Những suy nghĩ của tôi về nghị định 42 : "Công dân được miễn gọi nhập ngũ" - Dân Làm Báo

Những suy nghĩ của tôi về nghị định 42 : "Công dân được miễn gọi nhập ngũ"


Bạn đọc Dân Làm Báo - "...chúng ta chọn ra Đảng viên theo nguyên tắc "Đảng cử dân bầu" để chọn ra những người có đủ đức, đủ tài, là những người có tâm thực sự với đất nước, thì phải sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, không lẽ việc đầu tầu gương mẫu cầm súng ra trận lại chỉ là việc của người dân ?!"

Sau khi đọc xong nghị định 42/2011/NĐ-CP, về việc "Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến", tôi có một số thắc mắc nhỏ như thế này:

- Thứ nhất, tôi cho rằng trong trường hợp chiến tranh xảy ra, thì Đảng và các Đảng viên lẽ ra phải là những người gương mẫu, đi đầu xung phong ra trận (kể cả những trường hợp được miễn giảm theo... quy định). Ngọn cờ của Đảng phải đi trước, nhân dân sẽ tập trung dưới ngọn cờ Đảng chống lại giặc ngoại xâm, đó là truyền thống chiến đấu quý báu của Đảng mà người dân tin tưởng qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Vì chúng ta chọn ra Đảng viên theo nguyên tắc "Đảng cử dân bầu" để chọn ra những người có đủ đức, đủ tài, là những người có tâm thực sự với đất nước, thì phải sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, không lẽ việc đầu tầu gương mẫu cầm súng ra trận lại chỉ là việc của người dân?!

Ngoài việc tập luyện, tại một số đơn vị, lính nghĩa vụ quân sự còn phải đi ... bán rau

- Thứ hai, cũng theo nghị định trên, thì lực lượng "phản động", "diễn biến hòa bình", các "thành phần nhạy cảm" sẽ không được miễn gọi nhập ngũ. Những đối tượng này vốn dĩ không đoàn kết, không yêu nước, và tư tưởng chống đối lại chủ trương chính sách của Đảng. Nếu giao súng cho bọn này mà bảo chúng ra trận, chúng vì bất mãn mà quay súng bắn lại Chính trị viên thì sao? ^^

- Thứ ba, trong mấy năm gần đây, ở các cơ quan, đoàn thể trên khắp cả nước đều tổ chức "thi đua yêu nước", mà các cá nhân xuất sắc nhất trong cuộc thi đua này đều là các Đoàn viên, Đảng viên. Đã gọi là thi thì phải có kẻ thắng người thua, thi đua yêu nước thì phải có người này yêu nước hơn người khác. Người "yêu nước quá" thì được đi thi, còn những người "kém yêu nước hơn" thì phải ở nhà vừa làm công việc của mình, vừa kiêm luôn cả việc của những người "yêu nước" còn đang bận đi thi. Vì thế những cuộc thi kia đã chọn ra được người yêu nước thực sự rồi thì phải trao cho họ cơ hội được chứng tỏ tấm lòng của mình, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi và còn rất nhiều người VN khác muốn được thấy những Đảng viên gương mẫu này xung phong ra trận trước. Với thành tích "yêu nước" qua các cuộc thi, thì có lẽ họ đang được đảm nhiện vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, hay tổ chức ĐCS Việt Nam mất rồi, nên mong muốn này có thể rất khó lòng thực hiện được.

Bạn đọc Dân Làm Báo


Nguyên văn nghị định 42/2011/NĐ-CP về việc "Các trường hợp được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến".

Theo Nghị định 42/2011/NĐ-CP, công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Công dân đang đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội từ địa phương đến Trung ương, tổ chức kinh tế có nhiều lao động hoặc có tác động lớn đến hoạt động kinh tế một vùng, một ngành, một lĩnh vực kinh tế đất nước; nếu công dân này nhập ngũ sẽ trực tiếp làm giảm, làm gián đoạn hoặc ngừng hoạt động của cơ quan, tổ chức đó, trực tiếp ảnh hưởng việc duy trì quản lý, hoạt động của xã hội và hoạt động của nền kinh tế đất nước.

2- Công dân nằm trong kế hoạch bảo đảm cho hoạt động quốc phòng trong thời chiến.

3- Công dân đang công tác ở các vị trí đặc biệt quan trọng như đang làm việc ở các công trình trọng điểm quốc gia, các ngành cơ yếu, vẽ, in giấy bạc, các đài, trạm khí tượng thủy văn, đèn biển, hoa tiêu, chủ nhiệm các công trình nghiên cứu cấp bộ, ngành, quốc gia, quốc tế và các vị trí quan trọng trong các ngành nghề đặc biệt khác.

4- Công dân làm việc trong các cơ quan, tổ chức đang hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn như các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

5- Công dân được cấp có thẩm quyền công nhận có trình độ cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ và đang hưởng lương cao cấp về chuyền môn, nghiệp vụ đó.

6- Công dân có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệp để duy trì hoạt động của cơ quan, tổ chức lớn trong thời chiến như có tay nghề thuộc bậc cuối cùng trong thang năm bậc trở xuống hoặc hai bậc cuối cùng trong thang sáu bậc trở lên.

7- Công dân có trình độ nghiên cứu khoa học cao hoặc là nguồn để phát triển tài năng cho đất nước.

8- Công dân là con độc nhất hoặc con trai duy nhất của liệt sỹ.

Nghị định cũng nêu rõ, khi có nhu cầu cần thiết, Bộ Quốc phòng được phép điều động một số công dân có chuyên môn thuộc các đối tượng quy định nêu trên vào phục vụ trong quân đội.

Nghị định 42/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2011


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo