"Hèn Tư Chính" - Dân Làm Báo

"Hèn Tư Chính"

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Bãi Tư Chính là một trong những dấu ấn của bản trường ca Hèn Với Giặc của tập đoàn Ác Với Dân. Những khúc dạo "quan ngại" của Bộ... Quan Ngại - cái loa chính thức của bộ máy cầm quyền - cộng với sự im hơi lặng tiếng cố hữu của các quan Ba Đình đã trở thành trường kỳ "khiến chán" khi lãnh hải, lãnh thổ của đất nước bị đe dọa và xâm lược từng phần.

Khúc hát đầu hàng số 1 

Gần 2 năm trước... Ngày 24.07.2017, Hà Nội ra lệnh công ty Repsol phải ngừng hoạt động khai thác dầu-khí tại tại lô 130-03, Bãi Tư Chính, thuộc phạm vi chủ quyền của Việt Nam vì áp lực quân sự của Bắc Kinh. 

Toàn bộ báo chí lề đảng im lặng vì Ban Tuyên giáo không biết phải "trình bày" với người dân như thế nào để che giấu được thái độ đầu hàng Bắc Kinh một cách rất hèn nhát của chế độ. 

Hoạt động khoan dầu của Talisman-Vietnam, một chi nhánh của Repsol (Tây Ban Nha), khởi sự vào ngày 21/06/2017. Việc bị chấm dứt hoạt động khai thác dầu Cá Rồng Đỏ tại đây đã xảy ra một ngày sau khi một lượng dầu khí rất lớn được xác nhận tìm thấy ở vùng biển này. 

Lúng túng đến 4 ngày sau thì người phát ngôn của Bộ Quan Ngại (tức Bộ Ngoại Giao) Lê Thị Thu Hằng buộc phải ló mặt với khúc hát: "Khẳng định hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam... Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông". (1) 

Không một lời nào đá động đến "Bãi Tư Chính" và thay vào đó là "khu vực biển". 

Không một tuyên bố nào về việc rút giàn khoan Repsol mà chỉ "khẳng định hoạt động dầu khí" rất chung chung và mơ hồ. 

Đó là tư duy và hành động thần phục thiên triều đã trở thành "văn hóa Ba Đình" mà đứng đầu danh sách các thái thú Việt gian là Tổng-Tịch kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. 

Trong chính sách xâm lược để bành trướng ảnh hưởng và quyền lợi trên toàn Biển Đông, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cho vùng biển rộng lớn có khoảng cách hơn 1600 Km tính từ bờ biển phía Nam của Trung Quốc. Với cái gọi là "Đường Lưỡi Bò", Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền của gần 3,5 triệu km2 biển Đông là thuộc về Trung Quốc. 

Khúc hát đầu hàng số 2 

Tháng 3/2018 nhà cầm quyền CSVN "tạm thời" huỷ bỏ dự án khai thác dầu khí tại lô "Cá Rồng Đỏ" (2). Cũng vì áp lực của Bắc Kinh. Bộ Chính trị thảo luận để quyết định nên huỷ bỏ dự án "tạm thời" hay vĩnh viễn. 

Việc CSVN chấm dứt hoạt động khai thác dầu-khí tại bãi Tư Chính không chỉ là một thiệt hại về kinh tế mà còn là một thất bại to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này. 

Tuy nhiên, trong nhiều thương thảo đổi chác, chính các lãnh đạo CS Hà Nội đã hứa hẹn và đã phủ nhận chủ quyền của đất nước tại nhiều khu vực lãnh hải, lãnh thổ. 

Theo "Tài liệu đặc biệt: Nội dung giao thiệp của Vụ biên giới và biển Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 13.4.2012 với Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh" (3), vào ngày 13.4.2012, Vụ phó Vụ biên giới và biển thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc là Dị Tiên Lương đã gặp Tham tán Công sứ Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh Hoàng Ngọc Vinh. Trong đó vấn đề Bãi Tư Chính đã được phía Bắc Kinh đưa ra: 

"Mặc dù năm 2010, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Trương Chí Quân với tư cách là Đặc phái viên đã đi VN để trao đổi về vấn đề này, đồng thời phía TQ liên tục giao thiệp ở các cấp, kể cả cấp cao. Nhưng VN không thèm đếm xỉa tới sự quan tâm, giao thiệp của phía TQ, liên tục hoạt động ở khu vực này. Các bộ ngành, doanh nghiệp, lực lượng chấp pháp của TQ chất vấn mạnh mẽ, gây sức ép yêu cầu Bộ ngoại giao/TQ giải quyết. Khu vực “Vạn An Bắc” là lô dầu khí duy nhất của TQ ở khu vực “Nam Sa”, phía VN đã cam kết dừng, nhưng VN hứa rồi lại không thực hiện. Sau khi VN đã triển khai ở tất cả các lô dầu khí xung quanh lô 133, 134, hiện nay lại tiếp tục làm ở hai lô này. “Vạn An Bắc” là một vấn đề hết sức phức tạp, tại sao VN lại cứ nhằm vào “Vạn An Bắc” để ra tay? Theo phía TQ hiểu thì VN không thực hiện lời hứa của mình, không có thiện chí cùng TQ ngồi vào bàn đàm phán. TQ coi đây là hành động khiêu khích giới hạn cuối cùng của TQ, là hết sức nguy hiểm."

Vạn An Bắc là tên Tàu cộng gọi Bãi Tư Chính. Nội dung trong tài liệu trên cho thấy Hà Nội đã hứa hẹn và cam kết với Bắc Kinh về việc ngừng khai thác dầu tại Bãi Tư Chính từ trước năm 2010. 

Tháng 7, 2019 - khúc hèn ca câm lặng 

Ngày 16.06.2019, tàu Haijing 35111 của Cảnh sát biển Trung Quốc bắt đầu xâm nhập và tuần tra khu vực phía tây bắc Bãi Tư Chính - cách bờ biển đông nam Việt Nam 190 hải lý và thuộc chủ quyền VN. 

Đây là khu vực có lô 06-01, thuộc dự án Đường ống khí Nam Côn Sơn, thành lập vào năm 2000 và hiện đang được khai thác bởi công ty dầu khí Nga Rosneft với giàn khoan dầu thuê của Nhật là Hakuryu 5. 

Ngày 03.07.2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) tham gia cuộc hành quân bao vây và đe doạ của cảnh sát biển TQ qua cái gọi là "khảo sát địa " ở một khu vực gần lô 06-01. 

Tương tự như đã xảy ra với công ty Repsol 2 năm trước, Bắc Kinh đã sử dụng 3 tàu cảnh sát biển vũ trang hùng hậu để “hộ tống” tàu Haiyang Dizhi 8 cho việc “thực hiện việc khảo sát địa” ở phía bắc của giàn khoan dầu Hakuryu 5, nhưng thực chất là để đe doạ các hoạt động khai thác tại đây. 

Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc "hành quân" bao vây và đe doạ này một cách dễ dàng vì tàu cảnh sát biển của TQ có thể cập bến và tiếp vận tại các căn cứ tại Đảo Đá Chữ Thập gần đó, nơi mà Trung Quốc đã xây dựng trong những năm qua. 

Trong khi đó, tàu Việt Nam phải trở lại Cam Ranh để được tiếp vận. 

Ngày 12.07.2019 tờ South China Morning Post đăng tin về việc Trung Quốc đã đưa tàu hải dương Haiyang Dizhi vào Bãi Tư Chính và sự đối đầu giữa cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam. 

Trong suốt thời gian đó, dù biển Đông dậy sóng và mạng xã hội nổi cồn, báo chí lề đảng và các quan chức hát bài ca câm lặng. Lê Thị Thu Hằng của Bộ Quan Ngại cũng chưa được bật đèn sang để hát khúc "quan ngại". Theo BBC từ nguồn tin ẩn danh: "có lệnh không đưa tin về vụ bãi Tư Chính". (4) 

Cho đến ngày 16.07. 2019, Thu Hằng mới bước lên sân khấu để... quan ngại. Một khái niệm về "hoạt động có giá trị" được đưa ra: ...nếu không được phép của Việt Nam, thì mọi hoạt động của nước ngoài “đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982”. 

Có lẽ trong trường hợp một kẻ cướp vào nhà, lấy hết đồ đạc, đốt phá, chiếm luôn cả nhà thì các đồng chí ta vẫn cho là vô giá trị vì không "được phép" của chủ nhà! 

Vì "không được phép" vì "vô giá trị" nên trong khoảng thời gian này, Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng vừa an nhàn dưỡng bệnh vừa ung dung mở lại cái lò "đồng chí đốt đồng rận". 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tận Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam để chỉ đạo "Cảnh sát biển Việt Nam cần giám sát chặt chẽ các tàu, giàn khoan của nước ngoài hoạt động trên biển và thềm lục địa của Việt Nam" (5). Đó là chỉ dấu duy nhất cho thấy biển Đông dậy sóng. Nhưng vẫn không có một câu, một chữ nào về "Bãi Tư Chính". 

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khăn gói sang Bắc Kinh và cam kết với Tập Cận Bình là sẽ "kiềm chế, kiểm soát những điểm còn bất đồng “vì đại cục của hai nước.”

Qua những diễn biến xảy ra tại Bãi Tư Chính, có thể nói rằng “đại cục” của Bắc Kinh là nhất định ngăn cản mọi hoạt động khai thác không do Trung Quốc thực hiện trong “đường chín đoạn” bao trùm biển Đông. Và “đại cục” của Ba Đình là kiềm chế và im lặng và quan ngại trước mọi hành vi liếm láp của lưỡi bò Bắc Kinh. 

Hai “cục” tuy rất đại nhưng tầm cỡ và mùi vị rất khác nhau. 

18.07.2019

Chú thích:






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo