Linh Thư (VietnamNet) - Theo Bộ Nội vụ, phương án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là khả thi vì phù hợp với hệ thống chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền các cấp...
*
Bộ Nội vụ đề nghị không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước sau thời gian thực hiện thí điểm thành công ở 10 tỉnh, thành.
Hôm nay, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và dự thảo Báo cáo tổng kết bước hai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước là phương án mà Bộ Nội vụ cho rằng khả thi nhất áp dụng cho việc tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam. Nếu thực hiện phương án này, sẽ kế thừa được những kết quả tích cực của việc thí điểm không tổ chức HĐND ở 67 huyện, 32 quận và 483 phường tại 10 tỉnh, thành.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, điều tra thăm dò dư luận xã hội cho thấy đa số cho rằng nên sửa đổi Hiến pháp 1992 để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương theo hướng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (tại những địa phương đang thực hiện thí điểm có 79% ý kiến đồng ý, những địa phương không thực hiện thí điểm có 70% ý kiến đồng ý).
Bộ Nội vụ tham vấn không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cả nước
Ông Thăng cho hay, mỗi phương án đều có những ưu điểm, hạn chế. Nhưng phương án trên phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng và thích hợp của hệ thống chính trị địa phương theo lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. "Dù muốn cải cách đi nhanh thì cũng phải làm từ từ, từng bước" - ông Thăng nói khi trình bày quan điểm của Bộ Nội vụ.
TS Dương Quang Tung ủng hộ việc thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cả nước vì tính hiệu quả, thực tiễn của cấp đại diện này không cao.
TS Dương Quang Tung
Trong quá trình đi thực tế ở địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, ông Tung kể một đại biểu HĐND huyện Củ Chi đã kinh qua hai khóa nói với ông rằng, bỏ HĐND cấp huyện khiến bà vui mừng vì từ nay không còn phải "xấu hổ" với cử tri nữa. Bởi lẽ, chỉ là cấp trung gian, không có tính quyết định, luôn phải chờ theo nghị quyết HĐND tỉnh, nên dù mang trên vai trọng trách nên những đại biểu HĐND cấp huyện như bà chỉ có thể lắng nghe, ghi nhận ý kiến của cử tri mà không giúp được gì họ.
"Vai trò của HĐND cấp quận, huyện, phường không thác nào không có việc để làm. Vì họ không được quyết định gì cả nên hiệu quả không cao" - theo lời ông Tung.
Theo Bộ Nội vụ, phương án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là khả thi vì phù hợp với hệ thống chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, nó vẫn kế thừa kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị nước ta theo Hiến pháp 1946, 1959 và các yếu tố hợp lý trong tổ chức chính quyền đô thị ở nhiều nước.
*
Bỏ HĐND - bớt một khâu gật đầu?
Chung Hoàng - Vân Anh (VietnamNet) - Một nghiên cứu độc lập chỉ ra việc thí điểm không tổ chức HĐND (hội đồng nhân dân) tại 99 quận, huyện không chỉ cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công, mà còn giảm tham nhũng.
Giảm hối lộ
Bắt đầu thí điểm từ 2009, đến giữa năm nay, Chính phủ đã tiến hành hai vòng đánh giá việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, cho thấy sự vận hành khá trôi chảy và tác động khá tích cực. Nhóm tác giả gồm Edmund J. Malesky (ĐH tổng hợp Duke), Nguyễn Việt Cường (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) và Trần Ngọc Anh (ĐH tổng hợp Indiana) hy vọng nghiên cứu của họ có thể đóng góp vào việc đánh giá nghiêm túc và khách quan kết quả của việc thí điểm này. Nghiên cứu mới đây đã được nhóm chia sẻ tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Tuy nhận định “HĐND là cơ quan dân cử, song tài liệu tham khảo và những tranh luận từ Việt Nam cho thấy có lý do để nghi ngờ rằng HĐND cấp quận/huyện có tiếng nói với cử tri trong khu vực bầu cử và có thể tạo áp lực từ dưới lên, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ các nhà chức trách”, trước khi tiến hành nghiên cứu, nhóm tác giả vẫn hoài nghi hiệu quả của việc không tổ chức HĐND.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ (trái) và nhà nghiên cứu
Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana) tại hội thảo ngày 15/7 ở Đà Nẵng. Ảnh: Anh Kiệt
Sử dụng phương pháp so sánh hai nhóm qua thời gian trên những chỉ số đầu ra quan trọng, cũng như tham khảo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tập trung vào trải nghiệm của chính người dân trong quan hệ với các cơ quan công quyền, nghiên cứu độc lập này nhận thấy ở các tỉnh/thành phố đang thí điểm, khả năng người dân phải đưa hối lộ ở bệnh viện công giảm 12%, hối lộ để có sổ đỏ giảm 13%, để có việc làm trong cơ quan nhà nước giảm 24%.
3 tác giả nhận xét “việc không tổ chức HĐND cấp quận/huyện đã cải thiện đáng kể một loạt các dịch vụ công ở Việt Nam, từ chất lượng đường sá tới y tế và dịch vụ khuyến nông. Điều đáng ngạc nhiên là việc này còn cải thiện đáng kể chất lượng quản lý nhà nước, đặc biệt tác động tới mức độ tham nhũng trong trải nghiệm của người dân Việt Nam”.
“Có lẽ một trong những lý do cho việc đạt được những tác động tích cực như vậy là do khi không tổ chức HĐND cấp quận/huyện, người dân Việt Nam vẫn chỉ có một Quốc hội do dân bầu ở cấp trung ương và HĐND cấp địa phương ở tỉnh và xã. Vì vậy, không tổ chức HĐND cấp quận/huyện có thể nâng cao tính hiệu quả, bằng cách giảm bớt một khâu gật đầu trong hoạch định chính sách mà không làm mất đi nhiều cơ chế giải trình và dân chủ đối với người dân”, nghiên cứu này nêu giả thiết.
Trong tham luận phản biện, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Đức cũng chỉ ra thực tế người dân muốn gặp trực tiếp đại biểu QH và HĐND cấp tỉnh hoặc những người lãnh đạo ở huyện, quận để phản ánh, kiến nghị, chứ ít quan tâm đến đại biểu HĐND quận, huyện.
Thực tế Đà Nẵng
Đại diện một trong những địa phương thí điểm, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ cho biết tuy có giảm đi một số cấp đại diện của người dân, nhưng "trong điều kiện phát triển của đô thị về KH-CN, dân trí cao, xu thế chung nhân dân tham gia nhiều hơn vào quản lý nhà nước thông qua hình thức dân chủ trực tiếp (giảm tương ứng dân chủ đại diện)".
Theo số liệu ông Ngữ cung cấp, số đối tượng, điểm tiếp xúc, số lượng cử tri tham dự và lượt ý kiến tham gia tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu QH và HĐND thành phố đều tăng lên trong thời gian thí điểm. Số lượng các văn bản chế độ, chính sách được công khai, minh bạch đến nhân dân qua các hình thức niêm yết tại trụ sở UBND và các khu trung tâm, thông báo trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử và các báo hay gửi trực tiếp đến thôn cũng tăng lên.
Vai trò UBND quận, huyện, phường được phát huy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... "67% nhân dân đánh giá chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn trước đến ý chí và nguyện vọng của người dân", GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết.
Ông Ngữ cũng chỉ ra những chuyển biến tích cực về hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Không chỉ tăng điểm về chỉ số PAPI (2010 là 35,69, 2011 là 38,96), 89% người dân còn đánh giá công tác cải cách hành chính của thành phố là tốt và rất tốt.
GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết "78% ý kiến cho rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã tạo thuận lợi rõ nét cho việc chỉ đạo, điều hành của UBND cùng cấp".
Kết quả bất ngờ
Thay mặt những người được giao chủ trì việc thực hiện thí điểm, Vụ trưởng Nguyễn Hữu Đức bày tỏ sự "bất ngờ" khi kết quả nghiên cứu cho thấy việc không tổ chức HĐND quận/huyện đã cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công và góp phần giảm tham nhũng.
"Mục tiêu mà việc thí điểm khi đặt ra cũng như hướng tới là tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ mô hình quản lý đô thị và mô hình chính quyền nông thôn, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, trong đó về mặt quản lý nhà nước sẽ làm cho bộ máy chính quyền các cấp bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn", ông Đức nói. "Còn tác động về mặt kinh tế-xã hội chỉ đặt ra mục tiêu là giữ ổn định như trước khi vẫn còn HĐND là đã thành công".
Vụ trưởng Nguyễn Hữu Đức chỉ ra qua thí điểm, một số vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu để bảo đảm quyền đại diện của người dân cũng như bảo đảm việc giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, quận, phường.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES), cơ quan phối hợp với UNDP thực hiện khảo sát PAPI, cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm kết quả nghiên cứu độc lập trên, cũng như cần thận trọng khi đánh giá việc tổ chức thí điểm.
Tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sẽ cung cấp cơ sở cho những nghiên cứu về tổ chức chính quyền địa phương trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992.