Mừng ngày Báo chí Cách mạng: Những chàng Z - Dân Làm Báo

Mừng ngày Báo chí Cách mạng: Những chàng Z

Đoan Trang - Câu chuyện tôi kể sau đây có thể khiến vài người khó chịu, chí ít cũng không thấy thoải mái; vài người buồn, thậm chí đau khổ; một số ít người cười nhạt; một số ít chẳng hiểu gì. Nhưng dù sao thì tôi cũng cứ kể, và chấp nhận mọi phản ứng (bằng cảm xúc) từ phía người nghe.


Trước khi bắt đầu, có nhẽ cần đôi lời dẫn nhập. Xã hội dân sự ở Việt Nam chưa kịp – nói đúng hơn là chưa được “tạo điều kiện” – phát triển, nhưng (mẹ khỉ) cái lũ lắm chuyện là bọn viết lách ấy, đã có thú lập hội lập nhóm rồi. Cánh nhà báo luôn bị coi là chiếu dưới trong làng viết, nhưng cũng đú, cũng thích kết thành bè thành phái, bày ra các nhóm nào Ngỗng Trời, nào Vịt Đực, nào Lương Sơn Bạc, nào Châu Chấu, nào Cào Cào v.v.

Hội nhà báo không thẻ, hay là nhà báo tự phong (self-proclaimed journalists) chúng tôi cũng hứng chí lập một nhóm, gọi là Chi Bộ. Các thành viên của Chi Bộ có thói quen gọi nhau bằng các loại mã số, kéo dài suốt từ Z1 cho đến Z131. Nhân vật chính trong câu chuyện tôi kể dưới đây dĩ nhiên có tên riêng, nhưng cho phép tôi gọi anh ta bằng tên chung là Z vì biết đâu anh ta có thể đại diện cho vài người trong chúng ta (tôi hy vọng thế). Cũng xin lưu ý bạn đọc: Nhà báo ở Việt Nam thì cũng có ba bảy loại, như anh chàng này chỉ là một loại mà thôi.


 
* * *

Trong làng báo ở xứ Việt kia, có một kẻ tên là Z. Như tuyệt đại đa số nhân vật chính diện trong các tác phẩm văn học của chúng ta, Z rất đẹp trai, thông minh và tốt bụng, nên được người người yêu quý. Đến tuổi vào đại học, Z thi đỗ Học viện Quan hệ Quốc tế. Không hiểu trời đất run rủi thế nào mà khi ra trường, Z trở thành một trong số hàng nghìn phóng viên đang hành nghề trên đất Việt.

Z vốn thông minh, tự biết mình không được đào tạo bài bản về báo chí nên ra sức tự học. Sẵn có chút tiếng Anh, lại đá thêm tí tiếng Pháp, Z ngày đêm lùng sục tìm các tài liệu về báo chí, hì hụi đọc, dịch, rồi khẩn trương áp dụng vào thực tế. Z những muốn làm cái gì cũng sâu hơn người khác một bậc, cao hơn người khác một trình. Gần một thế kỷ trước, nhà văn Nam Cao đã từng viết thế này, chính là viết về người như Z:

Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn…”.

Ông tổ nghề báo không hoàn toàn phụ Z. Z cũng làm ra được nhiều tác phẩm có chút ít giá trị, theo nghĩa sạch nước cản và nếu ai đó có đọc thì chắc cũng sẽ nhớ được một lúc, vì như đã nói, Z vốn thông minh. Nhưng vấn đề của Z là không có mấy ai xem các tác phẩm của Z cả, tại Z toàn làm cho hết Người Bảo vệ Pháp luật, Nông thôn @, Điện Lực, Dầu Khí, Dân chủ Cơ sở, đến mùa World Cup lại làm cộng tác viên đắc lực cho tờ Tin nhanh Nông nghiệp.

Z làm cả truyền hình nữa, hết Mua sắm 24 giờ rồi lại Nông nghiệp 360 độ, thiếu chút nữa làm cả chương trình chống HIV/AIDS với tên gọi “Sex 24x7”. Z đẹp trai là thế, có tài ăn nói, chịu khó chịu khổ lên hình quần quật, thế mà ra ngoài đường vẫn chẳng ai biết Z là ai. Z tự biết mình không tài vượt thiên hạ, khốn nỗi là nhà báo, mà trước hết cũng là một thằng đàn ông, nên Z thấy bức bối lắm. Hội nhà báo của Z cứ mỗi lần họp chi bộ với nhau, quanh đi quẩn lại lại nói chuyện nghề, rồi chỉ một lát là anh em đã thấy Z to tiếng khi nói về các tác phẩm báo chí đoạt giải của những X, những Y nào đấy:

- Mịa, bài đó viết như kít thế mà cũng được giải. Sặc giọng nịnh bợ. Mà nói thật, không nịnh mấy ảnh thì có mà ăn giải rút!

Có hôm Z lại bảo:

- Em Tuyết Hạnh vừa được anh tổng biên tập đôn lên thư ký tòa soạn. Mình làm cùng em ấy hồi trước, mình biết. Khốn nạn, tài em hèn, sức em mọn, được mỗi cái vốn tự có dồi dào, hị… Nó lên là chết anh em ở đó rồi.

Cả đám nhao nhao phản đối:

- Ông khinh người vừa thôi. Hồi trước nó không có năng lực, bây giờ nó có thì sao? Làm sao ông biết được? Ông là ông tư duy rất không biện chứng đấy nhá! Ghen tị hả?

Z không cãi lại được, đành chỉ ngồi thở dài. Kể ra chúng nói đúng, Z cũng hơi có phần ghen tị. Càng ngày Z càng thấy mình giống cái nhân vật được Nam Cao mô tả kia. Có chút Tây học vào người, Z làm cái gì cũng muốn đạt tới tầm chuyên nghiệp của nó. Z vốn khinh ghét những tên nhà báo ăn tục nói phét, nhiều khi chỉ có mỗi cái việc là nghe người ta phát biểu rồi chép lại cho đúng mà cũng không nên hồn, tệ hơn nữa còn cố tình dựng chuyện để viết bài theo ý mình. Chính chúng làm xấu mặt những nhà báo trong trắng như Z, khiến Z mang tiếng lây - “nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu”. Z cũng khinh luôn, ghét luôn cả cái lũ nhà báo xuống cơ sở vòi tiền trợn mắt, ăn tiền tưởng chết (vì nghẹn). Nhưng Z cũng phải công nhận, chúng có uy thì mới dọa được cơ sở sợ xanh mắt lên mà nôn tiền ra òng ọc như thế. Còn loại lìu tìu “Nông nghiệp 360 độ” như Z, có đi dọa lồi cả mắt cũng chẳng đứa chó nào sợ.

Không biết bao nhiêu lần Z muốn đầu tư công sức để làm ra một cái phóng sự thuộc loại “đỉnh cao khó vượt”, nhưng vấn đề là thời gian và tiền. Ngày nào Z cũng phải có cái tin gì đấy gửi cho tòa soạn, cứ phải chạy đua kịch liệt với thời gian. Z như điên lên vì phải xoay tin. Z còn điên lên vì người yêu cứ nhèo nhẽo, lúc nào cũng “Anh đang ở đâu đấy? Tóm lại là anh có đi ăn với em tối nay không, để em còn biết đường mà hẹn người khác?”… không để yên cho Z tập trung làm gì cả. Z như điên lên vì khi xem nhiều tác phẩm của đồng nghiệp, Z biết mình có thể làm tốt hơn, nhưng mất công lắm, mà Z còn lúc nào để làm gì nữa đâu, mà làm có để cho mục đích gì đâu? Tác phẩm Z tâm đắc thì chẳng ai biết tới. Tác phẩm Z đổ huyết đổ lệ đổ tiền túi vào thì không được đăng vì có vấn đề. Z ức, chỉ biết lẩm bẩm: “Mẹ, có vấn đề thì mới nên chuyện mà viết, chứ không vấn đề thì biết viết cái éo gì?”. Và tiền, nỗi đau muôn thuở của Z là tiền. Nhuận bút cộng lại tưởng là khá, nhưng kiếm ra bao nhiêu Z nướng bấy nhiêu vào ăn nhậu với quần chúng ở dưới cơ sở. Trông Z đẹp trai ngời ngời, ăn nói khéo léo, mà đến lúc trả tiền lại chạy làng thì còn ra cái gì. Vậy nên vì quan hệ, Z phải chi khá tiền. Nhục! Z tự an ủi, thôi coi đó như khoản đầu tư, tính toán làm gì. (Mà đấy là Z còn chưa có một gia đình phải nuôi, lại cũng ít phải chi tiền vào khoản trang phục, trang sức, hóa mỹ phẩm… như các đồng nghiệp nữ đấy, không thì còn túng nữa).

Thế rồi Z đổi tính nết dần. Z trở nên cau có, gắt gỏng. Bạn bè bảo Z yêu nghề vừa thôi, stress mẹ nó rồi. Z thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Z nhớ nhung một cái gì rất xa xôi... những mộng đẹp ngày xưa... một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Z lắc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi”. Và Z nghĩ đến cái tên mình đang mờ dần đằng sau những tên khác ở những tòa báo và đài truyền hình “có đất” hơn... Rồi Z ra về, thờ thẫn.

Một ngày nọ đi phỏng vấn làm cái tin còi, Z may mắn gặp một người được coi như đại gia trong làng kinh doanh ở Việt Nam (kinh doanh cái gì thì ai cũng biết mà thành ra ai cũng không biết). Z nghe tiếng người này đã lâu, vốn từng mê mẩn nhiều câu nói câu viết của người này, đại khái về giá trị, con người, công bằng xã hội v.v. Mãi lần này đi làm tin mới có cơ gặp, Z thầm cảm ơn nghề báo cho mình tiếp xúc với những thiên tài như thế.

Đại gia quả không hổ danh đại gia, nói chuyện với Z toàn bàn những vấn đề hết sức vĩ mô. Người này có thói quen động tới cái gì cũng phân loại, phân hạng, thành đủ thứ miền, tầng, tỷ như “xét về lĩnh vực thông tin, nguồn tin tốt nhất ở Việt Nam là từ giới lãnh đạo, tốt thứ nhì là từ giới quản lý, tốt thứ ba là từ những người làm nghề, tốt thứ tư mới là bọn nhà báo bẩn thỉu”. Z ngồi nghe, lặng người, rồi bỗng nhớ tới thân phận làm báo của mình mà muốn hỏi đôi câu. Z hỏi:

- Như nhà báo chúng em thì được chia thành mấy loại?

Đại gia nheo mắt nhìn Z, rồi bảo:

- Xét về trình độ, anh phân chia các cô các chú thành ba loại. Loại thứ nhất là loại “TRONG VAI”, tức là các nhà báo “trong vai một người có con đi học xa”, “trong vai một người đi mua hàng”, “trong vai một cô gái bán hoa”, tóm lại là trong vai cái chết tiệt gì đấy.

Loại thứ hai là loại nhà báo “CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?”. Đó là loại bức xúc, có tinh thần đấu tranh, đi đâu cũng thấy hừng hực muốn bút chiến.

Z vốn thông minh, hiểu ý ngay, đế thêm:

- Kiểu như là “Cơ quan chức năng ở đâu mà không vào cuộc?”, “Thiết nghĩ đã đến lúc…”, “Hỡi những người có lương tri”?

Đại gia gật gù:

- Chính xác. Còn loại thứ ba là loại nhà báo “VẤN ĐỀ KINH PHÍ”. Đó là loại quen khề khà: “À, vấn đề kinh phí thì ở đâu nó cũng thế thôi anh ạ. Chuyện này phức tạp, đòi hỏi một tiếng nói có trọng lượng, đa chiều kích, có sức thuyết phục. Mà như thế vấn đề kinh phí cũng bị đội lên…”.

Z nghe đại gia liệt kê xong hết ba loại, đã buồn lại buồn thêm, bèn hỏi:

- Anh, em xin thề với anh là em chưa bao giờ có trong đầu khái niệm “trong vai”, “chúng ta phải làm gì đây”, hay “vấn đề kinh phí”. Như thế thì em là loại gì?

Đại gia cười hềnh hệch mà rằng:

- À ừ, còn chú nữa nhỉ? Chú thuộc loại nhà báo thứ tư mà anh vừa nhận ra. Loại này mới hình thành từ khi báo chí Tây mon men vào thị trường truyền thông Việt Nam, tức là vào khoảng năm 2000. Loại này dính tí hơi Tây, có tố chất để trở thành nhân tài, nhưng cũng có máu làm loạn. Nếu không có sự hỗ trợ từ một hệ thống, loại này chỉ thành giặc, còn tố chất của chúng thì cứ mãi là tố chất, cũng như Việt Nam ta mãi chỉ có nội lực. Đó là LOẠI NHÀ BÁO ĐÉO AI BIẾT ĐẾN!

Z nghe xong, rụng rời lửa đốt. Chỉ trong khoảnh khắc Z ngộ ra tất cả mọi điều - những uẩn khúc, những xót xa, những khúc mắc, những ẩn ức có trong người từ bao lâu nay. Z quỳ sụp xuống dưới chân đại gia, chắp tay vái lấy vái để:

- Sư phụ ơi, sư phụ ơi… Sao đến giờ con mới gặp Người? Chỉ có sư phụ là nhìn ra vấn đề của con. Xin sư phụ nhận của con một lạy này, cho con được tôn Người làm sư phụ!

Đại gia xua tay:

- Đừng làm thế, ta không thích!

Z vẫn nức nở không nguôi:

- Sư phụ, sư phụ. Xin Người đi làm truyền thông, xin Người mở tạp chí, mở đài truyền hình đi, con xin về đầu quân cho Người, dẫu gan óc lầy đất cũng nguyện một lòng theo Người, không quên ơn Người.

Đại gia cười:

- Anh cũng muốn giúp chú lắm, nhưng anh vốn không ở trong ngành truyền thông, mà ngành của anh thì chú làm gì có chuyên môn mà làm quân của anh. Thôi chú hãy về đi, cứ yên lòng rồi giông tố sẽ qua.

Đại gia lựa lời an ủi mãi, Z mới gạt nước mắt, đứng lên ra về.

Từ lúc gặp người ấy, Z mới thực hiểu ra nguồn cơn của mọi vấn đề. Z không giã từ nghề báo, nhưng cũng không còn buồn nữa, thấy lòng nhẹ nhàng hơn hẳn. Z lấy làm biết ơn ông ta lắm.

Thế rồi một thời gian sau, Z nghe nói vị đại gia ấy bị thất sủng, đang trên con đường đi tới sự phá sản. Z sửng sốt, không hiểu sao người này vốn nổi tiếng cơ trí mưu lược, về cuối đời lại điên như thế. Z ngơ ngẩn hồi lâu, rồi cũng chặc lưỡi: “Thôi, may mà mình không về đầu quân cho ổng. Âu cũng là cái digital!”.

Đoan Trang 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo