33 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam - Dân Làm Báo

33 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam

Lý Toét - Ngày này 17 tháng 2 năm 1979 diễn ra cuộc tổng tấn công của Giải phóng quân TQ trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Chiến dịch mang tên "Dạy cho Việt Nam một bài học". Phía Việt Nam gọi là "Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc" để phân biệt với "Cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam". Sau 3 tuần lễ, Giải phóng quân TQ ngưng tiến quân tại Hữu Lũng cách Hà Nội 60 Km.

Số liệu công bố được nhiều người thừa nhận, phía TQ tổn thất 60 ngàn quân trong đó thiệt mạng 26 ngàn. Số liệu phía Việt Nam như thông lệ thường công bố giảm, số lính chết khoảng 10 ngàn người. Nhưng theo báo Nhân Dân, số thường dân chết lên tới 100 ngàn người.


Hôm nay, 33 năm ngày TQ xâm lược Việt Nam, mọi chuyện đã trở nên quên lãng. Báo chí chỉ quan tâm đến Người đi chợ tìm chỗ gửi xe ở đâu, hay Nữ sinh nhảy lầu, hay Chưa tìm thấy tài năng tại Vietnams Got Talent.

Không một dòng tưởng niệm.



*

Ngày ấy 33 năm trước


Chiều chia tay trên đường Thanh Niên


Tặng L T N
Tiễn nhau trên đường Thanh Niên
Hai bờ sóng vỗ bao điều náo nức
Tán phượng mang bầu trời xuống thấp
Cơn gió chen ngang câu nói ngập ngừng

- Ngày mai anh đi em có buồn không?
Con đường đôi một mình em đến lớp
Một mình em giữa hai bờ nước
Cây phượng cây bàng cành cứ níu sang nhau?

- Em chẳng buồn đâu
Chỉ nhớ anh nơi rừng hồi, rừng quế
Đường biên giới là vòng tay của mẹ
Là vòng tay của em

Đêm đêm khi vầng trăng lên
Em gửi một vành trăng in trên nòng súng
Anh đừng nghĩ em còn bé bỏng
Đã là cây đều mang dáng của rừng!
Cơn gió chen ngang câu nói ngập ngừng
Con đường ngắn trong chiều dài lưu luyến
Nơi biên giới ngày mai anh đến
Làm cánh rừng ngăn cơn bão lăm le

Để tiếng sáo diều ran ríu với bờ tre
Ống khói thở nhịp đất đai xây dựng
Lúa cho đồng mùa nắng
Người cho nhau tiếng hát của người.

*

Chiều đưa nhau cái nắng cũng bồi hồi
Anh mang về nơi súng nổ
Đường biên giới giữ nguyên lành xứ sở
Bắt đầu từ con đường chúng ta đưa nhau...

23/11/1978

Trần Nhương

http://trannhuong.com/news_detail/12973/NG%C3%80Y-%E1%BA%A4Y-33-N%C4%82M-TR%C6%AF%E1%BB%9AC

*

17-2 

Cua Rận

"Nhân Dân" không nói gì!
"Quân đội..." chẳng nói gì!
"Cựu chiến binh" chẳng thấy gì!
"Đại đoàn kết"... cũng rứa.
...
Bác Dứa đi chơi...

Xóm nghèo.
Mẹ già lọm khọm... tay run nén nhang.
Cay mắt... Oan?
Ngày này... năm ấy... con đi!


*

Việt Trung - Việt hợ̣p tác đào tạo cán bộ

Đài Phát thanh Quốc tế của Trung Quốc đưa tin về cuộc gặp giữa hai vị Tô Huy Rứa (trái) và Lý Trường Xuân

Thăm Bắc Kinh, Ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Huy Rứa nói ngành tuyên giáo của hai đảng sẽ tăng cường 'hợp tác đào tạo cán bộ' để ứng phó với thách thức trên thế giới.

Các phát biểu được nêu ra khi phái đoàn của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa dẫn đầu thăm Trung Quốc tuần này, chuyến thăm cao cấp nhất kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Tṛong thăm Trung Quốc tháng 10 năm ngoái.

Cùng ứng phó thách thức 

Được ông Lý Nguyên Triều, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đón tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 15/2, ông Tô Huy Rứa đã trao đổi với nước chủ nhà về "công tác tổ chức và cán bộ" của hai Đảng. 

Thông tấn xã Việt Nam nói các lãnh đạo dự hội đàm "nhất trí tăng cường giao lưu hợp tác giữa hai Ban Tổ chức Trung ương hai Đảng, mở rộng việc trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đào tạo cán bộ, giao lưu cán bộ trẻ" cho hai Ban Tuyên giáo Trung ương.

Sau đó, hôm 16/2, theo Đài Phát thanh Quốc tế của Trung Quốc (CRI), ông Tô Huy Rứa được ông Lý Trường Xuân, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp cũng tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. 

Theo CRI, ông Tô Huy Rứa đã nói: 

"Việt Nam sẵn sàng nỗ lực cùng Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lên phía trước, ứng phó với những thách thức chồng chất và phức tạp trên thế giới hiện nay." 

Được biết các quan ngại về dân chủ hóa trên thế giới, nhất là tình hình Bắc Phi và Trung Đông đều khiến lãnh đạo hai đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam tập trung phối hợp đối phó. 

Tuy nhiên, trong ngôn ngữ khá kín đáo, phái đoàn Việt Nam cũng nhắc đến các vấn đề nổi cộm trong quan hệ Trung - Việt mà giới quan sát cho là liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Ông Tô Huy Rứa, người lãnh đạo ngành tuyên truyền và truyền thông của bộ máy Đảng và Nhà nước ở Việt Nam được trích lời nói rằng Việt Nam muốn "giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước". 

Chuyến thăm diễn ra ngay trước ngày kỷ niệm 33 năm chiến tranh Biên giới Việt - Trung 17/2/1979 nhưng ở Việt Nam không nói có lễ kỷ niệm gì. 

Báo chí Trung Quốc trái lại có bài nói về các kinh nghiệm quân sự trong chiến dịch mà ông Đặng Tiểu Bình chỉ đạo để 'dạy cho Hà Nội một bài học' năm đó

Trong thời gian ở thăm Bắc Kinh, ông Tô Huy Rứa và đoàn Việt Nam gặp cả Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy và thăm Trường Đảng trung ương và Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc. 

Hai Đảng đã đồng ý thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa các bộ ngành, địa phương hai nước. 

Trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sang Hà Nội tháng 12/2011, ông Tập cũng có buổi tiếp xúc với thanh niên Việt Nam. 

Tại đó, ông khuyến khích tăng cường hợp tác trong giới thanh niên cộng sản hai bên vốn được cho là thế hệ kế cận của cả hai đảng cầm quyền. 

Báo chí chính thống hai nước không nói rõ ông Tô Huy Rứa và lãnh đạo Trung Quốc phối hợp quan điểm thế nào về tình hình quốc tế. 

Quan điểm dịch chuyển 

Phó Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đọc diễn văn trước đoàn thanh niên hai nước ở Hà Nội hôm 22/12 

Theo các bình luận của Phương Tây, bản thân Trung Quốc có vẻ đã bị động trong đối ngoại trước làn sóng 'Mùa xuân Ả Rập' trong một năm qua. 

Quan điểm ban đầu của Trung Quốc là không can thiệp vào tình hình nội bộ các nước Ả Rập, hàm ý chống lại các hành động gây sức ép từ Phương Tây lên các chế độ trong vùng. 

Nhưng tại Libya, vì quyền lợi kinh tế, Trung Quốc đã dần chấp nhận thực tế thay đổi chế độ và tiếp phái đoàn của phe chống lại Đại tá Gaddafi. 

Tại Syria gần một năm sau, Trung Quốc ban đầu hoàn toàn không muốn liên quan đến các tác động buộc Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. 

Nhưng quyết định phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria do chính Liên đoàn Ả Rập nêu ra khiến Trung Quốc bị chỉ trích mạnh. 

Một số sứ quán Trung Quốc bị người biểu tình bản địa tấn công như tại Tripoli và Beirut. 

Dưới sức ép đó, Trung Quốc cuối cùng cũng đồng ý cử một thứ trưởng ngoại giao sang Syria vào tuần này. 

Cũng có tin Trung Quốc đã gặp phe đối lập Syria tại Bắc Kinh tuần trước dù chính thức vẫn hoàn toàn ủng hộ chế độ của ông Assad. 

Được biết truyền thông Việt Nam có vẻ cởi mở hơn trong việc đưa tin về Trung Đông so với báo chí nước láng giềng cộng sản. 

Hôm 17/2, Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết mới nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Syria, trong khi Trung Quốc, Nga và Iran phản đối.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo