Trực Nội (Nam Trực, Nam Định): “Khoan”... kiệt sức dân! - Dân Làm Báo

Trực Nội (Nam Trực, Nam Định): “Khoan”... kiệt sức dân!

Việt Tùng - Sỹ Lực (Dân Việt) - Là một xã thuần nông của huyện Trực Ninh, xã Trực Nội đã huy động dân đóng góp 33 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau 2 năm, đến nay công cuộc xây dựng NTM ở đây đang chững lại do sức dân... đã kiệt.

Nông nghiệp vẫn là gốc

Trực Nội nằm cách xa trung tâm huyện, là một xã thuần nông, ít nghề phụ, bình quân đất canh tác chỉ đạt 1,8 sào/người và đất sản xuất vẫn còn khá manh mún nên giá trị kinh tế đem lại còn rất thấp (khoảng 7,5 - 8,5 triệu đồng/người/năm).

Năm 2009, Trực Nội được chọn là 1 trong 10 xã điểm của tỉnh Nam Định để xây dựng NTM. Lúc mới được chọn làm điểm, chính quyền và người dân xã Trực Nội vừa mừng, lại vừa lo, bởi khi đó xã mới chỉ đạt 4 tiêu chí mang tính chất văn hóa - xã hội, chứ chưa có tiêu chí nào thể hiện sự khá giả của xã.


Mỗi người dân ở Trực Nội đã đóng góp tới 5 triệu đồng để xây dựng NTM và giờ không còn đủ sức để đóng tiếp.

Ông Tô Đình Thức - Chủ tịch UBND xã Trực Nội chia sẻ: "Xã có hơn 6.000 khẩu, trong đó có 2.700 người trong độ tuổi lao động. Xác định đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, nên ngay từ đầu, chúng tôi đã chọn nông nghiệp làm đòn bẩy, đồng thời đẩy mạnh phát triển thủ công mỹ nghệ. Do vậy, chỉ sau gần 1 năm, cả xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và đang thực hiện 4 mô hình sản xuất tập trung với hơn 80ha như: Cánh đồng mẫu lớn thuộc thôn Thái Lãng, Ba Sa, Dương Thiện và Sa Nhất".

Trực Nội xác định phương châm DĐĐT là "công khai, dân chủ, dồn để phát triển kinh tế". Ngoài việc hoàn thành DĐĐT, xã còn vận động người dân hiến 19ha đất ruộng để làm giao thông nội đồng. Anh Ngô Bá Ngọc, thôn Thái Lãng cho biết: "Gia đình tôi có 9 sào, tính cả đất thầu được hơn 1 mẫu, nhưng có đến hơn chục mảnh ruộng rải rác. Năm 2009, sau khi DĐĐT gia đình tôi còn 3 thửa. Dồn đất, vừa tiết kiệm được diện tích, vừa diện tích lớn để sản xuất lúa, rau màu hàng hóa, nhờ đó mà thu nhập tăng lên 20% so với trước".

Mỗi người dân đóng góp tới 5 triệu đồng

Tính đến nay, xã Trực Nội đã huy động được 81,1 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 33 tỷ đồng, chưa kể ngày công, để xây dựng NTM, tính ra mỗi người dân ở đây đóng tới 5 triệu đồng và trung bình mỗi hộ có thể phải đóng tới 20 triệu đồng. "Nhờ sự đóng góp của người dân và sự đổi mới phương thức sản xuất, điều kiện kinh tế và bộ mặt NTM ở Trực Nội đã có nhiều biến chuyển. Hiện xã đã đạt 12/19 tiêu chí, trong đó có 3 tiêu chí gần đạt là: Nhà ở dân cư; thu nhập và giao thông. Sự đóng góp ban đầu đều do người dân hoàn toàn tự nguyện" - ông Thức cho hay.

"Kinh tế khó khăn, nhà thầu đang xây dựng trụ sở UBND xã có nguy cơ bỏ dở, trong thời gian tới nếu không có sự hỗ trợ của T.Ư chúng tôi rất khó hoàn thành 19/19 tiêu chí".

Ông Tô Đình Thức

Tuy nhiên, so với thời điểm ban đầu, hiện việc xây dựng NTM ở Trực Nội đang có phần chững lại do số vốn còn thiếu rất nhiều, nhất là sức dân cũng đã cạn, vốn ngân sách thì còn thiếu. Đến nay, Trực Nội còn 4 tiêu chí là: Thủy lợi; tỷ lệ hộ nghèo; cơ sở vật chất văn hóa; cơ cấu lao động và đây đều là những tiêu chí "ngốn" nhiều tiền nhất.

Hiện xã đã đầu tư xây dựng và hoàn thành 15 công trình trọng điểm, còn 3 công trình đang trong giai đoạn hoàn thành là: Trụ sở UBND xã; nhà máy nước... với tổng số vốn 43,1 tỷ đồng.

"Với số tiền và khối lượng công việc lớn như vậy, xã chúng tôi đã đóng góp gần như "kiệt sức", trong khi đó vốn từ T.Ư rót về nhỏ giọt. Kinh tế khó khăn, nhà thầu đang xây dựng trụ sở UBND xã có nguy cơ bỏ dở, trong thời gian tới nếu không có sự hỗ trợ của T.Ư chúng tôi sẽ rất khó khăn để hoàn thành tất cả các tiêu chí" - ông Thức nói.

Việt Tùng - Sỹ Lực


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo