Tự do là hơi thở của văn chương - Dân Làm Báo

Tự do là hơi thở của văn chương

Thái Phục Nhĩ (danlambao)  Nghệ sĩ chân chính ngoài óc quan sát tinh tường thì họ có ý chí cương trực khó mà lay chuyển. Họ biết mình sinh ra đời là để phụng sự chân thiện mĩ, họ sẽ nói sự thật, họ sẽ làm theo sự thật để tạo cho cuộc đời những di sản đẹp. Bảo họ cong cái lưng để được vài đấu gạo họ còn chưa chịu, huống chi bảo họ uốn lưỡi để nói những điều dối trá. Dù chỉ sống một ngày mà họ làm hiện ra được chân lí cho đồng loại họ cũng sung sướng và vinh hạnh hơn là sống cả trăm năm mà bán rẻ chân lí. Đối với những người mà cái chết không làm họ sợ thì những bả hư danh, nhưng giải thường còm cõi nhuốm màu chính trị bè phái phấn sức bằng những chính nghĩa rạng ngời không mua nổi lương tâm họ...


Văn chương hạ giới rẻ như bèo

Câu ấy của Tản Đà được Nguyễn Hiến Lê dẫn lại trong bài Văn Chương Hạ Giới (i) để tả nỗi túng bấn của văn sĩ Việt Nam. Uyên bác như Lê Quí Đôn, viết những pho sách có lợi cho văn hóa quốc gia lắm mà không giàu nhờ sự nghiệp văn chương được. Nguyễn Du mất bao nhiêu tinh huyết để viết truyện Kiều mà chỉ nhận được vài tiếng khen lẫn chê của triều đình. Qua thời sau, Tú Xương “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, có lúc túng toan “bán cả trời”, nhờ vợ đảm đang mà qua được bữa cơm hàng ngày, như ông kể trong bài Thương Vợ.

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.

Đã nghèo lại đông con, thì càng nghèo hơn. Sự thực thì ông có với bà tới tám người con chứ không phải năm như lúc đó đâu. Tản Đà cũng như Tú Xương, nghèo mà sinh tới tám người con. Thời hoàng kim nhất của thi sĩ thuộc thế hệ cựu học này là lúc An Nam Tạp Chí còn bán chạy. Khi phong trào Tân Học bắt đầu thịnh hành thì nho sĩ như Tản Đà phải nhường thi trường lại cho những thanh niên tài năng như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư. Đến lúc An Nam Tạp Chí vĩnh viễn đình bản thì Tản Đà càng túng bấn hơn, phải chạy cơm áo đủ mọi cách, lúc thì dạy chữ Nho, lúc thì rao viết thuê trên báo những thứ “văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội”, thậm chí còn mở phòng xem bói nữa.

Hai tiếng hạ giới trong lời than của cụ Tản Đà chỉ xứ Việt. Chứ ở phương Tây thì văn chương quý như vàng. Văn sĩ nào có tài năng thì tiêu cả đời không hết tiền. Dickens hồi mới thành công, tập truyện Christmas Carols trong nửa tháng bán được mười lăm ngàn cuốn, tiền bắt đầu vô như suối và khi ông mất rồi, người ta đếm từng chữ trong tiểu thuyết của ông mà trả cho người thừa tự: ba Anh kim mỗi chữ. Somerset Maugham cũng thế, lang thang đói rách suốt cả chục năm, năm 35 tuổi mới bắt đầu thành công. Có lúc có bốn kịch của ông công diễn tại London cùng lúc, mang ông ra khỏi cảnh nghèo túng. Lúc mất năm 1965 ông để lại cho Alan Searle người thừa tự của mình 50 ngàn Anh kim cùng toàn bộ tài sản trong biệt thự Mauresque ở Pháp, toàn bộ bản thảo và tác quyền trong 30 năm. Đến ngày nay thì nhờ kĩ nghệ làm phim và thương mại mà văn sĩ nào ăn khách cũng có thể nói là ngồi trên bạc vàng. Dan Brown ngay năm đầu xuất bản The Da Vinci Code kiếm được 88 triệu đô. J.K. Rowling năm 2005-2006 nhờ bán Harry Potter, cộng thêm tiền tác quyền làm phim và lợi tức thương mại mà bỏ túi được 75 triệu đô. Nhìn vào những danh sách những nghệ sĩ giàu có do tạp chí Forbes lập nên cho ai cũng thấy ngợp. Khiếp, văn chương sao mà dễ kiếm tiền thế, nghệ sĩ nào cũng kiếm vài chục tới vài trăm triệu đô mỗi năm.(ii)

Văn chương Việt Nam có rẻ, là thời cụ Tản Đà về trước mà thôi. Chứ ngày nay thì văn sĩ cũng sống ung dung được nhờ cây bút, miễn là chỉ lựa những đề tài vô thưởng vô phạt về chính trị. Các nhà nghiên cứu độc lập như Lê Anh Minh, Nguyễn Tôn Nhan chuyên về khảo cứu, không màng chi tới địa vị trong bộ nọ bộ kia, cần mẫn làm việc và giao kèo với các nhà người buôn sách thì vẫn chưa đến nỗi thiếu thốn như Vũ Trọng Phụng mà than làm người mà được ăn cơm thì sướng biết mấy. Một số dịch giả lựa những tiểu thuyết hay, đừng dính líu tới chính trị, đừng tỏ thái độ chính trị thì cũng có rủng rỉnh sống bằng cây bút.

Những tiểu thuyết vào loại best-seller của Rowling, Dan Brown hay Stephen King không chỉ đưa tác giả lên hưởng vinh hoa phú quý ở những chốn đệ nhất phồn hoa như Hollywood hay London mà còn làm giàu cho nhiều dịch giả ở những xứ xa xôi như Việt Nam nữa. Thậm chí sách của những người khác chế độ, khác chính kiến cũng có thể làm giàu thêm cho những người trong chế độ này nữa. Nguyễn Hiến Lê sáng tác dưới chế độ Sài Gòn, sau 1975 không xuất bản được cuốn nào mà nay sách của cụ tái bản hoài. Trong Hồi Kí cụ có tả cái xã hội giả dối và lạc hậu dưới chế độ mới ư, thì người ta cắt những chương đó đi. Thậm chí như sách của Thích Nhất Hạnh mà tu viện Bát Nhã theo pháp môn của ông đã bị chính quyền giải tán năm ngoái, người ta cũng in đi in lại mấy lần. Cuốn Đường Xưa Mây Trắng đã dịch ra hơn mấy chục thứ tiếng, đang dựng phim ở Hollywood, thầy Nhất Hạnh được liệt vào loại tác giả best-seller ở Mĩ, lợi tức tác quyền đủ xây thêm mấy thiền viện, thì việc gì mấy nhà kinh doanh trong Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ở Hà Nội phải liệt nó vào loại cấm thư. Ôi, ngày nay văn chương thật đâu có phải rẻ như cụ Tản Đà nói đâu.

Vì nghiệp văn chương mà khốn đốn

Dễ thấy nhất là trong những chế độ độc tài. Đâu cho xa, nhìn qua Trung Quốc cộng sản thì cũng rõ. Cách Mạng văn hóa mười năm (1966-1976) bức tử hàng triệu người; nhiều văn sĩ bị bách hại và giam tù vì tư tưởng của họ. Đến thời hiện đại rồi mà chính quyền bên đó cũng không chấp nhận tự do tư tưởng. Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2000, mà nhà nước lẫn báo chí Trung Quốc không lấy làm mặn mà lắm. Mặc dù họ công nhận những người nước ngoài gốc Hoa khác đoạt các giải Nobel về khoa học, nhưng Cao Hành Kiện thì họ nhất định là không, vì họ Cao đã bỏ Đảng Cộng Sản sau vụ Thiên An Môn 1989 mà qua Pháp nhập tịch gần mười năm sau đó. Mới đây thôi, nhà đối kháng Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình càng làm cho chính quyền Bắc Kinh thêm tức tối và số phận của họ Lưu đang ở trong trại giam càng thêm long đong.

Việt Nam cộng sản không có Cách Mạng Văn Hóa, nhưng vụ Nhân Văn-Giai Phẩm cũng làm cho nhiều văn sĩ điêu đứng. hoặc bị đưa đi công trường làm công nhân, hoặc đi cải tạo về tư tưởng, hoặc bị giam lỏng và treo bút vĩnh viễn. Những người nhu hòa như thi sĩ Hữu Loan xa lìa cái giới văn nghệ giả dối, xu nịnh nặng mùi chính trị của chế độ và chọn lối sống ẩn dật của những người lương thiện trong cảnh nghèo. Người có cá tính mạnh như Trần Dần thì mặc chủ trương, văn nghệ phải tự do, và ông vung bút chống lại những kẻ áp bức tư tưởng. Cây bút thơ Trần Dần không mạnh bằng bút sắt của Tố Hữu, ông bị đấu tố giữa giới văn nghệ, bị giam ở Việt Bắc rồi bị đưa về trại giam Hỏa Lò. Ông uất ức mà cứa cổ trong trại Hỏa Lò để phản kháng cái chính sách bóp nghẹt tự do của người nghệ sĩ. Biết bao nhà khác cũng điêu linh vì không chịu phục tùng chỉ thị; đói rét, thi sĩ phải gác bút mà vác bao tải đi quét lá như Quang Dũng, hoặc như Phùng Quán thì lên rừng Thái Nguyên đầy muỗi mòng để trồng bắp.(iii)

Trong chế độ tiêu diệt tư tưởng và văn hóa này, văn chương đích thật từ đáy lòng và trí óc không nuôi sống nghệ sĩ được. Muốn theo đuổi văn chương cho thỏa lòng thì chỉ có cách là im lặng, viết cho mình và người thân đọc chứ xuất bản cho công chúng thưởng thức là tự rước họa vào thân. Ngang tàng như Nguyễn Tuân, suốt đời giữ lấy cái thiên lương trong sạch, cái nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa mà cũng còn nói “Tớ còn sống được đến ngày nay là vì còn biết SỢ!” Cứ nhìn Bùi Chát thì rõ, bao nhiêu dịch giả, bao nhiêu người viết truyện trẻ con, truyện tuổi teen sống rủng rỉnh ra đấy, mà Bùi Chát lại chịu cái thân phận nhà thơ vỉa hè. Là tại chàng thi sĩ thấy sự im lặng trước sự giả dối là hèn nhát, phải mở miệng mà trào phúng, mà châm biếm cho phải lòng mình. Người thời nay lo cho thân mạng chàng thi sĩ trẻ tuổi ấy, và người đời sau viết văn học sử sẽ ghi tên Bùi Chát và nhóm Mở Miệng, và chuyện họ Bùi vừa lãnh giải thưởng của Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA) ở Argentina về tới Sài Gòn thì bị bắt sẽ trở thành một giai thoại của làng văn dưới chế độ khắc nghiệt này.

***

Vì đâu nên nỗi?

Văn sĩ điêu linh là do cái nạn tiêu diệt tự do tư tưởng để biến văn chương thành một mặt trận của nhà cầm quyền. Văn sĩ muốn có của ăn của để phải chịu làm một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa ấy. Tức là phải phục tùng ý đồ chính trị của nhà cầm quyền, không thì khó mà sống được, chứ đừng nói là phong lưu. Tố Hữu, Đào Duy Anh, Trần Hoàn, Tô Hoài không thuần túy là những văn sĩ, nghệ sĩ, họ đều là đảng viên giữ những chức vụ trong mặt trận văn hóa của nhà cầm quyền. Nhưng mà chính trị đối với nghệ sĩ nó giống như chất muối đối với kim loại, hễ ở lâu là nó ăn mòn, mất hết giá trị. Đội cái vòng kim cô ấy của nhà cầm quyền rồi, thì ngay những tác giả giữ được thiên lương cũng khó vùng vẫy mà sáng tác theo chí mình, chất văn nghệ chết dần chết mòn trước sự đòi hỏi phục tùng của chỉ thị. Những tác phẩm giá trị nhất của Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân đều viết trước 1945.

Cái hệ lụy tàn khốc của chính sách diệt chủng văn hóa này là tiêu diệt óc sáng tạo để thay cho sự phục tùng đường lối và chính sách. Nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ, chỉ là một con tốt trong những mưu tính chính trị của nhà cầm quyền. Trần Dần ngay tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải thốt:

Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Văn không còn nói sự thật, thơ không còn là nghệ thuật, và văn hóa chỉ còn là những trò lố do những người có tư tưởng cực đoan trong chính quyền đặt ra. Chữ nghĩa nặng mùi chính trị, và dưới chủ nghĩa cộng sản chữ nghĩa đầy sát khí và xu nịnh. Ai đọc những giòng thơ cổ vũ giết chóc và ca ngợi Stalin và Mao Trạch Đông mà không thấy rùng rợn và kinh tởm? Không lạ gì nhóm Nhân Văn Giải Phẩm của Phan Khôi bị đấu tố và đày ải chẳng khác tù nhân chính trị.

Cái hệ lụy đó nó kéo dài mãi tới ngày nay, trên mặt trận văn hóa của nhà cầm quyền có chia bè chia phái rõ ràng: phe theo lề phải, phe theo lề trái. Chữ nghĩa biến thành những vũ khí để công kích nhau. Nhà cầm quyền sở hữu tuyệt đối mọi phương tiện truyền thông và xuất bản, họ như phe có nhiều đạn pháo, muốn bắn ai thì bắn, bắn cách nào cũng được, miễn là hạ được địch thủ. Khi có lệnh thì nhà báo, nhà văn của chính quyền vào phe với công an đàn án những người đứng lên nói thật tiếng nói của mình. Tất nhiên là những người cầm bút phục vụ cho nhà cầm quyền cộng sản phần nhiều đều là hạng bị tuyên truyền cho mất hết phán đoán và làm những việc thiếu liêm sỉ đến mức lố lăng. Họ sẵn sàng gom những người khác chính kiến vào một chỗ, mà họ gọi là dúm người ngây thơ về chính trị rồi giảng cho họ cách yêu nước “đúng mực và thông thái” bằng thái độ kẻ cả, ngạo mạn. Một người gọi là nhà thơ, nhà báo, tiến sĩ Mỹ học, thành viên Hội Đồng Lí Luận & Phê Bình Văn Nghệ quốc gia theo đúng chỉ thị cấp trên gọi lòng yêu nước là “hiểu và ủng hộ những việc làm của Đảng và Nhà nước”. Lương tri và chính trực mất hết trong những chiến sĩ văn hóa đắc lực nhất của nhà cầm quyền, cho nên chẳng ngần ngại gì, họ coi văn chương là món đổi chác để trục lợi, tức là tôi cho anh cái giải này thì ngược lại anh phải cung phụng cho tôi. Ông chủ tịch Hội Nhà Văn Quốc Gia tự đưa một tập thơ đã thất bại tại một giải thưởng trong quá khứ của mình ra để dự một giải lớn hơn, mà ông lại nằm trong ban giám khảo chấm điểm nữa chứ. Vì vậy mà những văn sĩ có lương tri đều rút lui khỏi cái chợ văn chương ấy để giữ thiên lương và giá trị của mình. Đào Duy Anh về cuối đời cũng chỉ mong được cái thú nhàn là viết lách trong căn nhà có vườn chứ không ham giữ chức viện sĩ nữa. Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay sắp tới hồi gay cấn mà đã có tới năm văn sĩ, nghệ sĩ lớn rút tên khỏi giải.

Mà đâu chỉ có văn nghệ bệnh hoạn thì nghệ sĩ chết. Cái bệnh dịch ấy đã lây lan đầy rẫy trong xã hội. Học sinh chẳng mấy ai ưa môn văn, môn sử sặc mùi chính trị; ông cai quản ngân khố quốc gia xài bằng tiến sĩ giả, thì có khác gì chuyện văn chương đem đổi chác trục lợi đâu. Và từ khi thi sĩ Trần Dần cứa cổ vì uất ức trong trại giam Hỏa Lò cho tới gần đây một thiếu niên cứa cổ người để cướp thì có cách xa nhau là mấy.

***

Hơi thở của văn chương

Nhờ văn chương mà vinh hoa phú quý ở phương Tây là do họ có tự do tư tưởng và ngôn luận. Người dân được hưởng nhiều giáo dục, dân trí cao, buộc nhà cầm quyền phải liêm khiết, ngăn được những khuynh hướng độc tài. Nhà cầm quyền không dám dùng những chính sách ngu dân, mà người dân cũng không chấp nhận nạn độc tài và bóp nghẹt ngôn luận. Nghệ sĩ được tự do sáng tác, tự do thể hiện cá tính và tài năng, nhờ vậy mà nghệ thuật được nâng lên tới những đỉnh cao mới. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà người dân phương Tây được như vậy. Sự xung đột giữa sự thật và độc quyền chân lí bắt đầu từ thời Galileo, và phải đến hai trăm năm sau, thời Voltaire, thì ông và những chiến sĩ tự do như ông mới mở ra quyết liệt cái sứ mệnh lấy lại tự do ngôn luận và tự do tư tưởng cho đại chúng. Biết bao nhiều người phải hi sinh tự do và tính mạng của mình để chống lại sự độc tài tư tưởng của giáo hội và triều đình.

Xét cái nạn bỏ tù người dân vì tư tưởng và phát ngôn hiện nay ở Việt Nam thì chúng ta phải chấp nhận rằng nước mình còn thua phương Tây ba trăm năm về tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận ấy leo lét được ít năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa rồi tắt ngúm mãi luôn từ khi chế độ cộng sản phủ hết bờ cõi nước Việt. Ngày hôm nay nhờ có Internet nó mới bắt đầu phục sinh. Nhưng mà trước khi nó được giải phóng hoàn toàn, để cho được những ngày hội văn chương trăm hoa đua nở thì nhiều người sẽ phải hi sinh nữa. Chúng ta nên trông đợi như vậy để khỏi phải thất vọng vì sao mình có tài mà không nói được tư tưởng của mình.

Lối sống của nghệ sĩ nó kì đặc khác người, không thể ép họ theo lề lối nào hết, ép họ chẳng khác gì giết chết họ. Văn chương cũng như khoa học, cần nhất là được tự do theo chí mình. Nhờ có tự do mà tài năng mới phát triển. Giới văn nghệ sĩ và giới khoa học gia ở những nước tự do được tự do sáng tác, tư tưởng, nên tạo ra nhiều kiệt tác, nhiều công trình mà mình muốn học theo cũng chưa chắc đủ phương tiện và trình độ. Nghệ sĩ của họ được tôn vinh và văn chương không phải rẻ như cụ Tản Đà than thở. Chỉ có chính quyền độc tài muốn dùng văn nghệ như công cụ chính trị để mị dân, để lôi kéo những người có tài, có ảnh hưởng về phía mình mới bóp nghẹt tự do của nghệ sĩ. Nhưng nghệ sĩ chân chính ngoài óc quan sát tinh tường thì họ có ý chí cương trực khó mà lay chuyển. Họ biết mình sinh ra đời là để phụng sự chân thiện mĩ, họ sẽ nói sự thật, họ sẽ làm theo sự thật để tạo cho cuộc đời những di sản đẹp. Bảo họ cong cái lưng để được vài đấu gạo họ còn chưa chịu, huống chi bảo họ uốn lưỡi để nói những điều dối trá. Dù chỉ sống một ngày mà họ làm hiện ra được chân lí cho đồng loại họ cũng sung sướng và vinh hạnh hơn là sống cả trăm năm mà bán rẻ chân lí. Đối với những người mà cái chết không làm họ sợ thì những bả hư danh, nhưng giải thường còm cõi nhuốm màu chính trị bè phái phấn sức bằng những chính nghĩa rạng ngời không mua nổi lương tâm họ.



-----------------

i. Mười Câu Chuyện Văn Chương, Trí Đăng, Sài Gòn 1975. Có thể xem bài này ở đây:


iii. Võ Thị Hảo, Người Vác Thập Giá Chữ.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo