Thanh Phương (RFI) - Theo tin báo chí trong nước, ngày 14/06/2012 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất cáo trạng truy tố nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ về tội "đưa hối lộ" và đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Tòa án Nhân dân TPHCM. Nhưng giới luật sư không đồng tình với bản cáo trạng này.
Nhà báo Hoàng Khương đã bị tạm giam từ ngày 02/01/2012, sau khi viết một loạt bài đăng trên báo Tuổi Trẻ nói về tệ nạn nhận hối lộ của cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Để có bằng chứng viết bài, phóng viên này đã thông qua Tôn Thất Hòa làm trung gian để tiếp xúc và đưa hối lộ 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức, cán bộ đội cảnh sát giao thông Bình Thạnh, nhằm lấy lại một xe gắn máy bị tạm giữ.
Trong vụ này, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM quyết định truy tố Huỳnh Minh Đức về tội « nhận hối lộ », truy tố Tôn Thất Hoà về tội « làm môi giới hối lộ », nhưng truy tố luôn cả nhà báo Hoàng Khương về tội « đưa hối lộ », cùng với 3 người khác.
Mặc dù phóng viên Tuổi Trẻ vẫn cho rằng anh chỉ thực hiện các hoạt động tác nghiệp báo chí, để lấy chứng cứ, tư liệu cho các bài viết, nhưng theo bản cáo trạng, việc làm của Hoàng Khương là « xuất phát từ lợi ích cá nhân », chứ không chỉ là tác nghiệp báo chí. Theo Bộ Luật hình sự Việt Nam, người phạm tội « đưa hối lộ » có thể lãnh án tù từ 6 đến 13 năm.
Ngay từ khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra vào tháng trước, báo Tuổi Trẻ đã phản đối việc truy tố nhà báo Hoàng Khương, cho rằng bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra "chưa đủ sức thuyết phục vì thiếu căn cứ pháp lý và thực tế ". Theo Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, nhà báo Hoàng Khương chỉ sai trong phương pháp điều tra, mục đích chủ yếu của anh là chứng minh tiêu cực trong lực lượng công an, chứ không nhằm lợi ích cá nhân.
Sau khi có bản cáo trạng truy tố nhà báo Hoàng Khương, tờ Tuổi Trẻ hôm qua cũng đã đăng ý kiến của một số luật sư về vụ này. Đối với luật sư Trương Xuân Tám, Uỷ viên Hội đồng luật sư toàn quốc, cáo buộc Hoàng Khương đưa hối lộ là không đúng về mặt pháp lý, vì anh chỉ tìm chứng cứ để viết bài phản ánh tiêu cực theo sự phân công của báo Tuổi Trẻ. Theo vị luật sư này, nếu nhà báo Hoàng Khương có sai sót thì chỉ cần giao cho cơ quan chủ quản xử lý hành chính.
Về phần luật sư Trịnh Minh Tân, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM thì đề nghị là nên miễn trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Khương. Theo ông : « Khi thông tin do Hoàng Khương nêu trong các bài báo là xác thực (là cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố vụ án này) thì đó là “tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng” (quy định tại khoản 3 điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự).
Cơ quan điều tra đã căn cứ vào “tin báo” để khởi tố vụ án hình sự thì phải coi đó là một dạng tố giác tội phạm theo quy định tại điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp này, nên miễn trách nhiệm hình sự cho nhà báo Hoàng Khương (căn cứ vào khoản 2 điều 25, khoản 6 điều 289 Bộ luật hình sự và điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự). »
Riêng luật sư Phan Trung Hoài, người bảo vệ quyền lợi cho nhà báo Hoàng Khương, thì cho rằng cáo trạng « chưa phản ánh toàn bộ bản chất vụ án ». Theo luật sư Hoài, bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM « thiếu những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở cho quyết định truy tố ». Vị luật sư này lưu ý, « bản cáo trạng chưa phản ánh được đầy đủ các chứng cứ và tình tiết thể hiện trong hồ sơ vụ án, tách rời hành vi khách quan với nhận thức chủ quan, không làm sáng tỏ được mục đích và động cơ của hành vi bị coi là tội phạm của nhà báo Hoàng Khương ».
Luật sư Phan Trung Hoài còn nhấn mạnh một điều trớ trêu là, nhà báo Hoàng Khương « từ chỗ là tác giả của hai bài báo được báo Tuổi Trẻ đăng tải công khai và là cơ sở cho việc tiến hành xác minh ban đầu, khởi tố điều tra vụ án này, nay đã trở thành bị can trong vụ án do chính mình là người phát hiện, đăng báo ».
Thanh Phương