Tết Đống Đa trong lòng một kẻ ly hương - Dân Làm Báo

Tết Đống Đa trong lòng một kẻ ly hương

Nguyễn Mạnh An Dân (Danlambao) - Hồi đầu năm, một người bạn từ thuở thiếu thời đã lâu không gặp, gọi điện thoại từ Canada sang thăm. Bạn tôi nói ba điều bốn chuyện rồi lớn tiếng hỏi: “Tao đọc báo thấy nói Tết rồi ở vùng mày, Hội Quang Trung Bình Định có tổ chức họp mặt cho đồng hương xứ nẫu mình phải không? “Tôi nói: “Đúng”. “Vui không?” Lại trả lời: “Vui”. Bạn tôi cười cười rồi bất ngờ hỏi tiếp một câu dị òm, không đâu vào đâu cả: “Có ướt không mà vui?”. Tôi ngớ người một chút, bộ thằng này xa nhà lâu quá, nhớ quê, nhớ nước quá đâm ra lảng lảng rồi hay sao mà hỏi kỳ cục, vui với ướt có ăn nhập gì với nhau đâu? Mình Việt Nam chứ có phải người Lào, người Thái gì đâu mà chơi trò tạt nước đầu năm để lấy hên! Hỏi lảng xẹt.

Thấy tôi ngần ngừ không trả lời, bạn tôi cười lớn hơn: “Ý tao muốn hỏi ướt nước sông Côn đó, nhớ không? Thằng khỉ”. Tôi à... à lớn mấy tiếng và cả hai chúng tôi đều phá lên cười, thỏa thuê, thoải mái. Hai thằng bạn nhỏ ngày nào, giờ đứa nào tóc cũng đã có sợi bạc, cùng sống xa quê nửa vòng trái đất, ở cách nhau mút mù điện thoại viễn liên, cùng sống lại với giòng nước của một con sông, cùng vui sướng và ngậm ngùi.

Bạn ta! chắc bạn đang tò mò, thắc mắc muốn biết, nước sông Côn có gì đặc biệt khiến chúng tôi vui sướng và ngậm ngùi khi nhắc tới như vậy. Yên chí đi, tôi đã làm phiền bạn đọc đến đây, tôi có bổn phận phải kể tiếp cho bạn nghe về những kỷ niệm, những tâm tình của chốn quê xưa, ngày cũ.

Trong sách vở, ít nhất đã có hai người nói đến sông Côn: Học giả Hồ Hữu Tường, khi đề cập đến một loại cá hiếm và quí: cá lúi, ông đã nhắc đến sông Côn, đến đất Tây Sơn, đến dòng họ Hồ mà ông muốn chứng minh mình là hậu duệ. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã lấy sông Côn đặt tên cho bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ. Cả hai đã mượn sông Côn để gởi gắm nhiều điều; phần tôi, nhắc đến sông Côn đơn giản chỉ vì nó liên quan đến Tết Đống Đa, đến ngày hội của tuổi nhỏ, đến những gợi nhắc không còn với tới và những ước mơ không đạt được.

Trong rất nhiều năm niên thiếu, bằng một thôi thúc không tên giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, năm nào tôi cũng đến sông Côn một lần vào ngày Mồng Năm Tết Nguyên Đán, ngày mà trong lịch chính thức, toàn quốc gọi là Lễ Đống Đa và dân tôi, Bình Định, gọi là Tết Đống Đa. Tết được tổ chức ở khu vực sông Côn vì bên kia bờ bắc của dòng sông này là đất Tây Sơn, quê hương của vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ.

Thật ra tổ tiên họ Nguyễn Tây Sơn vốn họ Hồ ở Hoan Châu, Nghệ An, mới vào Bình Định từ đời ông cố và vẫn giữ họ Hồ cho đến đời thân phụ ba vua Tây Sơn mới đổi thành họ Nguyễn, tên Phi Phúc.

Đất Tây Sơn trải dài từ thôn Phú Lạc, xã Bình Thành đến thôn Trường Định xã Bình Hòa, quận Bình Khê. Thuở nhỏ, ba anh em theo thân phụ đến lập nghiệp ở ấp Phú Lạc, sau di chuyển đến làng Kiên Mỹ. Ngày nay, vùng này còn nhiều di tích của ba vị anh hùng áo vải: Vườn Dinh, xưa kia là vườn cũ của gia đình Nguyễn Phi Phúc; bến Trường Trầu, nơi thuở thiếu thời ba anh em Tây Sơn đã dùng thủy đạo giúp thân phụ vận chuyển, buôn bán trầu lá với các thương lái trên vùng thượng du; nơi đây cũng không xa mấy với làng An Thái, nơi cả ba anh em Tây Sơn cùng thọ giáo cả văn lẫn võ với một vị lương sư danh tiếng: Thầy giáo Hiến; và nơi đây cũng không xa mấy với ngọn Ông Bình hùng vĩ, nơi mà ngày khởi nghiệp, anh em Tây Sơn đã dùng làm căn cứ chiêu mộ và huấn luyện nghĩa binh.

Thật sự, không ai biết đích xác việc lễ bái, tưởng niệm Quang Trung đại đế và những anh hùng Tây Sơn được bắt đầu từ lúc nào. Sách vở và dân gian đều cho biết khi vua Thái Đức đóng đô ở thành Đồ Bàn, vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân thì nơi vườn cũ là từ đường của dòng họ Nguyễn; tuy nhiên, khi nhà Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn lên trị vì thì ngôi từ đường này bị triệt hạ và thay thế bằng đình làng Kiên Mỹ.

Trên nguyên tắc, đình làng dựng lên để thờ thần, nhưng trong thực tế, nhân dân địa phương, phần hãnh diện về những anh hùng xuất chúng của dân tộc, phần nhớ ơn những nhà lãnh đạo từ ái, đem đại nghĩa cứu muôn dân nên đã âm thầm thờ cúng ba vua Tây Sơn. Bằng chứng là nơi làng Kiên Mỹ, khác với thông lệ đương thời, xuân thu nhị kỳ cúng tế người ta chỉ lâm râm khấn vái mà không lớn giọng ngâm nga bài văn tế. Sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ đức Vũ Hoàng Đế và các anh hùng Tây Sơn luôn luôn tồn tại trong lòng mỗi con dân Bình Định, cho dẫu trong những lúc khó khăn, tăm tối nhất.

Năm 1960, sáu năm sau ngày chính quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Bình Định, cùng với những hồi sinh của quê hương trong vận hội mới, sĩ phu và nhân dân Bình Khê, Bình Định đã chung sức, chung lòng xây dựng điện Tây Sơn nơi đình làng cũ.

Điện không lớn nhưng trang nghiêm, ẩn mình dưới tàn rộng của một cây me già quanh năm bóng phủ. Xa xa phía sau điện là Gò Đá Đen, vũ đình trường, nơi nghĩa binh thao luyện ngày nào.

Điện có ba gian, chính giữa thờ vua Quang Trung, bên phải thờ vua Thái Đức và Đông Định Vương, bên trái thờ quần thần, tướng sĩ. Hai bên cửa vào điện là đôi câu đối sơn son thiếp vàng

Tây khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam quốc sơn hà ký võ công

Trước sân điện, sừng sững bức tượng bán thân của đại đế Quang Trung và một đài bia cao có khắc bài ký với lời lẽ hùng hồn và cảm động, ghi lại lịch sử, công đức và lòng tiếc thương về vị anh hùng tài cao đoản mệnh, do thi sĩ Quánh Tấn phụng thảo:

Đức Vũ Hoàng,
Họ Nguyễn húy Huệ
Ứng hùng năm Quí Dậu(1753)
Qui thần năm Nhâm Tý (1792)
Thọ 40 tuổi, ở ngôi 5 năm
Niên hiệu Quang Trung
Miếu hiệu Thái Tổ Vũ hoàng đế.

Bài viết lần lượt vinh danh anh em Tây Sơn, ghi công các anh hùng tướng sĩ gồm những trang khai quốc tuấn kiệt rồi nhấn mạnh đến công đức của Vũ Hoàng:

Bốn lần bạt thành Gia Định, ba lần vào thành Thăng Long; thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh, thu non sông về một mối, dựng nên sự nghiệp Võ Thang.

Lại hai phen dẹp quân xâm lược:

Năm Giáp Thân (1784) đánh tan 300 chiến thuyền Xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước về

Năm Kỷ Dậu (1789) quét sạch 30 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ kkuất lân thỉnh tới.

Nhờ vậy mà dân tộc thoát ách vong nô

Nhờ vậy mà tổ quốc vững nền độc lập.

Công thật cao như Trường Sơn.

Ân thật sâu như Nam Hải.

Mạch văn tiếp nối, đề cao những xây dựng và cải cách các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục; tạo cảnh non nước thanh bình, bốn phương phú cường, an lạc rồi kết luận:

Nhưng than ôi!
Năm sắt đá rèn gan, trời chưa kịp vá
Chín tần mây lấp núi, rồng thoát bay xa.
Khiến nhà Tây Sơn lâm vào bước nguy vong
Khiến nước Việt Nam lỡ mất cơ cường thịnh
Dẫu vậy,
Danh Vũ Hoàng vẫn cùng mặt trời mặt trăng mà sáng
Ân Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng, núi Tượng mà cao.
Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng:
Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.

Công nghiệp của đại đế Quang Trung vô cùng vĩ đại, chiến tích của ngài đã vượt quá ranh giới lãnh thổ quốc gia để trở thành một trong những kỳ tích của lịch sử chiến tranh nhân loại, niềm tự hào của dân tộc Việt. Chính sách tị hiềm nhỏ nhen và sự trả thù thô bạo của nhà Nguyễn Gia Long là một vết đen đáng hổ thẹn và thời gian đã trả về cho dân tộc, đã khẳng quyết với thiên thu những giá trị đích thực. Văn chương và sử sách đã dành cho Đại Đế Quang Trung và triều đại Tây Sơn những lời xưng tụng chân thành, xứng đáng và trang trọng nhất. Người Quang Trung, đất Tây Sơn còn mãi mãi ghi đậm trong lòng mỗi con dân Bình Định; trong lòng dân tộc Việt Nam.

Tết Đống Đa đối với người Bình Định là một ngày hội, là một niềm vui riêng đối với nhau và là một hãnh diện chung để nói tới. Từ năm 1960 đến ngày đổi đời 1975, năm nào hội Tết Đống Đa cũng được tổ chức tưng bừng, trang trọng và nhiều ý nghĩa, qui tụ hàng chục ngàn người từ khắp mọi nơi đổ dồn về đất Tây Sơn. Mọi người, mọi thành phần và lứa tuổi Bình Định dường như đều cảm thấy ngày xuân chỉ trọn vẹn, việc thưởng Tết chỉ đầy đủ khi đã có mặt ở hội Tết Đống Đa.

Theo qui định, các công tư sở, các văn phòng hậu cứ quân đội đều làm việc trở lại từ ngày Mồng Ba Tết. Tuy nhiên, người ta chỉ đến sở cho có mặt, cho hợp lệ, phải phép mà trong thâm tâm chưa thỏa mãn, không đành lòng bởi vì một phần quan trọng của Tết Bình Định chưa hưởng hết; cho nên, việc làm chính của ngày đầu năm chỉ là việc rủ rê, hò hẹn, sắp xếp cho một ngày không làm việc ở Đống Đa.

Bộ phận chính yếu có mặt đông đảo ở Đống Đa là những người trẻ tuổi; học sinh, giáo sinh nam nữ các trường Trung học, các trường chuyên nghiệp ở Qui Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Bình Khê, An Túc. Dù không nói ra nhưng tất cả đều có cùng một ý nghĩ và lời chào tạm biệt trước khi chia tay về vui Tết với gia đình, không phải là lời hẹn gặp lại ở trường trong ngày tái giảng đầu năm, mà là những giao kết, sắp xếp cho việc tao ngộ ở hội Tết Tây Sơn.

Người ta căn lại giây sên, thay lại bộ lốp mới cho chiếc xe đạp, chuẩn bị vượt tuyến đường 50 cây số Qui Nhơn - Phú Phong; người ta chở hai, chở ba trên những chiếc Gobel, xe Buck cũ kỹ, thậm chí ì ạch trên những chiếc Solex, Mobylette AV 44, AV 85... cùng đổ dồn về Tây Sơn.

Tờ mờ sáng mồng 5 Tết, người Qui Nhơn, Tuy Phước túa lên cầu Bà Gi, theo quốc lộ 19 qua truông Bà Đờn thẳng hướng Phú Phong, Bình Khê. Người An Nhơn, Phù Cát và các quận phía Bắc ngược quốc lộ số 1 về Nam, qua thị trấn Bình Định, quẹo phải ở ngã ba rạp hát Trà Thanh Châu, đi đường tắc qua nhà thờ Kim Châu, qua An Vinh, Bình Nghi, Bình An thẳng về Tây Sơn. Người An Túc, Pleiku vượt đèo Mang Giang, vượt lưng dốc Hoàng Sơn qua mộ Mai Xuân Thưởng hướng về phía Kiên Mỹ.

Đủ thứ xe cộ, đủ mọi thành phần xã hội và tuổi tác, y phục ngày Tết với khuôn mặt và tấm lòng như Tết; rừng người từ nhiều hướng khác nhau đổ dồn về sông Côn, hướng về điện Tây Sơn.

Quang cảnh toàn bộ khu vực Tây Sơn cực kỳ tươi vui và náo nhiệt. Nghi thức tế lễ cổ truyền đã được tổ chức từ chiều hôm trước, ngày Mồng Bốn Tháng Giêng, và ngày Mồng Năm, Tết Đống Đa dành để tụ hội, vui chơi, thưởng thức chương trình biểu diễn võ thuật, thao diễn trận pháp, ôn lại lịch sử chiến thắng Đống Đa hai trăm năm trước.

Cờ xí, nghi trượng ngợp trời; chiên trống hào hùng, thôi thúc. Rừng người phía trước chen nhau đi tới, rừng người phía sau ùn ùn kéo lên, suốt một bãi cát dài dọc bờ sông Côn đông nghẹt xe cộ và người.

Trên chiếc cầu nhỏ bắt ngang sông Côn, người chen như nêm, nhích từng bước một, Mùa giáp Tết, lòng sông cạn, bãi cát vàng phơi mình mút mắt. Chung quanh cầu, dập dìu tài tử giai nhân, từng đoàn, từng nhóm, giày đẹp giép sang cầm tay, chạy trên cát, lội xuống nước, cười đùa rượt đuổi nhau loạn xạ. Trên cầu, từng lúc lại có những tiếng la chói lói, ít phần do sợ hãi, nhiều phần bởi thú vị, khoái trá! Từng mảng người, hàng chục, có khi hàng trăm, cùng rơi tòm xuống nước. May mắn, cầu thấp, nước cạn, chưa bao giờ có tai nạn đáng tiếc, chỉ có những niềm vui đơn sơ nhưng nhớ đời.

Đến giờ khai mạc, rừng người tập trung đầy nghẹt bãi cát hai bên bờ sông Côn, nghe ôn lịch sử Quang Trung đại đế và chiến thắng Đống Đa. Sau đó chương trình được thay đổi từng năm nhưng thường thường có tiết mục biểu diễn võ thuật Bình Định.

“Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Hàng trăm võ sinh thuộc nhiều võ đường danh tiếng khác nhau nhưng cùng gốc Bình Định, nhịp nhàn và uy dũng thi triển những đường côn, bài quyền đặc sắc của Bình Định mà tương truyền cũng là những thế võ mà đoàn quân bách thắng Tây Sơn xưa kia đã được huấn luyện và sử dụng.

Sau phần võ thuật là màn biểu diễn Nhạc Võ Tây Sơn; đây là một nghệ thuật độc đáo, kết hợp nhạc và võ như tên gọi của nó đã minh thị. Nghệ sĩ biểu diễn dùng hai tay đánh vào bộ trống trận 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau, được ghép lại theo một bộ vị đặc biệt, tạo nên những khúc nhạc hào hùng, lôi cuốn và thúc giục. Nhạc võ có tên là Song Thủ Đả Thập Nhị Cổ. Người sử dụng nhạc võ phải vừa có tâm hồn của một nghệ sĩ, vừa có công lực của một võ sĩ thượng thừa mới có thể dùng nội lực truyền vào hai bàn tay, cánh tay và cả khủy tay để khi tác dụng vào mặt trống tạo nên những âm thanh dũng mãnh và vang động.

Trước năm 1975, người được coi là bậc thầy của nhạc võ Tây Sơn là nghệ sĩ Tân Phong, anh vừa là một họa sĩ vừa là trưởng một ban dân ca của đài phát thanh Qui Nhơn và đã nhiều lần biểu diễn nhạc võ trong các lễ hội hay trong các dịp địa phương đón tiếp quí khách ở trung ương hay nước ngoài đến thăm viếng hay nghiên cứu về văn hóa ở Bình Định.

Phần chính của Tết Đống Đa là màn diễn lại trận Đống Đa của Quang Trung đại đế. Phần biểu diễn được chuẩn bị chu đáo, giàn dựng công phu, sử dụng hàng ngàn người với đầy đủ tướng sĩ, thành lũy, voi ngựa, cờ xí, gươm giáo, y trang, chiêng trống... không khác gì cảnh thật khiến người xem hào hứng, phấn khởi và bồi hồi nhớ lại công đức, chiến tích của tiền nhân.

Những năm cuối thập niên 60, thời tướng N. D làm tư lệnh Quân đoàn II, hội Tết Đống Đa được tổ chức với tầm cỡ quốc gia, có các quan khách thuộc các lãnh vực văn hóa và giáo dục từ Thủ Đô đến dự. Thời gian này, ngoài phần biểu diễn trận pháp cổ truyền, còn được tăng cường với hàng trung đoàn bộ binh diễn hành, thực tập tấn công có pháo binh và chiến xa yểm trợ, có không quân phi diễn và thực tập oanh kích mục tiêu.

Hội Tết Tây Sơn bừng bừng khí thế lạc quan và tin tưởng, lòng người phơi phới hân hoan, vừa tự hào với chiến tích của tiền nhân, vừa lạc quan khi nghĩ về thế hệ cháu con tiếp nối.

Đám trẻ chúng tôi ngày đó, mặc dù nghịch ngợm và vô tâm; mặc dù chưa một lần đến trước điện Tây Sơn để nghiên mình tưởng niệm đại đế Quang Trung, năm nào kéo đến sông Côn cũng chỉ quanh quẩn chen lấn nhau trên cầu, nhiều khi cố tình xô nhau nhào xuống nước, nhất là khi được té chung chùm với cô bạn cùng trường, ngày thường vốn đã nhiều xao xuyến nhưng phải đợi đến dịp này mới dám bày tỏ chút lòng. Dầu sao, có những giây phút, cùng với không khí trầm hùng và uy nghiêm, phảng phất anh linh tiền nhân, cùng với khí thế ngút trời của các chiến binh thời đại phong sương và kiêu dũng, tất cả chúng tôi đều mắt ngời sáng, đầu ngẩn cao, đứng bên bờ sông Côn mơ làm người Quang Trung. Rất nhiều người trong chúng tôi, nhiều năm sau đó đã lên đường, đã đổ máu xương không hề tiếc nuối, không chút hối hận, cho quê hương. Buồn thay... những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Người Việt lưu vong chúng ta, mặc dù do hoàn cảnh phải lìa xa quốc thổ, tứ tán muôn phương, vẫn luôn nhớ về nguồn, vẫn có những phút lắng lòng nghe đâu đó tiếng voi gầm, trống giục, quân reo của chiến thắng đầu xuân năm nào và hình ảnh vị anh hùng áo vải vẫn luôn đậm nét trong lòng mỗi chúng ta, vừa như một niềm kiêu hãnh của quá khứ, vừa như một gợi nhắc, một thôi thúc để mọi người tự vấn lương tâm mình và chọn lựa cách hành xử xứng đáng.

Rất nhiều người, rất nhiều trái tim thi sĩ và tấm lòng Việt Nam, dù biết quê hương nghìn trùng xa cách nhưng vẫn luôn gợi nhắc cho chúng ta, cho thế hệ mai sau những chiến tích huy hoàng của dân tộc, những giai đoạn vẻ vang của lịch sử:

Bắc phạt lập kỳ công
Nhất phá Thanh binh danh kiệt tướng
Tây Sơn hoàn vĩ nghiệp
Thiên thu Việt quốc sử Quang Trung

(Cao Tiêu)

Bình Định anh hùng khởi lục ba
Điều binh Nam Bắc cứu sơn hà
Tướng quân Đệ nhất càn khôn tạo
Đại đế kỳ tài thiên hạ tôn

(Huy Lực)

Hai trăm năm trước vị anh hùng
Áo vải cờ đào vó ngựa tung
Tam Điệp voi gầm, ta phấn khởi
Ngọc Hồi lũy đổ, giặc tiêu tùng
Nửa đêm đại áng gươm loè sáng
Một sáng Thăng Long lửa nổ bùng
Sĩ Nghị chạy dài văng ấn tín
Oai hùng thay, Đại đế Quang Trung

(Bảo Vân)

Thi sĩ gợi nhắc và ngừng lại ở đó, không nói gì thêm. Tuy nhiên, bạn hiểu, tôi hiểu mà; sau những gợi nhắc là những ước mơ và kỳ vọng. Thi sĩ đã làm xong việc của họ; phần còn lại, tùy ở bạn, ở tôi, ở mỗi chúng ta.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo