Đọc chương 7 - Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh... suy nghĩ về "mặt trời đỏ" trong lăng Ba Đình
Mười năm trước 2008, tất cả những Dư Luận Viên có bài đánh Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh, họ đều giống nhau ở việc luôn luôn phải tự trấn an mình bằng một tín điều mang tính hoang tưởng và hoàn toàn không có giá trị thuyết phục: “Sở dĩ Việt Nam không bị sụp đổ như các quốc gia cộng sản Đông Âu là nhờ Việt Nam bám vào được cái phao tư tưởng Hồ Chí Minh” .
Tôi nghĩ tất cả họ đã nhầm và hiểu về Hồ Chí Minh như thế là quá lệch lạc. Bởi vì chính Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi không có tư tưởng gì sất, tất cả đã có Stalin và Mao trạch Đông nghĩ ra cả rồi”. Nếu DLV Thượng Nguyên viết là “…nhờ vào cái phao ĐỨC HẠNH của Hồ Chí Minh” có vẻ êm tai hơn vì dân ta từ 1945 dường như đã bội thực vì phải nghe “Lời xưng tụng muôn thuở” như thế rồi.
Vậy đâu là nguyên nhân xuất hiện trong hồi ký không chỉ của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh… những thông tin lạ về đời tư của Hồ Chí Minh? Tôi nghĩ trừ những người luôn dị ứng với kiến thức, với thông tin đa chiều thì ai mà chẳng biết, nếu Liên Xô thành trì của quốc tế cộng sản vẫn còn bền vững thì chắc chắn chưa có vấn đề gì làm đảng cộng sản Việt Nam phải lo âu. Rất đáng tiếc, sau khi LBCHXHCN Xô Viết tan vỡ, kho tài liệu của quốc tế cộng sản do cơ quan KGB của Liên Bang Xô Viết quản lý đã được giải mật, thế là từ đó trở đi mới lắm chuyện bất ngờ! (KGB là cơ quan an ninh Xô Viết, tiền thân của nó là Trê ka – NTL). Độc giả trong nước đâu đã quên sự kiện bà Vũ Kim Hạnh Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ trực thuộc Thành Đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh vào những năm đầu thập kỷ 1990 đúng vào thời kỳ mà thầy Mạnh viết hồi ký, bà này đã bị huyền chức vì dại dột đăng bài báo lấy tin từ những thông tin được giải mật của KGB có nội dung “Thư Bác Hồ gửi vợ!”.
Nguồn thứ 2 làm xuất hiện những thông tin về đời tư của Nguyễn Ái Quốc những ngày ông còn lưu lạc nơi đất khách, lại chính là những người cộng sản Trung Quốc. Nếu không có những đồng chí Trung Quốc như bà vợ của cố thủ tướng Chu Ân Lai, như ông Hoàng Tranh một quan chức thuộc ngành bảo tàng của Trung Quốc thì làm sao người Việt Nam hôm nay biết được Nguyễn Ái Quốc đã từng có vợ và ông đã nhẫn tâm bỏ rơi người bạn đời đó là Bà Tăng Tuyết Minh một nữ chiến sĩ trong Bát lộ quân Trung Quốc!
Bà Tăng Tuyết Minh lúc về già. Trên tường vẫn treo ảnh HCM
Do sự bùng nổ thông tin toàn cầu internet mà những thông tin về đời tư, đời thường của Hồ Chí Minh kể trên đã lan tràn khắp mọi nơi mọi nẻo mà không thể có một phương cách nào có thể ngăn chặn nổi. Giờ đây chỉ cần vài 3 thao tác nhấn chuột vào Google, vào tìm kiếm… là người ta có quyền đối diện với biết bao đề tài được coi là cấm kị.
Với tôi, mọi thông tin mà tôi tiếp nhận được từ mọi nguồn chính thống và cả bị coi là không chính thống như tranh ảnh, sách báo, viết về những truyện này nọ trong đời tư của Hồ Chí Minh… kể cả những cuộc rước đuốc lửa Hồ Chí Minh từ làng Sen toả ra khắp cả nước, tổ chức rỉnh rảng từ nhiều chục năm trước đến những cuộc vận động học tập làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, những cuộc thi kể chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh diễn ra rất mùi mẫn và tốn kém, đặc biệt vài năm gần đây các tỉnh kể cả những tỉnh còn đói nghèo nô nức theo nhau xây dựng quảng trường HCM, tượng đài HCM tốn kém hàng ngàn tỉ VND… đều không mảy may áp đặt được trong tôi một thức giả định phủ nhận truyền thống dân tộc rằng, “Nếu không có Hồ Chí Minh thì dân tộc Việt Nam đời đời phải sống kiếp Ngựa Trâu”. Theo tôi…
Trước hết, ông Hồ cũng chỉ là con người của trần gian. Ông Hồ đã xuất hiện vào những thời điểm rất ngặt nghèo của lịch sử dân tộc. Rất nhiều các biến cố chính trị ở Việt Nam trong già nửa đầu thế kỷ 20 liên quan đến những hoạt động của ông. Rất nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay vẫn còn bị chi phối bởi những ảnh hưởng của ông.
Là con người của trần gian, Hồ Chí Minh có cha, có mẹ, có anh, có chị và những người thân yêu khác, âu cũng là chuyện bình thường. Đã là con người của trần gian, lại là con người chính trị ai mà chẳng có điều hay, điều dở, điều thành công, điều thất bại. Ai mà thoát khỏi được những cám dỗ hết sức đời thường. Ai có thể tránh được những thị phi có thể đến từ mọi nơi, mọi lúc và mọi phía.
Là một nhân vật của lịch sử, Hồ Chí Minh có quyền có những chuyện… khó nói, nhưng cũng là rất con người mà các vĩ nhân cùng lứa như Mao, các chính khách lớn thuộc lớp hậu thế như Lê Duẩn, Tổng Thống Mĩ Kennedy, Bill Clinton, Tổng Thống Pháp Mitterrand, Tổng Thống Nga Putin, Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela… đã từng có. Hồ Chí Minh nếu được nhìn nhận như thế, thì hình ảnh ông càng thật hơn, dễ thuyết phục hơn, nhân văn hơn trong con mắt của người đời.
Các tác giả có bài đánh Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh, họ muốn thể hiện mình là những DLV mẫn cán với thông điệp kết tội thầy Mạnh viết chương 7 là nhằm bác bỏ tín điều “Hồ Chí Minh cả một đời vì nước vì dân”. Thế sao họ lại giả điếc, giả mù, im thin thít tỏ ra không biết gì về việc, từ nhiều năm nay những kẻ mà ĐCS Việt Nam tôn thờ là “4 tốt và 16 chữ vàng” đã cho lan truyền câu chuyện Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành người ở Kim Liên - Nam Đàn – Nghệ An đã chết vì lao phổi trong nhà tù ở Hương Cảng từ 1932 và tháng 11 – 2008, nhà xuất bản Bạch Tượng – Trung Hoa dân quốc lại tung ra cuốn sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của sử gia Hồ Tuấn Hùng với thông tin kinh thiên động địa: “MẶT TRỜI ĐỎ” trong lăng Ba Đình là một người đàn ông dân tộc Hẹ thuộc Đài Loan có tên là Hồ Tập Chương. Gần đây hơn, báo chí chính thống của họ lại tung ra thông tin nữa không thể kiểm chứng được là “CHA GIÀ DÂN TỘC” trong lăng Ba Đình lúc này lại là Thiếu Tá Hồ Quang của bát lộ quân Trung Quốc.
(Thiếu Tá Hồ Quang – Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc)
Thực ra không phải người Việt Nam nào cũng tin những thông tin không thể kiểm chứng kể trên là có thật. Nhưng… nếu nhìn vào bản đồ hiện diện của Trung Quốc trên khắp lãnh thổ Việt Nam lúc này, ai ai cũng phải giật mình khi thấy từ trong đất liền đến ngoài biển đảo, Việt Nam như đã chết cứng trong quỹ đạo phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây chỉ là góc nhìn trực giác hữu hình trên bản đồ, còn sự lệ thuộc vô hình về tư tưởng, về kinh tế, văn hóa, chính trị… không phải người nào cũng cảm nhận được. Buồn thay! Không ít người Việt Nam kể cả trí thức đối diện với hiện tượng này… vẫn vô tư “Chưa thấy quan tài chưa rơi lệ…”.
Cũng là bình thường thôi khi không ít người đã chạnh lòng liên tưởng đến những điệp vụ đóng thế đó đã thành công ở mức hoàn hảo. Hình như sự kiện này không bị nhà nước cộng sản Việt Nam quyết liệt bác bỏ, triệt để phủ nhận, nên có thể nói, không thể cấm được nhiều người nghĩ đây là một chiến công tình báo độc nhất vô nhị, chưa từng có trong lịch sử tình báo quốc tế và đương nhiên đó là điều đại vô phúc, đại bất hạnh cho dân tộc Việt Nam.
Đối diện với những hung tin động trời đất này, nhà nước cộng sản Việt Nam không đủ niềm tin và sự can đảm để công khai thực hiện trước toàn dân một Test ADN dành cho “Mặt Trời Đỏ” trong lăng Ba Đình…Lúc này trắc nghiệm đó hoàn toàn khả thi và cần thiết để dập tắt hung tin đó. Không hiểu vì sao họ lại âm thầm chọn đối pháp phớt lờ không quan tâm, nhưng trong thẳm sâu vì quá sợ hãi, họ đang loay hoay chống đỡ một cách lúng túng, đối phó lặt vặt, biện giải luẩn quẩn, né tránh không dám đối diện với hiện thực sẽ mãi mãi chỉ là sự bế tắc mà thôi. Thái độ đó có khác gì Lạc Đà vùi đầu vào đống cát để khỏi phải nhìn thấy bão táp sa mạc mới chớm nổi lên ở phía đường chân trời.
Đến nay, BÊN THẮNG CUỘC vì thiếu tự tin và bạc nhược nên vẫn tiếp tục bắt Hồ Chí Minh phải sắm vai là một ông Thánh, đưa tượng ông vào trong chùa để thờ cùng với Đức Thích Ca Mâu Ni, để họ ẩn nấp và nương cậy, lấy “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh” làm một trụ đỡ quan trọng để nâng đỡ chế độ. Trong khi đó BÊN THUA CUỘC lại thẳng thừng coi Hồ Chí Minh là cội nguồn của những bất hạnh. Chính vì vậy mà họ đã dành cho Hồ Chí Minh những lời mạ lị, thóa mạ ông một cách cũng dung tục nhất và họ chọn việc đánh xập thần tượng Hồ Chí Minh là việc làm cấp thiết để giải thể chế độ cộng sản.
Thế là dù cho ở bên nào thì Hồ Chí Minh cũng là một nạn nhân đau khổ của những toan tính chính trị không chính danh, không thể hòa hợp. Cuộc đời ông Hồ lúc sinh thời đã là cả một bi kịch lớn, khi giã từ trần thế ông tiếp tục là một vong linh bị đọa đầy không có đường siêu thoát.
Mười năm về trước, những DLV có bài đánh hồi ký của thầy Nguyễn Đăng Mạnh…họ chỉ là những văn nô bồi bút tận tụy trong thân phận của những con Cừu chỉ biết đi đứng theo lề và véo von những gì mà các “ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ” mớm cho. Họ hoàn toàn chưa thích nghi được, chưa hoà nhập được với một thế giới đã “phẳng” đi rất nhiều so với vài thập kỷ trước. Giờ đây chẳng cần phải tinh tường gì, người đọc bình thường nào cũng dễ thấy, chỉ với vài động tác nhấn chuột là mọi sự thật lồ lộ được phơi bầy, không một cố gắng nào có thể che đậy nổi.
Lời cuối
Hoàn toàn đủ cơ sở để nói, những cuộc “Bề hội đồng” dành cho “Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh” 10 năm trước không phải là phê bình tranh luận học thuật gì hết. Đây chỉ là sự mượn cớ, mượn danh để “Lập công…”, để “Kiếm Ăn…”, để “Ân oán…”, để “Thanh toán nợ nần…” theo cách hành xử của những người cầm bút thì yếu kém, còn cầm gậy gộc và tiền thì rất giỏi. Giá như tôi thấy được chữ ký của những Nguyễn Văn Lưu, Thượng Nguyên, Đỗ Hoàng, Nguyễn Hữu Thắng, Thanh Trúc, Đặng Huy Giang…trong các kiến nghị của giới trí thức, văn nghệ sĩ về các vấn đề dân chủ nhân quyền, vấn đề yêu cầu ngừng khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, vấn đề chống quốc nạn tham nhũng, vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, vấn đề chủ quyền Biển - Đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc chèn ép, vấn đề môi trường đang bị ô nhiễm, đạo đức xã hội bị suy đồi…thì tôi tâm phục khẩu phục các vị lắm lắm.
Nhưng than ôi! Năm đó trong Kiến Nghị về Bauxite của nhóm Huệ Chi, thầy Mạnh là người có chữ ký rất sớm, còn tất cả các ông có tên ở trên đều cúi mặt ẩn nấp hết. Cũng thông cảm cho các ông thôi vì cái khoản “Đánh ai và không dám đánh ai”, những toan tính “Được gì?”, “Mất gì?” và sẵn sàng ngồi xổm lên tất cả là quyền của các ông thôi.
Nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh mới vĩnh biệt thế giới này, một thế giới đang bị lấp đầy là những ô trọc. Ông buông bỏ tất cả, lượng thứ tất cả để đi tìm những Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến…những người đã trọn đời vác trên lưng mình cây “Thánh Giá” của thái độ sống trung thực.
Hôm nay, trong đoàn người lặng lẽ tiễn đưa người thầy kính mến về miền an lạc…có tôi, một kẻ vô danh tiểu tốt, không có cơ may được làm học trò trực tiếp của Thầy Mạnh. Nhưng ngót 30 năm về trước, trong những ngày ngắn ngủi xã hội Việt Nam được ĐCS cởi trói, nhiều lần tôi đã được kiến diện con người khả kính đó trong những lần thầy về trường tôi Cấp 3 Thanh Oai A – Hà Tây để nói chuyện đời và chuyện làng Văn. Tôi vô cùng ngưỡng mộ văn tài, bút lực và vượt lên trên tất cả là nhân cách dũng cảm, trung thực sáng trong của thầy Nguyễn Đăng Mạnh và cũng từ đó khát vọng dấn thân mà tôi nhận được từ thầy, vụt cháy và cháy mãi trong tôi đến tận bây giờ.
Đất nước này sẽ khác hẳn, một khi Trí Thức Việt Nam ai ai cũng dám sống như thầy Nguyễn Đăng Mạnh, dám trút bỏ mọi nỗi sợ hãi để cháy trong mình khát vọng làm thay đổi xã hội theo chiều hướng văn minh và tiến bộ, ai ai cũng sẵn sàng ghé vai cùng chung vác “CÂY THÁNH GIÁ” của lòng trung thực.
Buồn thay! Hôm nay trên đất nước đau khổ và bất hạnh này, chỉ riêng ngày 1 – 2 – 2018, người ta đã công nhận thêm 1200 Giáo Sư, Phó giáo sư, nâng con số GS – PGS cả nước lên gần 9000 người, nhưng những trí thức hiếm hoi như thầy Nguyễn Đăng Mạnh, đếm được không quá một bàn tay. Hiện tượng không bình thường này càng khẳng định nhận định của nữ nhà văn bất đồng chính kiến Dương Thu Hương ngày nào “Trí thức đời nay còn lâu mới vịn được vào vai các bậc Sĩ Phu – Thức Giả đời trước về mặt tiết tháo.”…là hoàn toàn đúng./.
Hết
Phần đã đăng:
Trừ Tịch Đinh Dậu 2017
Hà Đông 2 - 2018
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý GD-ĐT Hoà Bình-Hà Tây
- Nơi ở: Số nhà 4 – ngách 12 – ngõ 102 – Đường Văn la – Hà Đông – Hà Nội. - ĐT: 0433521066 & 01652323836
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com