Thành Đồng Nguyên Giáp - Tháng 1/2011 tôi đi Dubai làm việc và kết hợp du lịch. Ngày đầu tiên cô hướng dẫn viên (HDV) ở Dubai nói rằng Các tiểu Vương Quốc A Rập Thống Nhất (UAE) là quốc gia giàu có và an toàn. UAE có 7 tiểu quốc, trong đó Abu Dhabi và Dubai là 02 tiểu vương sầm uất nhất. Ở UAE hầu như không có trộm cắp, đâm chém… Trên đường đi quanh Dubai, HDV chỉ vào các hàng hóa chất đống bên đường không có hàng rào & bảo vệ nói rằng đây là khu vực cảng, hàng ngày đều có tàu bè ra vào bốc dỡ hàng hóa và cứ để như thế nhưng không có mất cắp.
Sau khi ăn trưa xong đoàn tiếp tục đi thì phát hiện có người để quên camera ở trong nhà hàng. HDV nói rằng sẽ không mất. Đúng vậy, đến chiều đoàn quay về thì camera vẫn còn đó.
Ngày hôm sau đoàn từ Dubai qua Abu Dhabi để tham quan và chào Đại Sứ Việt Nam tại UAE lúc đó là anh Khai. Anh Khai có giới thiệu về UAE, tiềm năng ở đây, cũng như hiện nay có hàng ngàn lao động VN đang sinh sống và làm việc tại UAE. Bên cạnh các thông tin về kinh tế tôi ghi nhớ lại nhưng các câu chuyện mà anh Khai kể về sự bận rộn của anh trong việc giải quyết các vấn đề trộm cắp, đánh lộn của người Việt ở UAE làm tôi không thể nào quên.
· Câu chuyện 1: Lao động VN được tuyển để làm ở các công trường. Ở các công trường này cũng như ở hải cảng, không có bảo vệ và kho chứa hàng với tường rào. Vài lao động VN đã lấy cắp đồ trong công trường và đêm đi bán. Nhưng không biết bán ở đâu nên loay hoay rồi bị bắt.
· Câu chuyện 2: UAE rất nể người VN vì sự anh dũng trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Họ tuyển dân VN qua làm bảo vệ ở các công sở và giao súng cho giữ. Các anh em VN nhậu say rồi lấy súng ra bắn lẫn nhau chết người.
· Câu chuyên 3: UAE ký thỏa thuận đảm bảo an ninh năng lượng cho mình và mình đảm bảo an ninh lương thực cho UAE. Chính phủ UAE đưa chuyên cơ gửi hàng ngàn con cừu sang VN để tặng với mục đích là tôi cho cừu anh, anh nuôi đẻ ra cừu rồi xuất bán lại cừu cho tôi. CP VN giao cừu cho tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh làm sao đó rồi sau một năm số cừu này biến đâu mất tiêu hết luôn.
Tôi qua Úc, đến Sydney và đón taxi đi đến khu Cabramatta chơi – đây được xem là khu Vietnam Town ờ Sydney. Khi lên taxi nói điểm đến thì tài xế taxi bảo rằng đến đó cẩn thận coi chừng móc túi và giật đồ. Có thể tài xế không biết tôi là người Việt Nam. Tôi hỏi anh ta từ đâu đến, anh ta bảo “IRAC”. Tôi suy nghĩ chả lẽ dân IRAC hơn mình sao. Nhưng đúng là khi đến Cabramatta thì cần cảnh giác thật.
Ở Nhật người ta thả cá trên các con kênh ven đường – như đường cống của mình nhưng sạch hơn nhiều. Nhưng người ta rào mặt kênh lại. Tôi hỏi vài người bạn Việt thì có người bảo rằng trước đây họ không rào nhưng có nhiều du học sinh, lao động sang Nhật làm việc và bắt hết cá về ăn. Trong số này có người VN.
Ngay tại VN bây giờ ra đường cũng bất an vì trộm cướp, đâm chém. Ở trong nhà cũng không còn an toàn nữa cho cả người lớn, người già và trẻ em. Do đâu mà vậy? Đâu rồi “nghèo cho sạch rách cho thơm?”.
Năm ngoái xem tivi thấy vị chủ tịch lớn nhất thăm một trường nhân dịp khai giảng năm học mới và nói với các cháu học sinh cấp 2 rằng: các cháu có yêu nước không? Các cháu phải ráng lo học để phát triển đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu nhé. Các cháu có đồng ý không? (lúc đó máy quay chiếu cảnh các cháu ngẩn ngơ vài giây rồi mới đồng thanh vỗ tay – chắc là giao viên vỗ tay trước). Năm nay tôi cũng xem tin thời sự chiếu khai giảng ở một trường có sự tham dự của vị chủ tịch dân biểu và tôi cũng nghe vị này nói gần như thế, nào là sánh vai với các cường quốc năm châu, yêu nước, yêu tổ quốc, .v.v… với các em bé miệng còn hôi sữa mới chớm hiểu được tình thương mẹ cha dành cho chúng. Sao lại phải dạy và ủy lạo những điều to tát thế với các bé? Đâu rồi “tiên học lễ hậu học văn”? Cái nhà xây lên từ cát và đá. Nhân cách con người xây lên từ những điều nhỏ quanh ta hàng ngày. Có phải lý giải sự xuống cấp của xã hội này là do các người “cha”, người “mẹ” lớn đang vận hành cái thượng tầng kiến trúc của xã hội này đã đi quá sai và quá xa những nhu cầu của con dân? Tin vào đâu nữa đây - từ anh công an cho đến anh cán bộ xã phường đến các bậc “thầy chú” lớn hơn?