Bộ trưởng Thăng: “Nếu mất chức, tôi đã được mời làm... trưởng thôn” - Dân Làm Báo

Bộ trưởng Thăng: “Nếu mất chức, tôi đã được mời làm... trưởng thôn”

Quỳnh Anh (dantri) - “Sau 5 tháng nhậm chức, những việc tôi làm không có sáng kiến nào mới cả mà là đã được đề ra nhưng chưa ai làm. Tôi rất mừng vì đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và xã hội. Tôi còn được mời về làm trưởng thôn nếu bị cách chức”.

Đó là một trong những nội dung đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng diễn ra chiều 12/1 thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi đối thoại trực tuyến với dân 

"Tôi không có sáng kiến nào cả" 

Hàng loạt vấn đề “nóng” liên tục được người dân quan tâm đặt câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Đinh La Thăng, đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm Bộ GTVT mới trình Chính phủ đang “nóng hôi hổi” do có liên quan đến đại bộ phận người tham gia giao thông bằng xe máy nên đã gặp phải những ý kiến phải đối và không đồng tình của người dân, hàng loạt câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Thăng đã đề cập về nội dung này cũng như cam kết về chuyện thu được phí sẽ hết ùn tắc giao thông hay không. 

Giải thích rõ hơn về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói khá cặn kẽ: 

“Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cần tổng thể các giải pháp đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có việc rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển, quy hoạch sản xuất rồi quy hoạch lắp ráp, nhập khẩu ô tô... Từ đó, Chính phủ mới đề ra giải pháp, trong đó có giải pháp về kinh tế là thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. 

Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn. Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mức 500.000/năm. Còn đối với người đi bộ, xe đạp không phải nộp”. 

Bộ trưởng Thăng cũng nhấn manh, hiện Chính phủ chưa phê duyệt ban hành Quyết định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân mà hiện mới là đề án của Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng. Hiện đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Bộ GTVT không làm ngược quy trình này. 

“Bản thân chúng tôi làm dự thảo đề xuất thu phí cũng tính tới nhiều điều, nhất là phải đúng đối tượng... Số tiền thu được nộp tất cả vào ngân sách Nhà nước và sau đó Nhà nước lại chi ra đầu tư xây dựng các hạ tầng chứ không phải ngành giao thông thu phí rồi cầm và thích chi thế nào thì chi. Nếu không thu phí lưu hành để tạo thêm nguồn thu mà chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không có tiền đầu tư cho giao thông nông thôn, đường ven biển, đường tuần tra biên giới… 

Còn nói về chuyện thu phí, có hết ùn tắc hay không, tôi xin nói rằng, đây là nhiệm vụ để giảm thiểu ùn tắc giao thông, khi giảm thiểu được, toàn dân được hưởng. Nếu nói hết hẳn, ở những nước phát triển như Mỹ, Nga, Anh, Nhật… cũng còn ùn tắc giao thông, cho nên chúng ta đang hướng đến mục tiêu giảm, còn giảm tới mức độ nào thì phụ thuộc vào tất cả chúng ta. …” - Bộ trưởng Thăng khẳng định. 

"Việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn" 

Nói rõ hơn về việc thu phí lưu hành để đảm bảo bình đẳng và công bằng xã hội, khi những người đi ô tô nộp nhiều thuế, Bộ trưởng Thăng dẫn giải chuyện người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo - họ đã làm gì để nộp thuế? Công sức bảo vệ biên giới của họ thì không thể tính bằng tiền và không thể tính toán được về sự đóng góp. Anh có thể nộp ngân sách hàng năm, hàng tháng nhưng sự hy sinh của những người nơi biên giới, hải đảo, của người nông dân làm ra hạt gạo… thì có tính được không? Cho nên tôi nghĩ những người thắc mắc về sự công bằng, bình đẳng khi phải nộp phí cũng phải xem lại. Người Việt Nam chúng ta có câu làm ơn thì không bảo giờ kể, nhưng chịu ơn thì không bao giờ quên. Ở biên giới, người dân không kể tới đóng góp của mìn cho Nhà nước nhiều đâu. Thực tế, về sử dụng hạ tầng… họ luôn bị thiệt thòi! 

Vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông cũng được chú ý khi Bộ trưởng Thăng đã báo cáo Quốc hội và được Quốc hội thông qua mục tiêu năm 2012 sẽ giảm từ 5-10%. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng tái khẳng định đây là nghị quyết của Quốc hội trong năm 2012 tai nạn giao thông phải giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2011. Vì vậy, đã là Nghị quyết của Quốc hội thì toàn dân phải thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và với sự ủng hộ, đồng lòng của toàn dân thì sẽ thực hiện được. 

Tại buổi đối thoại, có ý kiến đặt ra rằng xuống công trường được cho là việc của các Thứ trưởng nhưng khi vừa nhậm chức Bộ trưởng Thăng đã phải đi làm “đốc công” khi kiểm tra và trực tiếp “trảm” tướng, phải chăng công tác quản lý, điều hành dự án của Bộ GTVT đang có vấn đề. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Theo tôi, không chỉ ngành giao thông mà đã là người đứng đầu 1 ngành khi đi kiểm tra công trình cụ thể thì phải có những ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ và thậm chí đưa ra các biện pháp xử lý để cho công việc tốt hơn chứ không phải vì vấn đề này vấn đề kia mà câu nệ. Tôi không nghĩ Bộ trưởng là một chính khách chỉ đi làm chính trị, làm những việc lớn mà không làm những việc nhỏ, Bộ trưởng là phải làm được cả những việc lớn và việc nhỏ, nhất là khi việc đó có lợi cho nước cho dân và cho đơn vị”. 

Trong lĩnh vực giao thông, chất lượng công trình cũng luôn là vấn đề được người dân quan tâm đặc biệt 

"Nếu mất chức, tôi đã được mời làm trưởng thôn!" 

Hàng loạt quyết định và những phát ngôn, đề xuất của Bộ trưởng GTVT từ khi lên nhậm chức được cho là táo bạo và chưa ai từng làm. Bởi vậy, đã có ý kiến đặt ra rằng Bộ trưởng Thăng có sợ mất chức không khi đưa ra những giải pháp quyết liệt như vậy? 

Trả lời về điều này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Sau 5 tháng nhậm chức, những việc tôi làm không có sáng kiến nào mới cả mà là những việc đã được đề ra 10 năm nay nhưng chưa ai làm. Tuy nhiên, tôi rất mừng vì đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và xã hội

“Thời gian mới đây, ông Nguyễn Quốc Cường Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một người nông dân gửi Bộ trưởng Bộ trưởng GTVT. Bức thư viết: Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó, Quốc hội có phế truất, không cho ông làm Bộ trưởng nữa, thì ông hãy về với chúng tôi, chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn, chúng tôi sẽ mời ông các món ăn dân dã nhưng rất ngon như tôm, cua, cá, ốc, ếch, chiều chiều chúng tôi sẽ mời ông đi thả diều, cũng vui lắm, không nhất thiết phải làm việc nọ hay việc kia- Bộ trưởng Đinh La Thăng kể lại. 

Cũng theo Bộ trưởng Thăng thì ông rất thanh thản khi làm việc và làm được gì cho đất nước cho dân thì sẽ làm hết sức, vì Bác Hồ đã dạy việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì hết sức tránh. 

Buổi đối thoại diễn ra chưa đầy 2 tiếng đồng hồ với hàng nghìn câu hỏi được đặt ra, Bộ trưởng Thăng cũng đã có sự trả lời về nhiều vấn đề khác như chất lượng công trình trọng điểm và công trình địa phương, sân bay Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng đã bị dột, hoạt động vận tải các vốn cho hạ tầng giao thông với sự thẳng thắn sẽ công khai chi tiết việc đầu tư xây dựng, vụ chìm tàu Vinalines Queen với trách nhiệm và vấn đề bảo hiểm cho các thủy thủ… 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo