Mặc áo nào thì cũng đến thế mà thôi - Dân Làm Báo

Mặc áo nào thì cũng đến thế mà thôi

Phóng viên Vỉa Hè (Danlambao) phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Hội nghị Trung ương 8 

Phóng viên: Thưa thủ tướng, bài phát biểu của Thủ tướng tại Paris, nhân dịp hai nước thiết lập đối tác chiến lược, đặc biệt bài Diễn văn của đồng chí đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York được báo chí cách mạng ca ngợi như "một điểm sáng của hiện tại... đã đem đến nguồn cảm hứng mới trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức, thời cuộc diễn biến phức tạp, khó lường". Đồng chí có thể cho biết dư luận thế giới đánh giá thế nào về ý kiến của đồng chí?

Nguyễn Tấn Dũng: Bài phát biểu của tôi tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68 (27/9) tại New York đã gây tiếng vang rộng lớn trên hoàn cầu. Trước diễn đàn các quốc gia thảo luận Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tôi kêu gọi các nước giàu có phải tham gia nhiều hơn nữa vào việc bảo vệ hòa bình thế giới. Câu chuyện chiến tranh và hòa bình, phát triển và nghèo đói vẫn đang là những chủ đề thời sự, đòi hỏi phải có niềm tin chiến lược, sự chung tay giải quyết của mọi quốc gia. Và trong những nỗ lực chung đó, Việt Nam luôn sẵn sàng với tư cách một quốc gia xây dựng và trách nhiệm. 

Trong bài phát biểu, tôi còn nhấn mạnh khía cạnh xóa đói giảm nghèo, một thành tích nổi bật dưới bàn tay điều hành của người đứng đầu Chính phủ. 

Về mặt đối ngoại, tôi thay mặt Đảng ta ra thông điệp rất rõ cho Mỹ và phương Tây: nếu không ngay tức khắc chấm dứt những ràng buộc về tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, và nhân quyền theo ý họ hiểu, nhằm cản trở Việt Nam trở thành thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPT và ứng cử viên sáng giá của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, thì sớm muộn họ cũng bị lịch sử trừng phạt. Đồng chí có thể thấy, ngay ngày hôm đó, tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp Mỹ tôi đã đề nghị phía Mỹ hủy điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại với Việt Nam, trong đó có 4 vụ điều tra cả trợ cấp và chống bán phá giá, nhất là đối với tôm và cá tra. Hay những lo ngại về Luật Nông trại năm 2013 của Mỹ đòi giám sát từ nuôi trồng cho tới chế biến cá tra của Việt Nam. Đương nhiên để có thể an tâm săn bắt hải sản và nuôi cá tra, chúng ta cần một biển Đông ổn định. 

Trong bài phát biểu, tôi bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột, đồng thời kêu gọi tạo dựng hành lang pháp lý để giải quyết xung đột thông qua xây dựng một bộ Quy tắc về ứng xử ở khu vực này. Ngay sau đó tôi nhận được phản hồi rất tích cực của lãnh đạo tối cao Trung quốc. Đồng chí Chủ tịch Tập Cận Bình vừa phấn khởi thông báo cho tôi biết, phía bạn sẽ sẵn sàng đàm phán mắc lại cho ta ống nói trên đường dây nóng về biển Đông. Cùng một lúc tôi nhận được điện chúc mừng của Nguyên soái Kim Jong-un với tuyên bố long trọng của trường đại học Kim Nhật Thành trao cho tôi bằng tiến sĩ danh dự, nhân tiện đây tôi xin bố cáo để đồng bào cả nước vui chung.

Phóng viên: Có lẽ đồng chí chưa sâu sát đời sống thực tế của nhân dân. Sau đại hội Đảng lần thứ 11, số 20 triệu dân Việt Nam thoát khỏi cảnh nghèo đói, nay bỗng rơi vào trở lại bần hàn hơn xưa. Nhiều người dân quê Việt Nam, cứ cho là có chỉ số hạnh phúc nhất nhì thế giới như báo chí cách mạng chỉ ra, nay phải tự tử vì không còn kế sinh nhai. Trên lưng họ phè phỡn một đàn sâu tham nhũng ngày càng hung ác, đồng chí có cho rằng tham nhũng mới chính là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ?

Nguyễn Tấn Dũng: Về thực tế đời sống khó khăn, tôi được đồng chí Vương Đình Huệ báo cáo, nhân dân còn vụng trộm tích trữ vàng nhiều lắm. Còn về chuyện tham nhũng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã bắt đầu nhìn nhận tệ nạn xã hội này một cách nghiêm túc hơn. Đồng chí Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới đây chẳng đã lên án cái đám"người ta ăn của dân không từ một cái gì". Đồng chí Tổng bí thư, sau nhiều lần tổ chức chỉnh đốn phê và tự phê, cũng rất sốt ruột về việc này, gọi đích danh tham nhũng như ngứa ghẻ!

Phóng viên: Cơ thể mang bệnh nặng nề, được cho là si-đa mưng mủ, hay ung thư vào giai đoạn cuối, như một người tiền nhiệm thừa nhận, mà đồng chí Tổng Bí thư cứ coi nhẹ như ngứa ghẻ ngoài da, lại còn mang ra gãi sồn sột trước bàn dân thiên hạ như vậy thì làm sao còn có thể coi là khó chịu, đồng chí có thấy tởm không?

Nguyễn Tấn Dũng: Tôi yêu cầu đồng chí uốn nắn lại nhìn nhận thiên lệch đầy dụng ý xấu do các trang báo mạng phản động phát tán, nhằm bôi đen hiện thực cách mạng và bộ máy lãnh đạo của đất nước. 

Trong bối cảnh bị Mỹ và Phương Tây cô lập, bao vây tứ bề, các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tình thế đó không ngừng chống phá. Thế cho nên, tôi hoàn toàn ủng hộ nhận định khách quan của đồng chí Tổng Bí thư cho rằng tình hình của chúng ta hiện nay là rất tốt. 

Thật tự hào cho Đảng ta có đồng chí Nguyễn Phú Trọng kế thừa những phẩm chất cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thừa kế nơi Người tinh thần nhân văn cách mạng, và với đầu óc lý luận mác xít kiệt xuất đồng chí luôn nhìn thấy trước tương lai của nhân loại. 

Trước Hội nghị Trung ương 8 lần này, đồng chí ấy đã tài tình tổng kết giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam hiện đã vượt qua cách mạng dân tộc dân chủ, đang bước vào giai đoạn xây dựng thành công CNXH. 

Chúng ta còn đối diện bờ vực thẳm, ngày hôm nay chúng ta đã tiến thêm một bước. Ta cần nhìn nhận tích cực như vậy thì mới thống nhất đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, vượt qua khó khăn, đảm đương nghĩa vụ quốc tế. 

Nếu coi cơ chế của chúng ta như một cơ thể thống nhất cần chữa trị bệnh da liễu, thì ta phải theo y học Trung quốc, chứ không thể căn theo y lý Tây phương mà hồ đồ cắt bỏ, dù chỉ một phần trên cơ thể mình. Đồng chí Tổng Bí thư đã hồ hởi thông báo cho đồng bào biết, sắp tới đồng chí Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sang thăm nước ta.

Phóng viên: Theo thủ tướng, đâu là những vấn đề then chốt cần giải quyết trước mắt và bằng những biện pháp nào đồng chí có thể tạo được sự ổn định chính trị và sự đồng lòng nhất trí của nhân dân với đường lối của Đảng trong hoàn cảnh hiện tại?

Nguyễn Tấn Dũng: Vấn đề then chốt nhất của toàn Đảng toàn Dân là giữ nguyên điều 4 của Hiến pháp, không để cho các thế lực phản động thay đổi tên nước và thành lập đảng phái chính trị mà không có sự đồng ý của Bộ Chính trị. Và còn nhiều vấn đề lớn khác nữa trong nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp - “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”, trong đó, về thành phần kinh tế thì đa số đang tán thành phương án có nêu “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo...”

Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào mà đồng chí Tổng bí thư dám khẳng định rằng qua đợt lấy ý kiến, đa số nhân dân ủng hộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo nghị quyết của Quốc hội số 38/2012/QH3?

Nguyễn Tấn Dũng: Đi đôi với việc thực hiện các biện pháp trấn áp phòng ngừa bắt trước ký sau, các đồng chí bên An ninh và Công an còn làm công tác tư tưởng đả thông cho Nhân dân. Cứ Dân phòng và Công an, An ninh đến từng nhà lấy chữ ký tán thành Dự thảo, ta sẽ đạt được sự ủng hộ như ý muốn. Đồng chí Trần Đại Quang vừa thông báo cho tôi biết, riêng đợt hỏi ý kiến sơ bộ nhân dân vừa qua về Dự thảo của Quốc hội trình ra từng nhà, số chữ ký tán thành lên tới 120%.

Phóng viên: Trở lại vấn đề nhân quyền còn gây khó dễ cho Việt Nam trên đường hội nhập, tôi vẫn băn khoăn không hiểu nổi quan điểm của Đảng ta sao lại khác biệt với quan điểm của phần lớn thế giới còn lại về nhân quyền như vậy. Con người sinh ra cần quyền được làm người của nó, bất kể khác biệt màu da sắc tộc, sao lại tự tiện tước đi như vậy?

Nguyễn Tấn Dũng: Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc tôi có trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Hoa kỳ 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Về mặt lý thuyết thì thế, nhưng đồng chí nên nhớ rằng Đảng ta đã xây dựng nên con người mới XHCN từ 60 năm nay, chính vì thế quốc hội và nền pháp chế dân chủ, cũng như luật pháp của Việt Nam chúng ta mang tính đặc thù dành riêng cho con người mới XHCN. Vả lại con người của nhân loại trong thế kỷ 21 cũng không tránh được những điều kiện sống rất khác biệt, cho nên nhân quyền khắp nơi nơi cũng như áo khoác trên người, các bậc cao niên dậy là "phục đắc y kỳ sự", tùy điều kiện thời tiết thế nào ta mặc cho nó như thế.

Phóng viên: Tức theo ý đồng chí Thủ tướng, nhân quyền mà phương Tây tranh đấu và thụ hưởng chính là cái áo, và nhân quyền xã hội chủ nghĩa dành cho dân ta hưởng là cái áo quan?

Nguyễn Tấn Dũng: Đúng dzậy, áo nào mặc vào thì cũng đến thế mà thôi. Nhưng Đại hội Trung ương 8 còn đang họp triển khai những chủ trương lớn cho Quốc hội thông qua, tôi cấm đồng chí nói lộ điều này ra báo giới!

Phóng viên: Xin ghi nhớ lời đồng chí Thủ tướng!



Phóng viên Vỉa Hè (phỏng vấn theo thể biếm nhại)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo