Cải cách ruộng đất, bất nhân và sai lầm - Dân Làm Báo

Cải cách ruộng đất, bất nhân và sai lầm

Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Hiện tình đất nước Việt Nam đang gặp khó khăn chồng chất, giặc Bắc luôn rình rập lấn chiếm đất đai biển đảo, đồng bào trong nước thì băn khoăn bởi đời sống cơ cực nhục nhằn do độc đảng độc tài gây ra. Do đó, tội ác CSVN thảm sát đồng bào Huế vào tết Mậu Thân và giết hại đày đọa đồng bào khi cải cách ruộng đất (CCRĐ) vào thập niên 1950, tạm thời không nhắc đến. Cớ sao, vào ngày 8-9-2014, cộng sản lại lừa lọc rồi cho triển lãm hình ảnh và tài liệu về CCRĐ?! Trong bài viết này, tôi không bình luận hành động dã man về CCRĐ, mà xin được trình bày diễn tiến về CCRĐ, để bà con thấy rõ ràng hơn về hành động bất nhân và sai lầm của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản.

I- Vì sao xảy ra hiện tượng CCRĐ?!

Vì cái “Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (VNDCCH), muốn rập theo mô hình cải cách ruộng đất của Tàu cộng đã làm tại nước Tàu vào các năm 1946-1949. Ngoài ra còn tuân thủ: Bản Tuyên ngôn (Manifesto) của Đảng Cộng sản Quốc tế, mà Karl Marx đã tuyên bố: “cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc”. Cải cách ruộng đất ở miền Bắc còn mục đích là đấu tranh giai cấp triệt để. Hồ Chí Minh (HCM) luôn chủ trương rập theo khuôn Tàu cộng về mọi mặt, như: Giáo dục, sản xuất, kinh tế, kỹ nghệ. Đặc biệt CCRĐ có sự chỉ đạo trực tiếp bởi các cán bộ Tàu.

Họ Hồ còn viết cuốn “Những kinh nghiệm quí báu Trung Quốc nên học”, dưới bút hiệu Trần Lực, do nhà xuất bản Sự Thật, Hà nội, xuất bản năm 1950, để cán bộ dùng làm tài liệu học tập. Việc “Cải cách ruộng đất” này, có khoảng 172.000 người, bị quy chụp là thành phần địa chủ và phú nông, họ bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” bị hạ sát tại chỗ hoặc bị án tù để chết dần trong ngục. Trong số người bị đấu tố này, có cả những đảng viên Cộng sản trung kiên, thế mà oái oăm thay trước khi đảng viên bị giết, phải hô to khẩu hiệu, “đảng Cộng sản muôn năm”. Nếu người bị đấu tố là người của Quốc Dân Đảng hay đảng phái Quốc gia thì có thể bị bắn tại chỗ.

Ngày 4-12-1953, cái gọi là quốc hội lại nhất trí thông qua luật CCRĐ ở miền Bắc, chính Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước đã ký sắc lệnh ban hành luật; từ đó bắt đầu thi hành các đợt cải cách ruộng đất.

II- Thành lập Ủy Ban Cải cách ruộng đất

Trường Chinh tức Đặng Xuân Khu là Tổng bí thư đảng Lao Động làm chủ tịch, với 3 người phụ tá, 1 người uỷ viên Trung ương đảng là Hồ Viết Thắng; 2 người kia uỷ viên Bộ chính Trị, là: Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương. Hồ Viết Thắng đã từng đi học bên Tàu, nên Trường Chinh giao nhiệm vụ mở “Trung tâm đào tạo cán bộ cải cách ruộng đất” tại chiến khu Cao Bằng, Lạng Sơn. Hồ Viết Thắng giữ chức giám đốc, trực tiếp điều hành cuộc cải cách ruộng đất, theo mệnh lệnh của Trường Chinh.

Cộng sản thiết lập “tòa án nhân dân” để xét xử những người bị gọi là tội phạm trong cuộc CCRĐ. Chánh án là một đội viên trong đội CCRĐ, biện lý tức công tố là nông dân hay bần nông mà trước kia họ là tá điền, đã từng làm việc trong nhà của bị cáo, nên biết rõ lý lịch khổ chủ. Các quan tòa nầy là những kẻ dốt nát, nay bỗng chốc được cho lên địa vị quan tòa, nên có dịp hạch sách trả thù. Moi móc, bịa đặt mọi thứ gọi là thói hư tật xấu của khổ chủ. Cái gọi là “tòa án nhân dân”, không có người đóng vai trò luật sư biện hộ, và cũng chẳng có ai dám biện hộ cho bị cáo. Công an bảo vệ tòa án và những người tham dự phiên tòa gian dối của cộng sản là những người do họ sắp đặt trước, hò hét la ó đóng vai “công tố”, bằng cách chửi rủa hoặc bịa đặt tố cáo bừa bãi thêm những “tội ác” của các nạn nhân để buộc tội.

III- Thành phần nào bị đem ra đấu tố?!

Đường lối đấu tranh CCRĐ là khuyến khích bần cố nông, lôi kéo thành phần trung nông, cô lập phú nông, và tập trung mũi nhọn vào địa chủ. Theo sắc lệnh của VNDCCH vào năm 1953, đã ấn định các thành phần về nông nghiệp ở nông thôn được chia ra:

a- Địa chủ: Thuộc thành phần có nhiều ruộng đất, mà họ không trực tiếp canh tác. Cộng sản chia địa chủ ra làm 3 hạng: Địa chủ thường, là người có dưới 5 mẫu ta, đủ ăn, “không phạm tội ác ôn” dưới thời Pháp thuộc. Địa chủ cường hào ác bá là những người bị quy tội hiếp đáp ngược đãi bần nông và bần cố nông. Địa chủ phản động là loại quan lại phong kiến, Việt Quốc, Đại Việt, hay thân Pháp.

b- Phú nông: Thuộc thành phần có 3 mẫu ta đất, có một con trâu, tự canh tác và thuê nông dân giúp trong việc canh tác.

c- Trung nông: Thuộc thành phần có dưới 3 mẫu ta, trực tiếp canh tác, đủ sống. Trung nông chia thành 2 loại: Trung nông cấp cao là người có 3 mẫu ta ruộng và có một con trâu hay bò. Trung nông cấp thấp là người có dưới 1 mẫu ta ruộng.

d- Bần nông: Có ít sào đất, không đủ sống, phải đi làm thuê cho địa chủ hay thuê đất của địa chủ rồi trả địa tô; địa tô còn gọi là tô, tức là nông dân (tá điền) trả tiền hay hoa màu (lúa), cho điền chủ (chủ đất).

e- Bần cố nông: Hoàn toàn không có đất, không có gia súc, không có nông cụ, làm thuê đủ thứ nghề để sống.

IV- Việc thảm sát bà Nguyễn Thị Năm

Bà Nguyễn Thị Năm còn gọi là bà Cát Thanh Long; bà là người mà trước cái gọi là “cách mạng” của Việt Minh còn trong trứng nước, đã từng che giấu, nuôi ăn, giúp đỡ các cán bộ cộng sản cao cấp như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt... Trong thời kỳ gọi là “Tuần lễ vàng”, của cái chính phủ VNDCCH, gia đình bà đã dâng nộp 100 lượng vàng. Bà có hai người con trai là Nguyễn Công làm chính uỷ trung đoàn và Nguyễn Hanh là đại đội phó bộ đội thông tin, theo Việt Minh từ trước 1945. Thế mà, cộng sản đã quy tội bà là địa chủ, cường hào gian ác và bị đoàn cải cách ruộng đất xử án tử hình. Ủy ban cải cách ruộng đất trung ương do Trường Chinh cầm đầu đã xét duyệt và bộ chính trị trong đó có Hồ Chí Minh đã lạnh lùng chuẩn y án tử hình này. Phát súng đầu tiên về “cải cách ruộng đất” đã nổ vào đầu một người phụ nữ, bà đã lầm giúp đỡ những người cộng sản vong ơn, khát máu! Phát súng đó báo hiệu tâm địa của những lãnh tụ Cộng sản, sẽ là một tai họa khủng khiếp cho toàn dân ở miền Bắc lúc bấy giờ.

V- Cách tính “thuế nông nghiệp” của CSVN

Giả sử nông dân thu được 1.000 kg lúa. Thuế nông nghiệp sẽ lấy 45% là 450 kg. Lúa còn lại là 550 kg, nông dân bị trừ 15% thuế phụ thu là 82,5 kg nữa. Như vậy, khi nông dân thu hoạch được 1.000 kg lúa, phải nộp thuế là 532, 5 kg (450+82,5). Nếu chủ ruộng không trực tiếp canh tác, còn phải nộp thêm 25% phụ thu nữa!. Thế mà Tố Hữu, kẻ làm thơ theo ý đảng, còn cổ vũ chiến dịch CCRĐ thật ác độc, hắn được thưởng huy chương Sao vàng Hồ Chí Minh:

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”?!.

VI- Chiến dịch phản phong của CSVN

Song song việc thu thuế nông nghiệp, trong giai đoạn từ năm 1950-1956, đảng CSVN còn có chiến dịch phản phong, nghĩa là triệt hạ và tịch thu toàn bộ tài sản của địa chủ, đem chia cho bần cố nông. Sau phản phong là bài trừ tư sản, mục tiêu quét sạch tư bản Tây phương. Đến năm 1959, Hồ Chí Minh hô hào bài trừ tiểu tư sản, mọi hình thức sản xuất cá thể đều dẹp bỏ, đưa vào hợp tác xã một cách triệt để. Bần cố nông vừa nhận ruộng đất do CCRĐ cấp phát, nay lại phải đem nộp cho Hợp tác xã. Cộng sản còn đặt ra “Đấu tranh chính trị” nhằm thủ tiêu tất cả phần tử bị họ xem là “phản động”, nếu ai còn chống lại cộng sản thì bị giết, hoặc phải trốn nơi khác mới mong sống sót. Thành phần lưng chừng, cũng bị ghép vào phản động. Nhân dân bị đày đoạ và bị hãm hại. Thế đấy, mà Xuân Diệu còn tàn nhẫn với những câu thơ độc địa:

“Địa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quì gục xuống, đọa đày chết thôi”

VII- Cải cách ruộng đất sai lầm trầm trọng

Sau khi ký Hiệp định Genève năm 1954, dân chúng bỏ chạy vào Nam, Hồ Chí Minh bắt đầu hoảng hốt, đến năm 1956, ông ta và đảng Lao động mới nhận thấy “Cải cách ruộng đất là sai lầm”. Khi xét lại để sửa sai, thì có tới 71,66% tức là 123.266 người bị chụp mũ là địa chủ và phú nông, mà thực tế họ chỉ là trung nông hay bị vu khống, đã bị Hồ Chí Minh và đàn em sát hại tại chỗ hay giam cầm chết lần chết mòn!. Việc CCRĐ gây nên thảm cảnh hãi hùng, Hồ Chí Minh hoảng hốt lo ngại nhân dân bất mãn, nên dùng nước mắt cá sấu để an ủi gia đình nạn nhân một cách muộn màng!

Để kết luận việc CCRĐ sai lầm gây nên trọng tội khó tha thứ, người viết xin mượn lời phát biểu của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đọc diễn văn vào ngày 30 tháng 10 năm 1956, trước cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc tại Hà Nội về việc CCRĐ, rất thành khẩn và ray rức, như sau:

“Qua cuộc Cải cách Ruộng đất ta thấy bao nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lừng lẫy, có người ngực gắn tới hai huy chương kháng chiến, mà bị kết án là phản động, cường hào gian ác và sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình... Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hy sinh, có thể nói được chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc CCRĐ này, lúc tắt thở cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được?!”.

Ngày 12 tháng 9 năm 2014



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo