Trung Cộng cản trở hoà bình trên bán đảo Triều Tiên? - Dân Làm Báo

Trung Cộng cản trở hoà bình trên bán đảo Triều Tiên?

Anh REUTERS/KCNA Kim và Tập tại Trung Cộng
Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Vào ngày 10.05.2018 trên các đài truyền hình Tổng Thống Mỹ Donald Trump xuất hiện niềm nở thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hoàn thành công vụ ở Bắc Hàn đưa ba tù nhân Mỹ về nước và tỏ vẻ vui mừng trước tin tên ông có trong danh sách những ứng viên tranh giải Nobel Hoà bình. Ủy ban Nobel Na Uy xác nhận đây là lần thứ ba Trump được đề cử. Một phóng viên Tòa Bạch Ốc muốn biết ông có tin là người xứng đáng nhận giải Nobel Hoà bình không? Trump trả lời "ai cũng nghĩ như thế, nhưng tôi sẽ không bình phẩm gì hết". Trump xem chính quyền Mỹ đang trên đường thành công. Ông lạc quan về quyết định Mỹ đơn phương rút khỏi thoả ước hạt nhân Ba Tư và triển vọng sẽ ký kết một thỏa thuận lịch sử với Bắc Hàn.

Ngày 21-5, Cơ quan Truyền thông Toà Bạch Ốc thông báo đã cho ra mắt đồng tiền xu kỷ niệm có in hình Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhân dịp hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều chuẩn bị có cuộc gặp gặp lịch sử. 


Ngày 22.05.2018 trong cuộc thảo luận với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In tại Toà Bạch Ốc, Tổng Thống Donald Trump bất chợt cho biết cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Hàn cộng Kim Jong Un dự trù 12.06.2018 tại Tân Gia Ba có thể không xảy ra và có lẽ sẽ dời vào một thời điểm khác. Ông khẳng định Mỹ đảm bảo an ninh cho Kim và cho rằng ký kết thoả thuận sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Bắc Hàn. Bắc Hàn sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng. 

Trước đây vào ngày 27.04.2018 tại làng biên giới Bàn Môn Điếm (Panmunjom) Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In và Chủ tịch Hàn cộng Kim Jong Un đã ký kết một thoả thuận hoà bình và hoà giải. Theo đó Bắc Hàn cam kết dẹp bỏ chương trình hạt nhân.

Ảnh hưởng Trung Cộng vào quyết định hủy Hội nghị thượng đỉnh

Hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump sẽ có giá trị lịch sử. Chưa bao giờ một Tổng Thống Mỹ đương nhiệm gặp giới lãnh đạo Hàn cộng. Năm 2009 cựu Tổng thống Bill Clinton đã đến Bình Nhưỡng theo sự ủy nhiệm của chính quyền Tổng Thống Barack Obama. Ngày 15.05.2018 Thông tấn xã Bắc hàn KCNA loan tin Chính quyền Bắc Hàn hủy cuộc thương thảo cấp cao với Nam Hàn dự kiến vào ngày 16.05 vì cuộc thao diễn quân sự giữa Mỹ và Nam Hàn kéo dài từ ngày 14.05 đến 25.05.2018 và đồng thời gián tiếp cảnh báo hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn sẽ không thể xảy ra nếu Mỹ tiếp tục đe dọa quân sự và cấm vận. Bắc Hàn cho rằng "Thỏa thuận lịch sử Bàn Môn Điếm không thể chỉ đòi một bên nỗ lực thi hành". Thứ trưởng ngoại giao Bắc Hàn Kim Kye Gwan tuyên bố "Nếu Mỹ chèn ép đòi chúng tôi phải hủy bỏ vũ khí nguyên tử thì chúng tôi sẽ không còn quan tâm đến các cuộc thương thảo nữa". Bắc Hàn kết án cuộc tập trận Max Thunder là hành vi cố tình khiêu khích vào thời điểm quan hệ liên Triều đang cải thiện. Ngoài ra lời tuyên bố của cố vấn an ninh John Bolten đã làm Bắc Hàn thêm lý do không muốn đàm phán. Tại Hoa Thịnh Đốn (Washington), Bolten nói Bắc Hàn nên theo gương Lybia nhanh chóng chuyển giao vũ khi hạt nhân cho Mỹ hay các quốc gia khác. Lời tuyên bố hàm ý đe doạ Kim sẽ nhận lãnh số phận như Muammur Gaddafi, nhà lãnh đạo nước Lybia nếu không ký thoả thuận với Mỹ.

Về phía Mỹ, Trump cho rằng Trung Cộng đã có áp lực vào quyết định hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh của Kim. Theo báo South China Morning Post ngày 24.05.2018 Donald Trump nói "Chủ tịch Tập Cận Bình có thể ảnh hưởng Kim khi Kim đến Bắc Kinh lần thứ hai".

Trong thời gian gần đây cử chỉ của Kim cũng biểu lộ cho thấy Trung Cộng đã hứa hẹn hỗ trợ cho Bắc Hàn nên Kim có những tuyên bố mạnh dạn như đòi các bên cùng đẩy mạnh tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, trả tự do cho ba tù nhân Mỹ, mời các phóng viên Nam Hàn, Mỹ, Nga, Trung cộng, Anh... tới chứng kiến việc đóng bãi thử hạt nhân Pyunggye. Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 09.05.2018, Thủ Tướng Trung cộng Lý Khắc Cường ngợi khen Bắc Hàn đã đơn phương công bố ngừng thử bom và mời ký giả ngoại quốc chứng giám. 

Chuyên gia chính sách đối ngoại Cheng Xiaohe, Đại học nhân dân Bắc Kinh nói "Trung Quốc không còn lý do phạt Bắc Hàn nữa vì một mặt bang giao Nam-Bắc Hàn đã cải thiện, mặt khác Trung Quốc cách đây vài tháng có quan hệ tốt với Tổng Thống Trump. Nhưng bây giờ chúng tôi có chiến tranh thương mại với Mỹ".

Nếu như Trung cộng đã đảm bảo sự sống còn cho chế độ Hàn Cộng thì Kim còn thương thảo với Trump làm gì? 

Kế hoạch áp lực tối đa

Trump tính toán chính trị trong trường hợp Bắc Hàn và Ba Tư tương đối qúa đơn giản. Ông cho rằng Mỹ chỉ có thể chiến thắng đối với các quốc gia này một khi Mỹ biểu dương sức mạnh, quyết tâm và quyền lực. Theo Trump, biện pháp cấm vận khắc nghiệt cho trường hợp Bắc Hàn là phương tiện tốt nhất dẫn đến thành công. Các chiến lược gia của ông gọi đường lối này là Kế hoạch áp lực tối đa (Maximum Pressure Campaign). Nhưng bằng chứng thành công cho kế hoạch này đến nay chưa thấy. Liệu Bắc Hàn cuối cùng phải huỷ bỏ vũ khí nguyên tử? Ba Tư vì áp lực sẽ phải vào bàn thương thảo? 

Với cá tính tự mãn,Trump luôn nghĩ là làm đúng trong khi các quốc gia đồng minh Âu châu và chính giới Mỹ hoài nghi về chiến lược an ninh- đối ngoại bất nhất của ông. Những cố vấn chủ trương ôn hòa như Gary Cohn,H.R. McMaster,Rex Tillerson có thể nhắc nhở ông thận trọng hành xử chính trị, nay không còn hiện diện trong nội các. Bây giờ trong hậu trường các chính trị gia thuộc cánh diều hâu như ngoại trưởng Mike Pompeo, tân cố vấn an ninh John Bolten sẽ khuyến khích Trump mạnh bạo hơn nữa thực thi chiến lược "Mỹ trước hết" (America First) . 

Trong chiến lược "Mỹ trước hết" các quốc gia khác phải hỗ trợ Mỹ. Ai không theo sẽ bị coi là đối nghịch. Chiến lược này gây ra chia rẻ và xáo trộn cho thế giới. Đối diện trước những vấn nạn: Ba Tư, Hàn Cộng, Tranh chấp thương mại, Syria Chính quyền Trump tới nay vẫn chưa đưa ra giải pháp ngoài biện pháp đe dọa dùng vũ lực và cấm vận.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo