Điều giản dị - Dân Làm Báo

Điều giản dị

Phương Bích - ...Bố gật đầu đồng tình. Tủm tỉm cười khi tôi kể sau vụ ông Vươn, trên mạng người ta đặt tên cho Hải Phòng là thành phố Hoa Cải. Tủm tỉm cười khi tôi kể sau phát biểu mới đây của Ngô Bảo Châu về trí thức và phản biện chả liên quan gì đến nhau, thì cư dân mạng lại gọi Ngô Bảo Châu là con cừu thông thái. Đọc cho bố nghe bài mới nhất của bác Hoàng Xuân Phú “Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ”. Thấy bố có vẻ tâm đắc, tôi nói: Những loại tin tức như thế làm sao bố tìm thấy trong những tập báo in chất đầy kia...

*

Có những thứ đối với người này là vô tri, vô giác, với người khác thì quý trọng, nâng niu. Nó không hẳn là sự đam mê sưu tầm của hiếm, của độc để khoe khoang với thiên hạ...

Trong những ngày bố nằm trên giường bệnh, thời gian bố con tôi chuyện trò, chia sẻ là lúc xoa bóp chân cho bố, hoặc bón cháo cho bố ăn. Tôi kể cho bố nghe chuyện về một ngư dân tên là Mai Phụng Lưu, sống chết lấy bằng được cát từ Hoàng Sa về đất liền, đóng thành từng hộp nhỏ và chia cho bạn bè. Điều gì khiến cho một người dân bình thường, cố làm cái điều tưởng chừng như vô nghĩa ấy – lấy cát từ biển đem về chia cho nhau từng vốc cát? 

Người không được chia thì thèm thuồng, ghen tỵ, vật nài xin xỏ. Nể cái tình bạn bè thân thiết, người này lấy cái muỗng bé xíu, xúc ra chia cho người kia vài muỗng cát. Một dúm cát vô tri vô giác ấy mà có người trang trọng đặt lên bàn thờ. Kể đến đó lại thấy cay nơi khóe mắt. Hiểu phần nào nỗi nhớ nhung quặn thắt của những ngư dân, bao đời nay từng gắn bó sinh tử với mỗi hòn đảo nơi biển khơi. Bố yên lặng khẽ gật gù, ánh mắt có chiều xúc động. Bỗng bố lại hỏi quay ra hỏi: con đọc lại cho bố câu thơ vừa nãy..

À! Đấy là câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên (tôi xin tự thú là tôi mới tra google đấy ạ). Nhưng cái đặc biệt là câu thơ ấy lần đầu tôi được nghe lại do Bùi Hằng đọc cho nghe. Tôi bảo một người phụ nữ mới học hết 10/10, khi cần lại có thể dõng dạc đọc lên những vần thơ: Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết, cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...

Không chỉ có thế, Bùi Hằng cười rạng rỡ bảo lúc ở đồn công an phường 7, thành phố Vũng Tàu, khi cô ấy vừa mới đọc câu đầu: Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết... thì lập tức một anh công an hào hứng đọc tiếp luôn: cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông. Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt, như mẹ cha ta, như vợ, như chồng...

Tôi thích thú nhìn bố nằm lẩm nhẩm đọc, bảo:

- Bố thấy không? Những cái đó đâu có gì to tát, mà bảo chỉ có các vị có địa vị, chức trách mới được độc quyền nói tới? Người ta nói cũng đúng: không có dân thì mất nước. Chỉ có dân mới giữ được nước. Không phải từ việc lấy cát, hay đọc thơ mà là trong mỗi hành động tự nhiên ở một người dân bình dị nhất, vẫn tồn tại một ý thức rất bản năng về Tổ quốc... nên chả ai bảo, chả ai định hướng, cứ thấy sao thì làm vậy. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao các vận động viên đoạt huy chương vàng thể thao hay bật khóc, khi cờ Tổ quốc được kéo lên, bốn bề thiên hạ đều phải đứng nghiêm...

Bố gật đầu đồng tình. Tủm tỉm cười khi tôi kể sau vụ ông Vươn, trên mạng người ta đặt tên cho Hải Phòng là thành phố Hoa Cải. Tủm tỉm cười khi tôi kể sau phát biểu mới đây của Ngô Bảo Châu về trí thức và phản biện chả liên quan gì đến nhau, thì cư dân mạng lại gọi Ngô Bảo Châu là con cừu thông thái. Đọc cho bố nghe bài mới nhất của bác Hoàng Xuân Phú “Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ”. Thấy bố có vẻ tâm đắc, tôi nói: Những loại tin tức như thế làm sao bố tìm thấy trong những tập báo in chất đầy kia.. và bật cười khi nhớ hôm theo chân mọi người đến chúc tết cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, cụ chỉ một xấp dày các loại bảo, bảo: họ sợ tôi thiếu thông tin nên vẫn đưa báo cho tôi đọc đều. May mà cụ cũng như bố, vẫn được con cháu cho biết những thông tin đa chiều để tự đánh giá đâu là dối trá và đâu là sự thật. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo