Nghĩ về "cuộc chiến tranh của chúng ta": Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? - Dân Làm Báo

Nghĩ về "cuộc chiến tranh của chúng ta": Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu?

Phạm Văn (Danlambao) - Xin được nói trước rằng một phần tên của bài viết này được lấy nguyên văn là tựa đề của cuốn sách “Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu?” của triết gia, nhà báo người Đức đương thời Richard David Precht sinh năm 1964. Thú thực, tôi mới chỉ đọc lướt qua cuốn sách này, đã khá lâu, chưa có thời gian đọc lại, chưa thật sự nắm được nội dung của nó và cũng không còn nhớ nữa. Nhưng tôi mượn tên gọi này theo cảm nhận về nội dung đậm chất triết lý của nó và rất phù hợp với ý tưởng, nội dung của bài viết sẽ được thể hiện dưới đây.

1. Dẫn nhập và đặt vấn đề.

Hẳn rằng vào những ngày này, có thể vào những thời gian trước đó nữa, thậm chí xa hơn nữa, nhiều người dân, người lính và nhất là quan chức ở Việt Nam đang hướng đến ngày 30 tháng Tư như một đại lễ mừng cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” thắng lợi, nhưng cũng có rất nhiều người hướng đến nó như một ngày “quốc hận”, ngoài ra có không ít người thờ ơ... Còn tôi, và có thể nhiều người khác nữa, trước đây cũng hân hoan đón mừng sự kiện được xem là trọng đại này của đất nước, dân tộc, nhân dân, nhưng giờ đây thì đã khác, khoảng hơn chục năm nay tôi quan tâm đến ngày 30 tháng Tư với tư cách một người tự mình mang lấy trách nhiệm đi tìm lời giải đáp về thực chất cuộc chiến tranh này, thực chất cái gọi là “chiến thắng” của nó và thường ở trong tâm trạng buồn đau, cay đắng, không còn những cảm xúc tích cực, nhiều khi thấy căm giận. Và rất ngẫu nhiên, may mắn vào đúng những ngày này tôi biết được tin và đến dự buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách Lịch sử chiến tranh của tác giả Anh John Desmond Patrich Keegan (1934-2012). Sự kiện này, quả thực mang đầy tính thời sự và ý nghĩa. 

Buổi tọa đàm có chủ đề “Chiến tranh – Lịch sử, góc nhìn và các hình thức tiến hóa” (chủ đề do các diễn giả đặt ra) được thực hiện tại một địa điểm trên đường phố ở Hà Nội mang tên Tố Hữu – nhà thơ “tuyên huấn” (tuyên truyền và huấn dụ) do Công ty Cổ phần Văn hóa và truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Viettel Media tổ chức trong khoảng thời gian từ 10h đến 12h30 ngày 20/4/2019. Trong phần giới thiệu sách và trình bày ý kiến của mình diễn giả có nói đến các “định nghĩa” về chiến tranh trong đó có định nghĩa của J. Keegan xem “chiến tranh là văn hóa” và đặc biệt, có nói đến “cuộc chiến tranh của chúng ta”, cụ thể là cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” có thể xem như điểm nhấn. Đến phần thảo luận tôi có bình luận ngắn các định nghĩa về chiến tranh, tỏ ý tán thành không chỉ định nghĩa của J. Keegan mà cả những định nghĩa khác và đặt câu hỏi cho diễn giả và cử tọa: “Nên hiểu thế nào về “cuộc chiến tranh của chúng ta?””. Tôi nhấn mạnh từ “của chúng ta”. Sau khi nghe một số cử tọa và diễn giả trả lời, tôi cũng có trả lời thêm nhưng thấy rất cần nói rõ hơn về điều này. 

Cần thấy rằng người ta đã từng nói về cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” là “cuộc chiến tranh của chúng ta” (của nhân dân, dân tộc, đất nước Việt Nam) như một điều, hơn thế như một sự thật hiển nhiên, không cần bàn cãi. Chính Hồ Chí Minh trong bản “Di chúc” của mình có viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” và “… nước ta có vinh dự là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ, góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Chắc chắn những lời này là một trong những “cơ sở” vững chắc nhất cho tên gọi “cuộc chiến tranh của chúng ta” được lưu truyền, in sâu vào lối nghĩ của nhiều người Việt Nam đến tận hôm nay, nhất là nó như được “đóng đinh” vào đầu nhiều người trẻ tuổi. Họ coi đó là niềm tin, là chân lý vĩnh viễn, công việc còn lại chỉ là chứng minh, làm “tỏ rạng” hơn cái chân ý ấy mà thôi. Nhưng thực ra, một cuộc chiến tranh như thế nào thì được gọi là “cuộc chiến tranh của chúng ta”? 

Xin được nói thêm rằng trong cuộc thảo luận cử tọa và diễn giả cũng đã có trả lời, rằng nói chung, đó chắc chắn không phải là cuộc chiến của những cá nhân đơn nhất với nhau, mà là của những tập đoàn, những cộng đồng, hoặc đó là cuộc chiến tranh (chỉ cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước”) mà chúng ta có lý tưởng cao đẹp, lòng yêu nước, có ý chí và tinh thần đấu tranh bất khuất, ngoan cường, có sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và cả sự hy sinh lớn lao v.v... Cũng có cử tọa đặt câu hỏi rằng cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” liệu có phải là của nhân dân không, khi mà chính nhà thơ Chế Lan Viên nói rằng trong một cuộc hành quân xuống đồng bằng với vài ngàn người mà chỉ 30 người còn sống sót trở về, trong đó có người phải sống vất vưởng sau chiến tranh, hoặc cử tọa nói xa hơn, về cuộc chiến của nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên-Mông, mà vị tướng tài ba Trần Khánh Dư lại có câu nói, đại ý: tướng là chim ưng, cho nên chuyện vịt (chỉ nhân dân) phải nuôi chim ưng là lẽ đương nhiên v.v... Tôi không phản đối những ý kiến, lời bàn ấy, mà muốn đưa ra một góc nhìn khác về cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” được gọi là “cuộc chiến tranh của chúng ta” này. 

2. Hiểu chung về từ ngữ hay khái niệm “của chúng ta”

Khi đặt câu hỏi: “Nên hiểu thế nào về “cuộc chiến tranh của chúng ta?”” và nhấn mạnh từ “của chúng ta”, tôi muốn nói rằng khi ta nói đến “cuộc chiến tranh của chúng ta” thì có nghĩa là phải hiểu “chúng ta” (nhân dân, dân tộc, đất nước Việt Nam chúng ta) chính là chủ thể của cuộc chiến ấy. Nói chung, người ta hiểu chủ thể là cái Tôi, và tùy theo sự phát triển xã hội với các mức độ xã hội hóa khác nhau mà cái tôi có thể nhỏ hoặc lớn, ít hoặc nhiều sâu sắc, có cái tôi nhỏ nhoi, có cái tôi lớn lao, thật sự vĩ đại. Trong trường hợp nói về “cuộc chiến tranh của chúng ta” ta gọi “chúng ta” (nhân dân, dân tộc, đất nước) là cái “Tôi-chúng ta”, tuy nhiên xét về mức độ xã hội hóa để đạt được, để có thể gọi tên như thế lại là câu chuyện khác, nhất là khi ta liên hệ đến câu nói của Trần Khánh Dư ở trên và cả câu nói của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ: “Các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo” (Tôi viết nghiêng chữ “chủ”).

Với tư cách một chủ thể-cái tôi, nói chung con người phải có những thuộc tính, yếu tố đặc trưng của nó, nghĩa là phải có những gì khiến cho kẻ hành động tồn tại như một chủ thể, tức là độc lập-tự chủ cả về ý chí, tư tưởng cũng như thực tế, chứ không phải kẻ lệ thuộc, là bản sao của người khác. Cụ thể hơn, điều này được xét ở cả hai phương diện: một mặt là những thuộc tính, yếu tố đặc trưng cho chủ thể, nhưng còn là cái ở bên trong con người cả về thể xác và tinh thần, chúng là cái chủ thể trong khả năng, tiềm năng; mặt khác, cái chủ thể ấy phải biểu hiện ra trong hành động thực tế, đặc biệt phải thể hiện ra, kết tinh thành sản phẩm, trong sản phẩm. Sản phẩm là sự kết hợp giữa ý muốn, ý chí, tư tưởng, năng lực, tức là cái khả năng, tiềm năng của chủ thể với hành động thực tế biến đổi các đối tượng của nó. Cả chủ thể trong khả năng, tiềm năng cũng như chủ thể trong hiện thực tức là sản phẩm, luôn có định lượng, định tính của chúng, nhưng về cơ bản định tính mới là phần quan trọng, quyết định xem một người có thực sự là một chủ thể, một cái tôi-bản ngã hay không. Con người khác con vật căn bản ở chỗ trước khi hành động, tạo ra thế giới sản phẩm, nó phải có tri thức về các sản phẩm ấy, hơn thế, còn có cả tư tưởng và đạo đức. Đương nhiên, lợi ích là cái quan trọng, nhưng nếu lợi ích không biểu hiện, “thăng hoa” thành tư tưởng, thành những giá trị tinh thần, thì con người hành động vì những lợi ích trực tiếp vẫn chỉ là những con vật. Cho nên, đây là phần định tính căn bản của con người. Điều này không hề duy tâm một chút nào như những kẻ duy vật máy móc và tầm thường vẫn nghĩ. Chính nhờ điều này con người đã tạo nên thế giới của riêng nó, thế giới văn hóa. Bằng cách đó, một chủ thể đích thực sẽ tự hào-vinh dự không chút hổ thẹn với lương tâm khi đứng trước sản phẩm của mình và nói hoặc tuyên bố: “Nó là của Tôi!”.

3. Định lượng và định tính của “cuộc chiến tranh của chúng ta”

Tôi (Tôi-chúng ta) là ai và nếu vậy thì bao nhiêu? Nói về lượng là ta nói về số lượng và hình thức tổ chức của sự vật, đối tượng. Theo đó, về định lượng ai cũng có thể thấy rõ “cuộc chiến tranh của chúng ta” (cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” đã diễn ra khoảng trên dưới 20 năm trên khắp mảnh đất Việt Nam yêu dấu của chúng ta, cả miền Nam, miền Trung, miền Bắc, trong mọi làng mạc, xóm thôn, thành thị, rừng núi, đồng bằng, có thể nói trong mọi ngõ ngách, nẻo đường của cuộc sống, trong cả thể xác và tâm hồn của con người Việt Nam. Đặc biệt, đó là việc hàng nhiều triệu con dân Việt Nam, nhất là thanh niên nam nữ đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham vào cuộc chiến tranh và nó được tổ chức bởi nhà nước cộng sản do đảng cộng sản ở Việt Nam lãnh đạo. Hầu như toàn thể nhân dân Việt Nam, quân đội, lực lượng vũ trang [trừ những người dân và những người lính thuộc về phía VNCH] đã tập trung toàn bộ tinh thần, thể chất và điều kiện vật chất cho cuộc chiến tranh, một nửa nước - miền Nam được coi là tiền tuyến lớn, một nửa nước - miền Bắc được coi là hậu phương lớn (mà ở đây “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”) v.v.. Dĩ nhiên, chúng ta không thể không nói đến sự cung cấp về mọi mặt vô cùng to lớn, nhất là về vũ khí, phương tiện chiến tranh của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác cho cuộc chiến tranh, và cả sự “ủng hộ” của nhân dân thế giới, “loài người tiến bộ”, còn là sự tập trung của “ba dòng thác cách mạng” v.v..

Về định tính, “chúng ta” đã tiến hành cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” vì cái gì, vì “nền độc lập-tự do”, vì sự nghiệp “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” hay vì những mục tiêu, động cơ nào khác? Cái gì đã khiến “chúng ta” “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”? Cái gì đã khiến những Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cùng lớp lớp thanh niên con nối chân cha, cháu nối chân ông lên đường “đánh Mỹ”? Thực ra, cái căn nguyên thực sự để trả lời cho những câu hỏi trên, trước hết và căn bản là lý tưởng xã hội, cộng sản chủ nghĩa của học thuyết Marx (về sau gọi là học thuyết Marx-Lenin) vốn phát ngôn cho một thứ lợi ích và sứ mệnh được tưởng tượng ra, được coi là của đám đông những người lao động vô sản cần lao trong trạng thái khốn cùng tạm thời của nó trong chủ nghĩa tư bản-tự do ở thời kỳ đầu, còn gọi là chủ nghĩa tư bản “man rợ”. Học thuyết ấy trên thực tế đã không thể thực hiện được ở những nước tư bản-tự do đã phát triển, nhưng lại tìm được chỗ đứng ở những nước lạc hậu, đặc biệt ở phương Đông-châu Á trong đó có một phần là nước Nga. Lý tưởng ấy đã được những người cộng sản những năm 30-40 của thế kỷ XX tâm niệm: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” “Rồi mai đây tất cả sẽ là chung, tất cả sẽ là vui và ánh sáng”, trong những năm 60 đó là “Ta vì ta ba chục triệu người, cũng vì ba ngàn triệu trên đời, ta hiểu vì ai ta chiến đấu, ta hiểu vì ai ta hiến máu”, cả đến khi “Xuân này Bác không làm thơ nữa, nóng bỏng lời kêu gọi của Trung ương. Cả nước hành quân ra tuyến lửa, mở đường giải phóng Á - Phi - La” v.v.. Nhà thơ-trưởng ban tuyên huấn TƯ đảng Tố Hữu đã “khuôn vàng thước ngọc” cho cuộc chiến của “chúng ta” như thế!

Tôi muốn nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội và cộng sản chỉ đến với người cộng sản-nông dân Việt Nam dưới hình thức một lý tưởng, còn về học thuyết, tư tưởng thì về căn bản là không, nếu có thỉ chỉ là việc cố sức-cố tình biện giải cho tính “hợp lý” của cái lý tưởng này thôi, kể cả đến hôm nay cũng vẫn thế. Và cái lý tưởng ấy sau những năm 1945-1954, hoàn toàn mang tính áp đặt vào Việt Nam từ khi Liên Xô (Liên bang CHXHCN Xô viết) được thiết lập và trở thành trụ cột của phe XHCN. Như thế, ngọn cờ “độc lập-tự do”, vì sự nghiệp “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” trên thực tế chỉ còn hình thức, vì thực chất nó đã được đặt vào cuộc chiến tranh chung chống phe tư bản chủ nghĩa đứng đầu là “đế quốc Mỹ”. Nói chung hay thực chất, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã “ủng hộ” Việt Nam không phải vì “nền độc lập-tự do”, vì sự nghiệp “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, mà vì sự tồn tại của “phe xã hội chủ nghĩa”, vì cái lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, mà trong đó, đảng cộng sản, chế độ cộng sản trị ở Việt Nam, cuộc chiến tranh “của nhân dân” Việt Nam đã trở thành bộ phận hữu cơ của nó.

Nhưng không chỉ có thế và hơn thế, bên trong, đằng sau nội dung này còn là ý đồ, tư tưởng bành trướng hết thâm độc của Tàu Cộng, cũng chi phối “cuộc chiến tranh của chúng ta”. “Chúng ta” đã nhận được sự “viện trợ” hết sức to lớn, vô tư, kể cả nhân lực-máu xương của người “anh em” có tình hữu nghị “môi hở răng lạnh” này. Vì thế, “cuộc chiến tranh của chúng ta” một cách âm ỉ, ngấm ngầm, thậm chí ít nhiều công khai, đã rơi vào quỹ đạo tham vọng của Tàu Cộng. “Chúng ta” trở thành thành phần, công cụ không chính thức hoặc “bán công khai” trong tham vọng và mưu đồ của Tàu Cộng, đồng thời thành kẻ “mang nợ, mang ơn” tiềm tàng của Tàu Cộng để rồi khi có điều kiện, chúng chờ sẵn điều đó, để xiết cổ “chúng ta”. 

Vậy, với những định lượng và định tính của “chủ thể” tiềm năng nói trên, “chúng ta” đã hóa thân chúng vào kết quả, sản phẩm, vào văn hóa của “chúng ta” sau cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” này như thế nào? 

Khoảng hai triệu người lính của “chúng ta” và khoảng hơn 200 ngàn người lính VNCH đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh, chưa kể số lượng thương phế binh của cả hai bên và sự hy sinh, mất mát của nhân dân hai miền ở cả hai bên chiến tuyến. Cùng với những mất mát, hy sinh ấy là tình trạng đối nghịch bất dung của cảnh kẻ khóc, người cười, “có triệu người vui, cũng có triệu người buồn” (Võ Văn Kiệt) luôn diễn ra với những mức độ không hề nhỏ, nhiều khi thảm khốc như một đại bi kịch bao năm nay. Nền “độc lập” chỉ là hình thức vì không có tự do. Xiềng xích của chế độ độc tài toàn trị cộng sản trói chặt và tước đoạt mọi quyền cơ bản của người dân, nhất là quyền tự do tư tưởng. Độc lập gì mà sau hơn 40 năm Việt Nam vẫn chưa có nền công nghiệp, nền kinh tế tự chủ của mình, phần lớn bị Tàu Cộng chi phối. Sự “giải phóng” biến thành sự tàn phá ghê gớm đối với những cơ sở kinh tế, xã hội, văn hóa ở miền Nam, đối với “hòn ngọc Viễn Đông”. Sự “thống nhất” trở thành sự ly tán, hận thù khôn nguôi trong lòng người, biến thành sự độc tôn-toàn trị của chế độ đảng cộng sản với quan niệm rất lỗi thời, sai lầm, với những sự giả mạo, gian trá, những phản giá trị được tuyên truyền là “những giá trị” ăn sâu, choán ngợp trên toàn cõi đất nước, con người cả về vật chất và tinh thần. “Bài ca thống nhất” xưa nghe xôn xao, náo nức, giờ nghe sao cay đắng, tủi hờn!

Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và đông Âu tan rã vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, điều đó không chỉ chứng tỏ học thuyết Marx là ảo tưởng, đã bị phá sản, mà còn có nghĩa là lý tưởng xã hội, cộng sản chủ nghĩa của những người cộng sản ở Việt Nam đã hoàn toàn mất cơ sở “hiện thực”. Hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, nhất là Mỹ đã bị “nước ta” anh dũng “đánh bại” giờ lại thành lý tưởng của nhiều người dân chân chính đã thức tỉnh, đang khát vọng tự do, khát vọng làm người. Trong khi đó những tên “tư bản đỏ” (“tư bản thân hữu” như ở Trung Quốc) lại học đòi “đế quốc-tư bản” để trở thành một thứ “tư bản” quái gở, lên ngôi nhờ ăn cướp và tàn phá đất nước, cho đến nay vẫn là cơ sở của chế độ cộng sản giả hiệu. Một thứ kinh tế thị trường (định hướng XHCN) nửa dơi nửa chuột hình thành, nền giáo dục thối nát, hệ giá trị xã hội hỗn loạn, cái ác, cái giả lên ngôi. Đặc biệt, thật thảm hại, đau xót cho một cả một đất nước, dân tộc với gần 100 triệu dân bị một đội ngũ những kẻ lãnh đạo u mê, tham lam, bạc nhược đứng-ngồi lên đầu, lên cổ. Chúng không có tư tưởng, chỉ còn một mớ lý thuyết chắp vá, giáo điều và giả tạo, thay vào đó là lòng tham quyền lợi, địa vị, danh vọng chi phối chúng. Chúng (đảng, chế độ đảng cộng sản trị) tự đặt mình lên trên hết thì Tổ Quốc, dân tộc, nhân dân là những vật sở hữu của chúng, chẳng có nghĩa lý gì cả. 

Sau khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Nga-Liên Xô không còn vai trò, Tàu Cộng bộc lộ nguyên hình là kẻ theo đuổi mục tiêu xâm chiếm cho kỳ được Việt Nam với chiến thuật “khôn khéo” “dò đá qua sông” và với phương thức chiến tranh “xâm lược mềm”, hơn thế muốn vươn lên thay thế, vượt Mỹ để đứng đầu thế giới. Đảng cộng sản và chế độ cộng sản trị ở Việt Nam với sự bảo thủ-lỳ lợm đến ghê người về nhận thức, tư tưởng, đồng thời với món nợ vật chất và cả máu xương nặng nề bao năm nay, đã hoàn toàn rơi vào vòng tay khống chế của Tàu Cộng. Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam đã và đang tung hoành, làm mưa làm gió trên mọi lĩnh vực, trên khắp đất nước. Chúng đã chiếm được rất nhiều vùng đất, lãnh thổ của chúng ta cả trên đất liền và trên biển. Chúng tham lam, hỗn xược tuyên bố hầu như toàn bộ biển Đông là của tổ tiên chúng từ thời cổ đại. Nếu chúng chiếm được biển Đông thì toàn bộ Việt Nam, Đông Nam Á dĩ nhiên, ở trong sự kiểm soát, chi phối của chúng. Vừa mới đây thôi, chúng tiếp tục khẳng định điều này bằng cuộc “gặp mặt lần thứ hai” về chiến lược “một vành đai một con đường” và “con đường tơ lụa trên biển”. 

Vậy, phải chăng cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” là cuộc chiến tranh “của chúng ta” và “chúng ta đã chiến thắng” trong cuộc chiến tranh ấy? Không, câu trả lời đã rất rõ ràng: “Cuộc chiến tranh của chúng ta” - cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” chỉ là “của chúng ta (của nhân dân, dân tộc, đất nước Việt Nam)” xét về định lượng thuần túy, cụ thể là khi xét về thời gian, địa bàn diễn ra và kết thúc chiến tranh, con người trực tiếp tham gia chiến tranh, sự tổ chức cuộc chiến tranh, cả về mức độ khốc liệt của nó, nhất là sự hy sinh lớn lao của con người Việt Nam - điều mà người tư duy định lượng rất quan tâm, rất hay nói về điều này v.v.. Nhưng về định tính, nó là thành phần của cuộc chiến tranh có hai mặt, hai khuynh hướng rõ ràng: một mặt là thành phần cuộc chiến của phe “xã hội chủ nghĩa” do Liên Xô đứng đầu mà xét về lý tưởng, nó có vẻ ít nhiều chân thật, nhưng bản chất là sai lầm, ảo tưởng, nhằm chống lại chủ nghĩa tư bản-tự do, hơn thế chống lại giá trị cơ bản là tự do của loài người; mặt khác, là bộ phận không chính thức, không tuyên bố của cuộc chiến tranh theo đường lối dân tộc đại Hán hiện đại của Tàu Cộng với tham vọng bá chủ thế giới. Về mặt này, phần lớn người Việt Nam và cả trên thế giới đã chưa hoặc không ý thức được trong một thời gian dài cho đến trước khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Tàu Cộng diễn ra; ở Việt Nam với cuộc xuống đường-biểu tình của hàng chục ngàn người dân trong tháng 6 năm 2018 nhằm chống lại “luật đặc khu” và “an ninh mạng” đã làm nhiều người bừng tỉnh. Đáng nói là trong cuộc chiến có hai mặt nội dung này đảng cộng sản ở Việt Nam chính là đại diện cho cả hai về tư tưởng, lý tưởng và ý chí với tư cách kẻ trực tiếp “tổ chức mọi thắng lợi” [và cả những thất bại nặng nề] của nó. Theo đó, câu nói “để đời” của cựu TBT đảng cộng sản ở Việt Nam Lê Duẩn “Ta đánh Mỹ, là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc” nếu có thật, thì đó chính là câu nói rất đúng với điều này, tuy nhiên Lê Duẩn chưa nói cụ thể. Ông vẫn cho rằng “đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc” là “đánh” cho một tương lai tiến bộ, tốt đẹp của Việt Nam và nhân loại?! 

Rất có thể người ta sẽ lập luận-phản biện như đã từng khẳng định rằng “nguyên nhân bên trong là cái quyết định kết quả”. Họ nói đúng về nguyên lý, nhưng là ngụy biện, ngụy tạo-đánh tráo đối tượng khi vận dụng vào trường hợp cụ thể. Bởi vì, trong cái chung, cái tổng thể là cuộc chiến giữa hai phe “xã hội chủ nghĩa” và phe “tư bản-đế quốc” cuộc chiến tranh ở Việt Nam, “của Việt Nam” chỉ là thành phần, không phải là cái bên trong như họ nghĩ. Và “phe xã hội chủ nghĩa” có yếu tố Tàu Cộng không thật lòng thật dạ một chút nào, đã “chiến thắng” phe “tư bản-đế quốc” chỉ ở một trận chiến, một mặt trận, tức là thông qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam và là tạm thời, rất tạm thời. Nhưng đáng nói là cái yếu tố quyết định “chiến thắng” ở đây là cái “toàn thể” chứ không phải cái “bộ phận”. Tuy nhiên, sau đó thì phe “xã hội chủ nghĩa” đã sụp đổ tan tành. Vậy bản chất chiến thắng của nó là gì? Nó có giống như một loài động vật giao phối song rồi lăn ra tự chết để “nhường lại” sự sống cho thế hệ khác? Chắc là không, vì nó không được thiên nhiên-Thiên chúa ban cho sứ mệnh “thiêng liêng và cao cả” ấy? Phe “xã hội chủ nghĩa” đã chết, chủ nghĩa xã hội còn lại của Tàu Cộng chỉ là cái vỏ. Phe “tư bản-đế quốc”, cụ thể là “đế quốc to” là Mỹ không những không chết mà còn không ngừng tiến bộ-văn minh, tiếp tục tiêu biểu cho những giá trị chung của loài người, nhất là về Tự do – Dân chủ. Chỉ còn “chúng ta” vẫn dương dương, tự đắc - tự sướng với cuộc chiến tranh và chiến thắng “của mình”. Thật là một đại bi-hài kịch. 

Người ta cũng đã và có thể tiếp tục lập luận-phản biện rằng “con người chứ không phải kỹ thuật, vũ khí…, mới là nhân tố quyết định mọi thành bại”. Câu này cũng rất đúng về nguyên lý. Nhưng kết hợp với câu nói trên kia khi vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể, nó còn ngụy biện, ngụy tạo-đánh tráo đối tượng hơn nữa. Không thể nghi ngờ một sự thật là Mỹ không thể thất bại, rút khỏi Việt Nam nếu như quân đội Việt Nam không có những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại do phe “xã hội chủ nghĩa”, nhất là Liên Xô “giúp đỡ” và nếu thế, tình hình cũng sẽ xảy ra đúng như thực dân Pháp đã chiếm được Việt Nam trong thế kỷ XIX cho đến trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ra đời. [Nhưng ở đây rất cần lưu ý rằng người Mỹ không có ý định chiếm (xâm lược) Việt Nam]. Song điều cần nói ở đây là trên thực tế chính những vũ khí và phương tiện chiến tranh hay nói chung là khoa học và kỹ thuật hiện đại đã làm thay đổi nhận thức, lối tư duy, nhất là tư duy chiến tranh của con người Việt Nam. Và vì thế, tất nhiên, người ta sẽ đặt câu hỏi: “Thế những vũ khí, phương tiện, kỹ thuật chiến tranh ấy từ đâu ra?” Đương nhiên, rất dễ có câu trả lời: chúng do con người, nhưng có điều, đấy là những con người ở nơi khác đã làm ra chúng rồi cung cấp cho người Việt Nam, hơn thế cùng với điều này họ còn bao cấp “chúng ta” cả về tư tưởng, cả một hệ tư tưởng. Nhưng “người ta-chúng ta” đã nhẫn tâm “gạt” sang một bên tất cả cái điều quan trọng này để huyễn hoặc và tự huyễn hoặc, khiến cho cả dân tộc huyễn hoặc và tự huyễn hoặc, tức là tự đề cao mình, coi những cái không phải của mình, không phải do mình và vì mình ấy là của mình, để rồi hô lớn “không có gì quý hơn độc lập, tự do” với ý chí sẵn sàng “đốt cháy cả dãy Trường sơn” để “giành cho được độc lập”, với niềm hy vọng đến ngày được “tự hào đã đánh thắng đế quốc to là Mỹ” “ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tâm lý huyễn hoặc, tự huyễn hoặc ấy sinh ra từ đâu vậy? 

4. Tư duy-ý thức định lượng và cội nguồn xã hội-văn hóa của nó.

Tư duy-ý thức định lượng đó là thứ tư duy-ý thức nói chung chưa hoặc thiếu sự phản tỉnh, còn tư duy-ý thức định tính về cơ bản là tư duy-ý thức có tính phản tỉnh. Có thể hiểu phản tỉnh (chữ latinh là reflecxio, tiếng Anh là reflection) có nghĩa là hướng nhận thức-ý thức về bản thân, vào thế giới bên trong con người thay cho nhận thức-ý thức về thế giới bên ngoài, để thấy được giá trị, tồn tại đích thực của mình với tư cách con người cá nhân (hay cá nhân con người), với tư cách con người chủ thể. Những người cộng sản, tổ chức đảng cộng sản ở Việt Nam vốn là sản phẩm của một nền văn hóa mà về kinh tế, không có sở hữu tư nhân, về thực chất là sở hữu tối cao của nhà vua nhất là về ruộng đất, về xã hội-chính trị đó là sự tồn tại của chế độ quân chủ (không phải là chế độ phong kiến) chủ yếu tồn tại theo nguyên lý thống nhất bằng cách áp đặt những nguyên tắc, chuẩn mực của kẻ cầm quyền-nhà vua lên toàn bộ đời sống xã hội bất chấp lẽ phải, sự thật, thiện ác, mọi cái đều do nhà vua định đoạt, toàn bộ xã hội sống trong sự thụ động, trông chờ sự ban phát từ phía nhà vua. Trong chế độ ấy con người cá nhân không thể hình thành, lối tư duy-ý thức định tính, thiếu hoặc hoàn toàn không có sự phản tỉnh, là điều phổ biến. Học thuyết Marx đã tìm thấy chỗ đứng của nó ở đây. 

Những người cộng sản ở Nga, Trung Quốc và Việt Nam giáo điều theo học thuyết Marx, tưởng rằng họ đoạn tuyệt được với “chế độ phong kiến”, nhưng thực ra lại tiếp tục tiến trình của chế độ quân chủ kiểu phương Đông trên một nấc thang mới, cao hơn. Họ không hoặc thiếu năng lực phản tỉnh, nên dễ dàng tiếp nhận hoặc theo lối vay mượn hoặc theo lối áp đặt và tự áp đặt học thuyết Marx vào hoàn cảnh lịch sử của mình. Vì học thuyết này phát ngôn, cần cho một số đông-đám đông được tập hợp-thống nhất lại chỉ cần dựa vào những sức mạnh bên ngoài, trong đó bao gồm cả những ảo tưởng về quyền lợi chung. Học thuyết ấy rõ ràng có thể đáp ứng việc thực hiện tham vọng, lợi ích, khát vọng của của những người cộng sản phần lớn là nông dân trong điều kiện của chế độ quân chủ kiểu phương Đông. Sự hình thành, tồn tại của chế độ cộng sản toàn trị thực chất chỉ là biến thể mới của chế độ quân chủ. Bởi thế, khi có được quyền lực trong tay những người cộng sản, chế độ cộng sản toàn trị không mong gì hơn là thực hiện ở mức độ cao nhất nguyên lý thống nhất mà nền kinh tế “kế hoạch hóa” không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả hệ thống trước hết là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là một điển hình v.v...

Ở Việt Nam tư duy-ý thức định lượng hiện vẫn là phổ biến. Chế độ cộng sản hầu như chỉ hướng cảm xúc của người dân vào những số liệu, hình thức, thậm chí nhiều khi còn tìm cách thổi phồng chúng lên, đồng thời tìm cách che giấu những số lượng, hình thức chống lại những cái được trương lên, để che đậy đi mặt định tính của cuộc chiến tranh. Đặc biệt, những dư luận viên, những kẻ có lợi ích gắn với chế độ đang cổ vũ cho lối tư duy-ý thức định lượng này để khiến người dân tiếp tục sống trong vòng tăm tối, ngu muội nhằm giữ vững chế độ. Một trong những hình thức mà tôi muốn nói đến là âm nhạc hay nghệ thuật nói chung vốn là những gì dễ đi vào lòng người. Thành thực mà nói, âm nhạc chiến tranh gọi chung là “nhạc đỏ” theo tôi nói chung được sáng tác, thể hiện với những tấm lòng rất ngay thật của người nghệ sĩ, nhưng người nghệ sĩ ngây thơ về tư tưởng và giá trị đã không biết được họ đang phục vụ cho một lý tưởng sai lầm, hoang tưởng, nói cách khác, cái dẫn dụ tâm hồn họ không phải của bản thân họ. Họ thực sự thiếu sự phản tỉnh. Nhưng bây giờ thì khác, lớp nghệ sĩ “thị trường” đã và đang xuất hiện với đội ngũ đông đảo và hẳn rằng vào lúc này trên các sân khấu, sàn diễn dưới những hình thức khác nhau, họ đang cổ vũ cho “cuộc chiến tranh của chúng ta” chỉ thuần túy mang tính định lượng. Họ không còn vì chế độ, vì đảng nữa, mà chỉ còn vì tiền. Nhưng cả điều này nữa, đảng cộng sản giả hiệu và chế độ của nó cũng không ngần ngại sử dụng để cố tình bóp méo, xuyên tạc nhằm che đậy sự thật. Nhưng một bàn tay, nhiều bàn tay cũng không thể che được mặt trời! 

Để kết thúc, tôi muốn nói rằng thực ra những gì được nói ở đây cũng đã có nhiều điều được thể hiện trong các bài viết khác của tôi cho “Dân Làm báo”, nhất là ở bài “Vì một nền độc lập thực sự của Việt Nam” (hai phần) đăng vào các ngày 12 và 17 tháng 11 năm 2018. Cho nên, điều quan trọng tôi muốn nói thêm ở đây là về tiếp cận hay góc nhìn khác, có thể xem là mới, về cuộc chiến tranh được gọi là “cuộc chiến tranh của chúng ta” (cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước”), đó là góc nhìn định lượng và định tính. Hy vọng bài viết có thể bổ sung thêm cho những góc nhìn, hiểu biết khác về cuộc chiến tranh này, cũng có thể cho cả những cuộc chiến tranh khác từ những góc nhìn khác. Lịch sử không có cái “nếu”. Dẫu sao cuộc chiến tranh, những cuộc chiến tranh (có thể theo những góc nhìn khác nhau) đã xảy ra. Sự lựa chọn một cuộc chiến tranh này hay khác, xét cho cùng là do văn hóa quyết định. Văn hóa của chúng ta-văn hóa chiến tranh có nhiều giá trị lớn lao khiến chúng ta rất đáng tự hào, nhất là với những cuộc chiến tranh hào hùng chống ngoại xâm phương Bắc bao đời nay. Nhưng cùng chung điều ấy, chúng ta cần thấy mặt trái, mặt khác của văn hóa chúng ta cũng rất khủng khiếp, đó là thứ văn hóa man rợ “ăn thịt người” thậm chí rất tàn bạo. “Chúng ta” sẵn sàng vì những lý tưởng mơ hồ để đẩy dân tộc vào “cuộc chiến huynh đệ tương tàn”, điều này là sự thật không thể nghi ngờ. Không cần định tính xem cái giống nòi-dân tộc [chưa nói đến cái nhân loại] trong ta là gì, chỉ cần nói bọn ấy là “tay sai-kẻ thù”, là “phản động” thế là “chúng ta”, các đảng viên thấp cao, nhỏ lớn, chiến sĩ quân đội, công an và cả nhân dân lao vào giết, giết và giam cầm họ-chúng ta cả khi họ-chúng ta còn đang ngủ, đang đón giao thừa, khi họ-chúng ta còn nuôi con nhỏ, khi chỉ nhiệt tình thể hiện lòng yêu nước, chống lại bất công, gian trá và bạo quyền v.v.. “Chúng ta” sẵn sàng vì cái lý tưởng mơ hồ ấy để áp đặt những cái gọi là “giá trị” do “chúng ta” tưởng tượng ra lên toàn bộ xã hội, đời sống con người, cốt để thực hiện đến cùng “nguyên lý thống nhất” mà thực chất để thực hiện ý chí, lợi ích, cả sự hám danh của chúng ta - kẻ cầm quyền. 

Cho nên, nhận diện một cuộc chiến tranh rốt cuộc phải nhìn thấu cái cơ sở văn hóa, để thấy được những nguyên do đích thực của nó, để khắc phục nó từ chính những nguyên do ấy. 

Ngày 29 tháng 4 năm 2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo