Mẹ Việt Nam ơi! - Dân Làm Báo

Mẹ Việt Nam ơi!


Quách Đình Đạt - Thú thực, sau khi đọc được tin người ta định xây dựng tượng Mẹ Việt Nam anh hùng với chi phí hơn 400 tỉ, tôi cứ day dứt mãi. Dù không sinh ra trong thời chiến, nhưng qua những thước phim, lời ca, trang sách, tôi cũng vẫn cảm nhận được những hi sinh, mất mát của các Mẹ.


Khi đã sinh con ra, mẹ nào cũng muốn con mình yên ấm, hạnh phúc. Nhưng vì đất nước, các mẹ lần lượt tiễn những đứa con thân yêu ra chiến trường. Việc chăm sóc các Mẹ Việt Nam là trách nhiệm của toàn xã hội, sao cho xứng đáng với những hi sinh của mẹ và các con của mẹ cho cuộc sống thanh bình hôm nay. Tuy nhiên, việc làm như thế nào lại là một điều thực đáng suy nghĩ sao cho thấu đáo.

Ngày 14-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ký quyết định bổ sung 330 tỉ đồng cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tại khu vực núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), nâng tổng số tiền đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh lên hơn 410 tỉ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt ban đầu là 81 tỉ đồng (vào tháng 8-2007).

Với tổng mức đầu tư như vậy, UBND tỉnh Quảng Nam có "tham vọng" xây dựng lên một tượng đài lớn nhất Việt Nam và lớn nhất toàn Đông Nam Á. Giả sử, nếu công trình được xây dựng thành công, sẽ là một công trình biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh sự hy sinh lớn lao của các mẹ, và là một tấm gương cho các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, còn có những điều trăn trở. Và dù có ai chế cười, đánh giá là thiển cận, thì cũng phải nói cho ra. Khi bức tượng được hoàn thành, ai sẽ được nhớ đến?

- Người ta nhớ tới con người tài hoa đã thiết kế công trình vĩ đại này?

- Nhiều người nhớ công của vị chủ tịch Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ?

Thế nhưng, còn hàng ngàn bà mẹ khác trên đất nước mình thì sao. Hầu hết các mẹ đều sống trong hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà nước không đủ kinh phí để xây dựng nhà tình nghĩa, còn phải nhờ tới bàn tay của nhiều doanh nghiệp,các nhà hảo tâm. Con biết các mẹ vẫn vững tin, và không đòi hỏi. Nhưng đó là trách nhiệm "báo hiếu" mà chúng con phải làm.

Vừa qua, Kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2011), sáng 25-7-2011 Quận ủy, UBND quận 8 làm lễ trao 17 căn nhà tình nghĩa cho 17 hộ gia đình chính sách (12 gia đình liệt sĩ, 5 thương binh) trên địa bàn quận. Tổng trị giá là 3,2 tỷ đồng. Trung bình 1 căn nhà là 188 triệu đồng. Vậy với 410 tỉ, ta có thể xây khoảng 2.200 căn nhà tình nghĩa.

Đất nước mình còn hàng ngàn bà mẹ khác cũng chịu nhiều hy sinh mất mát. Chúng ta ai cũng vậy, đều muốn chăm sóc và phụng dưỡng mẹ mình khi còn sống. Chẳng ai muốn để mẹ khổ, rồi khi thác lại khóc thương. Nếu có ai đó quanh ta như vậy, hẳn sẽ bị cho rằng bất hiếu. Từ đó, có thể thấy những việc làm  thực tế quan trọng hơn việc tạo nên cái "danh".

Chưa nói tới chuyện ai "ăn được gì", quản lý công trình có thất thoát hay không, chỉ cần nghĩ tới tính thiết thực thôi cũng thấy cũng cần phải suy xét lại.

Xin lấy lời bài hát "Người Mẹ của tôi" của tác giả Xuân Hồng thay lời kết

"Mẹ Việt Nam ơi! mẹ Việt Nam ơi!
khi con đi qua khắp nẻo đường, nghe đau thương chìm trong khói hương.
Mong sao cơn mưa gió vô thường không lung lay làm rớt hạt sương.
.....
Mẹ Việt nam ơi! mẹ Việt Nam ơi!
Cho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin sẻ đôi bát cơm,
cho con hôn đôi mắt mỏi mòn cho con soi lại bóng hình con."

Đừng để mưa gió vô thường làm lung lay mẹ, hãy chia sớt nỗi buồn, sẻ đôi bát cơm. Đừng biến mẹ thành... tượng đá!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo