Chu Chi Nam/Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Tập Cận Bình sẽ gặp Obama vào ngày 25/9. Quả đây là một cuộc gặp gỡ siêu cường. Dù muốn hay không, Trung Cộng hiện nay quả thực là một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới với tổng sản lượng 11 ngàn tỉ đô la, chỉ sau Hoa Kỳ với 18 ngàn tỉ đô. Nhiều vấn đề sẽ được đặt ra trong cuộc gặp gỡ này, từ việc nóng bỏng đến việc dài hạn, từ quân sự đến chính trị, kinh tế, không những liên quan đến 2 nước mà cả toàn cầu.
Chúng ta hãy thử suy ngẫm và tiên đoán về cuộc gặp gỡ trên.
I. Vấn đề nóng bỏng
a. Vấn đề tin tặc: Trước hết là vấn đề tin tặc và biển Đông Nam Á. Như chúng ta đã biết cách đây ít lâu TC đã dùng 3000 hackers của mình để ăn cắp tin tức và tài liệu ở trên toàn thế giới trong đó có Hoa Kỳ.
Riêng đối với HK, TC vào lúc đầu đã ăn cắp được 4 triệu hồ sơ mật liên quan đến các hãng xưởng và công chức, sau đó theo bà Giám Đốc cơ quan công chức HK thì con số này lên tới gấp 5 lần tức khoảng 20 triệu, khiến bà này phải từ chức. Tuy nhiên chính phủ HK không có một biện pháp mạnh mẽ nào. Đây là một vấn đề mà nhiều giới bình luận và giới tình báo phải đặt câu hỏi lớn.
Trong vấn đề tình báo, người ta chỉ la lớn, khi nào người ta bị là nạn nhân, nếu người ta là thủ phạm thì người ta im hơi lặng tiếng.
Trong vấn đề tình báo, nhất là điện toán, thì giới khoa học cho rằng HK ít là nạn nhân hơn là thủ phạm. Trong lãnh vực kỹ thuật khoa học, ít nhất là điện toán, HK ở địa vị gần như tuyệt đối, bảo rằng HK kiểm soát 100% trong lãnh vực điện toán thì không đúng; tuy nhiên có thể nói rằng HK có thể kiểm soát 90% trong lãnh vực này. Vì vậy cho rằng HK là nạn nhân thì khó tin, một bằng chứng cụ thể trong lãnh vực khoa học, nhất là điện toán, Âu Châu không thua gì HK, thế mà những điện thoại cầm tay của các vị lãnh đạo Âu Châu đều bị nghe lén .
Cho nên việc nghe lén cũng như việc ăn cắp tài liệu mật của những nước khác trong đó có Nga và TC là chuyện dễ xẩy ra, hơn là ngược lại.
Cho nên vấn đề Hackers, người ngoài cho rằng là một vấn đề nóng bỏng, tuy nhiên vấn đề này HK đã có những đối sách từ lâu.
a. Vấn đề biển Đông Nam Á
Hành động bồi đắp những đảo đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của VN và hành động HK cho chiếc máy P-8-A, chiếc máy bay tối tân này, đã được chính viên Tổng tư lệnh quân đội HK ở Thái Bình Dương, bay trên quần đảo TS, mặc dù có sự cảnh cáo của TC tuyên bố rằng không phận này là của mình, nhưng HK xác định đó là vùng không phận quốc tế .
Đây cũng là vấn đề nóng bỏng khác nữa giữa TC và HK, vậy 2 nước sẽ giải quyết như thế nào?
Chúng tôi xin mạo muội đưa ra một vài tiên đoán khiêm nhượng: Phải chăng vụ tranh chấp biển Đông có thể đưa tới chiến tranh giữa TC và HK, hơn thế nữa là đưa đến đại chiến thứ III? Điều này rất khó xẩy ra, vì cả 2 nước đều thấy không có lợi, nhất là nếu chúng ta so sánh tương quan lực lượng giữa 2 nước, thì cán cân ngả về Hoa kỳ quá rõ (xin nói ở phần quân sự).
Phải chăng sẽ xẩy ra cuộc chiến vùng giữa TC và Nhật Bản hay một vài nước nào khác như Phi Luật Tân và Việt Nam? Giữa TC và Nhật Bản cũng khó xẩy ra vì lực lượng hải và không quân Nhật không thua gì TC, nếu không muốn nói là còn hơn nữa và hiện đại hóa hơn. Thêm vào đó Nhật có hiệp ước quân sự hỗ tương với HK .
Chiến tranh giữa TC và Phi Luật Tân: Quả thật Phi Luật Tân về quân sự kém TC, nhất là về hải quân và không quân. Tuy nhiên PLT đã là đồng minh và có ký hiệp ước quân sự lâu đời với HK, HK không thể nào bỏ rơi PLT, nếu làm như vậy thì HK sẽ mất tín nhiệm với những đồng minh của mình.
Chiến tranh giữa TC và VN: nhiều người cho rằng cũng sẽ khó xẩy ra, vì giữa VN và TC có nhiều liên hệ qua 4 tốt và 16 chữ vàng, giới lãnh đạo CSVN hiện nay chỉ là những thái thú của TC. Tuy nhiên vì vấn đề tranh chấp quyền hành nội bộ ở TC, Tập Cận Bình có thể giương oai dụng võ ra bên ngoài để củng cố quyền lực, như thời Đặng Tiểu Bình đã gởi quân qua đánh VN năm 1979.
Đây là một điều rất có thể xẩy ra vì VN hiện nay không có hiệp ước quân sự nào với HK và lập trường của VN lúc ngả bên này, lúc nghiêng bên nọ, làm mất tin tưởng của những nước trong vùng Đông Nam Á .
2. Vấn đề quân sự.
So sánh lực lượng quân sự giữa 2 nước TC và HK: TC có 9150 chiếc xe tăng, 2860 chiếc máy bay, 673 chiếc tầu , trong đó có 1 chiếc hàng không mẫu hạm và 67 chiếc tầu ngầm. HK có 8848 chiếc xe tăng, 13892 chiếc máy bay, 473 chiếc tầu thủy trong đó có 20 chiếc hàng không mẫu hạm và 72 tầu ngầm.
Nhìn vào tổng thể thì số lượng vũ khí của TC hơn HK như về chiến xa và tầu chiến. Tuy nhiên về phẩm chất thì TC thua xa HK trên phương diện máy bay, tầu chiến, tầu ngầm và hàng không mẫu hạm.
Về máy bay hiện nay HK đang ở vào thế hệ thứ 4, thứ 5, với F22 và F 35, trong khi đó máy bay của TC là mua của Nga hay lắp ráp bắt chước Nga, mới vào thế hệ thứ 2; nếu so sánh thì chỉ bằng F-16 của HK.
Về tầu ngầm: số tầu ngầm của TC không thua xa HK, tuy nhiên tầu ngầm của TC phần lớn chạy bằng dầu thì lâu lâu phải xuất hiện để lấy nhiên liệu, cũng như chạy bằng dầu thì có tiếng động lớn, dễ bị phát hiện. Trong khi đó tầu ngầm của HK phần lớn chạy bằng nguyên tử, cả năm mới cần xuất hiện; và chạy bằng nguyên tử thì êm hơn, không dễ dàng bị phát hiện.
Về hàng không mẫu hạm thì TC thua cả về số lượng và phẩm chất. Chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, mua lại rẻ tiền của Ukhrain, cho tới hôm nay cũng chỉ là một vũ khí tuyên truyền đối với dân , chứ không phải là 1 vũ khí quân sự, vì những máy bay chưa thể đáp xuống chiếc hàng không mẫu hạm này.
Cuộc tranh hùng TC và HK trong tương lai có chiều hướng xẩy ra bằng hải và không quân, vì vấn đề biển đông, HK bằng bất cứ giá nào cũng buộc phải bảo đảm con đường hàng hải quốc tế này nơi đang vận chuyển 40% hàng hóa thế giới, nơi là mạch sống của nhiều nước trong vùng, chẳng hạn như Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân .v.v.
Nhưng về hải và không quân thì TC quá thua xa HK. Trung cộng như vừa nói có với số lượng 673 chiếc tầu chiến; nhưng những chiếc tầu này chỉ có thể hoạt động ở ven biển hay ở mức độ tầm trung. Trong khi đó nếu có cuộc tranh hùng thì phải có những chiếc tầu chiến hoạt động ở mức độ tầm xa và những chiếc máy bay tối tân.
Ở điểm này TC rất khó mà gây chiến với HK,vì thắng bại quá rõ rệt.
3. Vấn đề kinh tế:
Không ai có thể phủ nhận rằng trong vòng hơn 20 năm qua kinh tế TC đã tăng trưởng ngoạn mục lên đến 2 con số. Một phần cũng là nhờ HK chấp nhận TC vào tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và cho quy chế tối huệ quốc, tuy nhiên TC đã hành xử không coi trọng luật lệ kinh tế quốc tế, thêm vào đó lại sao chép trái phép làm hàng giả, đồ ăn độc hại. Ngay từ nhiệm kỳ đầu của Obama, ông đã cảnh cáo TC: “Trung cộng là 1 cường quốc, nhưng không hành xử có trách nhiệm như 1 cường quốc.” TC vẫn bịt tai làm ngơ, vì vậy nên có những phong trào phản đối, tẩy chay hàng hóa TC cùng những hãng xưởng ngoại quốc bắt đầu rời khỏi TC.
Chính vì vậy, cùng nhiều lý do khác, TC đã bắt đầu gặp khó khăn kinh tế: ngày hôm nay tỉ số tăng trưởng của TC không còn ở 2 con số nữa mà chỉ còn 1 số .Theo dự đoán của Quỹ tiền tế quốc tế thì tăng trưởng của TC vào năm 2015 là vào khoảng 6,5 hay 6,8% .
Thực ra kinh tế TC đã bắt đầu khủng hoảng cùng kinh tế thế giới vào năm 2008, vì bề ngoài là kinh tế tư doanh, nhưng trên thực tế bên trong là kinh tế quốc doanh. Chính quyền đã dùng tiền nhà nước bơm vào các hãng xưởng quốc doanh để che mắt dân Tầu và mắt thế giới.
Kinh tế TC, một cách tổng quát có thể thâu tóm trong 3 tập đoàn chính: 1) Tập đoàn địa ốc 2) Tập đoàn sản xuất dữ liệu máy vi tính 3) Tập đoàn khai thác dầu khí và xây cất đường xá. Trong 3 tập đoàn này, tập đoàn sản xuất dữ liệu điện toán hầu như hoàn toàn xập tiệm vì những hãng xưởng quốc tế lớn đã rút khỏi TC. Tập đoàn địa ốc đã nổ bong bóng vào năm 2014. Có cả những thành phố xây lên mà không có người ở, người ta gọi là những thành phố ma. Còn tập đoàn dầu khí và xây đường xá đã bỏ rất nhiều tiền đi đầu tư và tìm kiếm dầu khí trên thế giới nhưng luôn bị thua lỗ .
Để che mắt dân và thế giới, chính quyền TC đã bơm tiền vào các hãng xưởng có mặt trên thị ttrường chứng khoán, đồng thời khuyến khích dân cũng như tạo điều kiện dễ dãi tối đa để cho dân mua chứng khoán, tuy nhiên đó chỉ là một cái gì có tính cách tạm thời và bất bình thường. Thị trường chứng khoán TC đã bắt đầu tụt dốc từ giữa tháng 6/2015 làm cho 200 triệu dân TC bị lỗ về thị trường chứng khoán. Đây là giai tầng trung lưu, một giai tầng năng động trong những khúc ngoặc của lịch sử. Khi giai tầng này đã mất hết tin tưởng vào chính quyền thì đó là một hiểm họa tiềm tàng trong tương lai.
Kinh tế TC phần lớn là nhằm vào xuất cảng, tuy nhiên vào tháng 8 vừa qua nếu so sánh với tháng 8 năm trước thì xuất cảng của TC đã giảm 8,3%: riêng đối với Nhật thì giảm 13%, với Âu Châu 12%, HK 1,8%. Chính vì lẽ đó mà TC đã nhiều lần phá giá đồng bạc với tỉ số 4,6%.
Cuộc gặp gỡ Obama - Tập Cận Bình, vấn đề kinh tế cũng sẽ được bàn tới. Tuy nhiên ảnh hưởng kinh tế của TC đối với kinh tế HK không có ảnh hưởng lớn, vì HK xuất cảng sang TC 1 năm khoảng 140 tỉ đô, tương đương bằng 0,75% tổng sản lượng quốc gia, trong khi đó TC xuất cảng nhiều sang HK 1 năm khoảng 400 tỉ, nay con số này giảm xuống thì HK càng mừng vì cán cân ngoại thương bớt thâm thủng và cũng là một cơ hội có thể tự sản xuất hay mua từ những nước khác.
4. Ai ở thế thượng phong?
Nhìn chung thì trong cuộc gặp gỡ giữa Obama - Tập Cận Bình, Obama ở thế thượng phong vì những lý do sau:
Obama đã ở vào thời kỳ cuối của nhiệm kỳ II, không còn quá bận tâm về vấn đề tranh cử; trong khi đó với Tập Cận Bình, vấn đề tranh giành quyền hành với Giang Trạch Dân đang ở mức độ gay gắt.
Vụ nổ ở Thiên Tân, ngay từ miệng cuả Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng vụ này có liên quan đến vấn đề chính trị. Theo nhiều nhà am tường về tình hình chính trị nội bộ ở TC, thì đây là vụ âm mưu ám sát một lần nữa Tập Cận Bình, do tay em Giang Trạch Dân chủ mưu. Hiện nay Tập Cận Bình tung ra quyển sách tố cáo gia đình Giang Trạch Dân là Hán gian, liên can đến Nhật trong thời chiến tranh Nhật - Trung. Ở điểm chính trị quốc nội này, Obama có ưu thế hơn Tập Cận Bình.
Về vấn đề kinh tế thì kinh tế HK hiện nay đã ở mức độ phục hồi, tỉ số thất nghiệp chỉ còn 5,5% , mức độ tăng trưởng 2,5%; có thể trong tương lai rất gần là Ngân hàng trung ương HK có thể sẽ tăng lãi xuất chỉ đạo ,điều này chứng tỏ kinh tế HK đã vững mạnh. Ở điểm này thì Obama hơn Tập Cận Bình.
Về vấn đề quân sự và vấn đề tình hình chin trị quốc tế nói chung:
Tình hình chính trị quốc tế: mặc dầu chưa tiêu diệt hẳn khủng bố IS (Islamic State) ở Trung Đông; nhưng tình hình ở vùng này trong thời gian gần đây cũng được gọi là tương đối lắng dịu, Liên minh chống khủng bố gồm 40 nước đã hoạt động mạnh với sự yểm trợ của không quân HK. Không quân HK đã dùng máy bay không người lái truy lùng để giết nhiều lãnh tụ của bọn khủng bố IS.
Về tình hình quân sự và chính tri tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì đến năm 2020 HK sẽ chuyển trục hơn 60% lực lượng quân sự vào vùng này; và mặc dầu ngân sách quốc phòng của HK có giảm, khi xưa là 770 tỉ, ngày nay là 577 tỉ tuy nhiên ngân sách quốc phòng cho vùng này thì không giảm. Thêm vào đó, HK đã có thể ký hiệp ước thân thiện quân sự với nhiều nước trong vùng; trong khi đó thì TC càng ngày càng bị cô lập. Lại một lần nữa, Obama có ưu thế hơn Tập Cận Bình.
Ngày 25/9 này, TCB sẽ sang HK và theo như một vài tiết lộ thì Tập Cận Bình sẽ được đón tiếp một cách trọng thể với 21 phát súng đại bác, điều này làm cho một số người nghĩ rằng HK cần đến TC, Obama cần đến Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn đi ngược lại. Kinh tế TC hiện giờ đang xuống dốc, cần đến kinh tế của HK nhiều hơn. Tập Cận Bình đang cần đến Obama để nâng cao uy tín của mình, không những trên trường quốc tế mà chính là ở quốc nội, để giải quyết vấn đề tranh chấp quyền hành.
Chúng ta còn nhớ vụ Bạc Hy Lai khiến tay em của họ Bạc là Vương Lập Quân chạy trốn vào Tòa Tổng lãnh sự HK ở Trùng Khánh. Sau đó HK trao Vương Lập Quân cho chính quyền Bắc Kinh còn dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào vào những ngày cuối trước khi Tập cận Bình lên ngôi. Và từ đó người ta mới phát giác ra rằng Bạc Hy Lai cùng Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu - tay em của Giang Trạch Dân định làm một cuộc đảo chính Tập Cận Bình, và cũng từ đó có người cho rằng HK qua tòa tổng lãnh sự ở Trùng Khánh đã cung cấp tin tức để cứu Tập Cận Bình. Điều này không phải là không có lý.
Ngày hôm nay, Obama tiếp đón long trọng Tập Cận Bình ở Hoa kỳ. Phải chăng đây là lần thứ 2 mà Obama lại cứu Tập Cận Bình?
Điều này cũng chỉ là một giả thuyết như nhiều người đưa ra.
Nhưng chúng ta cũng nên thận trọng.
Paris ngày 19/09/2015
(1) Xin xem them những bài về Hoa kỳ và Trung cộng trên: http://perso.orange.fr/chuchinam/