Nước mắt người thất nghiệp - Dân Làm Báo

Nước mắt người thất nghiệp

SGTT.VN - Tình hình kinh tế khó khăn buộc hàng loạt doanh nghiệp phải thu hẹp, ngưng sản xuất hoặc đóng cửa. Điều này đã đẩy biết bao người lao động rơi vào bi kịch mất việc. Họ hoang mang vì hiện tại thất nghiệp, còn tương lai bấp bênh.

Một ngày đầu tháng 4.2012, như mọi ngày, chị Ngô Thị Hạnh vẫn đến công ty Trung Thu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) làm việc trong tâm trạng mong thời gian qua để đến ngày được lãnh lương. Sáng ra đến cổng, bà chủ nhà trọ níu lại nhắc tiền nhà và còn cho biết “tháng sau sẽ tăng tiền nhà”. Đứa con nhỏ của chị đã mấy ngày bị ho, nhưng chưa dám đưa đi bác sĩ vì đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng đã hết. Hy vọng đến mùng 10 lãnh lương mới có tiền đưa con đi khám bệnh.

Thế nhưng đến chiều cùng ngày, khi vừa hết giờ làm, công ty thông báo do tình hình sản xuất khó khăn nên sẽ cho công nhân tạm nghỉ. Tiền lương tháng 3 sẽ được thanh toán vào ngày 16.4. Quá thất vọng, chị Hạnh thất thểu ra về trong tâm trạng rối bời.

Hiện tại mất việc, tương lai bấp bênh

Công nhân công ty Trung Thu vạ vật trước công ty để bảo vệ quyền lợi. Ảnh: Trung Trực

Trong khi tạm nghỉ ở nhà và đang rà soát lại xem có thể đi mượn tiền ai để trang trải thì chiều ngày 9.4, có người báo chị Hạnh phải lên ngay công ty. Tới nơi chị mới hay công ty đang có ý định di dời máy móc đi nơi khác trong khi chưa trả tiền lương. Lo ngại công ty tẩu tán tài sản nên suốt đêm 9.4, chị Hạnh và gần trăm chị em khác nằm ngủ ngay trước cổng công ty để giữ tài sản và ngăn không cho ông Cher Chun Sik, quản lý sản xuất của công ty, ra ngoài.

Suốt đêm vạ vật trước công ty, câu chuyện của mấy chị em chỉ xoay quanh tình cảnh gia đình và tương lai sắp tới. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền sữa, tiền mua thuốc cho con... đang đợi. Nhưng nguyên nhân làm cho họ xuống tinh thần hơn là không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao. Chị Trần Thị Giang cho hay, hợp đồng lao động không có, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng không. “Chính vì thế mà chúng tôi sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Những ngày sắp tới không biết sẽ sống thế nào khi không có lương”, chị Giang lo lắng.

Sau mấy ngày vạ vật trước cổng công ty để đòi quyền lợi, đến ngày 14.4, công ty Trung Thu đã chi trả tiền lương tháng 3 và mấy ngày lương tháng 4 cho gần 100 công nhân. Nhưng niềm vui dường như chỉ bừng sáng trên những gương mặt mệt mỏi của công nhân một chút, rồi thay vào đó là sự âu lo cho tương lai u ám: công ty tạm ngưng sản xuất, chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại, trong khi xin việc mới không dễ vì đâu đâu cũng thấy tình trạng doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất. Nhiều chị em đã tính đến chuyện đi bán vé số để sống qua ngày, nhưng lại lo lắng bởi “hiện mười người bán mới có một kẻ mua thì biết bán cho ai”.

Cũng giống công nhân công ty Trung Thu, gần 40 công nhân công ty TNHH Quảng Dương đóng tại huyện Hóc Môn đang trong tình trạng hoang mang bởi mới đây, ngày 19.3, công ty thông báo tạm dừng hoạt động. Đến nay, công ty chưa chốt xong sổ bảo hiểm xã hội nên việc công nhân có nhận được trợ cấp thất nghiệp hay không vẫn chưa có lời đáp.

Cay đắng

Mỗi sáng tại trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM có hàng ngàn người tới đăng ký thất nghiệp. Ánh mắt âu lo, tâm trạng rối bời... là nét chung của những người đến đây. Trò chuyện với họ mới thấy “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Cuối tháng 12.2011, một ngân hàng tại TP.HCM bỗng dưng sa thải hơn 200 nhân viên bảo vệ. Ông Lê Hữu Chỉnh bàng hoàng vì thất nghiệp phủ lên gia đình mình. Ông làm bảo vệ cho ngân hàng này nhiều năm nay, chưa bao giờ nghĩ có lúc cuộc đời lại bi đát đến thế. Cả gia đình năm miệng ăn trông chờ vào đồng lương còm cõi của ông, giờ đang điêu đứng và “chưa tìm được lối ra”.

Như những anh em đồng nghiệp khác, ông Chỉnh được lãnh đạo ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chờ việc mới. “Tuổi tôi đã ngoài 50. Hiện nay mỗi tháng tôi phải trình diện ở một trung tâm đăng ký tại Thủ Đức một lần để họ biết mình chưa có việc làm mà nhận tiền tháng tiếp theo. Hơn 1 triệu đồng thất nghiệp/tháng không thể cứu vãn nổi tình trạng lay lắt đến mòn mỏi của vợ con tôi. Giá mà được nhận một lần để tôi còn có vốn làm việc khác sinh lợi”, ông Chỉnh tâm sự.

Cùng hoàn cảnh như ông Chỉnh, song anh V.T nhà ở quận Tân Phú tâm tư hơn. Lọt thỏm giữa đám đông chờ đến lượt mình ở văn phòng trung tâm giới thiệu việc làm quận Bình Thạnh, đã không ít lần anh muốn về nhà, “bỏ quách” số tiền hơn 10 triệu đồng. Nghĩ là vậy nhưng rồi mường tượng đến vợ con, anh cố nán chờ và lảng tránh cái nhìn của nhân viên làm thủ tục không một nụ cười.

Anh V.T cởi lòng: “Nghĩ đến mấy năm ngồi đại học với bao nhiêu đam mê, nhiệt huyết… giờ phải đi đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp thật là cay đắng”.

HÀ DỊU – THANH NHÃ

Doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp gia tăng

Theo báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2012, trong ba tháng đầu năm nay đã có hơn 2.200 doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động có thời hạn và hơn 9.700 doanh nghiệp đăng ký dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Tại Hà Nội, trong quý 1/2012, số lao động đến đăng ký thất nghiệp là 4.667 người, tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Hai tuần đầu của tháng 4, số người đăng ký thất nghiệp là hơn 1.000 người và dự kiến trong tháng 4 sẽ có hơn 2.000 người đăng kỹ thất nghiệp. Ông Vũ Trung Chính, giám đốc trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, trong bốn tháng đầu năm nay số người hưởng thất nghiệp đã tăng gấp gần ba lần so với năm trước.

Trong khi đó, trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM cho hay, chỉ trong quý 1/2012, thành phố đã có 36.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3 vừa qua, lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã lên tới 17.000 người.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải lao động nào cũng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Trần Văn Hoan, trưởng phòng thu bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, với những doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm không thể xác nhận cho người lao động, vì thế người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

TÂY GIANG

Biết làm gì bây giờ?

Gần 2.600 công nhân công ty cổ phần thuỷ sản Bình An (Bianfishco – Cần Thơ) đã được nhận 70% lương cơ bản của tháng 3 do họ đã phải tạm nghỉ trong thời gian này. Nếu như trước đây đa phần công nhân hồi hộp lo sẽ bị quịt lương, thì lúc này họ đã cầm tiền trong tay nhưng với một mối lo lớn hơn: không biết bao giờ nhà máy hoạt động trở lại?

Nhận được tiền lương tháng 3, nhưng Nguyễn Thị Nho, công nhân của Bianfishco không vui chút nào. Nho nói: “Không phải buồn vì số lương này ít hơn hàng tháng trước kia, mà buồn vì công ty không có việc làm mà công nhân cũng phải đi lãnh lương mới có tiền để sống trong những ngày chờ việc. Giống y tiền cứu trợ vậy!”

Mới đây, công ty cổ phần thuỷ sản Docifish (Đồng Tháp) cũng vừa kết thúc hợp đồng lao động với gần 700 công nhân. Thời hưng thịnh Docifish có khoảng 1.000 công nhân, sau đợt sàng lọc nhân sự này chỉ còn khoảng 100. Việc khiếu nại về quyền lợi người lao động khi thôi việc vẫn đang còn tiếp diễn. Có thâm niên gắn bó với công ty này hơn chín năm, nhưng Ngô Hồng Biên cũng là một trong những công nhân được giải quyết thôi việc trong đợt này. Chua chát hơn, vợ anh là công nhân cùng công ty, cũng đã phải kết thúc hợp đồng lao động theo yêu cầu lãnh đạo công ty, hiện tại phải ngồi nhà “ôm” hai đứa con nhỏ.

Hiện tại, theo Biên, một số anh em công nhân vừa nghỉ việc trở về quê nằm thở dài, số khác đang đi làm công nhật, phu bốc vác cho các nhà máy gạo, thức ăn chăn nuôi… để kiếm sống qua ngày với hy vọng sẽ có ngày nhà máy hoạt động trở lại.

NGỌC TÙNG



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo