Triều Dương (Laodong) - Liên tục bị tố cáo và có kết luận của Ủy ban kiểm tra (UBKT) Đảng ủy các cơ quan dân chính Đảng tỉnh Nghệ An (nay là Đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh Nghệ An) về những gian dối về bằng cấp nhưng phó Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực Nghệ Tĩnh vẫn không “hề hấn” gì mà được bổ nhiệm chức vụ cao hơn và tại vị 3 nhiệm kỳ.
Không học vẫn có bằng?
Đầu tháng 9.2014, Báo Lao Động thuộc văn phòng Bắc Trung Bộ liên tục nhận được đơn thư khiếu nại của công dân về những việc làm sai trái đối với lãnh đạo Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh. Sau nhiều ngày điều tra, thẩm định thông tin, đơn thư tố cáo, khiếu nại là có cơ sở, thậm chí đã có kết luận gian dối của cơ quan chức năng nhưng không hiểu sao, người bị tố cáo vẫn không bị kỷ luật mà tiếp tục được thăng chức.
Ngày 10.8.1998 khi còn là phó bí thư chi bộ Tổng kho dự trữ Yên Thành (Nghệ An), Đảng ủy viên Đảng bộ Chi cục Dữ trữ Nghệ Tĩnh, ông Phạm Thanh Yên (SN 1954) bị tố cáo là “dùng tiền mua bằng tốt nghiệp cấp III để đi thi vào đại học”. Nhận được đơn thư, thường trực Đảng ủy các cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Nghệ An (nay là Đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh Nghệ An) đã giao cho UBKT phối hợp với Đảng ủy Chi cục làm rõ nội dung trên.
Ngày 25.8.1998 UBKT đã có báo cáo số 13 BC/KT gởi Ban cán sự Đảng cục Dự trữ Quốc gia, ban chấp hành Đảng ủy, UBKT Đảng ủy chi cục dự trữ quốc gia Nghệ Tĩnh với nội dung: “Qua nghiên cứu lí lịch đảng viên, bản tường trình của đồng chí Phạm Thanh Yên và bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học mang tên Phạm Thanh Yên (bằng cấp lại ngày 20.6.1981). UBKT Đảng ủy đã yêu cầu đồng chí Nguyễn Phương Giao thi vụ Sở GD-ĐT Nghệ An (nay là Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục) kiểm tra, xem xét có ý kiến xác nhận”.
Dựa vào các chứng cứ, tài liệu có được, UBKT Đảng ủy các cơ quan dân chính đảng có báo cáo như sau:
1: Đồng chí Phạm Thanh Yên trong bản tường trình khai đang học dở kỳ 2 lớp 10B trường cấp 3 Nghi Lộc 2, nhưng trong lí lịch đảng viên khai có trình độ lớp 9. Ngày 22.12.1972 lên đường nhập ngũ, như vậy đồng chí Yên chưa học hết kỳ I của khóa học 1972 – 1973. Vậy thì làm sao có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học khóa thi 1972 được. Tại thời điểm ấy chưa có tên gọi là phổ thông trung học mà gọi là phổ thống cấp III. Nếu có đề nghị cấp bằng đặc cách thì cũng chưa đủ điều kiện vì phải học dở kỳ 2 lớp 10 mới được cấp. Trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp đặc cách cho học sinh đi nghĩa vụ quân sự năm 1972 lưu trữ ở Sở GD-ĐT Nghệ An cũng không có tên Phạm Thanh Yên.
2: Căn cứ xác nhận của đồng chí Nguyễn Phương Giao thi vụ sở GD-ĐT Nghệ An là người quản lý hồ sơ đang lưu trữ từ thời ty giáo dục Nghệ An rồi Nghệ Tĩnh cho đến nay xác nhận: Trong danh sách thi tốt nghiệp phổ thông cấp 3 tại hội đồng thi Nghi Lộc 2 khóa thi năm 1972 không có tên Phạm Thanh Yên.
3: Việc bằng cấp lại ngày 20.6.1981 số 75/TNPTTHNL2 mang tên Phạm Thanh Yên qua rà soát cũng không có trong danh sách hồ sơ lưu trữ của Sở GD-ĐT đồng thời việc cấp lại ấy không có căn cứ pháp lý đó là: Không có văn bằng gốc và xét về nội dung, hình thức của bằng cấp lại không đúng với quy định của sở GD-ĐT.
Từ 3 căn cứ trên, UBKT Đảng ủy kết luận: “Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (bằng cấp lại ngày 20.6.1981) của đồng chí Phạm Thanh Yên là không có căn cứ. Thông báo kết quả thẩm tra xác minh nội dung đơn nêu trên để Chi cục dữ trữ quốc gia Nghệ Tĩnh xem xét.
Chìm vào quên lãng đến khó hiểu!
Điều lạ lùng là sau khi có báo cáo số 13 của UBKT Đảng ủy, thì chưa đầy 1 tháng sau (tức vào tháng 9.1998) ông Yên không bị kỷ luật, kiểm điểm mà trái lại, được bầu lên làm phó cục trưởng cục DTNN Nghệ Tĩnh. Việc xử lý của cơ quan hữu quan khiến dư luận bức xúc, một số CBCNVC thuộc cục DTNN Nghệ Tĩnh không phục, mất đoàn kết nội bộ kéo dài.
Sáng ngày 11.9 trao đổi với PV báo Lao Động – ông Nguyễn Văn Sâm – chủ nhiệm UBKT Đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh Nghệ An cho biết: “Báo cáo số 13 BC/KT do chủ nhiệm UBKT Đậu Quang Tạo ký ngày 25.8.1998. Bây giờ anh Tạo đã mất, thời gian lại quá lâu nên vừa rồi có đơn thư chúng tôi lục lại hồ sơ thì rất lạ là không được lưu trữ tại cơ quan. Có thể do sơ suất nên cán bộ lưu trữ làm thất lạc hoặc chủ nhiệm ký mà không họp bàn, không có sổ sách (?!)”
Khi được hỏi trong đơn thư tố cáo có đề cập vào ngày 29.8.2014 chủ nhiệm UBKT Đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh Nghệ An đến làm việc với ông Yên. Sau khi làm việc cả một buổi sáng thì “im lặng” ra về mà không có bất cứ một kết luận, báo cáo nào? Ông Sâm cho hay: “Nhận thức được vấn đề rất nhạy cảm nên thời gian vừa qua, tôi không trực tiếp xuống cơ quan anh Yên. Thật ra đơn thư tố cáo nặc danh thì chúng tôi không có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên để có báo cáo với UBKT tỉnh ủy, một số cán bộ của cơ quan đã làm việc với ban lãnh đạo cục DTNN Nghệ Tĩnh.
Ông Sâm nêu quan điểm: “Trong quá trình công tác từ trước đến nay, đồng chí Yên luôn hoàn thành nhiệm vụ, phát huy được vai trò của mình. Đồng chí phó cục trưởng sang năm về hưu rồi nên theo cá nhân tôi cũng không nên làm phức tạp vấn đề, gây xáo trộn nội bộ cơ quan”.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng: “Kết luận số 13 như vậy là đã quá rõ ràng vì tất cả các hồ sơ đều được sở lưu giữ cẩn thận, không thể nhầm lẫn, sai sót. Nếu bên Thi vụ sở giáo dục đào tạo báo cáo sai thì đã bị ông Yên phản ánh, khiếu kiện liền chứ làm gì mà để mãi tới giờ”.