Hãy gọi đích danh cho nhóm đặc quyền - Dân Làm Báo

Hãy gọi đích danh cho nhóm đặc quyền

Nhã Nam (eThongLuan.Org) - ...Nhân dân có quyền nghi ngờ lời hứa của người đứng đầu bộ máy cầm quyền. Vậy hãy gọi tên lại cho đúng về "nhóm đặc quyền" ấy, nó còn có tên là "siêu mafia"...

Về "Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng", Báo Pháp Luật TPHCM hôm nay, 03/01/2012 có bài bình luận Khi Thủ tướng thừa nhận có “nhóm lợi ích” của tác giả Vạn Bảo.

Bài của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thông điệp quan trọng, gửi đến toàn dân nhân dịp đầu năm 2012. Lời bài viết giống như một văn kiện trong các kỳ đại hội, đánh giá về kinh tế đất nước trong quá trình đổi mới được mệnh danh là "kinh tế thị trường định hướng XHCN", ông Dũng thừa nhận nhiều sai sót, bất cập về kinh tế khiến những chủ trương vĩ mô đã không thể thực hiện và nảy sinh nhiều khó khăn mới. Sau đó nêu những hướng hành động quyết liệt để vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới - Quỹ đạo phát triển bền vững đề ra những phương sách để tái cơ cấu... Tựu chung vài điểm chính:

- Kinh tế thị trường của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, hoặc chưa phục vụ đối tượng chính của thị trường là người tiêu dùng, chưa có cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước đã can thiệp quá sâu vào thị trường.

- Sự hình thành "nhóm lợi ích",

- Phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm đưa kinh tế vào chiều sâu.

- Phải công khai minh bạch các đề án, cho người dân giám sát các quyết định của các cơ quan quản lý nhằmngăn ngừa tham nhũng và sự tác động của các “nhóm lợi ích” vào quá trình ra quyết định.

Bài viết của tác giả Vạn Bảo đặc biệt quan tâm đến việc ông thủ tướng công khai nhắc đến "nhóm lợi ích" và những tác động của nó. Tác giả phân tích thêm: "Có lẽ sau khi Hội nghị Trung ương 3 kết thúc, đây là lần thứ hai cụm từ “nhóm lợi ích” được nhắc tới bởi cấp cao nhất, dù thực tế người dân, các chuyên gia hay các tổ chức xã hội đã cảm nhận thấy “nó” một cách rõ ràng, không chỉ trong từng đề án (sử dụng tài nguyên hay ưu đãi chính sách) cụ thể, mà ở cả những quyết định quan trọng. Đặc biệt, khi nguồn lực và các tài nguyên (như nhân công giá rẻ, đất đai, khoáng sản, thương quyền kinh doanh…) ngày càng trở nên hạn hẹp, các “nhóm lợi ích” gần như công khai tác động vào các khâu (ảnh hưởng và ra quyết định) nhằm thu lợi cho mình".

Vì là nhà báo chính thống, nên tác giả chỉ có thể viết như vậy thôi. Thực tế, cái "nhóm lợi ích" ấy phải gọi đúng tên là "nhóm đặc quyền, đặc lợi". Hơn 20 năm Việt Nam đổi mới, từ một nền kinh tế đã bị rớt xuống gần chạm đáy của nghèo khổ, nay tương đối đã thoát khỏi bóng ma của đói kém. Nhưng cái giá phải trả cho sự vượt thoát đó không hề nhỏ: Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đã bị khai thác cạn kiệt, lợi thế nhân công rẻ của một quốc gia đang phát triển mất tác dụng, những ưu đãi dành cho người đầu tư bị lũng đoạn, tham nhũng trở thành quốc nạn...

Ai là kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ cái giá phải trả của toàn dân? Chỉ có một câu trả lời: "Nhóm đặc quyền", từ "đặc quyền" sinh ra "đặc lợi". Dĩ nhiên đó cũng chính là "nhóm lợi ích" mà ông thủ tướng dè dặt nhắc đến. Nhưng dùng từ "nhóm lợi ích" là một cách đánh tráo khái niệm vì nó mơ hồ, hiểu sao cũng được. Còn "đặc quyền" chính là con đẻ của bộ máy điều hành đất nước. Khi những quyết sách từ vĩ mô đến vi mô khởi động, đều có bóng dáng của những bàn tay móc ngoặc, chia sẻ thông tin, đấu thầu quyền lợi. Tất nhiên những kẻ đóng dấu vào các quyết sách ấy có toàn quyền nhận phần của mình, chia phần cho kẻ khác, tùy theo sự lương hảo.

Đáng sợ hơn cả, đó là sự thông đồng, hợp tác với nhau và hình thành nên các "nhóm" ở nhiều lĩnh vực. Do lòng tham và sự phân chia chênh lệch không đồng đều, các nhóm ấy có thể gây ra xung đột. Song cũng có thể ở một tầm khác, họ che chắn, đỡ đòn cho nhau hầu chấp nhận một "luật ngầm" khác, an toàn hơn, hưởng lợi lâu dài hơn. Hãy nhìn nước Nga hậu Liên Xô và Trung Quốc hiện tại, những nguồn tài sản, tài nguyên khổng lồ của quốc gia bị xâu xé và chia cho nhau, hãy nhìn sự hình thành của giai cấp "tư bản đỏ" đối nghịch quyền lợi với đại bộ phận quần chúng cơ cực. Từ đó phát sinh ra hố sâu phân rẽ khủng khiếp của giai tầng xã hội. Đó là nguyên nhân chính của sự thiếu dân chủ, dẫn đến sự bất ổn của kinh tế quốc gia.

Chắc chắn, ở vị thế của mình, ông thủ tướng thừa hiểu cái nguyên nhân ấy. Thông điệp đầu năm của ông ta dù mới chỉ đề cập nhẹ nhàng đến điều khó nói đó, nhưng dù sao cũng nên ghi nhận. Vấn đề là những "hứa hẹn cải tổ", những "quyết liệt hành động" và "phải bảo đảm quyền của người dân trong tiếp cận thông tin và phản biện xã hội" mà ông đề ra có được sự tin cậy của nhân dân hay không? Thử nhìn vài động thái mang tính cách gia đình của ông gần đây, như đưa cậu con trai trẻ tuổi Nguyễn Thanh Nghị vào ghế thứ trưởng Bộ Xây Dựng, như để con gái Nguyễn Thanh Phượng nắm nguồn quỹ tài chính khổng lồ "Bản Việt" (Viet Capital Asset Management) và đang thâu tóm nhiều ngân hàng...

Nhân dân có quyền nghi ngờ lời hứa của người đứng đầu bộ máy cầm quyền. Vậy hãy gọi tên lại cho đúng về "nhóm đặc quyền" ấy, nó còn có tên là "siêu mafia".

Nhã Nam


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo