Báo chí VN bị phê vì vụ Tiên Lãng - Dân Làm Báo

Báo chí VN bị phê vì vụ Tiên Lãng

BBC - Báo chí nhà nước bị Đảng Cộng sản Việt Nam phê phán là tường thuật “không khách quan, mang tính một chiều” về vụ cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng.

Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lên tiếng ở Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc tổ chức ngày 30/3 tại tỉnh Quảng Ninh.

‘Quá liều lượng’

Trong một đánh giá chính thức của Đảng được công bố rộng rãi, ông Doãn nói một số tờ báo “vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết”.

Tường thuật của báo chí nhà nước về vụ Tiên Lãng bị đưa ra làm ví dụ cho việc một số cơ quan “thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều”.

Ông Doãn tiết lộ Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã “bốn lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước”.

“Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, lại thông tin ‘nương nhẹ’ về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn,” ông Doãn nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ trích: “Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chống chéo, phức tạp.”

Thống kê của Cục Báo chí cho đến ngày 10/3 cho biết có hơn 1200 bài trên báo in và báo điện tử trong nước về vụ ông Đoàn Văn Vươn.

Báo chí trưởng thành?

"Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, lại thông tin ‘nương nhẹ’ về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn."

Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Một số nhà quan sát từng cho rằng “quả bom thông tin” Tiên Lãng chứng tỏ sự trưởng thành của truyền thông Việt Nam.

Ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ về hưu, viết hồi tháng Hai rằng báo chí, qua vụ Tiên Lãng, đã nêu ra “thông điệp nghiêm trọng và có vẻ như đã gây được tiếng vang tới các nhà lãnh đạo ở Việt Nam”.

Theo ông Brown, “các nhà lãnh đạo lại một lần nữa phải dựa vào các nhà báo để tìm ra sự thật".

Nhưng dường như những đánh giá như vậy đã bỏ quên lập trường của những người quản lý điều hành báo chí.

Tại một hội thảo về “Truyền thông với việc phân chia tài nguyên đất đai” ngày 14/3, ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý báo chí Trung ương từ Cục Báo chí, khen ngợi báo chí trong vụ Tiên Lãng đã “đấu tranh không khoan nhượng trước những hành vi tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ chính quyền ở địa phương”.

Nhưng ông cho rằng “có thời điểm liều lượng tin, bài quá nhiều, trong đó nhiều bài phê phán chính quyền theo kiểu ‘vơ đũa cả nắm’…tác động mạnh mẽ tới tâm lý nhân dân, làm ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ giữa người dân và chính quyền”.

Còn tại hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc hôm 30/3, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhắc lại vai trò tuyên truyền của báo chí dưới sự định hướng của Đảng.

Ông liệt kê một loạt các yêu cầu mà đều đi kèm chữ “tuyên truyền”, ví dụ tuyên truyền các biện pháp chỉ đạo về kiềm chế lạm phát, tuyên truyền về các sự kiện quan trọng, tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng – an ninh…

Ông cho biết có kế hoạch “thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần chậm khắc phục, không đủ các điều kiện hoạt động, không thực hiện đúng giấy phép hoạt động”.

Tại hội nghị, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cũng nhắc nhở một số phóng viên “thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng” nên đã “đòi ‘tự do báo chí’, tách báo chí ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.

Phóng viên Không Biên giới năm ngoái xếp Việt Nam đứng thứ 172 trên 179 quốc gia về tự do báo chí.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo