Vi Toàn Nghĩa (danlambao) - Tôi vốn là người làm về kỹ thuật, trước đây tôi cũng chẳng mấy quan tâm về chính trị. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây thấy xã hội biến chuyển nhiều và nhanh quá nhưng lại thật buồn là toàn những biến chuyển xấu và rất xấu!
Này nhé:
Mớ rau muống ngày càng đắt (google: "tăng trưởng nhà nước và tăng trưởng gia đình").
Công an đạp vào mặt người biểu tình yêu nước - " ông tướng" lại chối bay.
Người ta có quyền bắt người từ một thông báo vu vơ - không có địa chỉ nhận cũng chẳng có người ký. (google: "từ một thông báo vu vơ đến một xã hội vô trách nhiệm").
Người dân "không đội mũ bảo hiểm" - khả năng chết vì bị đánh tương đương với khả năng chết vì tai nạn giao thông.
Mấy thầy giáo mà tôi kính phục và yêu quý lại "té ra" là "phản động".
Một bác cán bộ lại dám gọi các cán bộ lãnh đạo là "con sâu, bầy sâu? " - tội này giống tội của lão HÀ VŨ rồi - sao không bắt nhỉ? công an đâu rồi?
Văn học lại "hóa ra tên lửa?".
"Dân quyền" khác với "dân chủ" thế nào?
"Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại !"(tôi thấy ở trang 1 của các sách nói về "ấy" đều gi như vậy ). Thôi chết ! nếu thế sau này đảng mình "liên hiệp "với" đảng ấy" thì dân tộc mình đứng chỗ nào nhỉ?
...
Có phải "nhà nước pháp quyền" là phải thế? phải thế? Có phải điều đó có nghĩa rằng người "có quyền" mới được "hưởng luật pháp"?.
Quá hoang mang tôi đành phải tìm đến gu gồ: "NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN".
Té ra: nhà nước pháp quyền là "không ai có quyền ở trên luật hay mọi người phải tuân theo pháp luật", "pháp quyền có quan hệ mật thiết với tam quyền phân lập" (bách khoa toàn thư mở ).
Vậy: "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" là chi vậy? Xem tiếp! Lại té ra: là nhà nước "tam quyền không phân lập mà có sự chỉ đạo thống nhất".
Đây là cái mới! cái rất mới! là sự sáng tạo của đảng ta cho dân ta và cũng có tham vọng cho nhân loại!
Nó được bác Đỗ10 nêu ra hội nghị ban chấp hành trung ương khóa XII (29/11/1991).
Tôi thì cứ coi rằng đây là "định luật Nưu Tơn thứ 4"-cho dễ hiểu. Định luật này được cụ thể hóa phần "lý thuyết" do "nhà vật lý Nông Đức Mạnh" trong một kỳ họp quốc hội khóa XII (19/7/2007 ).
Lý thuyết, lý luận đã xong, còn bây giờ là phần kiểm nghiệm bằng thực tiễn, đem nhân dân ra thí nghiệm.
Thảo nào! tôi thấy các vụ xử án, kết án nó cứ "khang khác thế nào ấy". Này nhé:
- Vụ Hà Giang (gõ đến đây tôi lại thấy thương cháu Hằng,Thúy và gia đình hai cháu)
- Vụ PMU 18.
- Vụ lão Hà Vũ.
- Vụ 30.000vnd ở viện mắt.
- Vụ in tiền.
- Vụ Vinashin.
- Vụ lão chăn bò không biết chữ "lợi dụng chức vụ và quyền hạn " ở Vĩnh phúc.
- Vụ công an Tùng Dương.
- Vụ 2 ông nông dân say rượu và 2 con vịt.
- Vụ đua xe tắc xi gây tai nạn trên đường Láng - Hòa Lạc.
- Vụ mấy ông không đội mũ bảo hiểm "tự nhiên đột tử" trong đồn công an.
- Vụ chị Ba Sương (gõ đến đây tôi lại nghĩ đến phận con người).
- Vụ....
- Vụ....
- Vu.....
Nó cứ dài ra mãi mà "chặt hết tre (không phải trúc) Nam Sơn không ghi hết được".
Có nên chăng thêm vào chữ: "XỬ" vào cụm danh từ "TÒA ÁN NHÂN DÂN" để thành "TÒA ÁN XỬ NHÂN DÂN"?
Và cũng có nên chăng: cải cách hành chính bỏ đi 2 cơ quan "LẬP PHÁP, TƯ PHÁP" chỉ nên giữ lại "HÀNH PHÁP" thôi? Vì thực sự chỉ cần biết tội nhân "là con ai?", "làm chức vụ gì?", "giàu hay nghèo"... là biết mức án luôn. Án có trước, xử sau. Như vậy ta chỉ cần HÀNH dân bằng tập trung vào việc lo "bơm, kim tiêm, thuốc độc, nhà tù" cần quái gì tranh tụng, tố tụng nữa!. Có chỉ đạo thống nhất rồi mà! Sẽ đỡ rất nhiều tiền thuế của dân.
Không biết tôi nghĩ thế có đúng không, hỡi các bạn?
Đây hoàn toàn là những câu hỏi của người còn "ấu trĩ" về chính trị như tôi.
Ngu thì phải hỏi thôi. Biết làm thế nào?.
Đêm trắng.