Vì một nền độc lập thực sự của Việt Nam - Dân Làm Báo

Vì một nền độc lập thực sự của Việt Nam

Phần 2: Cuộc cách mạng mới và nền độc lập thực sự của Việt Nam


1. Khát vọng về một nền độc lập thực sự

1/ Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng là sự thực hiện những khát vọng hay nhu cầu của con người, của nhân dân, hay của một cộng đồng, dân tộc nhất định. Những khát vọng này có thể rất giản đơn là những nhu cầu sống tối thiểu như ăn, ở, mặc, đi lại v.v..., và có thể thể hiện sự chưa trưởng thành của một cộng đồng, nhân dân, nhưng cũng có thể là những khát vọng bị áp đặt, gán ghép, hoặc là những khát vọng của một cộng đồng, nhân dân đã trưởng thành về văn hóa. Có thể nói, đến nay những nhu cầu tối thiểu về cái ăn, cái ở và mặc của con người, nhân dân Việt Nam đã được giải quyết về cơ bản. Liên quan đến điều này chúng ta không nên và cũng không cần thiết phải nói rằng không có chế độ cộng sản, các chế độ cộng sản, cuộc sống vật chất của người dân chắc chắn sẽ khá hơn, thậm chí tốt hơn nhiều lần. Bởi vì, chính những người cộng sản, chế độ đảng cộng sản trị, cả ở nước Nga- Liên Xô, đặc biệt là ở Trung Quốc với hơn một tỷ dân, đã giúp dân nước họ thoát được cảnh đói nghèo. Đấy là sự thật lịch sử và lịch sử không chấp nhận cái “nếu”.

Điều chúng ta cần phải quan tâm trước hết là ở chỗ cái giá mà nhân dân, dân tộc, con người Việt Nam phải trả cho việc nói chung đã thoát khỏi đói nghèo này. Từ cái khát vọng độc lập gắn chặt với yêu cầu “người cày có ruộng”, chúng ta phải trải qua việc thực hiện cái khát vọng bị áp đặt là “chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa” với bao xương máu đổ xuống, làm cho dân tộc, đất nước tan nát khi mà nền độc lập dân tộc ở giai đoạn thứ nhất như các quốc gia tư sản thế kỷ XIX-XX chưa được thực hiện, sau đó còn trải qua một cuộc “thí nghiệm” xã hội chủ nghĩa trên cả hai miền Bắc-Nam sau 1975 để cả nước rơi vào một thời kỳ hết sức cùng khốn, điêu linh nữa, rồi mới thực hiện được cái điều sơ đẳng nói trên, trong khi trên thế giới, ở những nước phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đang chuyển nhanh sang giai đoạn thứ ba. Vậy là cái khát vọng con người hồn nhiên, ngây thơ, đơn giản ấy của con người, nhân dân Việt Nam đã phải đi thêm một chặng đường dài, bị độn thêm những hoang mê bởi những kẻ tự xưng là người tổ chức cuộc giải phóng vĩ đại. Nhưng cái trớ trêu và cũng rất mỉa mai là ở chỗ những người cộng sản, chế độ cộng sản đã đưa nhân dân nước họ thoát khỏi đói nghèo không phải theo học thuyết, lý tưởng cộng sản, mà là theo chủ nghĩa tư bản, mặc dù rất nửa vời và ngụy tạo. 

Bởi vậy, câu hỏi rất cần đặt ra là “tại sao chế độ tư bản chủ nghĩa “bóc lột” và “tàn bạo” đã đưa nhân dân nước họ thoát khỏi chế độ phong kiến ngu tối-lạc hậu-thấp kém, còn chế độ cộng sản thì không? Và câu trả lời đã có: Chúng ta, Việt Nam là một nước thuộc hình thái xã hội quân chủ kiểu phương Đông-châu Á và hình thái-văn hóa ấy quyết định việc chúng ta lựa chọn-theo học thuyết Marx-Lenin, theo con đường xã hội chủ nghĩa (cộng sản chủ nghĩa). Nhưng còn hơn thế, như một nhà tư tưởng người Nga trong thế kỷ XX đã từng nói, đại ý: “Cuộc cách mạng bạo lực (cách mạng vô sản hay xã hội chủ nghĩa) không những không tiêu diệt được tận gốc những căn bệnh của văn hóa truyền thống, trái lại còn làm cho chúng ngấm sâu vào lục phủ ngũ tạng”. Vậy, nói rộng hơn, sâu sắc hơn, điều chúng ta cần phải quan tâm, phải nói đến, đó là những gì lạc hậu, thấp kém và đáng hổ thẹn của truyền thống văn hóa vẫn không hề thay đổi, trái lại còn nặng nề hơn cùng với những hệ quả-hậu quả nặng nề gắn với những điều được gọi là thành quả “cách mạng” trong chế độ độc tài-toàn trị cộng sản. 

2/ Như đã nói ở Phần 1, nhất là ở mục 3 của phần này về những khuyết tật của nền văn hóa Việt Nam, về những hệ quả-hậu quả nặng nề của nền kinh tế, xã hội và văn hóa nói chung dưới chế độ cộng sản trị, thì giờ đây khát vọng của con người, dân tộc, nhân dân Việt Nam là thoát khỏi, sớm thoát khỏi tình trạng ấy. Không chỉ thoát khỏi những hệ quả-hậu quả nặng nề của chế độ cộng sản mà cả những khuyết tật của lịch sử, của nền văn hóa dân tộc nói chung. Có thể nói, lần đầu tiên nhân dân đã thể hiện rất rõ ràng cái khát vọng này trong cuộc biểu tình-đấu tranh rất mạnh mẽ, sục sôi của hàng chục ngàn người trong những ngày tháng 6 năm nay. Những đoàn người biểu tình đã trương lên và hô vang các biểu ngữ, khẩu hiệu đòi quyền tự do, quyền tự quyết định cuộc sống của mình, quyền tự quyết định vận mạng của dân tộc, đất nước, chống lại sự xâm lăng của Tàu Cộng, đặc biệt đòi lật đổ, xóa bỏ chế độ tà quyền cộng sản ngu tối-tham lam-tàn ác-bán nước v.v.. Tóm lại, nhân dân, con người Việt Nam đã thể hiện rõ cái khát vọng lớn lao, cao quý và thiêng liêng - khát vọng làm người, khát vọng của một nhân dân, một dân tộc đang trưởng thành. 

Khát vọng làm người tất nhiên không tách khỏi những nhu cầu tối thiểu như ăn, ở, mặc v.v., nhưng đồng thời và trên cơ sở đó, còn cả những khát vọng trở thành con người cá nhân, những con người cá nhân với những đặc trưng cơ bản như trí tuệ, tính chủ thể (độc lập), ý chí, lương tâm, đặc biệt là tự do v.v.. Con người cá nhân ấy không còn là những cá thể tách biệt nhau hoàn toàn và được liên kết lại bằng những thế lực, sức mạnh bên ngoài, bằng sự áp đặt, bằng cả sự “quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược” lại do một ông biết mình đã “tuổi cao, sức yếu, năng lực có hạn” nhưng vẫn đứng đầu để làm, mà là những con người cá nhân với tư cách là những chủ thể tự do liên hợp với nhau thành cộng đồng, xã hội. Nhưng cái khát vọng làm người ấy chỉ có thể được thực hiện trong một đất nước, một dân tộc có một nền độc lập thực sự. Một nền độc lập thực sự là nền độc lập dựa trên sự liên kết của những cá nhân tự do, là một nền độc lập mà người dân Việt Nam phải được tự do lựa chọn, xây dựng thể chế chính trị, xã hội, làm chủ cuộc sống của mình nói chung. Theo nghĩa ấy, khi một dân tộc trở thành một dân tộc độc lập, là chủ thể lịch sử của nó, thì nó đương nhiên cũng độc lập-tự chủ trước các nước, các dân tộc khác. Như thế, độc lập dân tộc về cơ bản không đồng nhất hoàn toàn, không chỉ có nghĩa giản đơn là “đánh đuổi” được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Cho nên, khát vọng làm người cũng là khát vọng được sống trong một dân tộc có nền độc lập thực sự, nó cũng chính là khát vọng được trở thành những con người cá nhân-dân tộc và sự liên hợp của những cá nhân ấy làm cho một dân tộc, cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc độc lập thực sự.

3/ Nhưng khát vọng độc lập thực sự của nhân dân, dân tộc Việt Nam giờ đây mang nội dung mới, nó vượt qua nhu cầu về một dân tộc độc lập của thời kỳ đầu tiên mà các nước tư bản chủ nghĩa đã giành được trong thế kỷ XIX và một phần thế kỷ XX, là những nền độc lập mà các dân tộc tư sản tự cho mình cái quyền xâm chiếm, áp bức các dân tộc khác để biến họ thành thuộc địa, nô lệ và làm giàu cho mình. Tất nhiên, nó cũng không phải, không còn là khát vọng về một nền độc lập hình thức, trên danh nghĩa trong hệ thống (phe) xã hội chủ nghĩa để rồi khi hệ thống này sụp đổ cái gọi là nền độc lập hình thức kia cũng vỡ tan và từng bước đất nước rơi vào tay Tàu Cộng tham lam và thâm hiểm. Giờ đây nhân dân, dân tộc Việt Nam cần có một nền độc lập thực sự trong liên kết hợp tác-cạnh tranh với các dân tộc khác một cách tự nguyện mà ở đó nhân dân, dân tộc Việt Nam cũng như mỗi dân tộc khác là chủ thể tự do thực sự. Cái khả năng cho một liên kết hợp tác-cạnh tranh như thế đã và đang hình thành, đó là khối ASEAN +. “ASEAN +” có nghĩa là không cứng nhắc, không đóng kín, nhưng không phải và nhất quyết không phải là + Tàu Cộng (Nói thêm: nếu chế dộ Tàu Cộng bị xóa bỏ, Trung Quốc có thể tạo dựng những liên kết mới trong quan hệ với những nước khác và có thể cả trong quan hệ với chính mình và nó có thể có một phần + với ASEAN?). Có thể nói, liên kết hợp tác-cạnh tranh ASEAN + là liên kết có nhiều triển vọng, có những cơ sở hiện thực và có thể trở thành một kiểu liên kết mẫu mực, điển hình. Ở đây không chỉ có tính tương đồng mà còn nhiều khác biệt về văn hóa. Ngoài những tương đồng về dân tộc-cộng đồng là châu Á-Đông Nam châu Á, liên kết này còn có một cơ sở chung quan trọng là biển-biển Đông. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để tạo dựng cấu trúc ASEAN + phát triển, lớn mạnh không phải theo cấu trúc bá quyền-áp đặt là “con đường tơ lụa trên biển” và “một vành đai, một con đường”. Dĩ nhiên, sự khác biệt, đa dạng không chỉ thúc đẩy tính tương đồng-cộng đồng, mà còn là cơ sở cho một cấu trúc mở-năng động, mang tính cạnh tranh để phát triển. 

Đương nhiên, một nền độc lập trong liên kết như vậy phải được đảm bảo bằng hệ thống luật pháp quốc tế, bởi những tổ chức quốc tế, nhất là Liên hợp quốc với những cải tổ mới, chẳng hạn không còn là tổ chức có sự tham gia của những nước không tôn trọng độc lập của các dân tộc khác và của những nước không coi trọng chính nền độc lập của mình và vi phạm có hệ thống luật pháp quốc tế vào các thể chế, hiệp ước quan trọng, hoặc phải đấu tranh kiên quyết, không dung túng cho những quốc gia này, hạn chế tiếng nói và các “quyền” của họ. 

Có thể nói, khát vọng về một nền độc lập thực sự của nhân dân, dân tộc Việt Nam về thực chất là khát vọng làm người. Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi sự chi phối của những nhu cầu vật chất-kinh tế trần trụi, vượt qua những nhu cầu sống tối thiểu, muốn vươn lên địa vị con người, muốn có cuộc sống xứng đáng với kiếp người của mình là Tự do, chúng ta, dân tộc, nhân dân Việt Nam mới có thể có một nền độc lập thực sự. Chỉ có nền độc lập thực sự chúng ta mới có thể phát triển, mới không bị lừa bịp để rơi vào những ảo giác về phát triển (“nhìn tổng thể đất nước đã bao giờ như thế này chưa”, “chưa bao giờ chúng ta có một nền giáo dục như bây giờ”…), để có thể tự hào về những thành quả lao động thực sự của chính mình. Và một nền độc lập thực sự như vậy chỉ có thể thực hiện bằng một cuộc cách mạng mới. 

2. Nội dung và đặc điểm của cuộc cách mạng mới ở Việt Nam. 

Đã có nhiều người cho rằng ở Việt Nam đang diễn ra một cuộc cách mạng, đặc biệt sau những ngày tháng 6 sục sôi. Đã có rất nhiều ý kiến, nhận định cho rằng trên đất nước chúng ta, nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc cách mạng mới với những tên gọi như “cuộc cách mạng mùa hè”, “cuộc đại cách mạng”, một kiểu hay hình thức cách mạng “màu”, cách mạng “nhung” hay theo kiểu “mùa xuân Ả rập”, có người nói đến “cuộc cách mạng của sợ hãi” v.v.. Đọc và nghe những bài báo viết và nói ấy, đã cho tôi một trong nguồn cảm xúc, động lực thúc đẩy tôi hình thành quan niệm về cuộc cách mạng hiện nay ở Việt Nam. Tôi không phản đối, bác bỏ những ý kiến, nhận định ấy và tìm thấy mẫu số chung ở đây là thực sự có một cuộc cách mạng đang diễn ra ở Việt Nam và đó là cách mạng mới. Chúng ta hiểu nó là mới vì nó khác với những cuộc “cách mạng” nửa vời, hình thức- dối trá hay “cái gọi là cách mạng”, nhưng căn bản ở chỗ, nó là cuộc cách mạng của khát vọng về một nền độc lập thực sự, là cuộc cách mạng của những yêu cầu và xu thế khách quan, tất yếu của thời đại mới.

1/ Trước hết, cuộc cách mạng mới ở Việt Nam là cuộc cách mạng theo yêu cầu và nằm trong xu thế của cách mạng 4.0. Nó khác hẳn với cuộc “cách mạng vô sản” hay “cách mạng xã hội chủ nghĩa” trước đây, là cuộc cách mạng, với những cuộc cách mạng dựa trên một nhận định, lý thuyết, tư tưởng sai lầm về tiến trình của thế giới và do đó, nó được áp đặt vào đời sống nhiều dân tộc, ngay cả cái “nôi” của cách mạng thế giới là nước Nga với “cách mạng tháng Mười năm 1917”. Cần nhấn mạnh rằng cuộc “cách mạng xã hội chủ nghĩa” không chỉ mang tính áp đặt mà còn hơn thế, áp đặt một tư tưởng, học thuyết sai lầm. Nhưng cuộc cách mạng lần này của chúng ta dựa trên những cơ sở nhận thức, lý thuyết, tư tưởng đúng đắn về lịch sử, những đòi hỏi của cách mạng công nghệ, đời sống kinh tế-xã hội và cả những giá trị căn bản của con người và do chúng ta tự lựa chọn dựa trên những nhận thức, tư tưởng đúng ấy, chứ không phải làm theo sự ngộ nhận và áp đặt. 

Như mọi cuộc cách mạng được gọi là “cách mạng tư sản” trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp, cụ thể là cách mạng 4.0 đã và đang kéo theo hoặc đồng thời với nó, là những cuộc cách mạng về tư tưởng, chính trị, xã hội, giáo dục v.v..., của chính nó. Có thể nói rất nhiều điều về nội dung này, ở đây ta chỉ tập trung nhấn mạnh một điều. Cách mạng 4.0 trước hết và căn bản là một cuộc cách mạng về trí tuệ con người. Trí tuệ nhân tạo-người máy thông minh đã mở rộng, kéo dài, nhân lên nhiều lần trí tuệ con người và rất có thể tới đây, không xa nữa, nó còn mở rộng, kéo dài, nhân lên nhiều lần cả thế giới cảm xúc, tình cảm con người. Nó đã biết cười và cả khóc. Nó sẽ còn biết yêu thương, giận hờn và cả căm ghét. Nhưng liệu nó có thể thay thế con người và ném con người, ném chính những kẻ tạo ra nó vào một góc-xó nào đó? Không, nó chỉ ném vào góc-xó nào đó của lịch sử những kẻ nô lệ cho máy móc, những kẻ chỉ có nửa cái đầu và không có tim đang “cổ vũ” cho cách mạng 4.0, cho công nghệ nói chung đang muốn “kéo đám mây điện tử” về bầu trời Việt Nam, đang chuẩn bị ban bố luật ANM theo kiểu Tàu Cộng để bảo vệ địa vị và lợi ích của chúng. Bởi vì, chúng ta sẽ xây dựng những ngôi nhà, những thành phố, những lĩnh vực kinh tế, sinh hoạt thông minh, nhưng chúng ta cũng phải biết rõ ai sẽ ở, ai có thể thực sự làm chủ những công trình ấy.

Nhưng trí tuệ-người máy thông minh kể cả “thế giới” tình cảm, cảm xúc của nó vẫn là những gì của con người, được chuẩn bị từ chính nơi con người. Trên thực tế, cách mạng 4.0 đã và đang đòi hỏi con người cần có thế giới cảm xúc, tình cảm tương ứng với trí tuệ và cả thế giới tình cảm, cảm xúc sẽ được nhân lên nhiều lần của nó. Nói cách khác, nói một cách rộng hơn, lớn lao hơn, cách mạng 4.0 đòi hỏi một cuộc cách mạng về những giá trị, về những phẩm chất, phẩm giá, cả nhân cách con người. Có thể hiểu với cách mạng 4.0, con người phải có Lương tâm, Trung thực, Tự do, Can đảm, Sáng tạo và Công bằng v.v., lớn hơn, cao hơn bội phần. Con người Việt Nam chúng ta cần tiếp nhận, thực hiện mệnh lệnh của cách mạng 4.0 theo tinh thần ấy. 

2/ Cuộc cách mạng mới ở Việt Nam có nội dung cơ bản là cuộc cách mạng VĂN HÓA. Tôi có ý định viết một chuyên đề, bài nghiên cứu riêng về văn hóa. Nhưng trong nội dung này không thể không nói về văn hóa, vì thế xin nhấn mạnh vài điểm. Để hiểu đúng hơn về văn hóa, cần phải hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó, là tất cả những gì con người làm ra (cơ bản là sáng tạo) ra. Như thế, có thể hiểu văn hóa một cách đơn giản là những gì biểu hiện bản thân con người, là những gì mà con người đã “hóa” thành, trở thành chúng. Nói một cách văn hoa hơn, văn hóa là tự nhiên thứ hai, tự nhiên mang tính người, là tự nhiên đã, đang, sẽ trở thành của con người và vì con người. Con người chỉ trở thành con người theo nghĩa đầy đủ khi nó tạo ra văn hóa. Vì thế, thế giới văn hóa là thế giới con người và ngược lại. Nhưng con người không thể tồn tại, phát triển ở ngoài các quan hệ, những quan hệ tạo nên các xã hội của nó. Cho nên, không nên hiểu văn hóa có nghĩa là tất cả những gì được tạo ra, tồn tại một cách đơn lẻ, hỗn độn, để rồi cái gì cũng có thể gọi là văn hóa như “văn hóa đảng”, “văn hóa công sở”, “văn hóa giao thông”, “văn hóa kinh tế”, “văn hóa đọc”, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, thậm chí “văn hóa xe buýt” v.v... Thực ra, chỉ trong liên kết thành một, thành những tổng thể, chỉnh thể tất cả những mặt khác nhau của đời sống xã hội mới được xem là văn hóa. Bởi thế, cũng không nên hiểu văn hóa chỉ như, chỉ là một mặt nào đó của đời sống. 

Văn hóa có tính đa dạng, nhiều mặt và nhiều chiều. Có văn hóa tích cực và văn hóa tiêu cực, có văn hóa tiến bộ và phản tiến bộ, có văn hóa thể hiện sự tiến bộ-trưởng thành, có văn hóa biểu hiện sự lạc hậu, chưa trưởng thành của con người, của một dân tộc, một nhân dân. Nghĩa là tất cả những gì con người tạo ra có thể có các giá trị chân-thiện-mỹ, nhưng có thể mang nội dung giả-ác-xấu với những mức độ khác nhau. Vì vậy, cố tránh những cách nói “mập mờ” như cho rằng người này hoặc người kia “thiếu” hoặc “vô văn hóa”, như xây dựng “nhà văn hóa”, “làng văn hóa”, ông ấy là “danh nhân văn hóa” v.v... Nhưng ở đây chỉ xin tập trung nhấn mạnh về hai thứ, hai giai đoạn văn hóa: văn hóa tiến bộ-trưởng thành và văn hóa chưa tiến bộ-chưa trưởng thành. Vì con người chỉ có thể tạo ra văn hóa, thế giới văn hóa, do đó ra chính mình trước hết trong lao động có tính xã hội của nó. Vậy, cần phải lý giải điều trên căn cứ vào quá trình lao động (sản xuất) ấy, phải xem con người đã được chuẩn bị như thế nào để có thể tạo ra thế giới của riêng nó, thế giới văn hóa.

Tôi không sùng bái văn minh phương Tây-châu Âu, nhưng tôi tin vào con đường lịch sử đã đem lại những giá trị phổ quát cho nhân loại ấy. Tự do, đó là điều cơ bản, lớn lao mà tôi muốn nói đến. Nó bắt đầu từ thời cổ đại với sự hình thành sở hữu tư nhân và cùng với nó là con người cá nhân. Tự do trước hết là của con người cá nhân, con người cá nhân trước hết là con người lao động-kẻ tư hữu. Sau “đêm trường” Trung cổ, con người cá nhân – kẻ tư hữu thực sự được khẳng định với những đặc trưng là tính chủ thể (độc lập)-trí tuệ-tự do-trách nhiệm-lương tâm v.v... Trong thế kỷ XVII-XVIII các nhà tư tưởng đã định nghĩa “con người là cá nhân độc lập được ban tặng một trí tuệ riêng” (Xem Những vấn đề triết học văn hóa – Nxb Tư tưởng M. 1984, bản tiếng Nga). Trí tuệ ấy là lý tính và chủ nghĩa duy lý đã hình thành, phát triển. Như thế, con người đã trưởng thành xét về văn hóa, cũng có nghĩa là văn hóa phương Tây-châu Âu đã trưởng thành. Chính chủ nghĩa tư bản với những con người cá nhân tự do ấy đã sáng tạo ra nền công nghiệp của họ, trên cơ sở ấy ra nền kinh tế hàng hóa và sau này được gọi là kinh tế thị trường. Nền công nghiệp, kinh tế ấy đã lan sang các nước khác và tạo nên tính quốc tế và toàn cầu, ngày nay được gọi với những cái tên là “quốc tế hóa”, “toàn cầu hóa”, “hội nhập” v.v... 

Trong khi đó ở phương Đông-châu Á, nhất là ở Trung Quốc việc không có chế độ sở hữu tư nhân là cơ sở của chế độ quân chủ kiểu phương Đông, trong đó nhà vua là kẻ sở hữu tối cao, đã không cho phép con người cá nhân hình thành, con người chỉ là những cá thể tách rời nhau và dĩ nhiên không thể có những thuộc tính-đặc trưng của con người cá nhân, nhất là tự do. Con người phương Đông-Trung Quốc chưa trưởng thành, cũng có nghĩa là văn hóa của nó chưa trưởng thành dù có thể nó rất lớn lao, không những thế nó bị kìm hãm quá lâu, tạo nên và làm trầm trọng thêm những căn bệnh hiểm nghèo như tệ sùng bái những giá trị vật chất-kinh tế trần trụi, thói hám danh, hám quyền, sự ngụy tạo, dối trá, gian manh, thói cơ hội, sự tàn ác đến ghê người, đặc biệt là ý thức-tham vọng bành trướng-bá quyền. Và dường như, đan bện vào đó lại là, còn là thói nhu nhược, hèn nhát và nô lệ!? 

Theo cái nghĩa chưa trưởng thành ấy chính là nền văn hóa của Việt Nam, của dân tộc Việt Nam chúng ta. Đến nay về cơ bản chúng ta vẫn là văn hóa thuộc hình thái xã hội kiểu phương Đông-châu Á, nhưng là nền văn hóa xã hội quân chủ mang hình thức mới là quân chủ độc tài-toàn trị cộng sản. Có thể thấy mẫu hình con người tiêu biểu nhất cho văn hóa này, đúng hơn cho cái khuyết phạp căn bản của văn hóa này, chính là sự xuất hiện của những người CỘNG SẢN trên đất nước Việt Nam, trong văn hóa của chúng ta. Người cộng sản chưa phải và chắc chắn không bao giờ là con người cá nhân, cho nên họ không có tự do, không hiểu và cũng chẳng thế nào hiểu thế nào là tự do, vì vậy họ không thể, không bao giờ tư duy, ý thức bằng cái đầu của mình, do đó, tất nhiên họ cũng không biết và không có khả năng, năng lực chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình. Từ người nông dân, từ chỗ là những con người chìm sâu trong vũng bùn văn hóa cộng đồng được gắn kết bởi những liên hệ bề ngoài, cụ thể hơn cái văn hóa dựa trên sự sùng bái cái nguyên lý thống nhất, họ đã gặp được tư tưởng cộng sản giống như trời hạn mong mưa và “lãnh” ngay lấy cái sứ mạng đẩy cái khuyết phạp văn hóa dân tộc ấy đến đỉnh điểm khốn cùng của nó như ngày nay trong khi tự trói mình chặt hơn bằng cách đội lên đầu cái tư tưởng cộng sản sai lầm-giáo điều. Thay cho việc tìm hiểu, tôi rèn để có được tinh thần tự do, họ đặt các nguyên tắc tổ chức của đảng lên trên tất cả, lấy đó làm cái để tự “răn mình”, để giải quyết công việc và ứng xử đối với đồng đảng, với người dân. Bởi vậy, cuộc cách mạng mới của chúng ta là cuộc cách mạng văn hóa, nghĩa là nhằm thay đổi tận gốc văn hóa của chúng ta gắn chặt với văn hóa phương Đông-châu Á mà đối tượng phải thay đổi trực tiếp là chế độ cộng sản trị. 

3/ Đương nhiên, theo tinh thần, mệnh lệnh của cách mạng 4.0, cách mạng văn hóa Việt Nam là cuộc cách mạng về chính con người, ở ngay trong mỗi con người, về giá trị, phẩm giá, về nhân cách con người. Trong Phần 1 tôi có nói “chính dân tộc, văn hóa chúng ta sản sinh ra, nuôi dưỡng và cả che chở cho những người cộng sản, đảng cộng sản đấy chứ!”, có người đã phản đối quyết liệt điều này và còn yêu cầu gỡ bài viết xuống. Tôi xin được nói rõ hơn như sau. Nếu như chúng ta có thể yêu thương người khác, biết đau nỗi đau của người khác, xem như tình yêu thương đối với chính mình, như nỗi đau của chính mình, thì cớ sao ta lại không biết căm ghét cái ác, cái xấu ở những người khác như cái ác, cái xấu của chính ta. Nhà văn Pháp vĩ đại Vichto Huygô từng nói về cái cách thức biểu hiện con người của văn chương, của chính ông như sau: “Than ôi! Khi tôi nói với các anh về tôi chính là tôi đang nói với các anh về chính các anh, sao anh không cảm thấy điều đó, ôi cái anh khờ khạo này, anh nghĩ rằng tôi không phải là anh”. 

Thế đấy, nếu chúng ta biết đau nỗi đau của một dân tộc còn đầy yếu kém, khuyết nhược trong văn hóa của mình, một văn hóa đã sản sinh ra cái thứ quái dị-tà quyền cộng sản ngu tối-hèn nhát-tham lam-tàn độc, cam tâm làm tay sai cho Tàu Cộng sẵn sàng bán rẻ những mảnh đất thiêng liêng của cha ông, kể cả giống nòi Việt Nam, chỉ vì những mối lợi trực tiếp, nhỏ nhen, xem như nỗi đau của chính mình và nếu như chúng ta biết căm hờn tất cả những khuyết phạp, những tội lỗi của kẻ đang đầy đọa nhân dân, dân tộc mình, như những khuyết phạp, tội lỗi của chính chúng ta, và quan trọng hơn nữa, nếu ta thật can đảm để thấy ra nguyên nhân của cái ác, cái xấu ấy cũng nằm ngay trong ta, thì nhất định chúng ta sẽ có sức mạnh lớn lao và cả lòng bao dung-độ lượng rộng lớn để đứng dậy thực hiện một cuộc thay đổi sâu sắc, căn bản đối với văn hóa dân tộc. Nhưng còn hơn thế, nếu con người Việt Nam chúng ta biết quan tâm, lo lắng cho số phận của những con người, những dân tộc khác trong khối ASEAN, trong những khu vực, châu lục khác, và cả nhân loại, thì ta càng có sức mạnh lớn lao gấp bội, và như thế , ta càng yêu thương con người, dân tộc, đất nước mình hơn. Chúng ta đã biết đến tuyên bố của đương kim Tổng thống Mỹ D. Trump: “Người Mỹ trên hết!”, xem như một phương châm có tính chiến lược, như một trách nhiệm của ông đối nước Mỹ, người dân Mỹ trong nhiệm kỳ của ông. Nhưng điều ấy sẽ chẳng là gì hết, thậm chí còn là mối nguy, hiểm họa lớn cho loài người, nếu như người Mỹ chỉ biết có họ, không quan tâm đến số phận của con người, của những dân tộc khác và loài người nói chung. Song, rất may cho người Mỹ và cho nhân loại là Tổng thống D. Trump đã nhận ra hiểm họa của “quái thú-mọi rợ” Tàu Cộng, của các chế độ độc tài đối với nước Mỹ và cả loài người và đã tự nhận lấy trách nhiệm lớn lao là tiêu diệt những thế lực ấy. 

Cho nên, con người Việt Nam chúng ta phải rất cố gắng để sao cho không chỉ hình dung đơn giản con người cộng đồng, xã hội, dân tộc, khu vực, nhân loại chỉ như những gì, như những tập hợp ở bên ngoài (vì nó vốn là như thế), mà quan trọng là phải thấy chúng trước hết ở ngay trong ta, là chính ta, bằng cách chuyển những tập hợp bên ngoài ấy thành những cái trong ta, của chính ta. Nếu làm được như thế có nghĩa là ta đã vượt qua con người cá nhân nhỏ bé, để có thể thấy mình, thấy con người xã hội, cộng đồng-dân tộc và thậm chí nhân loại trong ta thật lớn lao. Cuộc đấu tranh cho tự do, cho một nền độc lập dân tộc thực sự đòi hỏi con người Việt Nam chúng ta phải trở thành con người, những con người như thế với những những phẩm chất, những giá trị, những phẩm giá hay nhân cách và do đó, có sức mạnh lớn lao, thật lớn lao. Hẳn rằng đây là một sự nghiệp lâu dài, không phải một sớm một chiều. Nó sẽ diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt gắn chặt với nhiệm vụ, vai trò của một nền giáo dục được thay đổi một cách căn bản. 

4/ Xóa bỏ chế độ độc tài-toàn trị cộng sản là yêu cầu, mệnh lệnh của cuộc cách mạng mới. Đây là nhiệm vụ của cuộc cách mạng về mặt chính trị, mang ý nghĩa mở đường cho thực hiện những nhiệm vụ khác của cách mạng về các mặt kinh tế, xã hội. Thuộc nội dung này cần phải nói ngay là nhất định không được có ảo tưởng, không được rơi vào cái bẫy ảo tưởng là “kinh tế phát triển sẽ tự nó làm thay đổi chính trị”. Tôi đã gặp, đã được nghe cái giọng điệu này khá nhiều, thực chất là nhằm che đậy cái mưu đồ tiếp tục duy trì chế độ độc tài thối nát, tàn bạo, đầy tội lỗi, để câu giờ hòng thoát tội, thậm chí để tiếp tục con đường đu dây, làm tay sai cho Tàu Cộng. Xóa bỏ chế độ độc tài-toàn trị, chế độ đảng cộng sản trị ở Việt Nam là triệt tiêu cái thể chế trong đó đang tồn tại những kẻ xã hội chủ nghĩa giả tạo, chỉ mượn danh xã hội chủ nghĩa để thực hiện những mưu đồ, lợi ích nhóm (đảng), lợi ích cá nhân, cam tâm làm tay sai cho Tàu Cộng cướp nước, hoặc những kẻ mang chứng bệnh hoang tưởng, và cả những kẻ xã hội chủ nghĩa ít nhiều chân thật, là cắt bỏ đi cái khối u, cái cục bướu độc hại trên cơ thể văn hóa dân tộc đã và đang đầu độc văn hóa dân tộc, làm cho dân tộc chết dần theo nó. Di chứng lớn nhất mà nó để lại trên thân thể dân tộc là sự thờ ơ-vô cảm, bởi vì nó đã đưa dân tộc, con người Việt Nam hàng hơn nửa thế kỷ tin vào và lao theo những điều hư ảo, để rồi khi nhận ra mình thì đã quá muộn, chỉ còn biết cam chịu-cúi xuống, chăm lo cho những lợi ích cá nhân hẹp hòi. Hơn thế nữa, chế độ ấy, căn bệnh ấy đã tiếp tay cho Tàu Cộng xâm chiếm-đồng hóa đất nước, con người Việt Nam bằng chiến lược xâm lược-đồng hóa mềm. Cho nên, xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản cũng đồng thời với cuộc chiến ngăn chặn, loại trừ, đánh đuổi bọn xâm lược, để trước hết xây dựng thể chế chính trị mới tự do-dân chủ theo xu hướng tiến bộ-văn minh của loài người. 

Về phương thức tiến hành, có thể xem đây là cuộc cách mạng ôn hòa (hay “hòa bình”, cách mạng “nhung”. Bởi vì, như đã nói đây là cuộc cách mạng của lòng người, của tâm hồn, tâm trí con người, cuộc cách mạng của những phẩm giá (phẩm chất và giá trị), nhân cách con người. Cho nên, cuộc cách mạng này không tiêu diệt kẻ thù-đối tượng của cách mạng theo kiểu “đường vinh quang xây xác quân thù”, mà cái cách nó “tiêu diệt” kẻ thù, những kẻ kìm hãm con đường phát triển của đất nước, dân tộc, là thức tỉnh chính kẻ thù, lôi kéo kẻ thù về phía mình, biến kẻ thù thành bạn để làm tăng thêm sức mạnh của mình. Nó sẽ biến chính những đối tượng trực tiếp của cách mạng là những kẻ đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước là bọn cộng sản, chế độ đảng cộng sản độc tài-toàn trị, thành người cách mạng. Nó không nhằm mục đích trả thù, trái lại làm cho đối tượng của cách mạng thấy rõ sự khoan dung-độ lượng, để họ có thể xóa đi được những vết nhơ và quay về với nhân dân. Trên thực tế, nhân dân, nhất là những trí thức nhân dân đã làm được nhiều trong việc thức tỉnh không chỉ những người đi ngược với con đường của mình, mà còn cả những người bị ngộ nhận do sự tuyên truyền dối trá, cả những thanh niên, sinh viên còn đang bỡ ngỡ trước những ngã rẽ cuộc đời. Tôi được tiếp xúc với nhiều người có học vấn, cả các thanh niên, sinh viên và rất tin tưởng ở sự thức tỉnh của họ. 

Tuy nhiên, có thể, rất có thể cách mạng không tránh được phải cần đến những nhân tố bạo lực trong chừng mực, ở phạm vi, mức độ cần thiết. Và trên thực tế, điều ấy đã và tiếp tục diễn ra. Đấy là khi ta phải “dùng những biện pháp dã man để thoát khỏi tình trạng dã man”, phải làm “bà đỡ cho sự sản sinh xã hội mới”, là khi “vũ khí phê phán-tố cáo” tỏ ra bất lực và phải thay thế bằng sự “phê phán của vũ khí”. Thậm chí, có khi, nhiều khi phải sử dụng nhân tố này ở mức độ đáng kể, không khoan nhượng, nhất là khi nhận rõ đối tượng của nó, chẳng hạn như những tên ác ôn cộng sản ngoan cố, những tên Tàu Cộng xâm lược tham lam, gian ác. Và cũng có thể phải bằng cách lật đổ cả chế độ này, nếu như nó tỏ ra rất ngoan cố nhằm cản ngăn con đường đi lên của dân tộc, đất nước.

Khi chế độ độc tài-toàn trị cộng sản bị xóa bỏ, bị giải thể, thì việc thay bằng chế độ tự do-dân chủ đa đảng chính trị sẽ trước hết phải thông qua việc thành lập chính phủ lâm thời, công khai số lượng, danh tính các đảng phái, cùng thảo luận và công bố Hiến pháp mới, trên cơ sở đó thành lập chính phủ mới theo phương thức bầu cử công khai. 

5/ Tất nhiên, một điều chúng ta cũng rất cần phải quan tâm là vấn đề về Quốc Kỳ và Quốc Ca, là những cái mang tính hình thức, biểu tượng… nhưng rất quan trọng và cần được đặt ra trong lúc này. Tôi đề xuất một phương án về Quốc Kỳ. Có thể chúng ta chọn lá cờ ba màu đỏ-vàng-xanh. Màu vàng tượng trưng cho tự do, ý chí độc lập-tự do của nhân dân, dân tộc, giống nòi Việt Nam, một phần mang ý nghĩa truyền thống (là cờ có từ thời vua Thành Thái?), tượng trưng cho tôn giáo đặc thù của Việt Nam là Phật giáo (và có thể cả các tôn giáo khác), đồng thời tiêu biểu cho dòng giống, những giá trị văn hóa căn cốt Việt Nam... Màu đỏ tượng trưng cho chiến thắng và vinh quang của dân tộc, nhân dân Việt Nam, cho những hy sinh, mất mát của con dân Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Màu xanh tượng trưng cho hòa bình, thống nhất-hòa hợp dân tộc... Có thể lá cờ với ba giải màu được kết hợp theo cách màu đỏ ở dưới, xanh ở giữa và vàng ở trên, hoặc vàng ở giữa, xanh ở trên, cũng có thể kết cấu như thế nhưng theo kiểu quốc kỳ của Pháp. (Lưu ý: Tôi không muốn dùng từ “kế thừa” cờ của Việt Nam cộng sản và VNCH, nhưng nó có thể có một phần ý nghĩa ấy, tùy mọi người hiểu). Cả ba màu kết hợp lại sẽ tượng trưng cho tính đa dạng-hợp lưu của văn hóa Việt Nam, cho sự đa dạng trong phát triển của Việt Nam phù hợp với xu hướng chung của thế giới, trong đó bao hàm triết lý về sự chuyển hóa giữa những khác biệt theo nguyên tắc là thông qua khâu trung gian bản chất của chúng, cụ thể là biến đổi, phát triển diễn ra trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị Việt Nam. 

Quốc Ca Việt Nam hiện giờ cũng rất cần phải thay đổi. Tôi chưa biết giai điệu của bài Quốc Ca mới sẽ như thế nào, nhưng tôi thấy giai điệu Quốc Ca – Tiến quân ca là rất hùng tráng, nhưng lời thì nhất định phải sửa, phải thay đổi hoàn toàn. Không còn, không thể mãi mãi là cuộc tiến của một đội quân là để “cùng nhau lập chiến khu” và “ra sa trường”, càng không thể là cờ chỉ có “in máu chiến thắng” để “xây đường vinh quang bằng xác quân thù” v.v.. Thế mới hay, cái được gọi là trái tim-tâm hồn người cộng sản và cả hệ thống do chúng tạo nên là không hiểu, không quan tâm đến cái đẹp, nghệ thuật và giá trị. Cho nên, khi họ hát, họ yêu thương và có thể cả căm ghét, họ để cái đầu ở chỗ khác, và như những cái máy, họ không cần biết đến nội dung, ý nghĩa của những lời mình hát, của cái mà mình yêu thương hoặc giận ghét. Họ chỉ quan tâm đến hai điều: quyền và lợi. Xót xa và buồn thay! Từ các em bé, các học sinh, sinh viên trong các nhà trường cho đến những tổ chức, cơ quan, toàn xã hội đã hát “say sưa” và cả sự hồn nhiên những lời hát ấy khi làm lễ chào cờ hoặc khai mạc một cuộc họp quan trọng nào đấy. Đây là một trong những biểu hiện rõ ràng của chứng câm điếc-vô cảm được hình thành dưới chế độ cộng sản. 

Tuy nhiên, đây là những việc phải thảo luận để đi đến sự thống nhất của toàn dân, toàn dân tộc, còn trong cuộc đấu tranh hiện tại mỗi người, mỗi phe phái có quyền trương lên những ngọn cờ, biểu ngữ và lời ca của mình, điều quan trọng là cùng tạo nên sức mạnh để xóa bỏ, lật đổ tà quyền cộng sản, đánh đuổi quân xâm lược Tàu Cộng để cùng lập nên chế độ tự do-dân chủ.

6/ Còn một nội dung không kém phần quan trọng là sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nhất định phải được tiến hành trong mối liên hệ chặt chẽ với các nước, các dân tộc và những tổ chức quốc tế. Thuộc nội dung này có nhiều khía cạnh vấn đề, tôi chỉ nhấn mạnh hai khía cạnh. Chúng ta cần lựa chọn hợp tác chiến lược với nhân dân Mỹ, nước Mỹ và vị Tổng thống đương nhiệm của họ. Đây là lựa chọn sáng suốt. Chúng ta cần đứng về phía họ, liên minh với họ, vì họ tiêu biểu cho những giá trị phổ quát của nhân loại, đó là Tự do-Dân chủ-Văn minh, hơn thế đang là nước, dân tộc đi đầu trong cuộc đấu tranh chống thế giới cũ độc tài, nhất là độc tài-toàn trị Tàu Cộng (và cả Việt Cộng) đang gây nên những tai họa cho dân tộc trong nước họ và cả loài người, hướng đến xây dựng thế giới mới. Lưu ý rằng đây là câu chuyện của trí tuệ và lương tâm chứ không phải là cái việc đu dây, tranh thủ, lợi dụng, dựa dẫm nhất thời, không phải là câu chuyện “theo” hay không “theo” Mỹ. Bên cạnh đó, chúng ta cần dựa vào vai trò của tổ chức Liên hợp quốc để đấu tranh cho những gì cần thiết, có lợi cho con đường dân chủ, quá trình phát triển ở Việt Nam phù hợp với luật pháp, công ước quốc tế. Chúng ta cần sự ủng hộ của nước Mỹ, người Mỹ, Tổng thống D. Trump, Liên hợp quốc và các nước, các dân tộc khác và cả loài người tiến bộ-văn minh đối với sự nghiệp cách mạng của mình, nhưng trước hết cần họ ủng hộ chúng ta trong việc xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản để thiết lập chế độ dân chủ về chính trị (đa đảng). 

3. Trách nhiệm rất lớn lao và vinh quang của lực lượng trí thức nhân dân

Trong bản thảo nội dung phần 2 trước đây tôi dự kiến sẽ viết mục 3 của phần này với tựa đề là “Nhân dân, dân tộc Việt Nam phải làm gì vì một nền độc lập thực sự của mình?”, nhưng hiện giờ tôi kết hợp, đưa vào nội dung mục 2, còn mục 3 thay bằng nội dung với tựa đề là “Trách nhiệm rất lớn lao và vinh quang của lực lượng trí thức nhân dân” nhằm nêu bật sứ mệnh, vai trò rất quan trọng, lớn lao của lực lượng trí thức nhân dân trong sự nghiệp cách mạng mới. [Lưu ý: Quan niệm về “trí thức nhân dân” đã được thể hiện trong bài Trí thức nhân dân của tác giả, gồm hai phần 1 và 2, đã đăng trên Dân làm báo vào các ngày 14, 15 tháng 8 / 2018]. 

1/ Tôi rất hứng thú, đồng tình với trăn trở, suy tư của GS Chu Hảo (bây giờ là cựu Giám đốc Nhà xuất bản tri thức) được thể hiện trong bài viết ông gửi cho tôi với tựa đề “Chỉ có thể cất cánh với những trí thức tầm vóc” (6/12/2015) ghi lại cuộc đối thoại với báo An ninh thế giới (ANTG). Tôi thấy đây không đơn thuần là câu chuyện về “thoại” (nói), về quan điểm, mà là sự xác định rõ ràng trách nhiệm rất lớn của trí thức nhân dân đối với vận mạng của dân tộc, đất nước. Nhưng khốn thay, đối thoại hay phỏng vấn của ANTG hay của bất cứ cơ quan truyền thông nào của chế độ cộng sản, xong rồi, cũng chỉ để đấy, chỉ làm ra vẻ tiếp thu các ý kiến trái chiều, cho nên mới có chuyện định “kỷ luật đảng” đối với GS Chu Hảo, mà thực chất là để thanh trừng, triệt tiêu những người có quan điểm khác biệt, đối lập, những người mà trên thực tế có uy tín, năng lực trí tuệ, có cái tâm-lương tâm cao hơn tất cả “đội ngũ” trí thức đảng, kể cả TBT đảng, để thực hiện tới cùng “nguyên lý thống nhất” của chế độ quân chủ độc tài trái mùa, ngu tối và lỗi thời. Nhưng bọn chúng đã không ngờ GS Chu Hảo và nhiều trí thức nhân dân khác cùng với ông đã chọn cách thoái đảng. Đó là cú đấm rất nặng, mạnh và thẳng vào mặt đảng độc tài ngu tối, dối trá, đã rất thối nát Nguyễn Phú Trọng. 

GS Chu Hảo cũng như giới trí thức, đúng hơn lực lượng trí thức nhân dân đã đi đầu và đang tiếp tục đi đầu trong các cuộc biểu tình, đấu tranh, trong cuộc cách mạng mới của nhân dân. Chính họ là những trí thức tầm vóc, là bộ phận ưu tú về trí tuệ và lương tâm của nhân dân. Đã có rất nhiều người can đảm, dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh của nhân dân chống lại chế độ cộng sản trị, nhằm xây dựng chế độ nhà nước dân chủ thực sự của dân, do dân và vì dân. Nhiều người đã bị chế độ cộng sản bắt bớ, tù đầy, đối xử rất thâm độc, tàn bạo. Nhưng điều đó không ngăn cản được sự thật là với những tấm gương dấn thân ấy và qua các phương tiện truyền thông với rất nhiều hình thức khác nhau, rất đa dạng, họ đã và đang làm cho nhân dân thức tỉnh, hiểu rõ bản chất ngu tối, tham lam, hèn nhát, tàn ác và bán nước của chế độ cộng sản, đồng thời chỉ ra con đường đúng đắn, xây dựng niềm tin cho nhân dân trong cuộc đấu tranh vì tự do-dân chủ. Họ đã làm được rất nhiều. Một cuộc cách mạng không thể thiếu cái đầu, những cái đầu, không những thế, những cái đầu rất lớn, không chỉ về trí tuệ mà cả về tình cảm, lương tâm và trách nhiệm. Phi trí thức nhân dân không ai có thể làm được. 

2/ Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân không ngừng tiến về phía trước, lúc này đòi hỏi phải có nhận thức, ý thức sâu sắc, cao hơn nữa về tương lai của dân tộc, đất nước trong tương quan với những xu hướng tiến bộ, phát triển mạnh mẽ, không ngừng của thời đại. Cũng sẽ không có ai có thể thay thế công việc, trách nhiệm lớn lao, vẻ vang hơn bao giờ hết ấy của trí thức nhân dân. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ này, trí thức nhân dân cần phải phát triển hơn nữa về số lượng và chất lượng. Không chỉ là việc thoái đảng của các trí thức vốn lâu nay bị giam cầm-cầm tù bởi tổ chức đảng, hoặc vì lý do nào đó chưa thể từ bỏ cái tổ chức chết tiệt này, đương nhiên điều này cũng rất có ý nghĩa, mà hơn thế, những thanh niên cần phải thoái đoàn, những thanh niên, tuổi trẻ cần phải đào luyện, dấn thân, để bổ sung vào lực lượng trí thức nhân dân. Mệnh đề “tri thức là sức mạnh” chắc chắn đã được nhiều người biết đến, nhưng hiểu, lý giải nó hẳn có khác nhau. Theo tôi, mệnh đề ấy cần được hiểu là tri thức trước hết tồn tại ở những trí thức nhân dân (chứ không phải trí thức nói chung) sau đó, thông qua rất nhiều những hoạt động lao động cụ thể với những trung gian khác nhau, chúng chuyển hóa thành những tài sản vật chất và tinh thần, làm cho xã hội đất nước phát triển, giàu mạnh. 

Nhưng ở vào thời điểm mà cuộc cách mạng mới của nhân dân được ý thức đầy đủ, rõ ràng hơn gắn với những yêu cầu và xu hướng chung của thời đại như lúc này, mệnh đề này cũng cần được hiểu sâu sắc và toàn diện hơn. Bởi vì, không chỉ là chuyện tri thức, hay trí tuệ vật hóa-chuyển hóa thành tài sản vật chất và tinh thần, mà còn là lương tâm, phẩm chất, phẩm giá và nói chung, cả nhân cách con người của trí thức nhân dân được vật hóa-chuyển hóa vào đó. Chỉ khi cảm nhận như thế ta mới thấy được đầy đủ sức mạnh thực sự không chỉ của tri thức. Nói cách khác, sứ mạng rất lớn lao và vẻ vang của trí thức nhân dân lúc này là đi đầu trong cuộc cách mạng văn hóa, không chỉ là việc hướng dẫn, tổ chức nhân dân đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ tà quyền cộng sản, mà căn bản là làm thay đổi căn bản đời sống nhân dân, dân tộc về văn hóa, đưa nhân dân, đất nước, dân tộc viết nên trang sử mới chói lọi, bước sang giai đoạn phát triển mới của mình để có thể hội nhập với thế giới tiến bộ-văn minh trong tư cách chủ thể thực sự. Cho nên, yêu cầu phải gia tăng lực lượng trí thức nhân dân cả về số lượng và chất lượng không nên hiểu đơn giản theo nghĩa là “càng nhiều càng tốt”, cũng không nên hiểu thuần túy về mặt tri thức, trí tuệ, mà là làm cho lao động trí tuệ gắn chặt với thế giới cảm xúc-tinh thần nói chung trở nên phổ biến. Đó là mệnh lệnh của thời đại công nghệ mới, của cách mạng 4.0 đồng thời và kéo theo nó là cách mạng về lương tri, phẩm giá, nhân cách con người. 

Nhân đây cần lưu ý rằng có thể, rất có thể những trí thức nhân dân sẽ sáng tạo nên những quan điểm, tư tưởng, lý thuyết mới dẫn đường cho cuộc cách mạng và cho sự phát triển của các lĩnh vực xã hội khác nhau, biết đâu chúng có thể mang cả ý nghĩa thời đại, nhân loại, nhưng chúng ta cần nhớ rằng nếu có may mắn được như thế, thì phải hiểu những tư tưởng, lý thuyết ấy chỉ có thể hình thành trong những khác biệt, trong sự phản biện, trong cả những xung đột, thậm chí đối lập nhau quyết liệt giữa những ý kiến, lý thuyết, quan điểm, tư tưởng khác nhau. Không những thế, điều này còn diễn ra cả trong quá trình vận dụng-triển khai những quan điểm, tư tưởng, lý thuyết ấy vào thực tiễn đời sống. Vì vậy, trí thức nhân dân cần cảnh giác, chống lại những âm mưu “độc quyền” chân lý của bọn cầm quyền, nhất là những kẻ đứng đầu một chế độ “không đầu”. Phải nói thẳng là bọn chúng chỉ có thể “độc quyền” chứ không làm chủ được chân lý, không có năng lực nắm bắt và thực hành chân lý, vì trí tuệ, nhất là trí tuệ lớn nói chung không tách rời lương tâm và nhân cách lớn lao. Vì thế, bọn chúng bằng các thủ đoạn rất tinh vi, ranh mãnh như dọa dẫm, dùng các DLV-tay sai, “cài bẫy”, “kích động”, “chim mồi”, triệt tiêu tất cả những người có tiếng nói đối lập, những người đấu tranh cho dân chủ có uy tín, đóng, ngăn chặn các trang báo mạng, sẵn sàng đột nhập phòng ở cá nhân khi cần v.v., tất cả là nhằm ăn cắp, chôm chỉa, trấn lột tư tưởng. Hiện ta đã thấy “chim mồi” cỡ bự - triết gia nô lệ Hoàng Chí Bảo xuất hiện, đang được giật dây, đập cánh “ph. phạch”! Ta cần thấy rõ bản chất trí trá-đều giả của bọn chúng ở chỗ, một mặt chúng chặn-cấm các tờ báo, trang mạng có tiếng nói đối lập đối với nhiều độc giả, không cho đăng trên các tờ báo của chế độ này những tiếng nói ấy, nhưng lại lén nghe tất cả những thông tin từ đấy để tìm cách duy trì chế độ, bảo vệ quyền lợi ích kỷ của nhóm-bầy, thậm chí còn để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trí thức nhân dân không phục vụ tà quyền cộng sản, không để bị lợi dụng, biến thành công cụ của nó.

3/ Tất nhiên, phổ biến tri thức, nhất là đề xuất, xây dựng quan điểm, tư tưởng cho cuộc cách mạng mới là nhiệm vụ đầu tiên của trí thức nhân dân và nó tiếp tục là một nhiệm vụ lâu dài, nhất là sau khi nền dân chủ được thiết lập về chính trị, nhưng lúc này, hơn lúc nào hết, trí thức nhân dân phải đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc tổ chức cuộc đấu tranh của nhân dân. Muốn vậy, trước hết trí thức nhân dân cần xây dựng các đảng phái chính trị của mình hướng đến xây dựng chế độ chính trị đa đảng. Đây là yêu cầu tự nhiên của nền dân chủ tiến bộ. Liên quan đến điều này, chúng ta không được để bị lừa bởi cái gọi là “mô hình phát triển Singapore” mà tà quyền cộng sản tung ra và được nhiều kẻ DLV-tay sai tung hô. Cần phải thấy ngay rằng chế độ tà quyền cộng sản ngu tối ngoài việc diễn trò khỉ-trí trá-đu dây ra, chúng chẳng thể nghĩ được cái gì tốt đẹp, tích cực thực sự đáng kể cho nhân dân, chứ đừng nói đến xây dựng “mô hình” phát triển. Vả lại, Singapore không phải là Việt Nam. Tiếp đó, là những than vãn của chúng về cái gọi là “bất ổn nếu như đa đảng chính trị”, nhưng thực ra đây là chiêu trò để độc quyền chính trị của chúng mà thôi. Với một chế độ quái gở đặt đảng lên trên cả hiến pháp, nhân dân, dân tộc thì làm sao chúng chấp nhận đa đảng.

Tuy nhiên, cái căn bản của yêu cầu đa đảng chính trị là vì tất cả các đảng phái đều có mục tiêu chung là vì nền độc lập thực sự để phát triển đất nước, vì tất cả các đảng phái đều hoạt động theo luật pháp. Chúng ta chủ trương đa đảng là vì đất nước hơn 90 triệu dân của chúng ta vốn là hợp lưu của nhiều nền văn hóa, đang hình thành những liên kết quốc tế rất đa dạng, vì thế có rất nhiều mặt, nhiều khả năng, khuynh hướng đã, đang và sẽ không ngừng hình thành, thay thế nhau trong quá trình hội nhập, phát triển. Cho nên, sự tồn tại của các đảng phái khác nhau là phù hợp với tính đa dạng, đa khả năng, đa chiều của đời sống. Vì thế, với trách nhiệm lớn lao trước dân tộc, đất nước và nhân dân trong cuộc thi đua-cạnh tranh, các đảng phái sẽ tránh được thói chủ quan, “quá tự tin”, kiêu căng, tự phụ về cái trách nhiệm, địa vị mà thực ra chỉ đúng một phần, đúng ở một thời điểm nào đó chứ không thể vĩnh viễn, không thể thay thế cho tất cả. Như thế, cũng có nghĩa là trong thi đua-cạnh tranh các đảng phái chính trị không ngừng đổi mới, tự mình phải thay đổi để có thể thực hiện được trách nhiệm của mình trước nhân dân, dân tộc. Vả lại, trong một thế giới tiến bộ, phát triển đa đảng chỉ chứng tỏ một sự thật là sinh hoạt chính trị cũng như những sinh hoạt sống khác, là bình đẳng, là điều rất bình thường của-trong xã hõ hội dân sự. 

Tất nhiên, đa đảng chính trị trong điều kiện chế độ độc tài là điều chế độ này không chấp nhận. Cũng có người đề xuất ý kiến rằng cần phải thiết lập các tổ chức bí mật để lãnh đạo nhân dân đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản trị. Tôi không phản đối, loại trừ điều này. Nhưng vì chủ trương và phương thức đấu tranh cơ bản của chúng ta là ôn hòa (hay “hòa bình”), cho nên rất cần công khai danh tính và hoạt động của các đảng phái. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể thực hiện được điều này? Như đã nói, cuộc đấu tranh, cuộc cách mạng của nhân dân, dân tộc Việt Nam không tách rời xu hướng phát triển mới của thế giới, loài người tiến bộ-văn minh, vì thế chúng ta phải chủ động để có được sự ủng của nhân loại tiến bộ, của những nước có vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại thế giới cũ ngu muội và tàn ác, nhất là tổ chức Liên hợp quốc. Cần đề xuất lên Liên hợp quốc một chính sách, hiệp định hay công ước ủng hộ và bảo vệ những xu hướng, đảng phái chính trị trong các nước, nhất là trong các nước có chế độ độc tài như Việt Nam, đương nhiên phải có các biện pháp chế tài mạnh mẽ và thực sự có hiệu lực. 

Cuộc cách mạng mới đang rất cần định hướng, cần có tính tổ chức ở cả thành phần, giai đoạn cũng như toàn bộ tiến trinh của nó, cho nên rất cần các đảng phái chính trị xuất hiện công khai. Thành lập các đảng chính trị để tổ chức nhân dân đấu tranh cũng chính là bước tập duyệt, chuẩn bị để các đảng phái tham gia xây dựng nhà nước dân chủ, nhà nước pháp trị của nhân dân, vì nhân dân. Đấy trước hết là nhiệm vụ của trí thức nhân dân, Tuy nhiên, tôi không biết là cần bao nhiêu đảng phái là vừa, có lẽ sẽ xuất hiện nhiều, nhưng thực tế chính trị và cuộc sống sẽ chọn lọc cho phù hợp. Xin được nói thêm rằng người cộng sản là những kẻ mang những cái thân con lừa, tự họ không thể thay đổi được, nên cần phải đánh những đòn thật nặng, thật mạnh của cách mạng vào những tấm thân ấy. Tôi cũng đã nói, chế độ này may ra chỉ có thể làm được một “sự nghiệp kỳ nhông”, nghĩa là có thể đổi màu-cơ hội, nhưng hiện giờ xem ra điều này là bất khả? Người xưa nói rất đúng: “Làm đầy tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại”. 

Những gì tôi trình bày trong bài viết “Vì một nền độc lập thực sự của Việt Nam” với hai phần (Phần 1 và Phần 2) là thể hiện trách nhiệm của một người yêu thích công việc nghiên cứu và viết báo, trước nhân dân, vận mạng dân tộc, đất nước. Chắc có người nói tôi “xét lại lịch sử”? Đó là việc của họ. Còn tôi thì hiểu rằng thời gian của những sự thật lịch sử đã đủ cho phép con người, nhân dân, dân tộc Việt Nam chúng ta hiểu rõ bản thân mình về văn hóa để đứng lên làm cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng văn hóa nhằm thay đổi vận mệnh của mình theo xu thế chung của thời đại. Nhưng dẫu sao đây cũng chỉ là những ý kiến, hiểu biết của riêng tôi, chỉ của một cá nhân, dựa trên tiếp thu, tập hợp nhiều ý kiến, nhận thức, quan điểm của nhiều người khác. Tôi mong sẽ được nhiều người quan tâm, phản biện, bổ khuyết và chia sẻ với cùng với một niềm hy vọng lớn lao là đất nước, dân tộc-giống nòi, nhân dân Việt Nam chúng ta sẽ có, sớm có được một nền độc lập thực sự, để chúng ta được tự do, tự chủ phát triển cuộc sống của bản thân và đất nước, không cần ai ban phát, bố thí, cơ cầu hay áp đặt-quy hoạch cho sự tồn tại, phát triển của mình, tức là để được làm người, sống xứng đáng với kiếp người của mình. 

Ngày 17 tháng 11 năm 2018




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo