Bộ trưởng Thăng hãy “trảm” vụ này - Dân Làm Báo

Bộ trưởng Thăng hãy “trảm” vụ này

Nguyễn Quang Vinh - Người ta từ chỗ xì xào, chuyển sang ồn ào, công khai khi bắt đầu sử dụng cụm từ “lợi ích nhóm”.  Và việc giải phóng mặt bằng đường dẫn lên cầu Nhật Tân như báo chí phản ánh đã bộc lộ trắng trợn việc Ban quản lý dự án 85 của Bộ Giao thông đã vì lợi ích nhóm (Nhóm này nói rõ gồm các nhà giàu và quan chức) để điều chỉnh thiết kế, dọn 300 hộ dân, né “nhóm” này, gây mất chỗ ở ổn định cho hàng trăm nhà dân đã đành, còn gây tổn thất cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng đền bù không cần thiết.

Theo thiết kế, đường kính vòng xuyến của đường dẫn lên cầu Nhật Tân khoảng 600 m. Theo đó, toàn bộ gần 300 hộ dân thuộc các tổ dân phố 47B, 47C, 47D; hai tòa cao ốc và toàn bộ Khu biệt thự Vườn Đào thuộc phường Phú Thượng và Xuân La, quận Tây Hồ nằm cạnh và bên trong vòng xuyến phải giải tỏa, để trồng thảm cỏ, cây xanh. Nhưng khi triển khai, Ban quản lý dự án 85 đã đưa ra phương án điều chỉnh thiết kế, thu hẹp đường kính vòng xuyến, né toàn bộ hai tòa cao ốc của Cty Xây dựng giao thông đô thị và Khu biệt thự Vườn Đào. 

Hài hước là ở chỗ, trong khi hốt 300 hộ dân đi với lập luận ở quá gần đường, ồn ào, khói bụi thì các nhà đại gia, cao ốc, biệt thự nằm sát đường như nhà dân lại để nguyên vì cho rằng không cần di dời như thiết kế. 

Dân nói, cái đại gia chịu được ồn ào, khói bụi, dân cũng chịu được. 

He he. 

300 hộ dân ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội phản ứng vậy mà không nghĩ, “nhóm lợi ích” người ta lo cho sức khỏe bà con mình đến vậy là cùng. Đáng ra phải cảm động chứ sao lại kiện? 

Hay đây là cơ hội để các đại gia, quan chức tranh thủ dự án để được ở xa dân hơn? 

Bà con gửi đơn lên khắp rồi. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng có trong tay rồi. 

Bộ trưởng có dám xử lý vụ này? Hoặc là không cần di dời hộ nào hết, tiết kiệm cho nhà nước cả mấy ngàn tỉ đồng. Hoặc thực sự như thiết kế cũ, di dời để làm vòng xuyến trồng vườn hoa thì dy dời hết. Hoặc là di dời nhà các đại gia, cao ốc để 300 hộ dân nguyên đấy. 

Phải xử. 

Nhưng hãy công bằng. Bộ trưởng làm sao để nhân dân thấu hiểu rằng, đi hay ở lại là việc nó phải thế, không thiên vị đối tượng nào. 

Bộ trưởng cố lên. 

____________________

Nguồn: http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1451&chitiet=43038&Style=1

*

“Nắn” cầu quốc gia, “tránh” nhà... “đại gia”

Dự án xây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng đang khiến dư luận và công luận ngỡ ngàng vì "lợi ích nhóm” dành cho một nhóm người giàu, đồng thời cố ý bỏ qua số phận của hàng trăm hộ dân bình thường khác. 

Cụ thể, hơn 300 hộ dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội đang bức xúc và đâm đơn khiếu nại, cầu cứu tới khắp các cơ quan chức năng phản ánh một nghịch lý trong việc triển khai dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn lên cầu, khiến hàng nghìn nhân khẩu bỗng chốc mất đất, mất nhà.... trong khi ngân sách nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng chỉ để làm... vườn hoa và đảo cỏ trong thời buổi kinh tế hết sức khó khăn. 

Dư luận cho rằng đơn vị đảm trách xây cầu là Ban Quản lý dự án 85 – PMU85 (thuộc Bộ GT-VT) đã điều chỉnh thiết kế đường dẫn tránh cao ốc, biệt thự của các đại gia, trong khi vẫn phải giải phóng mặt bằng nhà và đất với hàng trăm hộ dân khác. Cái lý mà người am hiểu đưa ra là theo thiết kế, đường kính vòng xuyến của đường dẫn lên cầu Nhật Tân khoảng 600 m. Theo đó, toàn bộ gần 300 hộ dân thuộc các tổ dân phố 47B, 47C, 47D; hai tòa cao ốc và toàn bộ Khu biệt thự Vườn Đào thuộc phường Phú Thượng và Xuân La, quận Tây Hồ nằm cạnh và bên trong vòng xuyến phải giải tỏa, để trồng thảm cỏ, cây xanh. Nhưng khi triển khai, PMU 85 đã đưa ra phương án điều chỉnh thiết kế, thu hẹp đường kính vòng xuyến, né toàn bộ hai tòa cao ốc của Cty Xây dựng giao thông đô thị và Khu biệt thự Vườn Đào. 

Chẳng cần suy diễn thì ai cũng biết, việc "né” những cao ốc, biệt thự của giới đại gia (và thậm chí có cả một số quan chức) rõ ràng để phục vụ lợi ích của nhóm này. Còn những người dân "thấp cổ bé họng” đương nhiên phải lãnh đủ hậu hoạ của sự "thiên vị” kia. Đến khi những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ Dự án phản ứng thì Bộ GTVT có văn bản trả lời (do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký ngày 20-10-2011) lại cho rằng quá trình thiết kế nút giao thông Phú Thượng, tư vấn dự án đã rà soát, nghiên cứu điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật của nút cho phù hợp với hiện trạng quy hoạch, trong đó phương án dạng nút hoa thị được giữ nguyên và phạm vi nút giao vẫn đảm bảo nằm trong phạm vi quy hoạch có bán kính 300m. Tuy nhiên, theo người dân thì bản chất quy hoạch nút này đã được điều chỉnh theo lợi ích nhóm. Bằng chứng hiện hữu mà người dân đưa ra là trong quá trình thực hiện quy hoạch, ngày 8-8-2006, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị: "Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao thông đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào khu đất thuộc dự án Khu biệt thự Vườn Đào lô D1, D3 và khu đất của Cty Xây dựng giao thông đô thị đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ, khách sạn và nhà ở cao tầng”. 

Mới đây khi bị người dân chất vấn, ông Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc Ban Điều hành dự án thuộc PMU 85, đưa ra những lý do biện minh hết sức thiếu thuyết phục rằng: "Việc giải phóng mặt bằng các hộ dân bên trong vòng xuyến là để tránh cho các hộ dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi, tiếng ồn và rung trong quá trình thi công, vận hành...”. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Kim Thúy – Tổ trưởng tổ 47 C, cho rằng: "Chủ đầu tư lấy lý do điều chỉnh đường dẫn cầu Nhật Tân là để tránh cho các hộ dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi, tiếng ồn và rung... là không thoả đáng. Vì thực tế, nhà của các đại gia trong khu biệt thự Vườn Đào cũng nằm sát ngay đường dẫn lên cầu. Họ chịu được thì người dân cũng chịu được”. Còn ông Nguyễn Hữu Hoằng (tổ 47C) bất bình: "Chủ đầu tư đã vì lợi ích của một nhóm người giàu, trong khi cố tình "đè” ra để giải phóng mặt bằng hàng trăm nhà dân, gây tốn kém hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước là điều không thể chấp nhận”. 

Ngoài ra theo phản ánh của người dân, chủ đầu tư còn không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bởi từ tháng 1-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về dự án cầu Nhật Tân: "Bộ GTVT phải phối hợp với UBND TP Hà Nội nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật, lấy ý kiến nhân dân và giới chuyên môn để xem xét, quyết định phương án kết cấu cầu, trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị”. Tuy nhiên, tổ trưởng các tổ dân phố 47B, 47C, 47D đều khẳng định, chủ đầu tư đã không lấy ý kiến của dân trong khu vực bị ảnh hưởng trước khi phê duyệt dự án. 

Câu chuyện này thêm một lần nữa chứng minh cho sự vội vàng, khuất tất của quy hoạch giao thông đô thị vì những lợi ích cục bộ mà trên thực tế đã từng xảy ra. Điều đáng trách hơn chính là sự chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo