"Lao động giản đơn Trung Quốc tiếp tục vào Việt Nam vì có sự thông đồng giữa chủ lao động Trung Quốc với nhà chức trách Việt Nam..." - Gs. Carl Thayer.
*
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát và nghiên cứu Việt Nam nhiều năm, vừa đưa ra một số nhận định về giải pháp cho làn sóng lao động tay nghề thấp Trung Quốc vào Việt Nam.
Trong một tài liệu được ông công bố qua mạng, GS Thayer phân tích về nguyên nhân có thực trạng lao động này bất chấp chính quyền cấp địa phương cam kết ra tay.
Theo GS Thayer, lao động giản đơn Trung Quốc tiếp tục vào Việt Nam vì có sự thông đồng giữa chủ lao động Trung Quốc với nhà chức trách Việt Nam.
Lao động giản đơn Trung Quốc hoặc được cấp thị thực du lịch hoặc được cấp giấy phép lao động như công nhân lành nghề mà không được kiểm tra thích hợp.
Thực trạng này đặt ra các câu hỏi về mối quan hệ giữa những công ty Trung Quốc và biên phòng Việt Nam cũng như chính quyền địa phương tại Việt Nam.
Trong khi có tình trạng công nhân không có tay nghề Trung Quốc lấy mất việc làm từ lao động địa phương Việt Nam thì cũng thực tế là họ hiệu quả hơn trong công việc bởi họ hiểu được cách làm việc và ngôn ngữ của chủ lao động của họ.
'Không tuân thủ luật'
Công nhân Trung Quốc cũng hình thành cộng đồng riêng tại địa phương nơi họ cư trú và cũng có tin nói họ không tuân thủ luật Việt Nam.
Thực trạng lao động không phép và tay nghề thấp của Trung Quốc tại Việt Nam cũng được xem là vấn đề để các chính khách đem ra đấu đá nội bộ.
Chủ lao động Trung Quốc liệt kê nhiều lao động giản đơn là công nhân có tay nghề.
Vậy thay vì đổ lỗi lẫn nhau, nhà chức trách Việt Nam có thể làm được gì?
Theo GS Thayer, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng liên quan trực tiếp phải họp bàn và thông qua một chính sách áp dụng trên phạm vi quốc gia và phải được thực hiện nghiêm khắc.
Tiền phạt khi không tuân thủ các quy định của pháp luật phải được tăng cho cá đối tượng không tuân thủ.
Tiền phạt hiện quá thấp và chủ lao động Trung Quốc có thể trả tiền dễ dàng.
Chính quyền địa phương phải được thông báo kiểm tra giấy phép lao động và lý lịch của toàn bộ cái gọi là công nhân lành nghề Trung Quốc tại Việt Nam cũng phải được kiểm tra.
Bất kỳ người Trung Quốc nào bị phát hiện tới Việt Nam bất hợp pháp nên bị phạt tiền và trục xuất lại Trung Quốc, theo GS Thayer.
Phải đặc biệt chú ý an ninh biên giới với Trung Quốc để đảm bảo rằng họ nghiêm ngặt khâu xin thị thực cũng như yêu cầu cấp giấy phép lao động.
Được biết một nghị định mới có hiệu lực kể từ đầu tháng Tám, các doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu hợp đồng với chính phủ Việt Nam sẽ được yêu cầu ưu tiên cho người lao động Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Chính phủ Việt Nam có thể tận dụng tối đa của Nghị định này để tránh khỏi có nguy có làn sóng công nhân Trung Quốc không có tay nghề cơ tràn ngập đất nước một lần nữa?
GS Thayer cho rằng quản lý bằng nghị định là không đủ.
Theo ông, Việt Nam cần phải thay đổi cơ chế khuyến khích để các công ty nước ngoài sẽ thực hiện theo pháp luật.
Ngoài ra, Việt Nam cần giám sát và kiểm soát thực hiện nghị định này.
Trung Quốc trả đũa?
Việt Nam cũng nên cân nhắc các hình thức phạt tiền nặng hoặc phạt tù đối với người vi phạm nhiều lần.
Luật lệ nên nhắm tới cả công ty nước ngoài lẫn quan chức địa phương giúp đỡ người nước ngoài trốn tránh pháp luật.
Tuy nhiên Việt Nam có thể trừng trị thẳng tay những công nhân Trung Quốc tay nghề thấp bằng cách thắt chặt giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc ở Việt Nam hay không? Có cách nào cho Việt Nam để giảm thiểu thiệt hại đa diện?
Đó là bởi nếu điều đó xảy ra, thiệt hại không chỉ đối với phía Trung Quốc mà còn cả lao động nước ngoài khác là không thể tránh khỏi.
Theo GS Thayer, giấy phép lao động là cho người lao động có tay nghề cao.
Nhiều công nhân Trung Quốc không có tay nghề được cấp giấy phép lao động vì chủ lao động nói rằng họ là lao động có kỹ năng.
Việt Nam cần cải thiện thủ tục kiểm soát của mình để chỉ cấp phép những người có trình độ thích hợp.
Điều này sẽ áp dụng đối với cả công nhân Trung Quốc và người nước ngoài có quốc tịch khác.
Ngoài ra, cần ghi nhận nhập cư bất hợp pháp là con đường hai chiều.
GS Thayer nói truyền thông Trung Quốc đưa tin có ít nhất 10.000 lao động Việt Nam bất hợp pháp ở Quảng Tây.
Con số này chắc chắn là cao hơn nếu tính số lao động Việt tại các tỉnh khác nữa và ông Thayer lưu ý rằng Việt Nam phải chuẩn bị cho sự trả đũa của Trung Quốc.