Bộ trưởng có trả lại tiền sau khi thu phí vẫn ùn tắc? - Dân Làm Báo

Bộ trưởng có trả lại tiền sau khi thu phí vẫn ùn tắc?

Đạt Lê (laodong.com) Trong buổi đối thoại trực tuyến chiều ngày 12.1, độc giả có đặt câu hỏi: Thu phí mà tình trạng ùn tắc giao thông không giảm thì Bộ GTVT có trả lại tiền người dân? Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng tính pháp lý trong việc thu phí lưu hành phương tiện đã có đầy đủ. Đây không phải sáng kiến mới mẻ, đây là chủ trương từ Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện, chứ không phải quy trình ngược... 

Tại buổi đối thoại trực tuyến chiều 12.1, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chia sẻ nhiều vấn đề về chống ùn tắc giao thông, thu phí xe cá nhân, chất lượng công trình, vốn hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng (GTCC),… 

Đáp ứng đủ nhu cầu GTCC: "Bắc thang lên hỏi ông trời"

Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi đối thoại trực tuyến. (ảnh: Chính phủ.vn) 

Trong buổi đối thoại, nhiều độc giả đặt câu hỏi về kiềm chế giảm tai nạn giao thông: “Bộ trưởng có hứa rằng năm 2012, tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế và đẩy lùi. Vậy khái niệm kiềm chế được hiểu theo nghĩa nào? Giảm mức tăng hay chỉ đơn giản là không để tăng thêm so với năm ngoái?" 

Bộ trưởng Thăng cho biết, đây không phải là lời hứa của Bộ trưởng, mà là nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, trong năm 2012 phải giảm từ 5-10% tai nạn giao thông, ít hơn cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2011. Đã là Nghị quyết của Quốc hội thì toàn dân phải thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu đó. Và với sự ủng hộ của nhân dân, tôi cho rằng chúng ta sẽ thực hiện được. 

Về các giải pháp chống ùn tắc như: đổi giờ làm, hạn chế phương tiện, thu phí lưu hành,… độc giả đặt ra câu hỏi: “… Chính xác bao giờ thì hệ thống giao thông công cộng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân vì chúng tôi sợ nhất những mỹ từ như “quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2020 hay 2030”? 

Ông Thăng cho biết: Để giảm ùn tắc giao thông thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ như bạn nói, gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế pháp luật đồng bộ, phát triển phương tiện vận tải công cộng, đổi giờ làm việc… Tuy nhiên, nhu cầu của con người là phát triển, ngày mai cao hơn hôm nay, đó là quy luật. 

“Nhu cầu của con người là vô hạn, trong khi khả năng là có hạn, ngay cả các nước giàu như Mỹ, Nhật, châu Âu cũng không thể đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của người dân, trong đó có nhu cầu đi lại. Cho nên, với câu hỏi này thì phải “bắc thang lên hỏi ông trời”, khi nào thì hệ thống giao thông công cộng đáp ứng đủ toàn bộ nhu cầu của tất cả mọi người”. – Ông Thăng chia sẻ. 

Người dân đặt ra câu hỏi: Nếu thu phí mà tình trạng ùn tắc giao thông không đẩy lùi thì Bộ GTVT có trả lại tiền người dân? Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc giảm ùn tắc giao thông phải được tiến hành đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có giải pháp kinh tế là thu phí phương tiện cá nhân. 

Ông Thăng cũng khẳng định tính pháp lý trong việc thu phí lưu hành phương tiện đã có đầy đủ. Đây không phải sáng kiến mới mẻ, đây là chủ trương từ Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện, chứ không phải quy trình ngược… Việc thu phí không phải chỉ với mục đích giảm ùn tắc, mà còn tạo ra khoản phí, để nâng cấp hạ tầng giao thông

“Người sử dụng đường thì phải nộp phí để thể hiện ý thức trách nhiệm của mình. Nếu người sử dụng ô tô kêu ca việc nộp thuế, Vậy tôi xin hỏi người ở hải đảo, người dân tộc vùng sâu vùng xa có sử dụng gì đâu nhưng vẫn phải nộp thuế. Người làm ơn sẽ chẳng bao giờ mong muốn sẽ được trả ơn. Sự hi sinh của người nông dân, hay cán bộ chiến sỹ hải đảo thì họ có kể ơn bao giờ đâu”. Ông Thăng cho hay. 

Chất lượng công trình là vấn đề nhức nhối 

Vấn đề về chất lượng công trình giao thông trong thời gian qua gây bức xúc đối với dư luận… Một độc giả đặt ra câu hỏi: “Sân bay Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng đã dột. Tiến độ kịp nhưng chất lượng hình như chưa theo kịp? Một mình Bộ trưởng không thể đi hết các công trình từ nhỏ đến lớn để đốc thúc, kiểm tra. Một số công trình lớn đã tăng tốc nhưng trên toàn quốc còn vô vàn những công trình nhỏ và vừa triển khai dở dang. Bộ trưởng có kế hoạch thế nào đối với những công trình nhỏ và vừa nhưng chậm tiến độ này? 

Nhiều công trình giao thông trọng điểm không đảm bảo chất lượng... 

Theo ông Thăng, công trình sân bay Đà Nẵng đã chậm tiến độ 2 năm, nên không thể nói là kịp tiến độ mà chất lượng kém. Sau khi báo chí phản ánh công trình sau khi khánh thành có chuyện dột... Sau khi phát hiện ra điều này, chủ đầu tư đã điều chỉnh lại theo hướng cải tạo một sảnh trước kia vốn để dùng đặt chậu hoa, không có mái thành nơi đón khách. Một là do thời gian gấp, hai nữa là phải ghép phần mái mới với phần mái cũ, cho nên có hiện tượng dột. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục và theo báo cáo của chủ đầu tư thì tới 15.1 sẽ hoàn thành. 

Hiện nay, tiến độ các công trình giao thông vận tải đúng là vấn đề nhức nhối. Để khắc phục, chúng tôi phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, quản lý về tiến độ, chất lượng, tăng cường vai trò kiểm tra giám sát, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ đầu tư, nếu công trình kém, tiến độ chậm thì chủ đầu tư, các chủ thể tham gia như ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, chúng tôi phải có phân công trong lãnh đạo để kiểm tra, giám sát… Cũng rất quan trọng là sự giám sát của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều bài báo đã giúp chúng tôi phát hiện vấn đề, có biện pháp xử lý quyết liệt… 

Trước tình trạng xe tải quá nặng lưu hành tràn lan hiện nay, gây hư hỏng nặng cầu, đường, một độc giả đặt ra câu hỏi: Trong khi Bộ vẫn phải vay từng đồng ODA để xây dựng, nhưng đang bị một nhóm vận tải tàn phá nhanh chóng, khiến mất tuổi thọ thiết kế và đứng trước nguy cơ sập đổ. Bộ trưởng có giải pháp gì cấp bách chưa?" 

Ông Thăng cho biết: "Tôi hết sức bức xúc, sốt ruột và xót xa. Đường sá có nhiều loại khác nhau, phù hợp với các loại hình phương tiện vận tải khác nhau, tải trọng khác nhau…, nhưng xe quá tải, quá khổ đi khá tự do"

"Vừa rồi chúng tôi đã chỉ đạo, phải phân luồng phân làn, loại hình nào phải đi đường sắt, xe nào được đi đường bộ, đồng thời thiết lập lại hệ thống cân để kiểm tra tải trọng, nếu không phù hợp phải đi đường sắt, đường thủy hoặc phải có biện pháp san tải. Như vậy, cùng với việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới, phải có trách nhiệm, quản lý, giữ gìn để sử dụng bền vững, an toàn, hiệu quả. Chúng tôi đang quyết liệt chỉ đạo việc này". - Bộ trưởng Thăng nói. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo