Thất Lĩnh (Danlambao) - Việc bốn tờ báo tư nhân của Myanmar ra đời vào ngày 1.4.2013 đã trở thành sự kiện nóng hổi của thế giới. Đứng trước sự kiện này, tại Việt Nam, nhiều người tự vấn: đến khi nào thì Việt Nam sẽ có báo tư nhân?
Dĩ nhiên báo tư nhân là báo không thuộc nhà nước, và tờ báo có quyền in những bài viết trái ngược với ý muốn chủ quan của chính phủ, nghĩa là người dân có quyền tự do ngôn luận. Ở Việt Nam hiện tại có hơn 700 đầu báo, nhưng tất cả đều thuộc sự quản lý của đảng và nhà nước cộng sản. Cũng có trường hợp, tư nhân bỏ tiền ra đầu vào một tạp chí kiểu “ăn chơi nhảy múa” nhưng tổng biên tập phải là quan chức, đảng viên. Tất nhiên, ông tổng biên tập này phải duyệt nội dung trước khi trình lên ông tổng biên tập của các tổng biên tập (nghe nói nằm ở ban tư tưởng văn hóa trung ương) duyệt gắt gao một lần nữa.
Với cách quản lý kiểu thiên la địa võng như thế, đố có một bài báo trung thực nhưng trái ý đảng nào có thể lọt sổ để đến được với bạn đọc. Điều này đồng nghĩa báo chí và truyền thông chỉ là những con vẹt, nói lại những điều đảng cộng sản muốn tuyên truyền. Ngay cả báo Tuổi Trẻ, một tờ báo lớn nhất nước, biết rõ Hoàng Khương không sai phạm nhưng vẫn im miệng chấp nhận phán quyến của tòa án. Đảng cộng sản Việt Nam đang tự hào về tính dân chủ nhưng chỉ riêng việc không có một tờ báo tư nhân nào tồn tại cho thấy cái sự dân chủ đó là giả hiệu.
Nhiều người nước ngoài từng sống lâu tại Việt Nam đã từng rất ngạc nhiên rằng: vì sao tất cả các trang chính trị xã hội của tất cả các báo Việt Nam đều thông tin giống nhau. Câu hỏi này được trả lời ngắn gọn: thằng nào dám đăng tin khác thử xem, ở tù ngay. Dân gian có câu “9 người 10 ý” đứng trước một sự việc không thể nào có chuyện mọi người đều phản ứng giống nhau, thì việc các báo Việt Nam thông tin y chang nhau chỉ có thể hiểu đơn giản: đất nước này không có dân chủ, tất cả các ý kiến bị bẽ và nắn thành tiếng nói của đảng cộng sản.
Một đất nước mà tiếng nói đối lập bị cấm tiệt chắc chắn đất nước đó không thể phát triển. Bởi vì, cái sai của đảng cầm quyền sẽ không bị ai phê phán, chỉ trích nên lãnh đạo sai thì sửa; thậm chí không sửa thì làm gì được nhau? Trong một đất nước bị bắt buộc một chiều ý kiến như Việt Nam, không khó hiểu khi lãnh đạo không tự tu thân, rèn giũa kiến thức và đạo đức để nâng cao năng lực quản lý nhằm phục vụ người dân. Hậu quả nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn khác đang phát triển một cách tràn lan đến mức không thể kiểm soát.
Sự mất dân chủ được thấy gần nhất là việc chính quyền Hải Phòng cướp đất của nông dân Đoàn Văn Vươn. Nếu như sự kiện này xảy ra ở một đất nước có tự do ngôn luận thì thông tin sẽ đa dạng và trung thực chứ không chỉ một màu như ở Việt Nam. Rất có thể, sự đấu tranh của báo chí sẽ khiến cho chính quyền chấp nhận sai, quyết định bồi thường cho những tổn thất mà chính quyền địa phương gây ra cho gia đình anh.
Suy cho cùng, sự xuất hiện của báo tư nhân là chỉ dấu cho tính dân chủ của một đất nước. Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của người dân, vì vậy, mỗi chúng ta hãy đấu tranh để giành lấy cái quyền mà ở đâu cũng có, trừ vài đất nước độc tài như Việt Nam.