn cứ địa miền núi. Dưới lòng khe suối trong rừng thẳm ấy là núi xương cốt của độ 400 thi hài, tất cả xương cốt đều bị dòng nước trong veo, ngọt mát cuốn đi rồi dồn lại một đống. Qua xem xét những cái sọ riêng biệt tìm thấy ấy (sọ tròn, thịt đã thối rửa hết) chứng tỏ rằng hầu như không có ngoại lệ tất cả những người dân nạn nhân này đều đã bị đập chết, có lẽ bằng báng súng hay thanh gỗ. Không ai biết họ giết người như thế là để tiết kiệm đạn hay là dấu hiệu của sự khinh bỉ. Tất cả những xương cốt bị dồn một đống lại với nhau, hầu như không có một thi hài nào còn có thể nhận dạng được. Tất cả cuối cùng được mai táng chung với nhau trong ngôi mộ tập thể lớn.

Đây chắc chắn không phải là kết quả của "cuộc giao tranh ác liệt". Khi ta ngồi suy tưởng đến tình cảnh như thế nào chắc phải xảy ra khi họ bị giải đi trên đường, ta cảm thấy gần như kinh hoàng. Những người dân thường nam lẫn nữ, không có tập luyện thể dục, không quen bị giải đi nặng nhọc, hai tay bị trói ra đằng sau, đi hàng biết bao nhiêu cây số trong suốt biết bao nhiêu giờ, leo lên những con đường mòn núi đá dốc đứng dưới cái nắng khủng khiếp ấy, rồi lại đi xuống núi, mà lại càng mệt mỏi hơn, đi mà hầu như biết chắc kết cục rồi sẽ thế nào.

Thật không dễ dàng gì đập ngã 400 người. Không thể nào đập chết họ cùng một lúc, nếu không có mỗi người lính cho mỗi người tù. Ta tự hỏi người lính áp giải trên chuyến đi ấy phải là người như thế nào. Cho đến nay theo như người ta biết không có một người lính Việt Cộng nào hay một cựu chiến binh Bắc Việt nào đứng ra phản đối chính thức với chính quyền mình về tội ác này, hay làm phim về cảm tưởng của mình về tội ác ấy. Cho đến nay theo như người ta biết Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Việt Cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Bắc Việt đều không có cuộc điều tra chính thức nào về tội ác ấy, hay cũng không kết án bất kỳ những ai can dự.

James Jones (1921-1977) là nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới với tác phẩm đầu tay "From Here to Eternity " được đoạt giải National Book Award vaò năm 1952.

Nguồn:

Trích dịch từ bài viết "In the shadow of peace" viết từ Huế của nhà văn Mỹ James Jones đăng trong tờ The New York Times số ra ngày 10 tháng Sáu 1973.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo