Bao giờ tôi mới hết nhớ... - Dân Làm Báo

Bao giờ tôi mới hết nhớ...

Phương Bích - Mấy hôm vừa rồi, cư dân mạng lên tiếng gọi nhau tiếp tục xuống đường vào chủ nhật. Lý do là thông tin Trung Quốc bất chấp cái tình hữu hảo như đài báo ta vẫn nói, ồ ạt đưa tàu cá vào khu vực đảo Trường Sa, thậm chí có cả tàu lớn tới cả nghìn tấn – tàu cá thông thường chắc chỉ vài tấn – nên cư dân mạng nghi đó là tàu quân sự giả dạng.

Có mấy người cứ gọi điện hỏi tôi: có gặp nhau để bàn bạc xem biểu tình như thế nào cho hiệu quả không? Tôi hơi bực mình, nhưng không tiện phản ứng làm họ mếch lòng, chỉ bảo: cái thứ đàn bà như em thì bàn với ai hả bác. Cẩn thận không chính quyền họ lại quy cho cái tội rủ rê, lôi kéo, cưỡng ép… rồi lại tống giam như chơi đấy bác ạ. Thôi thì em cứ bàn với chính em, rằng mình có đi hay không. Em chỉ huy em, cái đầu em nó ra lệnh được cho mỗi mình em thôi bác ạ.

Cả ngày thứ bẩy, cũng như sáng chủ nhật, chả thấy anh công an khu vực gọi điện hỏi lịch như mọi khi. Thì tôi cứ tà tà, chuẩn bị cơm nước cho bố già xong xuôi, rồi 8 giờ sáng lên đường ra Hồ Gươm. Trong khi tôi chưa làm rõ được cái vụ bắt giữ tôi vô cớ ngày 21/8, thì là tôi cứ phải cẩn thận. Đã có lời nhắn nhe, chỉ cần tôi có mặt trong đoàn biểu tình là họ sẽ bắt tôi ngay đấy, đúng sai hậu xét. Thế là rõ rồi.! Vậy thì tôi đi xem, chụp ảnh đoàn biểu tình, hoặc uống cà phê, nhìn đồng đội tôi từ xa vậy, chẳng lẽ tôi lại không được cả cái quyền đó nữa hay sao?

Ra đến Hồ Gươm, gọi điện loạn lên mới xác định được Minh Hằng đang ngồi uống cà phê ở gần nhà hát múa rối, cùng với một cô công an thành phố, người trong nhóm áp tải tôi từ Mỹ Đình về Hoàn Kiếm. Tôi vốn là người kém quan sát cũng nhận ra ngay, mấy bàn bên cạnh toàn công an cả chìm lẫn nổi. Cô công an ngồi cùng Minh Hằng cũng xác nhận điều đó.

Trước đó, Minh Hằng có nhắn tin, nhờ tôi đem cho hắn cái nón lá lần trước tôi cầm hộ. Trên cái nón có ghi sơn đỏ: TS-HS-VN, Xóm 8 (tám chuyện) yêu nước xuống đường, Đả đảo Trung Quốc xâm lược. Những dòng chữ viết vòng quanh chiếc nón, nên cũng phải cầm nó lên chăm chú đọc mới biết nội dung. Thế mà lúc vừa tôi dừng lại ở Hồ Gươm, có một ông đi xe máy dừng lại ngay bên cạnh, nhìn vào cái nón tôi treo trên tay lái hỏi giọng rất hách:

- Viết linh tinh cái gì thế?

- Sao thế? Đây là nón của tôi, tôi viết gì là quyền của tôi. Hả? Bác là ai? Bác muốn gì?

Tôi đoán đối tượng nào đang “gây sự nên tôi chả việc gì phải tỏ ra nhũn nhặn. Gớm, dân thường lo ăn không xọng, rỗi hơi mà đi quan tâm đến người đi đường viết gì, mặc gì. Thấy tôi tỏ ra “rắn”, cao giọng hỏi ngược lại nên ông ta nhìn tôi hơi phân vân một tý rồi bỏ đi. Hê hê, trước khi đi lại còn chỉ đường cho tôi khi thấy tôi hỏi người đi đường nhà hát múa rối ở chỗ nào.

Giá mà dân ta ai cũng quan tâm như thế, về cái chuyện lao động bất hợp pháp của Trung Quốc đang có mặt nhan nhản trên nhiều vùng miền của đất nước – trong khi dân ta thất nghiệp dài cổ ra - thì tốt biết mấy. Giá mà họ quan tâm đến cái con đường chi chít ổ trâu ổ gà lõng võng nước, đoạn qua bệnh viện nhi với bệnh viện phụ sản, khiến chiếc xe máy của tôi cứ nhảy lên chồm chồm, giữa dòng người đông như kiến như thế này thì tốt biết mấy.

*

Ôi chao, hôm nay Minh Hằng mặc áo dài, kim tuyến xanh lóng lánh, mái tóc dày bồng bềnh không búi ngược lên như mọi khi mà để xõa trên vai... Chặc! Như bác Gốc Sậy nói - đẹp một cách dã man. Cả tôi và cô công an cùng ghen tỵ nhìn hắn đội nón, ưỡn ẹo lượn qua lượn lại trên hè phố tạo dáng…
đẹp một cách ...dã man

Ngồi uống cà phê, quan sát quang cảnh Hồ Gươm, thấy ắng lặng buồn bã khác thường. Nhà văn nào đó tả cảnh Hồ Gươm thanh bình, thơ mộng…..trong khi tin tức nóng hổi ngoài Trường Sa đang làm bao con tim thắt lại vì lo âu và căm phẫn. Thấy thiếu vắng những hình ảnh máu lửa, sục sôi với những băng rôn, biểu ngữ và màu đỏ của lá cờ Tổ quốc hôm nào, thiếu vắng những tiếng hô hào hùng của hàng trăm con người, mà ông giám đốc công an thành phố cũng như ông bí thư thành ủy công nhận đó là những người biểu tình yêu nước.

Không có biểu tình! Một số người quen đi qua cũng chỉ vui vẻ chào hỏi nhau rồi lại đi tiếp. Xuân Diện đi qua cũng ghé lại chào hỏi, chụp ảnh chung với tôi và Minh Hằng cùng một chị mới quen tên là Hồng Phi. Tôi muốn đi bộ 1 vòng quanh Hồ Gươm quá mà vướng cái xe máy, chả gửi được chỗ nào gần hồ. Thôi thì đằng nào cũng chả có biểu tình, mà tôi lại chả có hứng thú ngắm những người tản bộ an nhàn quanh Hồ Gươm. Hơn nữa mấy bữa trước, bố anh Khang – một đồng đội chưa quen biết của tôi – quy tiên. Chúng tôi đã đến viếng cụ và chia buồn cùng gia đình. Bởi vậy, từ hôm qua anh ấy đã nhắn tin, tỏ ý sáng chủ nhật này, mời mọi người ra uống cà phê ở phố Trấn Vũ để có lời cảm ơn.

Thế là tôi và Minh Hằng cùng chia tay cô công an. Tạm biệt Hồ Gươm, chúng tôi thẳng hướng Trấn Vũ mà tiến.

Đến nơi, gặp lại rất nhiều người đã lâu không gặp. Cả mấy bác lớn tuổi như bác tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, bác đại tá Nguyễn Đăng Quang – người bị bắt lên xe buýt cùng tôi ngày 21/8, bác Tô Oanh lặn lội từ Bắc Giang lên…tất cả ai nấy đều hoan hỉ chào đón, bắt tay nhau rối rít.

Nơi gặp gỡ giản dị chỉ là quán nước vỉa hè. Bấy giờ tôi mới thực sự biết anh Khang. Nghe anh ấy kể lại chuyện cùng bị bắt vào Hỏa Lò như tôi, chỉ vì cái nghĩa cử với đồng đội bị bắt hôm 21/8. Anh ấy bình thản kể lại chuyện bị một công an viên tát vào mặt, bị cạo trọc đầu, bị lột quần áo… Bọn họ đã hỏi khi thấy trên người anh ấy rất nhiều sẹo. Và anh ấy cho họ biết, anh từng là lính chiến đấu trên chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, những vết sẹo là do bị thương trong chiến tranh. Anh Khang nói sau đó, bọn họ cũng có vẻ xấu hổ. Thoạt đầu anh ấy bị giam chung với người đã có tiền án tiền sự. Đám tù cũ bắt anh ấy ngồi bó gối, úp mặt xuống…định đánh phủ đầu anh ấy. Nhưng trước lời lẽ và thái độ bình thản của anh Khang, biết anh từng là lính chiến đấu thời chiến, đám thủ lĩnh thay đổi hẳn thái độ, lập tức mời ngay anh ấy lên “chiếu trên”…

Mới chỉ kịp nghe anh ấy kể qua như vậy, tôi còn chưa kịp uống cái gì thì xe cảnh sát 113 đã xuất hiện. Ban đầu họ yêu cầu nhân viên quán dẹp xe máy. Sau thấy mọi người vẫn vui vẻ chuyện trò, họ lại yêu cầu tiếp: dẹp bàn ghế trên vỉa hè.

Ui cha, giá như lúc nào họ cũng tỏ ra mẫn cán như vậy. Sống ở Hà Nội ngần ấy năm, ai còn lạ gì các quán vỉa hè. Vỉa hè dành cho người đi bộ là khá xa xỉ đối với dân thủ đô. Thậm chí người ta còn cho rằng quán vỉa hè là một nét ẩm thực riêng của Hà Nội, tuyệt nhất thế giới! Quán vỉa hè còn đi vào cả trong thơ ca: “quán cóc liêu xiêu một câu thơ, Hồ Tây tím mờ…”, ai mà chả biết bài hát này. Tôi vừa thử gõ vào google: ẩm thực vỉa hè Hà Nội, có mà ra cả đống

Đương nhiên tất thảy chúng tôi đều biết, lý do chính của sự mẫn cán ấy là gì. Tự mình thấy thương mình quá. Lại bắt tay nhau tạm biệt, hẹn một dịp khác gặp lại. Một số người còn thích quay lại Hồ Gươm.

Vì cũng đã gần hết buổi sáng, tôi với Tiến Nam về cùng đường, tính rủ thêm mấy anh em đi ăn trưa. Hai chị em cố vòng qua đại sứ quán Trung Quốc, phun đại một bãi nước miếng cho bõ tức, rồi khoái chí cười hi hí với nhau như trẻ con.

Vào quán rồi, gọi được thêm mấy vị nữa đến cho vui, mấy khi được gặp nhau?

Trong lúc ăn, mọi người vui vẻ kể chuyện đi dạo, vòng qua vòng lại đến 8 lượt quanh Hồ Gươm! Khiếp quá, đi thế có mà bằng đi bộ marathon à? Đã thế lại còn không đi một hơi liền tù tì, cứ lấy chỗ đối diện với Ủy ban làm mốc để lộn đi lộn lại, khiến mấy vị bất đắc dĩ đi theo tháp tùng phải càu nhàu: chóng hết cả mặt!!!

Tiếc quá! Thế mà tôi cứ ngồi một chỗ thẩn thơ ngậm ống hút. Minh Hằng mặc áo dài đẹp thế cũng chả lượn được vòng nào. Nhất định tôi sẽ ép cân, để còn được mặc áo dài, để cùng với Minh Hằng đi dạo Hồ Gươm nữa chứ.
Phương Bích 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo