Mẹ Nấm (Danlambao) - Có nhiều người cho rằng cầm một tấm giấy nhỏ với hàng chữ "tôi muốn biết" là một việc làm nhỏ nhặt, không đáng. Tôi tôn trọng điều đó và mong đợi các bạn ấy thực hiện một điều gì to tát hơn. Mỗi người trong chúng ta có nhiều cách để làm và cách làm dỡ nhất luôn luôn tốt hơn lời nói hay nhất. Lúc này tôi chỉ muốn làm điều nhỏ nhất, nhỏ ở mức độ mà những người bạn của tôi còn đang bị bộ máy sản-xuất-sợ-hãi có từ thời cải cách ruộng đất làm họ lưỡng lự có thể bước ra khỏi không gian riêng của họ để nhập dòng cùng chúng tôi trên con đường gian nan vạn dặm này...
*
Nhiều người đặt câu hỏi này với tôi khi thấy tôi thay hình đại diện Facebook cá nhân của mình với dòng chữ “Tôi Muốn Biết” - “I Want To Know”. Tự bản thân tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi này cho mình từ xưa đến nay. Bởi quan điểm cá nhân của tôi đơn giản là muốn hành động thì cần phải biết. Biết rõ mọi thứ, biết những gì cần biết và phải biết những điều mình chưa biết. Tôi xem đó là quyền lợi chính đáng để nghiêm túc hơn trong nhìn nhận, đánh giá vấn đề và đưa ra hoạt động phù hợp.
Cách đây 4 năm, nếu tôi cũng chần chừ cân nhắc “Biết để làm gì?” chắc hẳn tôi đã phải suy xét thiệt hơn chứ không đơn giản kêu gọi mọi người nên làm gì đó (chẳng hạn như in áo, mặc áo...) để có thái độ với dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Nếu tôi chần chừ “Biết để làm gì?” chắc hẳn tôi đã không in lên áo dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” bởi quan niệm “có nói cũng chẳng được gì”.
Biết để làm gì?
Biết để thấy mình nên học hỏi, tìm hiểu, đào sâu vào sự thật lịch sử đang bị giấu diếm để từ đó quyết định bản thân nên có thái độ sống thế nào.
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin người ta có thể dễ dàng tìm thấy những điều mình cần trên Internet với Google. Vấn đề là thông tin tìm thấy độ xác thực và tính hợp lý của nó nằm ở đâu.
Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác của mình khi đọc công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký hưởng ứng Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải năm 1958.
Lúc đầu tôi không tin nguồn dữ liệu ấy, kiểm tra chéo đủ trang, đủ kiểu, nguồn tin xuất phát từ một website của đại học Hong Kong và sau đó nhiều nơi dẫn lại. Tôi thậm chí còn bị lung lạc tinh thần khi nghe nhiều nhân viên an ninh nói với tôi về những gì đang diễn ra ở Hoàng Sa – Trường Sa.
Tôi nghi ngờ những thứ mình đọc được.
Cho đến khi tôi quyết định đi Lý Sơn (Quảng Ngãi) để tìm hiểu sự thật vào năm 2010, 2011. Và tôi biết, họ - những người lãnh lương từ tiền thuế của nhân dân - đang chơi trò lắt léo trong việc công bố thông tin về chủ quyền với người dân Việt Nam.
Tôi đi tìm cái tôi muốn biết và đã có câu trả lời cho riêng mình.
Năm 2014, khi dàn khoan Haiyang tiến sâu vào vùng biển Việt Nam, Trung Cộng dùng công hàm 1958 để bao biện cho hành động xâm lấn của mình trên nhiều tờ báo. Và Việt Nam lúc ấy mới bắt đầu công bố và lý giải công hàm này theo hướng có lợi nhất cho đảng Cộng sản.
Biết để làm gì?
Biết để có thái độ đúng đắn với những gì mình xứng đáng được hưởng.
Biết để bản thân có thêm lựa chọn và động lực để sống một cuộc đời mà bạn muốn.
Và đừng nghĩ rằng chúng ta muốn biết là "người ta" cho biết. Muốn phải đi kèm với tranh đấu. Tranh đấu chỉ có thể mang lại kết quả nếu nhiều người cùng tham gia.
Nếu chúng ta yêu cầu, tranh đấu và được biết về những gì đã ký kết diễn ra từ trước giờ giữa lãnh đạo hai đảng Cộng sản Việt - Trung với nhau, thì chúng ta sẽ làm gì?
Câu trả lời là đương nhiên chúng ta sẽ có quyền lựa chọn, hoặc im lặng chấp nhận hoặc đòi hỏi, tranh đấu để buộc những người ký kết phải có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm cụ thể với những gì đã làm. Không thể đổ lỗi cho lịch sử nếu toàn dân được biết.
Có nhiều người cho rằng cầm một tấm giấy nhỏ với hàng chữ "tôi muốn biết" là một việc làm nhỏ nhặt, không đáng. Tôi tôn trọng điều đó và mong đợi các bạn ấy thực hiện một điều gì to tát hơn. Mỗi người trong chúng ta có nhiều cách để làm và cách làm dở nhất luôn luôn tốt hơn lời nói hay nhất.
Lúc này tôi chỉ muốn làm điều nhỏ nhất, nhỏ ở mức độ mà những người bạn của tôi còn đang bị bộ máy sản-xuất-sợ-hãi có từ thời cải cách ruộng đất làm họ lưỡng lự, có thể bước ra khỏi không gian riêng của họ để nhập dòng cùng nhau trên con đường gian nan vạn dặm này.