Về chính thể dân chủ thời hậu cộng sản - Dân Làm Báo

Về chính thể dân chủ thời hậu cộng sản

Le Nguyen (Danlambao) - Quy luật tất yếu của lịch sử, là mọi nhà nước, mọi chế độ bạo tàn đi ngược lại khát vọng của loài người hay chống lại loài người, không cách này thì cách khác đều phải bị đào thải, bị thay thế bằng nhà nước, chế độ văn minh tiến bộ phù hợp với nhu cầu tồn tại, phát triển của xã hội loài người. Nhà nước, chế độ độc tài tàn ác, man rợ thối nát cộng sản Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, nhất định chế độ này sớm hay muộn cũng sẽ phải sụp đổ nhưng vấn đề đặt ra là nó sẽ sụp đổ theo lối nào? Tất cả còn tùy thuộc vào thiện chí, thái độ của lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền: Một là tự họ chủ động làm cuộc chuyển đổi độc tài sang dân chủ; Hai là do áp lực đấu tranh của tầng lớp bị trị lên trên tầng lớp thống trị buộc họ phải thay đổi, buông bỏ quyền lực; Ba là người dân Việt Nam không còn chọn lựa nào khác là phải đứng lên sử dụng bạo lực cách mạng lật đổ chế độ bạo tàn phi nhân cộng sản như nó đã từng cướp lấy độc quyền lãnh đạo nhà nước, xã hội VN.


Tuy thế, dù cho chế độ bạo tàn cộng sản có sụp đổ theo lối nào đi chăng nữa thì những cá nhân, tổ chức đấu tranh vẫn phải chuẩn bị tư tưởng, chuẩn bị một dự án chính trị khả thi cho việc thiết lập thể chế chính trị thích hợp cho nhu cầu xây dựng, phát triển con người, đất nước Việt Nam trong tương lai hậu cộng sản. Có lẽ mô hình nhà nước dân chủ đa đảng hay nói cách khác là hình thành chính thể dân chủ, với hiến pháp thể hiện ý chí nguyện vọng của toàn dân, với các đảng phái chính trị hoạt động công bằng, công khai trong khuôn khổ luật pháp, với cơ cấu tổ chức nhà nước tam quyền phân lập có tự do báo chí, tự do ứng cử bầu cử cho mọi công dân bình thường đã trưởng thành theo chuẩn mực quốc tế... là những việc cần phải thực hiện cho một nhà nước dân chủ tương lai.(*)

Chắc chắn với phác thảo sơ lược những điều kiện cơ bản để hình thành, để thiết lập một chính thể dân chủ như vậy sẽ không gặp nhiều tranh cãi nhưng khi đi sâu vào việc định hình cơ cấu tổ chức nhà nước dân chủ, rất có khả năng sẽ không tránh khỏi những tranh cãi vô tận không có hồi kết, thậm chí không nhìn mặt nhau cũng không chừng do bởi tồn tại khác biệt về sự tiếp cận dân chủ, chính xác hơn là sự cách biệt về tiếp thu dân chủ. 

Do đó, để tránh bất ngờ lẫn những điều đáng tiếc không đáng có, có thể xảy ra trong tiến trình thành lập nhà nước dân chủ hậu cộng sản, chúng ta mỗi cá nhân, tổ chức đấu tranh tùy hoàn cảnh, điều kiện, khả năng cho phép cần tìm đọc, nghiên cứu lẫn tiếp cận thực tế tổ chức nhà nước dân chủ qua nhiều phương tiện có được, để thấy ưu khuyết điểm của các mô hình dân chủ đang được nhân loại áp dụng, tương đối hiệu quả trong cai trị thời hiện đại như các chính thể Quân chủ Đại Nghị, Dân Chủ Đại Nghị, Dân Chủ Cộng Hoà... đã đang được loài người áp dụng trong cai trị.(*)

Những ai có nhận xét khách quan đều thấy, các thể chế chính trị dân chủ đều giống nhau trên nền tảng cơ bản nhưng có ít nhiều khác biệt trong phương thức áp dụng tổ chức cai trị do truyền thống văn hóa lẫn hoàn cảnh lịch sử đặc thù của từng dân tộc, mỗi quốc gia và các quốc gia tổ chức cai trị theo mô hình dân chủ đều mang đến ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân, làm cho xã hội công bằng văn minh tương đối. Dù mức sống cơ bản của người dân trong các quốc gia theo chính thể dân chủ còn chênh lệch nhau về điều kiện sống, về lương bổng, về thuế khóa, về an sinh xã hội, về lợi ích chung của cộng đồng... nhưng nhìn chung đời sống người dân sống trong các nước dân chủ tương đối tốt, tương đối công bằng, không giống như người dân sống trong chính thể độc tài, nhất là độc tài cộng sản Việt Nam, đa số từ nghèo đến cận nghèo giống nhau, với đầy dẫy bất công xã hội đáng kinh sợ...

Chúng ta thấy những nước thiết lập chính thể dân chủ, nhà nước dân chủ, thực hiện dân chủ trong cai trị hiệu quả giúp cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh - nổi trội theo cách cai trị này gồm có các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạnh, Na Uy... các nước Tây Âu như, Pháp, Đức, thụy sĩ... các nước Châu Á là Nhật, Hàn, Đài, Sing... các nước trong khối thịnh vượng chung gồm Anh, Úc, Gia Nã Đại... và Châu Mỹ là Hoa Kỳ... những nước dân chủ này tuy chưa hoàn hảo, tuy không phải là thiên đường như các nhà nước cộng sản tự ca ngợi thiên đường xã hội chủ nghĩa của họ nhưng những nước theo thể chế chính trị dân chủ lại là ước mơ của loài người đang hướng tới, nghĩ tới mong muốn được sống trong... 


Dù vậy, nếu chúng ta đi sâu vào quan sát, nghiên cứu mô thức tổ chức quản trị điều hành, cách vận hành, cách thức đại diện ý chí nguyện vọng của người dân trong bộ máy nhà nước dân chủ, sẽ thấy có những khác biệt nhất định như định mức thuế khóa, trợ cấp y tế, hổ trợ giáo dục, xây dựng chiến lược nhân dụng, đào tạo nuôi dưỡng nhân tài, hoạch định chính sách kinh tế tài chính, hoàn thiện an sinh xã hội, quyền thừa kế công bằng, quyền tự do pháp lý hay quyền tự do bẩm sinh của con người được thực thi, bảo đảm trong thực tế... Tất cả đều không ngoài mục đích thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Cụ thể hơn là hầu hết những nước độc tài, độc đảng đều bế tắc trong mục tiêu đề ra nhưng những nước dân chủ đa đảng đa phần lại hoàn thành xuất sắc mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Việc các nước theo chính thể độc tài, độc đảng không thực hiện được mục tiêu, lại còn làm nghèo đất nước làm khổ nhân dân, không cần mất thời giờ để bàn tới. Riêng các nước theo thể chế dân chủ đa đảng có nước tổ chức nhà nước hiệu quả, có nước chưa, thậm chí có nước không hiệu quả trong tổ chức cai trị và nếu đi vào phân tích sẽ thấy có rất nhiều nguyên nhân nhưng đó không phải là mục tiêu chúng ta cần phải bàn đến, không phải là nhu cầu nghiên cứu rút kinh nghiệm cho việc thiết chế một chính thể dân chủ hậu cộng sản.

Những thể chế chính trị dân chủ mà chúng ta cần nghiên cứu, bàn tới là các nước dân chủ Bắc Âu, Tây Âu, các nước dân chủ trong khối Thịnh Vượng Chung, các nước dân chủ đã trở thành con rồng con hổ Châu Á, các nước dân chủ Châu Mỹ... đã thành công trong xây dựng phát triển đất nước, con người cho quốc gia họ. Đây là những mô hình nhà nước dân chủ mà chúng ta cần chú tâm nghiên cứu, đúc kết ưu khuyết điểm bằng cách khoa học, trí tuệ nhất nhằm thiết lập một nhà nước dân chủ hiện đại để không phải ngỡ ngàng, lúng túng trong lúc cùng ngồi chung với nhau thảo luận chọn lựa, làm mới, hiện đại hóa thể chế chính trị dân chủ hậu cộng sản cách thông minh nhất có thể, cho tổ quốc Việt Nam linh thiêng, có không ít máu xương của tổ tiên nòi Việt đã đổ xuống.

Cũng nên nói thêm là khi đi sâu vào nghiên cứu các mô hình chính thể dân chủ thời hiện đại nhằm đúc kết lý thuyết nền tảng để thiết lập nên một nhà nước dân chủ hiện đại hậu cộng sản. Thiết nghĩ chúng ta cần tránh phạm vào lỗi giải nghĩa, dịch chữ từ chương mà cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của các cấu trúc tổ chức nhà nước dân chủ bởi chính thể dân chủ không chỉ nằm ở cái tên hay tự xưng danh “Việt Nam dân chủ cộng hòa” là có dân chủ. Danh xưng dân chủ tự nó không phải là thực chất của một nhà nước dân chủ và dân chủ có hay không là do cách thiết chế, tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước đó! 

Khi đi vào nghiên cứu chúng ta cần cố gắng sử dụng óc thực tiễn, sáng tạo làm mới, đơn giản hóa lý thuyết triết luận bao la, các ngôn ngữ chuyên môn trừu tượng bằng những ngôn ngữ dân dã tóm lược ngắn gọn, dễ hiểu nhất có thể và chúng ta ai cũng thấy, nếu như người đời xưa mãn nguyện, đắc ý với việc làm ra các chiếc thuyền độc mộc hay sáng chế ra các chiếc xe bò, xe ngựa rồi xem nó như phương tiện giao thông ưu việt, duy nhất đúng không thể thay thế thì đời nay, chắc chắn con người sẽ không có cơ hội nhìn thấy được nhiều thế hệ phi thuyền bay vào vũ trụ, những hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân xuyên đại dương mênh mông biển nước.

Cụ thể là thực hiện công bằng xã hội hay định hướng “xã hội chủ nghĩa” theo nghĩa đúng đắn thì chính thể dân chủ đa đảng vẫn còn giới hạn nhưng dù sao chế độ này vẫn hiệu quả hơn chính thể độc tài độc đảng. Và bất công xã hội... là nguyên nhân dễ gây xung đột nhất như khoảng cách giàu - nghèo, như chính sách quốc gia làm lợi cho một phía, không thỏa mãn tương đối có thể chấp nhận được của cả hai phía chủ nhân giàu có lẫn thành phần lao động nghèo. 

Trong chính thể dân chủ đa đảng, các đảng chính trị cầm quyền với các đảng chính trị đối lập cạnh tranh ráo riết cho nhu cầu đòi hỏi của mục tiêu công bằng xã hội nên các đảng cầm quyền lẫn đối lập muốn được sự ủng hộ, tín nhiệm của người dân phải công bố chính sách, chương trình, kế hoạch hành động sau khi thắng cử để người dân chọn lựa. 

Ngày nay thời toàn cầu hóa những cá nhân hay tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia giàu không còn bị xem là giai cấp bóc lột, kẻ thù giai cấp được ghi nhận là có những đóng góp nhất định cho xã hội như góp phần tạo ra công ăn việc làm, đóng góp tích cực cho các công tác từ thiện, đóng thuế cho kho bạc nhà nước có tiền thực hiện nhiệm vụ nhà nước và những nước kinh tế thị trường nào thực hiện chính sách bất lợi cho nhà đầu tư, thương gia, kỹ nghệ gia, nhà sản xuất... họ sẽ rút vốn tìm đến các nước nào có môi trường đầu tư thuận lợi hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ cho kinh tế của quốc gia có lãnh đạo kém cỏi, hoạch định chính sách quốc gia dưới tầm trí tuệ.

Bàn lan man về thể chế chính trị dân chủ cho một nước Việt Nam hậu cộng sản trong tương lai gần bởi chế độ bạo tàn cộng sản Việt Nam phải, sẽ phải bị đào thải là quy luật tất yếu của lịch sử và những người con yêu của đất nước dân tộc này, cần có những chuẩn bị cần thiết cho một nhà nước dân chủ để tránh điều đáng tiếc không đáng có, có thể xảy ra. Lan man về một tương lai hậu cộng sản để những cá nhân, tổ chức Việt Nam mang hồn Việt Nam vượt qua khác biệt, cùng ngồi xuống bàn tính chuyện tương lai không chỉ với thiện chí mà với cả sự đầu tư tri thức, khả năng trí tuệ cho một dự án chính trị để giải quyết, khắc phục những hậu quả, tàn dư cộng sản còn trải dài phía trước và lan man về chính thể dân chủ hậu cộng sản như là một gợi ý để mọi người có lòng với mệnh nước nổi trôi cùng nhau suy tư, đầu tư tâm sức cho một dự án xây dựng, phát triển Việt Nam tương lai ít sai lầm, đạt hiệu quả cao nhất có thể để dân Việt không phải hổ thẹn với tổ tiên nòi Việt. 



____________________________________________

Chú thích:

(*) Đọc thêm bài Tiến Trình Hình Thành Chính Thể Dân Chủ của Le Nguyen. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo