Nó không trừ mình ra đâu - Dân Làm Báo

Nó không trừ mình ra đâu

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Tấm hình này tôi xin gửi đến những người bạn mà khi vào Facebook của các bạn tôi thấy tràn ngập hình ảnh ăn uống, du hí, vui chơi, hưởng thụ. Tất nhiên các bạn có quyền làm như thế, có quyền làm những gì mình thấy thoải mái, thích thú và vui vẻ. Và hẳn là cuộc sống rất cần được như vậy.

Nhưng các bạn ạ, nếu không dành một chút - dù nhỏ nhoi sự quan tâm của các bạn cho các vấn đề xã hội, ví dụ môi trường chẳng hạn, thì hậu quả không chỉ người khác gánh chịu, mà chính là các bạn, người thân và con cái các bạn. Hậu quả đầu tiên của việc ô nhiễm môi trường mà ai cũng nhìn thấy, đó là bệnh tật, nhất là bệnh ung thư. Tôi tin chắc rằng trong cuộc đời các bạn hẳn đã phải tiễn đưa nhiều người quen, bạn bè, hàng xóm và cả người thân ra đi vì căn bệnh quái ác này. Và biết đâu, trong số các bạn cũng có người đang phải mang trong người căn bệnh ấy. Số khác (có lẽ) cũng sẽ là những bệnh nhân tương lai của hai chữ “ung thư”. Đừng chửi tôi là dở hơi, lắm chuyện, bao đồng và thích lôi chuyện chính trị ra giảng giải nhé. Tôi biết các bạn giỏi (và khôn) hơn tôi nhiều. Nhưng tôi nói thật, chẳng chính trị chính em gì sất. Nó là những chuyện mà dù muốn hay không, nó vẫn va chạm đến các bạn mỗi ngày. Các bạn hãy thử nghĩ xem, tại sao ở Việt Nam những năm gần đây xuất hiện khái niệm “sạch” để chỉ đồ ăn thức uống? Là vì môi trường chúng ta đang sống đã bị đầu độc, lương thực, thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày không an toàn, không đáng tin cậy. Vô lý không, đã là đồ ăn thức uống, là những thứ để bỏ vào miệng thì chỉ có thể là ngon hay dở mà thôi. Có loại đồ ăn “sạch”, đồ dùng “an toàn” thì hẳn là cũng phải có đồ ăn “bẩn”, đồ dùng không an toàn. Vì sao nên nỗi? Câu trả lời vẫn được lặp lại là do môi trường đã bị ô nhiễm, bị đầu độc. Các bạn có bao giờ nghĩ rằng một việc làm bất cẩn của mình như xả rác bừa bãi, có thể đã góp phần làm ô nhiễm môi trường không? Có đấy. Và chúng ta rất dễ bị “xử lý theo quy định của pháp luật” nếu thực hiện những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Có nghĩa là chúng ta hoàn toàn yên tâm mà sống, mà hít thở bầu không khí trong lành vì môi trường được luật pháp bảo vệ (hẳn hoi). Vậy tại sao ngày hôm nay chúng ta phải sống giữa bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề, môi trường bị hủy hoại một cách nghiêm trọng thế này? Có bao giờ bạn đặt câu hỏi “ai, kẻ nào, thế lực nào có thể hủy hoại hoặc tiếp tay gây ra thảm họa môi trường hôm nay?” Hay bạn vẫn nghĩ rằng “ chẳng có chuyện gì hết, mọi chuyện vẫn bình thường. Nếu thế, thì tại sao bạn phải đắn đo, lựa chọn xem cửa hàng nào bán thịt lợn “sạch”, chỗ nào bán rau không thuốc trừ sâu, nơi nào bán gạo không trộn nhựa...? Bạn có chắc mình là “người tiêu dùng thông minh” không? Bạn có chắc mình sẽ không bị lầm lẫn khi lựa chọn được thực phẩm “an toàn” và “sạch” để chuẩn bị cho người thân một bữa cơm ấm cúng không? “Người tiêu dùng thông minh” lại là một khái niệm oái oăm khác trong cái thời mà nhìn đâu cũng thấy đồ đểu đấy các bạn ạ. Đấy, một vài ví dụ phổ biến nhất, dễ thấy nhất và được diễn giải đơn giản nhất để các bạn dễ hình dung.

Đây là lần đầu tiên tôi nói với các bạn như thế. Tôi biết thi thoảng các bạn vẫn vào facebook của tôi để đọc, dù không dám hoặc không thích bấm like, bình luận, chia sẻ hay công khai phản đối. Vì thế tôi mới viết những lời này như là sự “lên giọng” dù tôi rất không muốn bị mang tiếng như thế.

Tóm đi tóm lại là hai tóm, các bạn nói riêng và đa số người dân Việt Nam chúng ta nói chung, đã và đang là nạn nhân của đủ thứ tệ đoan, đủ thứ vấn nạn trong xã hội. Một trong những vấn nạn đó là căn bệnh ung thư. Nguyên nhân chính của đại họa ung thư là ô nhiễm môi trường. Oái oăm thay, thảm họa môi trường lại đến từ sự kém hiểu biết và sự thờ ơ của chính chúng ta, trong đó có các bạn. Nhưng nếu các bạn nghĩ rằng các bạn sẽ không bao giờ là nạn nhân của thảm họa môi trường, hoặc ai “dính” thì dính chứ ung thư nó sẽ chừa mình ra, thì bạn đã rất chủ quan. Và cả ngốc nghếch nữa. Và tôi cũng không muốn nói thêm với bạn làm gì.

Hai người thanh niên này là Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong. Hôm qua, ngày 6/2/2018, họ bị đưa ra tòa và bị kết án lần lượt 14 năm và 2 năm tù giam chỉ vì đấu tranh bảo vệ môi trường, chống Formosa gây ra thảm họa này. Nếu hôm nay bạn qua facebook của tôi, cười khẩy sau khi đọc stt này rồi mắng anh Bình, anh Phong là “ngu, dại dột”, thì không những bạn mắc tội vô cảm mà còn góp phần cổ vũ cho cái ác và cái xấu.

Vậy thì chúng ta rất xứng đáng được sống chung với cái ác, cái xấu và đáng bị cai trị bởi chúng. Vì chính chúng ta, chính các bạn đã chọn lựa như thế.

7/2/2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo