Le Nguyen (danlambao) - Tư tưởng có trước hành động, tư tưởng chỉ đạo hành động và góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển xã hội loài người. Trong chiều dài lịch sử nhân loại, có tư tưởng mang giá trị muôn đời muôn thuở, có tư tưởng chỉ đáp ứng được một giai đoạn nào đó cho nhu cầu phát triển xã hội loài người. Những giá trị tư tưởng hữu dụng ngày hôm nay chính là kết quả của ưu tư, trăn trở lẫn kinh nghiệm xương máu trùng trùng, điệp điệp của lớp người ngày hôm trước.
Thời gian cứ dần trôi, thế hệ cũ mất đi thế hệ mới tiếp nối, nhân loại cứ lầm lũi hướng về ánh sáng tư tưởng, cứ tiến bước một cách lạnh lùng về phía trước và mỗi lần khủng hoảng xã hội lại có nhiều tư tưởng mới ra đời. Từ tư tưởng “Từ Bi Hỉ Xả”, “Bốn biển Là Anh Em” đến “Công Bằng Bác Ái”..., “Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền”... lần lượt dẫn đưa xã hội loài người phát triển hướng đến tương lai.
Hôm nay, thời chúng ta đang sống là thời đại dân chủ vẫn không ngoại lệ. Để xã hội loài người phát triển phải có tư tưởng, giá trị tư tưởng điều hướng như đã và từng xảy ra trong lịch sử.
Vậy tư tưởng nào đáp ứng được cho nhu cầu điều hướng xã hội loài người phát triển của thời hiện đại, thời đại dân chủ?
Thời chúng ta là thời đại dân chủ, dù chưa hoàn chỉnh nhưng dần dần hoàn thiện theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn cho xã hội loài người do bốn hệ thống tư tưởng chủ đạo của mô hình tổ chức cai trị trong thể chế chính trị dân chủ. Bốn hệ thống đó là: Chính trị dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội pháp trị và cam kết hoà bình.
1) Chính trị dân chủ là hệ thống tổ chức cai trị do dân làm chủ, cơ cấu hệ thống tổ chức này, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền tham gia gián tiếp hoặc trực tiếp vào công tác tổ chức cai trị cộng đồng, quốc gia theo đúng luật pháp, hiến pháp (hiếnpháp là bản giao kèo, bản hợp đồng, là văn bản thoả thuận của giai cấp thống trị với tầng lớp bị trị tức là sự đồng thuận của chính phủ với người dân trong tổ chức cai trị). Nói cách khác chính trị dân chủ là mô hình tổ chức cai trị mà trong đó người dân thật sự phát huy được quyền làm chủ đất nước, làm chủ đời sống của chính mình. Chẳng hạn như được quyền ứng cử, được quyền bầu chọn đại diện mình vào bộ máy cai trị của nhà nước, được quyền truất phế lãnh đạo sai phạm, đi ngược ý chí nguyện vọng lẫn quyền lợi của người dân.
2) Kinh tế thị trường, kinh tế tự do hay thị trường tự do là mô hình tổ chức kinh tế hoàn toàn tự do, mọi thành phần xã hội tham gia hoạt động kinh doanh, sản xuất đều có cơ hội và bình đẳng như nhau, được luật pháp bảo vệ. Nhà nước chỉ giữ vai trò trọng tài, giám sát, điều phối hệ thống kinh tế sao cho mọi thành phần tham gia phải minh bạch trong giao dịch, công bằng trong cạnh tranh cách hữu hiệu nhất có thể được. Nói cách khác, kinh tế thị trường là cách làm ăn buôn bán tự do cho mọi thành phần xã hội với môi trường cạnh tranh lành mạnh, cơ hội bình đẳng cho mọi đơn vị tham gia và giá cả tăng giảm do qui luật cung cầu thị trường chi phối, không bị nhà nước can thiệp. Nhà nước chỉ giữ vai trò trọng tài, giám sát, điều phối và nếu có chỉ là “kỹ thuật chuyên nghiệp” của lãnh đạo nhà nước.
3) Xã hội pháp trị là mô hình tổ chức cai trị xã hội, trong đó luật pháp giữ quyền lực tối cao, không ai là ngoại lệ, không ai được quyền đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Mọi người ai, bất cứ địa vị nào của cộng đồng, của quốc gia, dù quan chức hay dân thường, dù lãnh đạo tối cao trong chính phủ hoặc dân đen ngoài xã hội đều bình đẳng trước pháp luật, đều bị luật pháp chi phối. Luật pháp được sử dụng trong hệ thống pháp trị phải, cũng như đã được đồng thuận của giai cấp thống trị và tầng lớp bị trị, tức sự thoả thuận giữa người dân với chính quyền.
Cần nên nói thêm, pháp trị mà chúng ta đang nói đến, đang bàn tới là xã hội pháp trị của thời đại dân chủ, thời đại người dân làm chủ đất nước chứ không phải pháp trị đã từng xảy ra trong quá khứ, trong thời đại quân chủ, thời vua làm chủ đất nước. Sự khác biệt của pháp trị thời dân chủ với pháp trị thời quân chủ là hệ thống luật pháp sử dụng trong mô hình tổ chức cai trị pháp trị.
Luật pháp áp dụng cho pháp trị thời quân chủ xưa là do ý chí của vua, của giai cấp thống trị. Luật pháp áp dụng cho pháp trị thời dân chủ ngày nay là do ý chí của toàn dân, có sự đồng thuận của giai cấp thống trị với tầng lớp bị trị. Chính nền pháp trị này hình thành chuổi giá trị tư tưởng của thời đại dân chủ gồm chính trị dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội pháp trị và cam kết hoà bình.
4) Cam kết hoà bình là ý tưởng văn minh tiến bộ của nhân loại thời hiện đại nhằm giảm bớt bạo lực trong xung đột, mâu thuẫn gây thiệt hại cho cả đôi bên tham gia tranh chấp. Ý tưởng cam kết hoà bình được thể hiện qua thương lượng, đối thoại trong mọi cuộc tranh chấp, từ cá nhân, gia đình, đảng phái, quốc gia cho đến quốc tế và những cam kết này ghi rõ chi tiết những điều giao ước của hai người, hai nhóm, hai phía bằng văn bản, để phía thứ ba trung lập có cơ sở làm trọng tài xét xử khi tranh chấp xảy ra.
Cam kết hoà bình cấp cá nhân thường thấy là các hợp đồng trao đổi, mua bán được sử dụng như bằng chứng cho tranh tụng tại toà, như hợp đồng bảo hiểm xe cộ, tài sản, rủi ro trong kinh doanh nhằm làm cho mọi cá nhân, nhóm, tổ chức kinh doanh an tâm khi tai nạn bất ngờ ập đến, nhằm giảm thiểu vấn nạn gây ra cự cãi, đâm chém chết người hoặc kinh doanh thua lỗ gây tuyệt vọng dẫn đến tự huỷ mình. Bởi mọi hư hao, thất thoát, thua lỗ đã được hợp đồng cam kết hoà bình, hợp đồng bảo hiểm bảo đảm bồi thuờng thoả đáng, giúp mọi người sống chung trong cộng đồng, xã hội an tâm sống và làm việc, không trở nên hụt hẩng khi chuyện bất ngờ phủ chụp xuống cho mỗi người và mọi người.
Cam kết hoà bình cấp quốc gia được thể hiện qua các cuộc đàm phán song phương do tranh chấp lãnh thổ, mâu thuẫn quyền lợi, xung đột lợi ích bằng con đường hoà bình thay vì chiến tranh như thời kỳ cổ, trung và cận đại; hay đàm phán đa phương trong các hội nghị thượng đỉnh cấp khu vực hoặc toàn thế giới nhằm tìm kiếm giải pháp chung cho nhân loại như vấn đề ô nhiễm môi trường, hiệu ứng khí thải nhà kiếng, vũ khí sát thương hàng loạt, vũ khí hoá học, hạt nhân... cùng tất cả vấn nạn chung của cộng đồng thế giới nhân loại, đều được khuyến khích đặt trên bàn đàm phán, thương thuyết theo cách hoà bình. Vì thế, ý tưởng cam kết hoà bình được xem như một trong hệ thống giá trị tư tưởng của thời đại nằm trong chuỗi giá trị, chính trị dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội pháp trị và cam kết hoà bình.
Tóm lại qua quan sát, tiếp cận, ghi nhận những thành quả rực rỡ của thể chế chính trị dân chủ mang đến cho người dân các nước đã, đang sống trong, chỉ ra cho toàn nhân loại bảng giá trị thời đại bao gồm chính trị dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội pháp trị và cam kết hoà bình, đã kết nối bện chặt, đã hỗ trợ tiếp ứng cho nhau cách hữu hiệu đáng kinh ngạc trong nhiệm vụ, vai trò dẫn dắt xã hội loài người phát triển, so với các mô hình tổ chức cai trị quân chủ đã được loài người áp dụng, hàng nghìn năm trước đó và ngay cả độc tài quân phiệt, cộng sản của thời hiện đại. Thế cho nên tư tưởng mới, bảng giá trị thời đại gồm chính trị dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội pháp trị và cam kết hoà bình, xứng đáng là tư tuởng chỉ đạo, là tư tưởng nền tảng phát triển cho các quốc gia, các xã hội loài người của thời hiện đại, thời đại dân chủ.
Từ giá trị thời đại của thời đại dân chủ, môt lần nữa chỉ ra cho nhân loại thấy được anh em song sinh của dân chủ tư sản là dân chủ cộng sản, thật ra bản chất dân chủ cộng sản là dân chủ giả hiệu, là độc tài đảng trị, một mô hình tổ chức cai trị phản động, đi ngược lại trào lưu tiến hoá của xã hội loài người. Nó, chính nó là mô hình tổ chức cai trị độc tài quân chủ trá hình mang danh dân chủ, trong thể chế này vẫn còn hủ tục “thế tập” cha truyền con nối, vẫn còn chung chia quyền lực lẫn quyền lợi cho hoàng thân quốc thích, cho giai cấp quý tộc “cộng sản”và các “vua cộng sản”này vẫn còn nắm quyền làm chủ đất nước y như đêm trước cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân của thế kỷ trước. Mô hình tổ chức cai trị của dân chủ cộng sản là mô hình tổ chức cai trị phản động đúng thật với ý nghiã mà nó mang, tổ chức cai trị này đã hỏng, đã gây nhiều đau khổ cho nhân loại cần phải được thay thế bằng tư tưởng mới của chính trị dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội pháp trị và cam kết hoà bình. Bảng giá trị mới của thời đại dân chủ.