Ba ơi! Con không hiểu? - Dân Làm Báo

Ba ơi! Con không hiểu?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Buổi chiều, đang tưới mấy giỏ lan trước sân nhà, con gái tôi 17 tuổi học lớp 12 từ trường về nắm tay tôi kéo vào phòng khách vừa mở cặp vừa thuật lại. Trong tiết học văn chiều nay thầy gọi con lên nói nhỏ: "tan trường đợi thầy tại lớp". Cuối giờ chiều, trong lớp chỉ con và thầy, ngồi đối diện nhìn con đôi mắt thầy lung linh lạ lắm, lần đầu tiên trong suốt niên học rất thân ái thầy nhẹ cầm bàn tay trao lại cho con bài kiểm tra môn văn ngập ngừng nói nhỏ đủ cho con nghe:

"Thầy rất muốn cho em điểm 9 bài văn này, nhưng không thể, không có gì là phạm quy nhưng không nên cho ai biết, em về viết lại bằng nội dung khác, ngày mai nộp lại cho thầy" 

Bối rối con cất vội vào cặp cám ơn thầy, bất giác thầy hỏi con: "gợi mở từ đâu em làm bài này?" con nói: từ Lễ duyệt binh Đại Thắng 30 tháng 4 vừa qua, thầy không nói thêm chỉ gật đầu mỉm một nụ cười rất khó tả, mà không thể nào con hiểu nổi, bước ra khỏi lớp con còn nhìn lại thấy thầy vẫn ngồi đó có thêm điếu thuốc trên môi, nhìn ra cửa sổ đôi mắt trầm tư...

Con gái tôi nói, Ba biết không, tuần trước, kiểm tra môn văn học kỳ cuối khóa và cũng để mở rộng thêm kiến thức nghệ thuật phản biện cho học sinh trước hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, một đề bài rất khó cho toàn lớp mà mỗi học sinh phải viết lên ý tưởng của riêng mình, đề tài là một câu hỏi: 

“Xung quanh bạn, những thành tựu đổi mới của xã hội đất nước, có thứ nào có thể sẽ tốt hơn, nếu: (theo suy nghĩ của bạn)...?” 

Con tôi lấy từ trong cặp đưa tôi xem bài làm của nó và cười cười nói: Cái này không phải lỗi tại con mà là tại ngày lễ 30 tháng 4 à nghen, con làm bài theo quan niệm quần chúng, nó xin phép đi thay đồ bỏ lại tôi ngồi một mình với “tác phẩm” của nó như vầy:


Trên quê hương sau 40 năm Thống Nhất còn đó tương phản đoạn trường!? 
(Ảnh minh họa)

Lê Trần Thu Nguyệt - Lớp 12/A4 - Trường THCS III - Quận... TP/HCM

Môn Văn Học - Đề bài: “Xung quanh bạn, những thành tựu đổi mới của xã hội đất nước, có thứ nào đôi khi có thể sẽ tốt hơn, nếu: (theo suy nghĩ của bạn)...?” 

Bài Làm 

Sáng ngày 30 tháng 4 - Trôi theo dòng người tấp nập Tôi ngược lên cầu Thị Nghè rẽ trái đường Nguyễn Bỉnh Khiêm định vào đại lộ Lê Duẩn xem lễ duyệt binh chào mừng “Đại Thắng”, nhưng đến trước thảo cầm viên là cảnh sát công an ách lại kiểm ra, chỉ có giấy mời mới vào được khu vực trung tâm hành lễ.

Lỡ đi rồi biết làm sao, đứng bên lề đường trưa nắng như thiêu đốt, một chiếc xe bus quân đội đời mới dừng lại mở cửa hơi lạnh từ trong xe hắt ra mát rượi nhiều người đứng tuổi trên xe bước xuống, quân phục “Giải Phóng Quân” mới tinh một màu xanh lá với huân, huy chương lủng lẳng đầy ngực xếp hàng đủng đỉnh oai vệ đi sau người cầm cờ hướng vào khán đài.

Khát nước, bước qua bên kia đường mua ly nước mía, mắt tôi chợt dừng lại dưới đất cách vài bước chân ngồi bên cột đèn đường hứng cái nắng chói chang gay gắt là một bóng người lớn tuổi đen đúa cụt cả đôi chân cái nón vải sùm sụp trên đầu và chiếc áo rằn ri lá cây rừng bạc màu nắng gió trước mặt là cái lon sắt cũ kỹ đựng tiền lẽ. 

Cầm ly nước mía tự nhiên đôi chân tôi bước lại, ngồi xuống 2 tay bê ly nước tôi ngỏ lời: Thưa, cho cháu mời bác ly nước và cũng không quên bỏ vào cái lon sắt tờ bạc mười ngàn đồng, ngạc nhiên bên trong cái lon sắt nằm chèo queo là cái huy chương bằng kim loại cũ mèm, tôi cầm lên ngắm nghía hỏi khẽ: bác là thương binh? Bác ấy cười móm mém: Thưa cô, tôi là phế binh chế độ cũ QL/VNCH, cái huy chương đó là “Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu” kỷ niệm trận ĐăkTô, Tân Cảnh.

Đứng ở đây xa quá không xem được gì nhiều. Tôi mua vé vào Thảo Cầm Viên kề bên, ngồi trên thảm cỏ xanh dưới bóng cây trốn cái nắng mang theo trong lòng một thứ gì đó nằng nặng, không dưng tự nhiên bỗng thấy vương vấn một thoáng ngậm ngùi...

Rồi tự hỏi: Sao cũng là người Việt Nam cũng chiến binh như nhau nhưng ngày “đại thắng” thống nhất non sông, dân tộc chứng kiến 2 số phận “Vinh Nhục” đôi đường tương phản đến não lòng như vậy?.

Rồi như tự trả lời cho chính mình: Nếu ngày xưa sau khi bị chia đôi 2 miền đất nước vào năm 1954 sao Miền Bắc, Bác Hồ không làm như miền Nam là “tuyên chiến” nhưng tuyên chiến với đói nghèo lạc hậu với nhược tiểu của một quốc gia vừa thoát tròng 100 năm nô lệ, 2 miền Bắc Nam cùng thi đua nhau, Sài Gòn ông Ngô Đình Diệm thì dựa vào viện trợ của Mỹ và các nước tư bản để phát triển cùng nhịp điệu với các quốc gia Đông Nam Á. Hà Nội thì ông Hồ Chí Minh dựa vào Liên Xô, Trung Quốc và khối Đông Âu viện trợ xây dựng lại miền Bắc sau cơn đói tang thương Ất Dậu, chưa cần thiết phải tuyên chiến đánh nhau và với vị trí đắc địa nhìn ra Biển Đông trên “đại lộ” hàng hải quốc tế thì sau hơn 60 năm (kể từ 1954) nếu sáng suốt và khôn khéo thì hôm nay chí ít 2 miền Bắc Nam đã như là Hàn Quốc - Đài Loan hay Singapore, kinh tế phát triển bao nhiêu thì xã hội kiến thức văn minh con người cũng cao theo chừng ấy và lúc này sau bao nhiêu năm, là lúc người dân 2 miền sẽ biết phải làm như thế nào để tương thích với tầm cao trí tuệ, để nhân danh nhân quyền nhất trí bằng một cuộc biểu quyết thống nhất trong êm đềm văn minh như Đông và Tây Đức trước kia và sẽ bầu tổng thống và Quốc Hội mà nhân sự là tổng hợp nhân tài trộn lẫn của cả 3 miền Trung Nam Bắc trong công bằng quang minh chính trực. 

Và như vậy là hoàn toàn không có mấy triệu người, một thế hệ thanh niên rường cột quốc gia nằm xuống, không có biết bao cảnh tang thương đoạn trường do khói lửa chiến tranh bom đạn từ nước ngoài mang vào gây ra và quan trọng là đôi khi qua cuộc bầu cử thống nhất bởi trí tuệ văn minh nhân quyền đích thực của toàn dân phát triển qua 60 năm không bị chiên tranh hôm nay có thể Việt Nam không phải là một nước CS/XHCN mà được toàn dân chọn lựa là một quốc gia đa nguyên tự do dân chủ như đa phần các quốc gia trong LHQ hiện nay và vì vậy chắc chắn không có hình ảnh ngày lễ “Thống Nhất” duyệt binh mà có Bác thương binh QL/VNCH miền Nam ngồi bên vệ đường nắng bụi cùng cái huy “Anh Dũng Bội Tinh” và nhất là sẽ có gần trăm triệu người cùng chung vui chứ chẳng có triêu người nào buồn…

Tóm lại có rất nhiều thứ, nhưng một thứ lớn nhất “có thể sẽ làm cho xã hội tốt hơn rất nhiều so với ngày nay, nếu không có cuộc chiến tranh phát xuất từ miền Bắc vào miền Nam” gây ra.

Con gái tôi dưới nhà đi lên hỏi: Ba thấy bài viết con ra sao mà Thầy con nói “rất muốn cho em điểm 9 bài văn này, nhưng không thể”? mà con thì không thể nào hiểu nổi? 

Tôi im lặng chỉ cười buồn nhìn con mình cắp cặp lên lầu chuẩn bị làm lại bài mới dù muốn nói với con: Hơn ba triệu đảng viên CSVN trong đó hàng chục ngàn Thạc Sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư mà họ còn không muốn hiểu thì một học sinh 17 tuổi như con thì làm sao hiểu được... Một mai không còn chủ nghĩa CS trên đất nước mình ắt con sẽ hiểu mà không cần đến ai để giải thích.

14/05/2015




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo