Cảm giác lạ quen nhân đọc lại "Tuyên ngôn độc lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà" - Dân Làm Báo

Cảm giác lạ quen nhân đọc lại "Tuyên ngôn độc lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà"

Tre Xanh (danlambao) - Ngày 2-9-1945 là ngày quốc khánh của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (thời đó "nước" còn được đặt trước "chế độ", không như sau này tự nhiên lại trở thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đâm ra "chế độ" lại được đem lên đặt trước "nước" bà con nhỉ? Chẳng trách chi mấy ông cầm quyền ngày nay chẳng coi "nước" ra cái quái gì cả. Chỉ có cái Đảng, cái chế độ của mấy ổng mới là số 1, mới là "nâm bờ oăn"!)

Nhân kỷ niệm ngày quốc khánh, nhà cháu có dịp được đọc lại "Tuyên ngôn độc lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà". Bỗng dưng lại nhà cháu có một cái cảm giác vừa lạ lại vừa quen.

Đây là trang mạng chính thức của cơ quan trung ương đảng bà con nhé, kẻo không lại có màn vu cáo là "thế lực thù địch" mấy lại "bọn phản động bọn hải ngoại" đặt điều:


Thứ nhất, cái câu đầu tiên nhà cháu thấy "quen quen":

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Đọc tiếp câu kế thì nhà cháu vỡ lẽ ra tại sao nó lại "quen". À, thì ra bây giờ nhà cháu đã nhớ ra xuất xứ của cái câu í rồi:

"Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do."

Để rồi nhà cháu lại thấy có 2 điều "lạ lạ":

1) Hơn 30 năm trước, lúc bọn trẻ "mầm non của đất nước" như cái đám nhà cháu nhờ ơn Đảng và cách mạng mới được biết cái gọi là "Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc", mới "được" học thuộc lòng bản tuyên ngôn độc lập đó. Nhưng mà lúc đó thì lại không hề có cái câu mở đầu trích từ tuyên ngôn độc lập của Mỹ kia. Cứ tưởng lâu ngày bộ óc u mê ám chướng của nhà cháu bị quên, nhớ lộn. Ai dè nhà cháu tình cờ đi ngang qua trang blog của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện thì thấy bạn đọc bên đó cũng thắc mắc là tại sao hồi xưa đi học không thấy có câu đó. À, chắc là hồi đó còn đang bừng bừng tinh thần "Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào" mấy lại "Pháo anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ" mà chẳng lẽ lại in trong sách giáo khoa là cái quan điểm bình đẳng, bình quyền, tự do, hạnh phúc của cái bọn "giặc Mỹ cọp beo" là quá hay, quá chí lý, cần phải được học theo hay sao? Thế hóa ra ngay cả một phần quan trọng trong bản tuyên ngôn độc lập của đất nước cũng bị đục bỏ mất sao? Lạ!

2) Cái lạ thứ hai là ở chỗ này. Rõ ràng ông Hồ nói: "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do." Vậy mà sao bây giờ các hậu duệ của bác lại khẳng định là "Nhân quyền - không được áp đặt như nhau". Dạ, có ngay một bài của báo CA TPHCM để dẫn chứng, chứ hông phải nhà cháu nói xạo:


"Nhân quyền có tính phổ quát cao, nhưng không có nghĩa đều giống nhau hoàn toàn để có một quốc gia nào đó đi dạy bảo và áp đặt cho tất cả các nước khác trên thế giới. Đúng là có chuyện năm nào cũng phải nói, phải “đối thoại” về nhân quyền khi Mỹ năm nào cũng cứ lải nhải đâm bị thóc chọc bị gạo, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước trên thế giới."

Ủa, sao "lạ" vậy bà con? Sao ông Hồ nói vậy mà con cháu hậu duệ của ổng lại ca bài "Không phải đâu là không phải đâu"?

Cái đoạn này thì nhà cháu lại thấy "quen quen" nữa:

"Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên.
Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn"

Ủa, sao ông Hồ kể tội ác thực dân Pháp mà nhà cháu lại thấy "quen quen" vậy ta? Đây không phải tả về hiện tình đất nước hay sao? Ông Hồ kể tội "ai" vậy ta? Tại sao sau 66 năm mà câu ông Hồ khẳng định "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" lại chưa hề xảy ra. Tại sao tình trạng đất nước lại vẫn giống như, nếu như không muốn nói là tệ hơn, thời đó. Đó là điều "lạ lạ".

Dạ, nhà cháu xin lỗi là đã nhiều lần dùng từ "lạ" trong bài này. Khi mà đồng bào ta lúc nào cũng nơm nớp lo ngại cái bọn "nước lạ", "tàu lạ", "người lạ" làm đủ mọi chuyện ác với dân ta, thì dùng cái từ "nhạy cảm" đó có khi cũng làm cho nhiều người yếu tim bị ... hồi hộp. Nhưng nhà cháu không biết phải dùng từ nào cho chính xác, tại vì nhà cháu thấy lạ thật mà.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo