Xã hội Việt Nam hiện nay đang gần giống với thời thực dân phong kiến - Dân Làm Báo

Xã hội Việt Nam hiện nay đang gần giống với thời thực dân phong kiến

An Nguyên (Danlambao) - Sau vụ xử Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, một số người ví von thân phận anh Vươn cùng chị Dậu để rút ra kết luận chị Dậu còn có phần may mắn hơn anh Vươn. Và họ có lí! So sánh xã hội Việt Nam hiện nay với thời kì Pháp thuộc, mới cay đắng nhận ra, sau bao nhiêu hi sinh mất mát của nhân dân qua hai cuộc chiến giải phóng dân tộc với bao nhiêu triệu con người đã ngã xuống, trớ trêu thay, chúng ta đang dần quay trở lại một xã hội gần giống thời kì nô lệ thực dân thuở trước.

Thời kì Pháp thuộc, dân ta nai lưng ra cày để nuôi các ông chủ Pháp và tay sai, giờ dân ta nai lưng ra làm để nộp thuế nuôi các quan chức tham nhũng, thành viên cao cấp của đảng cộng sản. Ngày trước, nước Việt Nam là của dân ta nhưng do người Pháp làm chủ. Ngày nay, vai trò làm chủ được chuyển giao sang cho các quan chức thuộc đảng cộng sản, dân vẫn hoàn là dân. 

Thời kì Pháp thuộc, nhân dân ta bị tước hết quyền cơ bản của con người, ai mà đòi tự do, dân chủ thì dễ dàng bị bắt bỏ tù. Ngày nay, những quyền này nhân dân đã hoàn toàn lấy lại được trên giấy tờ (Hiến pháp đã ghi), nhưng cũng chớ dại mà đòi thực hiện, vào tù ngay tức khắc, nghiêm còn hơn ngày trước. Tấm gương tày liếp của những nhà hoạt động dân chủ thì ai cũng đã thấy rồi. Nếu chính kiến của mình không giống với những gì đảng cộng sản rao giảng, tốt nhất là tự thấy mình sai nếu muốn được yên thân mà sống. 

Thời kì Pháp thuộc, dân ta bị cấm quyền được yêu nước, yêu nước tức là chống lại mẫu quốc và ắt phải vào tù. Thời nay, nước mình độc lập rồi nên nhiều người nghĩ yêu nước là một quyền tất yếu. Hóa ra không phải vậy! Nếu yêu nước mà không theo chủ trương của đảng cộng sản thì vẫn bị cấm, bị bắt như thường. Điển hình là sự trấn áp, bắt bớ, khủng bố những người biểu tình hòa bình phản đối sự leo thang gây hấn của Trung Quốc. Tại sao vậy? Bởi vì chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc và giới lãnh đạo của nó tuy là kẻ thù của nhân dân, của đất nước ta nhưng lại là "đại ca" của những ông chủ cộng sản Việt Nam. Chẳng nhẽ nhân dân không nhớ câu "vuốt mặt phải nể mũi" sao? 

Thời kì Pháp thuộc, nhân dân là con sâu cái kiến, đến chốn cửa công ai cũng phải khúm núm, sợ sệt, không cẩn thận là bị chửi mắng như chơi. Thời nay, bị chửi mắng khi đi làm các thủ tục hành chính chắc cũng không nhiều (nhưng không phải là không có đâu nhé!), tuy nhiên thái độ hách dịch, cửa quyền của những người tiếp dân thì không cần nói ai cũng biết. Ngoài ra kinh nghiệm bị "hành là chính" thì chắc không ít người cũng đã từng nếm trải. Đọc chuyện "Đồng hào có ma" của Nguyễn Công Hoan, biết kinh nghiệm thời xưa đến chốn cửa quan, muốn thưa chuyện gì cũng phải hối lộ từ lính tới quan. Thời nay, "văn hóa phong bì" không những đã không thay đổi mà còn ngày càng phát triển cả theo chiều sâu và chiều rộng. Thế nên nhân dân mới có câu "đầu tiên – tiền đâu" và "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" mỗi khi cần gặp các "công bộc" của dân. 

Thời kì Pháp thuộc, dân ta là nô lệ nên người Pháp có quyền hành hạ như súc vật, thậm chí có đánh chết cũng không bị sao. Thời nay, người Pháp thì đương nhiên không còn cái quyền đó rồi, nhưng một số người Việt hóa ra lại có. Chúng ta thấy nhan nhản những vụ công an đánh người bị thương, thậm chí đến chết. Những hình ảnh, những đoạn phim ghi lại cảnh công an giao thông, cảnh sát cơ động đánh đập người vi phạm (hoặc mới chỉ bị nghi là vi phạm), cảnh công an đạp vào mặt người tham gia biểu tình hòa bình phản đối Trung Quốc, hình ảnh thi thể đầy thương tích của những người bị đánh đến chết tại đồn công an, … so với hình ảnh tên hiến binh Pháp đánh đập người dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc vẽ và đăng trên báo Người cùng khổ gần 100 năm trước nào có khác nhau mấy đâu! Chúng ta tự hỏi làm thế nào mà một lực lượng chuyên thực thi luật pháp và gìn giữ an ninh xã hội lại có thể lưu manh và côn đồ hóa đến như vậy? Phải chăng chúng được quyền lực phía trên bao che nên ỷ thế làm càn? 

Thời kì Pháp thuộc, người nông dân luôn bị bọn cường hào, ác bá ức hiếp, bóc lột. Ruộng đất bị bọn chúng dần cướp hết, bị bần cùng hóa và trở thành người làm thuê cho bọn chúng. Ngày nay, đã có chính quyền cộng sản thay thế cường hào, ác bá. Đất đai của công thì chính quyền xẻ ra bán chia nhau. Đất đai của nông dân thì chính quyền có thể lấy danh nghĩa đất dự án để thu hồi với giá rẻ mạt rồi bán lại cho nhà đầu tư với giá cao, mặc cho người nông dân đã đổ bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả tính mạng để cải tạo, khai phá đất đai. "Con giun xéo lắm cũng quằn", thế nên mới có tiếng bom Đoàn Văn Vươn khiến cho công luận trong nước và cả thế giới lên tiếng. 

Thời kì Pháp thuộc, tài nguyên nước ta bị khai thác hết mức có thể để phục vụ lợi ích của nước Pháp. Thời nay, tài nguyên tiếp tục bị bán để làm giàu cho các quan tham cộng sản. Họ bất chấp những nguy cơ về kinh tế, môi trường và an ninh quốc gia, bất chấp sự phản ứng của nhân dân, dùng mọi thủ đoạn để dự án được triển khai, tiền chảy vào túi và lợi ích chính trị của họ được đảm bảo. Những hệ quả phía sau việc khai thác thì để nhân dân và các thế hệ sau gánh chịu. 

Xã hội Việt Nam thời nay, đời sống nhân dân đương nhiên cao hơn thời kì Pháp thuộc nhiều lần. Đó là điều hoàn toàn bình thường vì cả trăm năm đã trôi qua. Giả sử như Việt Nam vẫn là thuộc địa của Pháp (chỉ nói giả sử thôi nhé, vì đối với phần lớn các tầng lớp nhân dân Việt Nam, độc lập dân tộc là vô giá), đời sống nhân dân thậm chí có thể còn cao hơn nếu nhìn vào những thuộc địa mà ngày nay đã trở thành một bộ phận của nước Pháp (Les Outre-Mer français). Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam gần 40 năm sau chiến tranh vẫn "vững vàng" ở tốp cuối của thế giới dù được lãnh đạo bởi một đảng cộng sản tự cho mình là "đỉnh cao trí tuệ", "là đạo đức, là văn minh". Xã hội Việt Nam hiện nay, sản phẩm của đảng cộng sản, đang lộ rõ những thối nát cùng cực, hoàn toàn so sánh được với thời kì thực dân phong kiến trước kia. Nói như vậy để thấy, bao hi sinh xương máu của cha anh trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc có nguy cơ trở thành vô ích nếu như nhân dân Việt Nam không tự mình thay đổi, cùng nhau đứng lên đấu tranh, đuổi cổ những kẻ đang ăn trên ngồi trốc, đang lũng đoạn và tàn hại đất nước, như đã từng đuổi cổ thực dân Pháp trước kia. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo