Chuyến đi của TT Obama ảnh hưởng như thế nào tới phong trào dân chủ tại Việt Nam? - Dân Làm Báo

Chuyến đi của TT Obama ảnh hưởng như thế nào tới phong trào dân chủ tại Việt Nam?

Nhìn lại chuyến công du Việt Nam của TT Obama trong quan hệ đối tác toàn diện mới Hoa Kỳ - Việt Nam và các ảnh hưởng đến cuộc tranh đấu cho Nhân quyền - Tự do - Dân chủ. 

Bác sĩ Mã Xái (Danlambao) - Sau ba ngày công du sôi động cuốn hút trong vòng tay thân thương của người dân Sông Hồng -Bến Nghé từ Hà Nội 36 phố phường đến Đa Kao nhưng rồi thuyền TT Obama cũng phải nhổ sào “Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy” (Quốc văn Giáo Khoa Thư). Không chỉ có buồn man mác vì khát vọng người dân rơi vào hụt hẫng, mà còn nhiều quan tâm mới cho công cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ cho Dân chủ, Nhân quyền trước khúc quanh “quan hệ đối tác toàn diện mới”, một bước ngoặt cho tầm nhìn chung về tương lai Mỹ-Việt.

Trước cử tọa đông đảo trên hai ngàn người chật kín Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội (24-05-2016), TT Obama gởi đi Bài Phát biểu cho toàn dân Việt Nam nhằm đẩy mạnh “quan hệ đối tác toàn diện mới” đi vào thực chất và chia sẻ tầm nhìn chung hướng về tương lai trong nhiều thập niên tới cho một Việt Nam thịnh vượng, an ninh hòa bình, tôn trọng nhân phẩm. Nội dung Tuyên Bố chung Hoa Kỳ- CSVN giữa TT Obama và chủ tịch Trần Đại Quang hôm trước (23-05-2016) cũng được nhắc lại trước Hội nghị hôm 24/05/2016.

Chiến lược tầm nhìn mới của Obama trong chuyến đi nầy không ngoài thuyết phục đối tác tiềm năng Hà Nội bằng mọi động thái cụ thể, lôi kéo Hà Nội vào vòng tay của mình trong chính sách tái cân bằng/chuyển trục về châu Á-Thái Bình Dương mà ASEAN là trung tâm với vai trò địa chiến lược chủ yếu là Việt Nam, trong mạng lưới bao vây kinh tế và quân sự Trung Cộng. Obama muốn di sản “tái cân bằng” phải thành công, cái di sản mà ông và cộng sự xây dựng suốt hai nhiệm kỳ, một chính sách quốc gia được cả hai Đảng Cộng Hòa và Dân chủ ủng hộ. Cái tầm nhìn đó dựa trên nguyên tắc cả hai bên cùng có lợi, mà ông mô tả nó trước công chúng... “thực hiện đầy đủ tầm nhìn mà tôi mô tả hôm nay không phải là điều xảy ra một sớm một chiều và không phải đương nhiên sẽ xảy ra. Có thể sẽ có thăng trầm trên con đường đó. Sẽ có những lúc xảy ra hiểu lầm. Con đường đó đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và đối thoại chân thành trong những lãnh vực mà cả hai bên sẽ tiếp tục thay đổi” (trích từ Remarks by President Obama in Address to the People of Vietnam). 

Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ lịnh cấm vận võ khí sát thương ngay khi đến Hà Nội ngày 23/05/2013, minh thị chấm dứt tình trạng thù nghịch, chấm dứt qui định liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước mua bán võ khí với Mỹ và các đồng minh quân sự với Mỹ, dù rằng hai nước đã chính thức quan hệ ngoại giao từ năm 1995; động thái này thực hiện theo yêu cầu của Hà Nội từ lâu, một dấu mốc đánh dấu lòng tin cậy lẫn nhau vì lợi ích quốc gia hai nước, xóa bỏ lằn ranh ý thức hệ như Obama đã từng trấn an Nguyễn Phú Trọng tại thượng đỉnh 7/2015, nó đánh dấu mối quan hệ đối tác toàn diện mới từ nay. 

Việc bỏ cấm vận này nâng cao thêm quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng từ khi hai bộ trưởng Ashton Carter và Phùng quan Thanh cùng ký Tầm nhìn chung 6/2015. Ông Obama tiếp "chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo và trang thiết bị cho Cảnh sát tuần duyên nhằm tăng cường năng lực hàng hải Việt Nam. Việt Nam sẽ có sự tiếp cận lớn hơn với những thiết bị quân sự mà các bạn cần để bảo đảm an ninh cho mình."

Ông lạc quan tin tưởng vào kế hoạch bảo đảm an ninh chung cho hai nước trong bối cảnh Trung Cộng tung hoành ở Biển Đông; Bắc Kinh cũng đã hăm he bảo hai kẻ cựu thù đừng thêm dầu vào lửa, và cho rằng Hoa Kỳ đang dùng Việt Nam để khuấy động Biển Đông. Ông cho biết “Việc xả lịnh cấm vận là kết quả của phát triển quan hệ hai nước, không liên quan tới Trung Quốc và Biển Đông”, nhưng ai cũng biết là Washington muốn kéo bè kết cánh với đối tác tiềm năng của mình là Việt Cộng cùng với đồng minh chí cốt (Nhật, Hàn, Phi…) tạo mạng lưới an ninh và kinh tế bao vây Trung Cộng, bảo vệ chiến lược chuyển trục về châu Á-Thái Bình Dương; và ông Obama tiếp: “các quốc gia đều có chủ quyền, bất luận quốc gia đó lớn hay nhỏ, chủ quyền họ phải được tôn trọng, và lãnh thổ họ không được xâm phạm. Các nước lớn chớ nên bắt nạt nước nhỏ hơn. Các tranh chấp nên được giải quyết một cách hoà bình” khi ông muốn ám chỉ các "quốc gia nhỏ" trong khối ASEAN trong đó có Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia, Brunei luôn bị Bắc Kinh uy hiếp. 

Ông Obama tiếp “Về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), Hoa kỳ không là một nước đang có tranh chấp chủ quyền. Nhưng chúng tôi sát cánh cùng các đối tác để bảo vệ các nguyên tắc cốt lỏi, như quyền tự do lưu thông trên biển, trên không và thương mãi hợp pháp không bị ngăn trở và cách giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình thông qua công cụ pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả quốc gia thực hiện việc làm tương tự như vậy.

Ông Obama đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước trước họa bành trướng Đại Hán và cũng gián tiếp cho dân chúng thấy từ lâu cung cách thừa sai của chính quyền Hà Nội đối với Trung Nam Hải. Việc mua bán vũ khí sát thương vẫn phải đáp ứng đòi hỏi chính trị phù hợp với quyền lợi quốc gia Hoa kỳ, các thủ tục pháp lý, cửa ải quốc hội, còn về điều kiên nhân quyền thì chúng ta đã thấy Hoa Kỳ đã nhượng bộ Hà Nội một cách quá đáng, Hà Nội đã đối xử với thái độ trịch thượng với nhà lãnh đạo siêu cường ngay từ lúc ông Obama bước xuống phi trường (23-05-2015).

Trong việc dỡ bỏ lệnh cấm vận ông Obama đã xem nhẹ nhân quyền nếu không muốn nói là vấn đề nhân quyền dân chủ đã bị Hà Nội gạt sang một bên trong hồ sơ mua bán vũ khí với Việt Cộng. 

Trước ngày ông Obama lên đường công du một cuộc vận động nhân quyền rộng lớn nhân ngày Nhân quyền cho Việt Nam (11 tháng 5) do cộng đồng người Việt hải ngoại tổ chức gồm các đoàn thể chính trị, tôn giáo, các tổ chức nhân quyền, nghị sĩ dân biểu lưỡng viện Hoa Kỳ có yêu cầu Tổng thống can thiệp với Hà Nội trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm. Nancy Nguyễn và Nguyễn Viết Dũng bị nhốt trước ngày Tổng thống đến và với thất vọng của mọi người chỉ một Linh mục Nguyễn văn Lý được ra tù sớm vài tháng trước ngày mãn hạn, những nhà hoạt động xã hội dân sự được mời nhưng đa số bị ngăn trở, nhà báo Đoan Trang, luật sư Hà Huy Sơn, Blogger Thảo Teresa cũng bị ngăn cản, câu lưu và nội dung các diễn văn của Tổng thống cũng bị cắt xén.

Bánh ít đi mà không có bánh quy lại, lệnh cấm vận được dỡ bỏ mà nhân quyền chẳng những không có tiến bộ mà còn có dấu hiệu thụt lùi. Ông không chỉ trích nhà nước VN nhưng hướng về quần chúng ngay trong Trung Tâm Hội nghị Quốc gia để mở màn mặt trận dân vận về quan hệ đối tác nhân quyền, để giải quyết những lãnh vực mà hai chánh phủ còn bất đồng bao gồm nhân quyền mà ông cho rằng không riêng về Việt Nam, không một quốc gia nào hoàn hảo ngay cả nước Mỹ. “Tôi đã nói từ trước- Hoa Kỳ không tìm áp đặt mô hình chánh phủ của chúng tôi lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói đây, tôi tin rằng không phải là giá trị Mỹ, tôi nghĩ là giá trị phổ quát được minh định trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền. Những quyền đó được minh định trong Hiến pháp Việt Nam, khẳng định rằng “người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, và có quyền tiếp cận thông tin, quyền tụ họp và quyền lập hội và quyền biểu tình”. Điều đó, quyền đó đã được ghi trong Hiến Pháp Việt Nam nhưng trên thực tế có bao giờ CSVN áp dụng và các quyền của người dân luôn bị tước đoạt.

Có thể nói sống dưới chế độ toàn trị độc tài độc đảng, đây là lần đầu tiên người dân được giảng giải về quyền con người, về tự do dân chủ, nhân quyền do một vị Tổng thống siêu cường mà không bị làm khó dễ (trong khi nhà hoạt động Nguyễn văn Đài cũng làm công tác tương tự thì đến nay vẫn còn nằm nhà đá), công chúng say mê nghe ông thuyết giảng về quyền bầu cử, vận động tranh cử một cách tự do khi mà cử tri có quyền chọn người lãnh đạo của mình một cách công bằng, thì điều đó làm cho đất nước ổn định, bởi vì dân chúng biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và những thay đổi một cách hòa bình là điều có thể. Và sự thay đổi như vậy sẽ đưa con người mới vào hệ thống. 

Bài giảng thực sự đã gieo những nhận thức căn bản về nhân quyền dân chủ, tự do và những lợi ích của nó trong xây dựng một xã hội tự do dân chủ pháp trị. "Khi có quyền tự do tôn giáo, thì điều đó không chỉ cho phép người dân được bày tỏ đủ tình yêu và đam mê vốn là giá trị cốt lỏi của tất cả tôn giáo lớn, mà còn cho phép các nhóm đức tin phục vụ cộng đồng của họ thông qua trường học và bệnh viện, chăm sóc người nghèo và những nhóm người dễ bị tổn thương của xã hội.” Nói về tự do tín ngưỡng với cộng sản thì khác chi chuyện đàn khảy tai trâu; đây là một lý do ông không muốn nhắc tới việc CSVN vi phạm trầm trọng về tự do tôn giáo mà Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do tôn giáo đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia đáng quan ngại (CPC). 

Ông cho rằng tương lai của Việt Nam sẽ được quyết định bởi chính người dân Việt Nam. Mỗi một quốc gia có con đường riêng của mình, và có những truyền thống khác biệt, hệ thống chánh trị khác biệt, văn hóa khác biệt, nhưng ông tin tưởng các quốc gia thành công hơn khi những quyền phổ quát được bảo đảm.

Về quan hệ đối tác kinh tế, ông tin tưởng tự do mậu dịch qua hiệp định TPP chẳng những đem lại phồn vinh cho khu vực mà còn khuyến khích Việt Nam thích nghi với chuẩn mực cao của hiệp định, đòi hỏi cải cách để bảo vệ công nhân quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập, quyền sở hữu trí tuệ... Nhưng trước mắt hai chính phủ đã đạt được giao kèo mua bán khả quan: Vietjet đặt mua 100 chiếc máy bay Boeing, Pratt & Whitney sẽ bán động cơ máy bay cũng như Bảng ghi nhớ về phát triển năng lượng gió giữa GE và chính phủ Việt Nam.

Nhắn nhủ giới trẻ có mặt trong hội trường, những người luôn sẵn sàng ghi lại dấu ấn của mình trên thế giới: “tài năng của bạn, con đường của bạn, những giấc mơ của bạn- trong tất cả những thứ đó, Việt Nam có tất cả những thành tố cần thiết để phát triển. Vận mạng của bạn nằm trong tay của bạn... Và khi bạn theo đuổi tương lai mà bạn muốn, tôi muốn bạn biết rằng Hoa Kỳ sẽ ở đó bên bạn vừa là một đối tác vừa là bạn của bạn.” Ông hãnh diện về đại học Fullbright Việt Nam sẽ đi vào hoạt động vào mùa thu này tại Sài Gòn, và Peace Corps lần đầu tiên sẽ tới Việt Nam.

Tạm kết: 

Một số nhà hoạt động dân chủ nhân quyền quan tâm về công cuộc đấu tranh sẽ thêm phần khó khăn trước chuyện Mỹ "đi với cộng sản". Thật ra Mỹ đã “đi” với cộng sản và bán đứng Miền Nam từ khi Kissinger đi đêm với Hà Nội và Mỹ và kẻ cựu thù đã bắt tay làm bạn và mối quan hệ hai nước cựu thù thực sự càng ngày càng tiến gần nhau hơn vì quyền lợi của hai bên và họ đã cùng có tầm nhìn chung cho tương lai trên quan hệ đối tác toàn diện mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhân chuyến công du của Tổng thống Obama.

Những người quốc gia chúng ta nhận thức rất rõ điều đó; nhân quyền dân chủ tự do cho quê hương phải chính do nhân dân tự đứng lên giành lấy, không thể trông nhờ người khác mang lại cho ta; trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại thông tin, công cuộc vận động sự hỗ trợ quốc tế, vận động hành lang là một đóng góp đáng kể. Nhân dân quốc nội là lực lượng chính, hải ngoại có vai trò yểm trợ bao gồm cộng đồng, các đoàn thể, chánh đảng quốc gia, tổ chức tôn giáo. 

Chỉ có sức mạnh dân tộc và ý chí của toàn dân mới thực hiện được công cuộc dân chủ hóa đất nước. 

Chính phủ Obama chủ trương hợp tác với cộng sản Việt Nam, "đi” với cộng sản, tôn trọng thể chế cộng sản, một chế độ dựa trên chủ nghĩa Mác Lê; Hoa Kỳ muốn lôi kéo Hà Nội về với mình cùng đồng minh bao vây Trung Cộng, nhưng hợp tác với cộng sản như vậy trái với chủ trương tôn trọng giá trị tự do, dân chủ nhân quyền của Mỹ, tiếc thay chủ nghĩa thực dụng đã thắng; hợp đồng thương mãi với Boeing với Pratt & Whitney, GE nặng hơn nhân quyền. Chúng ta có quyền nghi ngờ kinh nghiệm của tổng thổng về cộng sản. Trong những thập niên ’70, Hoa Kỳ hợp tác với Mao và đã tách rời được hai cường quốc cộng sản Liên Xô và Trung Cộng, giờ đây Trung Cộng đã trở thành đối thủ của Hoa Kỳ! CSVN cũng vậy chỉ lợi dụng Hoa Kỳ trong vấn đề kinh tế và kỹ thuật để củng cố chế độ cộng sản; Hoa Kỳ thành công trong tiến trình dân chủ hóa với chế độ quân phiệt Miến Điện nhờ đối thoại, hòa giải, hợp tác; nhưng kinh nghiệm của cố tổng thống Nga Yeltsin khuyên ta “Cộng sản không thể nào sửa chữa mà cần phải đào thải nó”.

Bài phát biểu của Tổng thống Obama hôm 24-05-2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Hà Nội quả thật là một thông điệp tuyệt vời, tác động mạnh vào quần chúng, thuyết giảng về dân chủ, tự do, về nhân quyền một cách dễ hiểu rốt ráo. Các công ước về quyền dân sự chánh trị, kinh tế, xã hội văn hóa. Những bài học căn bản về quyền con người, nhận thức về giá trị dân chủ, nhận thức dị biệt giữa hai thể chế, hai nền kinh tế và hai xã hội; những điều mà các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước đang cố gắng truyền đạt cho dân, nhưng bị nhà nước cộng sản ngăn cản bỏ tù; Người dân sống trong môi trường trấn áp, giáo dục nhồi sọ, cộng sản đã làm cho người dân trở thành gian dối, cộng sản bóp méo lịch sử. Ông không kêu gọi lật đổ chánh phủ “nhưng ông cho” "Dân chủ mới chính là giá trị sống cao nhất của mỗi quốc gia, mà vì nó, thang bậc văn minh giữa các quốc gia cao thấp - khai mở hay tối tăm khác nhau…” và "tương lai của Việt Nam sẽ phải do chính nhân dân Việt Nam quyết định".

Thêm một điều: việc dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn là một quyết định chính trị mà Hà Nội muốn có từ lâu, một bước ngoặt biểu tượng pháp lý “cho phép” Hoa Kỳ và Hà Nội là bạn, không còn là kẻ thù nữa; luật cấm vận này đã được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn từ năm 1984 “Quy định về việc buôn bán vũ khí” Việt Nam cộng sản bị liệt kê vào danh sách các quốc gia bị cấm mua bán vũ khí với Mỹ; Việt Nam đã bình thường hóa với Hoa Kỳ từ năm 1995, nhưng lệnh cấm vận vẫn chưa được dỡ bỏ cho đến khi Obama tuyên bố bãi bỏ khi đến Hà Nội (23-05-2016). Nhà nước cộng sản tự nhiên là rất hoan nghênh và tuyên bố việc này cho thấy quan hệ hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn, xây dựng vững chắc lòng tin; với việc dỡ bỏ cấm vận này ông Obama đã xóa lằn ranh ý thức hệ giữa hai nước. Việc dỡ bỏ cấm vận sẽ dẫn tới tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng. Dù sao việc bán vũ khí vẫn nằm trong quyết định của Hoa kỳ, tùy thuộc vào quốc hội, vào các tập đoàn tư bản. 

Tóm lại sau chuyến công du lịch sử này, Tổng thống Obama đã thực hiện hoàn toàn quan hệ bình thường giữa hai nước và đặt xong nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác toàn diện mới trong tầm nhìn chung hướng về tương lai cho nhiều thập niên.

Ông chủ trương hợp tác với chế độ CSVN gạt một bên lằn ranh ý thức hệ. Nhưng qua bài phát biểu với nhân dân Việt Nam (24-05-2016), ông gởi một thông điệp quan trọng về lợi ích ở một chế độ tôn trọng dân chủ, tự do, nhân quyền. Ông không kêu gọi lật đổ chính quyền, nhưng cho thấy một chế độ biết tôn trọng giá trị phổ quát thì dễ thành công hơn, một xã hội ổn định hơn, dân chúng hạnh phúc hơn. Từ Hà Nội, ông cũng nghĩ đến tất cả người Mỹ gốc Việt của mọi tầng lớp đã thành danh, những người đã vượt qua biển cả mênh mông.

Khung thời gian còn lại cho hai nhiệm kỳ tổng thống Obama thu hẹp dần, ông mong để lại một dấu ấn thành công trong chánh sách xoay trục về châu Á Thái Bình Dương trong đó Việt Nam có vị thế địa chiến lược cùng đi với Hoa Kỳ, nhưng ông sẽ khó đạt được nếu ông xa rời lý tưởng Tự do, Dân chủ và Nhân quyền trong quan hệ Việt-Mỹ. 

Con đường đấu tranh của người Việt tị nạn cộng sản, của những nhà hoạt động dân chủ cùng toàn dân quốc nội quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam Tự do, Dân chủ pháp trị, một quốc gia độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, chúng tôi chủ trương không hòa giải hay hòa hợp với cộng sản, chế độ cộng sản VN phải bị giải thể qua một cuộc cách mạng hoặc diễn biến hòa bình. 

Chính nghĩa phải thắng.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo