Đầu xuân, tản mạn chuyện tặng quà để hối lộ - Dân Làm Báo

Đầu xuân, tản mạn chuyện tặng quà để hối lộ

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Vẫn với mục đích hối lộ như trên nhưng sau thỏa thuận Thành Đô 1991 những món quà của nhà nước cộng sản Việt Nam có "chủng loại, mẫu mã" phong phú hơn. Ngoài Ải Nam quan, một nửa thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, hàng chục nghìn cây số vuông rừng biên giới trong danh mục quà còn có cả những bảng thành tích trấn áp tàn bạo các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, danh sách những người yêu nước tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa bị bỏ tù,... và cả những lặng im không phản đối Trung Quốc khi tình hình biển Đông căng thẳng.

*

Trong tiếng Việt "quà" là danh từ chỉ:

1) Thức mua để ăn thêm, ăn chơi, ngoài bữa chính. Chẳng hạn ăn quà sáng, ăn quà vặt 

2) Vật tặng, biếu để tỏ lòng quan tâm, quý mến, kính trọng, biết ơn với người nhận. Được trao một cách tự nguyện và không có tính chất trao đổi. .. "Quà" dùng với nghĩa này gọi là quà tặng. Chẳng hạn: Quà mừng đám cưới. Quà sinh nhật cho con. Quà tặng người yêu. Quà giúp đỡ nạn nhân.... 

Có thể nói tặng quà là phong tục tốt đẹp của các nước trong đó có Việt Nam. Thế nhưng vào cái thời mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng vinh danh là "rực rỡ nhất" trong lịch sử Việt Nam nó lại bị lợi dụng nhiều nhất để thực hiện hành vi hối lộ.

Nhớ lại cách đây chừng gần chục năm vào dịp trước tết các báo nhà nước thi nhau đăng tải hai câu thơ “Tết này ăn tết tại gia. 

Cấp dưới không phải đến nhà cấp trên” của ông Nguyễn Văn An lúc đó đang là chủ tịch quốc hội. Trước tết năm nay chừng như muốn noi gương đàn anh khi xưa ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng quán triệt cho cấp dưới "tinh thần cấp dưới không chúc tết cấp trên, các tỉnh, thành không ra trung ương chúc tết". Không khó để nhận ra cựu chủ tịch quốc hội chỉ muốn khoe tài thơ phú còn tân thủ tướng thì muốn đánh bóng tên tuổi chứ chứ các ông thừa biết khuyên bảo, quán triệt khác nào gãi ghẻ thậm chí cấm hẳn cũng chẳng tài nào dẹp được nạn mang quà hối lộ cấp trên vào dịp tết của đám thuộc hạ vốn dĩ đã quen lại rất ranh mãnh với hành vi này. Cùng năm có hai câu thơ trên, ở thành phố nọ lưu truyền câu chuyện biếu quà tết được thêu dệt đôi chút để thêm ly kỳ. Phố N của thành phố được gọi là “phố quan” vì có nhiều cán bộ cấp tỉnh ở. Phố này có lòng đường rộng, vỉa hè rộng thông thoáng và điện, nước thì rất ít khi mất. Nhưng dân ở đây thấy một hiện tượng lạ là vào những ngày giáp tết âm lịch điện đường thường mất vào một khoảng thời gian nhất định. Một vài người còn được chứng kiến những vị khách không quen biết trùm áo mưa kín mít (dù trời không mưa) xách túi quà tết vào nhầm nhà. Khi biết nhầm thì vội vã hớt hải đi ra như kẻ trộm bị chủ nhà phát hiện. Từ những điều nhìn thấy trên họ đã hiểu: đèn đường tắt theo lệnh của tỉnh, tắt để những người đi biếu quà tết và cả người nhận giữ được bí mật.

Ngoài quà tết, những kiểu tặng quà thông thường cũng bị đám thuộc hạ kia lợi dụng "không từ một kiểu gì "để đưa hối lộ. 

Lâu rồi người ta thường gọi đùa thiếp mời đám cưới là “vé mời ăn cơm bụi giá cao”. Đã đi ăn cưới là phải có phong bì mừng. Phong bì dày, mỏng (tiền nhiều, tiền ít) thì còn tùy. Đi đám cưới ở nhà quê phong bì mỏng, đám cưới ở phố dày hơn. Đi đám cưới con sếp phong bì dày hơn nữa. Cá biệt có những phong bì quá dày. Quà mừng đám cưới ai nỡ trả lại, thực tình cũng thích và thế là sếp chỉ còn cách nhận, bảo lưu và để quan tâm tới người mừng khi có dịp. 

Quà trung thu là quà cho trẻ em nhưng bây giờ nó được tặng cho bất kỳ lứa tuổi nào. Đã là sếp thì dù không có con cái, cháu chắt,…, ở cùng vẫn được biếu rất nhiều quà trung thu và kỳ lạ là người gửi quà đã rất khéo léo để vào giữa những gói bánh, hoa quả những chiếc phong bì “dày nho nhỏ” ghi rõ địa chỉ người biếu. Một người bà con của ông Nguyễn Thế Thảo kể lại có lần đã được gia đinh ông Thảo cho lại một gói quà trung thu mà ruột còn chứa một phong bì vài ngàn USD. 

Ở nhiều cơ quan, nhân viên có truyền thống “nhịn miệng đãi cấp trên”: Các ngày lễ tết người ta quen nhận những món quà ít ỏi, “khiêm tốn” từ quỹ phúc lợi để có được những phong bì dày mang biếu cấp trên và thế là sếp của họ được tiếng là “hào phóng”, “chơi đẹp” được cấp trên quan tâm cất nhắc. Đó là những món quà "của người phúc ta". 

Nhận quà của cấp dưới mãi cũng chán nên nhiều khi các lãnh đạo nhà ta cũng muốn tặng quà cho cơ sở viếng thăm và thế là các cán bộ cơ sở tối mặt tối mũi vì ngoài việc lo đón tiếp cho chu đáo còn phải lo quà để sếp tặng cho chính cơ sở của mình nữa. Hình thức tặng quà này cũng là một dạng hối lộ, hối lộ cho cấp dưới để đánh bóng tên tuổi của sếp. 

So với thuộc hạ, hành vi tặng quà của đám chóp bu bí mật kín đáo hơn và giá tri của món quà tặng cũng hết sức đặc biệt. 

Năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải trong đó khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Bất chấp chủ quyền hai quần đảo này là của Việt Nam được tiếp nối liên tục từ thời nhà Nguyễn, thời thuộc Pháp và hiện thời do VNCH trấn giữ ông thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhanh nhảu thay mặt nhà nước gửi công hàm tán thành tuyên bố trên. Năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Năm 1988 Trung Quốc cho hải quân đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa họ đã lệnh cho hải quân Việt Nam không được nổ súng làm cho 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam phải chịu làm bia sống cho Trung Quốc và hy sinh oan uổng. Sau này khi Trung Quốc không giấu diếm mưu đồ độc chiếm biển Đông cùng với nhiều sự thật bị phanh phui thì những hành động khác thường trên đã được giải mật. Đó là hành vi hối lộ cho Bắc Kinh hai quần đảo trên để đổi lấy vũ khí, phương tiện đánh chiếm miền Nam thời chiến tranh Nam Bắc và sự tồn tại của chế độ sau khi Liên Xô cùng các nước cộng sản Đông Âu tan rã.

Vẫn với mục đích hối lộ như trên nhưng sau thỏa thuận Thành Đô 1991 những món quà của nhà nước cộng sản Việt Nam có "chủng loại, mẫu mã" phong phú hơn. Ngoài Ải Nam quan, một nửa thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, hàng chục nghìn cây số vuông rừng biên giới trong danh mục quà còn có cả những bảng thành tích trấn áp tàn bạo các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, danh sách những người yêu nước tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa bị bỏ tù,... và cả những lặng im không phản đối Trung Quốc khi tình hình biển Đông căng thẳng.

Những năm gần đây thỉnh thoảng nhà nước cộng sản Việt Nam lại bất ngờ trả tự do trước thời hạn cho một số tù nhân lương tâm. Trước là Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần vừa qua là Đặng Xuân Diệu. Thả một cách lén lút, bí mật không cho gặp gia đình và tù nhân lương tâm thường được đưa thẳng từ nhà tù tới phi trường để bay sang định cư ở Mỹ hoặc một nước nào đó. Loại trừ lý do nhân đạo vì họ luôn đối xử khắt khe tàn bạo với tù nhân lương tâm, nên hành động bất thường trên chỉ có thể là sự đổi chác để đạt được một mục đích nào đó. Chẳng hạn: Để nâng cao thành tích tôn trọng nhân quyền, để không bị đưa vào danh sách các nước đáng quan ngại về tự do tôn giáo, để gia nhập một tổ chức quốc tế,... Đây cũng có thể coi là một món quà mà nhà nước cộng sản gửi biếu cho công luận quốc tế, gọi đúng là "món quà thả người". Món quà độc nhất vô nhị mà chỉ có các "đỉnh cao xảo trá" mới phát minh ra.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo